Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 10-09-2017:

  • Cập nhật : 10/09/2017

Mỹ: Quân đội nhận lệnh bắn hạ tên lửa Triều Tiên, tàu đổ bộ tấn công lên đường

Sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm bom nhiệt hạch, có tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh bắn hạ mọi tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên hướng tới đảo Guam và lãnh thổ Mỹ cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc. Không chỉ có vậy, một tàu đổ bộ tấn công đa dụng chở cả phi đội chiến đấu cơ tàng hình F-35B của Mỹ cũng đang trên đường tới gần Bán đảo Triều Tiên.

Ngày 7/9, các nguồn tin thân cận với đội ngũ an ninh quốc gia tại Nhà Trắng tiết lộ với hãng Newsmax (Mỹ) rằng sau khi Bình Nhưỡng đe dọa phóng tên lửa đạn đạo (ICBM) vào đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương, quân đội Mỹ đã nhận được lệnh bắn hạ mọi tên lửa của Triều Tiên 

ten lua hwasong-12 cua trieu tien duoc phong tai mot dia diem bi mat. anh: afp

Tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên được phóng tại một địa điểm bí mật. Ảnh: AFP

 

Ngoài ra, nguồn tin còn nói với Newsmax rằng ông Trump đang cân nhắc lệnh bắn hạ mọi tên lửa của Triều Tiên nhắm tới Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.

Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton nhận định với Newsmax: “Đây rõ ràng là phòng thủ và không có nghi ngờ gì về việc chúng tôi nên làm điều này”. Ông Bolton cho rằng Mỹ cần phải có hành động để bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản - những quốc gia “đang gặp nguy hiểm”.

Ngày 3/9, Tổng thống Trump bày tỏ với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng toàn bộ tiềm lực, bao gồm vũ khí hạt nhân, sẵn sàng để đối phó với Triều Tiên. Cùng ngày 3/9, Triều Tiên đã tiến hành thử bom nhiệt hạch. 

Trước đó, Mỹ đã cử 4 chiến đấu cơ tàng hình F-35B và hai máy bay ném bom B-1B kết hợp với 4 chiếc F-15K của Hàn Quốc cùng bay trên bầu trời Bán đảo Triều Tiên ngày 31/8.

Tổng thống Trump từng cảnh báo Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “lửa cháy và thịnh nộ” nếu tiếp tục đe dọa Mỹ.

Mỹ luôn phản đối chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ không từ bỏ trừ khi Washington chấm dứt chính sách thù địch với nước này.

tau do bo tan cong da dung uss wasp cua my.

Tàu đổ bộ tấn công đa dụng USS Wasp của Mỹ.

 

Trong một diễn biến liên quan, tàu đổ bộ tấn công đa dụng Mỹ USS Wasp chở hàng loạt chiến đấu cơ F-35B đã rời Virginia để tới Sasebo (Nhật Bản) gia nhập Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ. Theo hãng Sputnik (Nga), động thái này đồng nghĩa với việc USS Wasp đã mang những chiến đấu cơ tối tân nhất thuộc Mỹ tới gần Bán đảo Triều Tiên.

Được biết USS Wasp không có nhiều diện tích để chiến đấu cơ cất cánh và hạ cánh như hàng không mẫu hạm lớp Nimitz lớn hơn. Nhưng F-35B có khả năng cất cánh thẳng như trực thăng và hoạt động được trên không tương tự chiến đấu cơ.
 
Chỉ huy tàu USS Wasp là Andrew Smith ngày 30/8 cho biết việc đưa chiến hạm tới gần Bán đảo Triều Tiên “đảm bảo những công nghệ không lực tối tân nhất của Mỹ sẵn sàng được điều động”.

“Tiềm lực của chúng ta, kết hợp với chiến đấu cơ F-35B, sẽ tăng cường khả năng tấn công chính xác cho Hạm đội 7. USS Wasp sẽ hỗ trợ cam kết của Mỹ với an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ - châu Á Thái Bình Dương”, ông Smith cho hay.

Đây là lần thứ hai USS Wasp vận chuyển phi đội F-35 tới khu vực. Lần đầu tiên, USS Wasp mang theo 8 chiếc F-35 tới Căn cứ không quân của Mỹ tại Okinawa trong tháng 3. 

Có tới 100 chiếc F-35 dự kiến sẽ bay lượn gần Bán đảo Triều Tiên trong những năm tới. Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã lên kế hoạch mua hơn 40 chiếc F-35 mỗi nước, từ tập đoàn vũ khí Lockheed Martin (Mỹ). (Baotintuc)
---------------------

Đạn phòng thủ Mỹ đã lên nòng trước tên lửa Triều Tiên

Theo CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ra lệnh cho lực lượng phòng thủ nước này tại Guam, Alaska... sẵn sàng bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Triều Tiên.

Thông tin này được CNN dẫn nguồn tin từ nhóm cố vấn an ninh của ông Trump cho biết, chỉ thị được đưa ra cho giới chức Lầu Năm Góc trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa, đặc biệt là vụ thử bom nhiệt hạch hôm 3/9. Không dừng lại ở đó, Triều Tiên thậm chí dọa bắn 4 tên lửa gần đảo Guam.

CNN cho biết, những đe dọa và mối nguy hiểm đến từ kho tên lửa của Bình Nhưỡng đã khiến Mỹ không thể ngồi im mà phải sẵn sàng hành động. Ngoài ra, Tổng thống Trump còn ra chỉ thị sẵn sàng bắn rơi bất cứ tên lửa nào của Triều Tiên bay về phía các đồng minh Đông Bắc Á là Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ngay trước khi chỉ thị của Tổng thống Trump được đưa ra, CNN đã công bố đoạn video ghi lại cảnh bên trong Căn cứ Fort Greely có nhiệm vụ chặn đòn tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ các thế lực bên ngoài, trong đó có tên lửa Triều Tiên vào Mỹ.

he thong thaad tai guam.

Hệ thống THAAD tại Guam.

Theo nội dung được công bố, tại Khu phức hợp Phòng vệ Tên lửa ở Fort Greely, Alaska hiện có 38 tên lửa sẵn sàng được phóng để đánh chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo. Trong thời gian tới, căn cứ sẽ được nhận thêm 6 tên lửa nữa.

Orlando Ortega, vị quan chức cấp cao tại căn cứ chiến lược này cho biết: "Chúng tôi được huấn luyện để phóng tên lửa vào một tên lửa nhằm phá hủy nó, để nó không tiêu diệt chúng ta. Triều Tiên đang thực sự hung hăng hơn trong các vụ thử và những lời đe dọa".

Thượng nghị sĩ Dan Sullivan tuyên bố: "Việc Triều Tiên có tên lửa hạt nhân xuyên lục địa chỉ còn là vấn đề thời gian. Không thể không làm gì khi đối mặt với mối đe dọa như vậy, tôi nghĩ hầu hết người Mỹ đều đồng tình với tôi".

Nguồn tin này cho biết, hiện Căn cứ Fort Greely đang được trang bị những tên lửa đánh chặn PLV. Loại tên lửa này được trang bị 1 đầu đạn EKV và có nhiệm vụ đưa đầu đạn tiếp cận mục tiêu. Khi cách mục tiêu khoảng 2000 km, EKV sẽ tự động tách ra và hoàn thành nốt nhiệm vụ.

Chỉ 2 phút sau khi tên lửa đánh chặn được phóng lên, đầu đạn EKV sẽ tự động tách ra khỏi phần động cơ tên lửa. Trước khi tách ra, EKV sẽ được cập nhật những thông tin cuối cùng về vị trí và quỹ đạo của mục tiêu, sau đó nó sẽ tự động xác định mục tiêu và dẫn đường bằng các cảm biến của mình.

Một trong những hệ thống dẫn đường của EKV là dựa trên vị trí của những chòm sao, bằng việc so sánh vị trí tương đối với 1 chòm sao, EKV có thể tự xác định và dẫn đường đến mục tiêu. Hoạt động của đầu đạn EKV sau khi tách khỏi tên lửa là hoàn toàn độc lập, nó không nhận được bất kỳ sự hướng dẫn hay thông tin nào khác từ trung tâm.

Dù không nhận được sự điều khiển từ trung tâm nhưng hoạt động của EKV là vô cùng chính xác, chỉ 6 phút sau khi tách khỏi tên lửa nó sẽ tự động dẫn đường, tiếp cận mục tiêu và tiêu diệt. Vụ va chạm ở độ cao gần 200km do đó không gây thiệt hại gì cho những khu vực dưới mặt đất.

Cùng với căn cứ Căn cứ Fort Greely, những hệ thống đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối THAAD tại Guam cũng đã sẵn sàng nhả đạn một khi Triều Tiên phóng tên lửa về phía hòn đảo này.

Được biết, ngay từ cuối năm 2014, THAAD đã được triển khai tại Guam với mục tiêu chính là ngăn chặn các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên, Trung Quốc và cả Nga. Tuy nhiên trong các thông báo chính thức của mình, Lầu Năm Góc chỉ đề cập đến Bình Nhưỡng và cố tình bỏ qua Bắc Kinh và Moscow.

THAAD là hệ thống đánh chặn tên lửa hiện đại nhất hiện nay của Quân đội Mỹ được đưa vào trang bị từ năm 2008 trong bối cảnh nguy cơ nước Mỹ bị tấn công bằng các loại tên lửa đạn đạo tầm xa từ các quốc gia thù địch ngày càng lớn, và khả năng tác chiến của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot không còn hiệu quả trong môi trường chiến tranh hiện đại.

Nó được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Theo tuyên bố của Mỹ, đối phó với cuộc tấn công bằng ICBM của Triều Tiên không phải là nhiệm vụ khó của THAAD.(ĐVO)
--------------------

 

 

 

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục