Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý trưa 10-09-2017

  • Cập nhật : 10/09/2017

NATO: Thế giới đang ở thời điểm nguy hiểm nhất

Thế giới trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết trong thời đại này, NATO cảnh báo giữa lúc Nga sắp huy động 100.000 binh lính tập trận ở Đông Âu và khủng hoảng Triều Tiên leo thang.

"Thế giới ngày càng khó lường, và ngày càng khắc nghiệt bởi vì chúng ta có quá nhiều thách thức cùng một lúc", Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhận định trong chuyến thăm căn cứ quân sự của Estonia ở Tapa cách biên giới Nga khoảng 120 km.

"Chúng ta đang phải đương đầu với phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Triều Tiên, chúng ta phải đối phó với những kẻ khủng bố, tình hình bất ổn, và chúng ta có một nước Nga ngày càng quyết đoán hơn", ông Stoltenberg nói. "Đó là một thế giới nguy hiểm hơn".

GettyImages843396546

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg thăm căn cứ quân sự của Estonia ở Tapa. (Ảnh: Getty)

Guardian cho hay Tổng thư ký Stoltenberg vừa hoàn thành chuyến thăm 4 nhóm chiến đấu đóng tại Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan, hình thành nên lực lượng tiên phong của NATO nhằm bảo vệ biên giới phía đông. Ông nói việc triển khai quân đội "phòng thủ" nhằm gửi thông điệp tới Nga rằng tấn công vào một đồng minh của NATO là tấn công toàn bộ liên minh quân sự này. 

Từ ngày 14-20/9, quân đội Nga và Belarus sẽ tham gia vào sự kiện nhiều khả năng là cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Moscow kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ước tính khoảng 100.000 binh lính, nhân viên an ninh và quan chức dân sự của Nga sẽ được huy động cho cuộc tập trận Zapad 2017 ở Biển Baltic, phía tây Nga, Belarus và Kaliningrad, vũng lãnh thổ hải ngoại của Nga nằm giữa Litva và Balan. 

Tổng thư ký NATO bày tỏ quan ngại về việc Matcơva không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế khi không có sự giám sát của các quan sát viên quốc tế. Công pháp quốc tế quy định các cuộc tập trận với quân số lớn hơn 13.000 cần phải có các quan sát viên quốc tế được mời đến theo dõi.

"Nga nói rằng quân số của họ dưới 13.000 người", ông Stoltenberg cho biết. "Nhưng chúng ta hãy nhìn hai cuộc tập trận Zapad trước đó vào năm 2009 và 2013. Con số binh lính đã lớn hơn thế rất nhiều".

Trong khi đó, ở bên kia của thế giới, chính phủ Hàn Quốc đang phải đối mặt với biểu tình ở địa phương khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD gây tranh cãi của Mỹ, nhằm đối phó với những cuộc tấn công tiềm tàng từ Triều Tiên trong tương lai.

Trong thời gian gần đây, Bình Nhưỡng vừa phóng tên lửa đạn đạo tầm trung qua lãnh thổ Nhật Bản, đe dọa Guam, lãnh thổ trên Thái Bình Dương của Mỹ, và thử bom hạt nhân mà Triều Tiên tuyên bố là vụ thử thành công bom nhiệt hạch có thể gắn lên tên lửa đạn đạo liên lục địa. (Zing News)
----------------------

Nhật Bản, Mỹ diễn tập trên không ở Biển Hoa Đông

Lực lượng Phòng không Nhật Bản thông báo ngày 9/9, các máy bay chiến đấu F-15 của nước này đã tiến hành một cuộc diễn tập với các máy bay ném bom B1-B của Mỹ ở vùng trời trên Biển Hoa Đông.

 

hai may bay f15 cua nhat ban. anh: wikipedia.org

Hai máy bay F15 của Nhật Bản. Ảnh: wikipedia.org

 

Cuộc diễn tập trên diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc tăng cường đối phó trước khả năng Triều Tiên tiến hành thêm một vụ thử tên lửa để kỷ niệm ngày Quốc khánh, chỉ vài ngày sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6, vụ thử hạt nhân lớn nhất làm rung chuyển các thị trường tài chính và làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Để tham gia cuộc diễn tập trên, Không quân Mỹ đã triển khai 2 máy bay ném bom B1-B Lancer từ căn cứ không quân Andersen trên vùng lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, trong khi phía Nhật Bản đưa 2 máy bay chiến đấu F-15 tham gia diễn tập.

 Trước đó, hôm 31/8, các máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản cũng tiến hành một cuộc diễn tập trên không với các máy bay B1-B và máy bay chiến đấu tàng hình F-35 ở vùng trời phía Nam Bán đảo Triều Tiên, 2 ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo bay qua phía Bắc Nhật Bản.(TTXVN)
-----------------

Nga đã khiến phương Tây bạt vía ở Ukraine

Reuters cảnh báo nếu Mỹ vũ trang cho Ukraine, Nga sẽ đáp trả theo các cách có thể làm tổn hại đến các lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.

Sợ Nga nổi giận

Hãng tin Reuters mới đây có bài phân tích về những bước đi cần thiết của phương Tây ở Ukraine để tránh chọc giận Nga. Nội dung trước hết liên quan tới phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong chuyến thăm mới đây tới Kiev. Theo ông Mattis, Tổng thống Donald Trump chưa đưa ra quyết định về việc vũ trang cho Ukraine, nhưng chắc chắn có nhiều lý do chính đáng để làm vậy.

Theo Reuters, việc vũ trang cho Kiev sẽ giúp họ đối phó tốt hơn với “mối đe dọa” từ Nga, đồng thời giúp Washington gửi thông điệp mạnh mẽ tới Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng việc thay đổi đường biên giới bằng vũ lực là không thể chấp nhận được.

binh si nga tai crimea thang 3/2014

Binh sĩ Nga tại Crimea tháng 3/2014

Tuy nhiên, Reuters cũng cảnh báo rằng dù lấy lý do là sự tức giận về hành vi của Moscow đi chăng nữa, thì sự trả đũa là điều vô cùng rủi ro. Nếu Mỹ vũ trang cho Ukraine, Điện Kremlin sẽ gần như chắc chắn đáp trả theo các cách có thể làm tổn hại đến các lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.

Kịch bản đầu tiên được Reuters nêu ra là Nga có thể leo thang bạo lực bằng cách gửi thêm các binh sĩ hay vũ khí để hỗ trợ các lực lượng đòi độc lập. Ông Trump sau đó có thể đứng trước sức ép gửi thêm nhiều vũ khí tới Ukraine hơn nữa - điều có thể làm theo thang căng thẳng Nga-Mỹ.

Nga cũng có thể trả đũa chống lại các lợi ích của Mỹ ở các khu vực khác trên thế giới. Tại Triều Tiên, Nga có thể làm xói mòn các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhằm buộc Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân. Mặc dù một loạt dự án kinh tế Nga-Triều vẫn bị "đóng băng" bởi các lệnh trừng phạt, nhưng Nga có thể sẽ tái khởi động các dự án này - do đó cung cấp cho Bình Nhưỡng thêm ngoại tệ cho chương trình thử nghiệm của họ.

may bay chien dau cua nga tai syria

Máy bay chiến đấu của Nga tại Syria

Tại Syria, Nga có thể chấm dứt chương trình hợp tác Mỹ-Nga trong việc thực thi lệnh ngừng bắn ở miền Nam Syria. Moscow cũng có thể di chuyển thêm vũ khí - và thậm chí cả vũ khí hạt nhân - tới vùng Kaliningrad của Nga, khu vực giáp ranh Ba Lan và Litva, hoặc gửi vũ khí của Nga cho Taliban ở Afghanistan nhằm xói mòn hoạt động xây dựng quân đội ở quốc gia này.

Nếu xét đến các nguy cơ đối với các lợi ích của Mỹ từ việc vũ trang cho Ukraine, ông Trump cần xem xét cẩn thận cả mặt tích cực và tiêu cực của bước đi này. Trong lúc đó, Mỹ có thể giúp Ukraine theo các cách khác, như việc tăng cường ủng hộ cho các nhà cải cách chống tham nhũng ở Ukraine; khuyến khích các nhà tài trợ quốc tế giúp đỡ Kiev tái xây dựng các khu vực bị chiến tranh tàn phá và thúc đẩy các nước châu Âu ngăn chặn các công ty của họ bán hàng cho các nhà thầu vũ khí của Nga.

Theo Reuters, điều mà Ukraine cần nhất đó là không gian để hoàn tất các cải cách kinh tế và chính trị. Mục tiêu này vẫn rất khó thực hiện bất chấp thỏa thuận Minsk II hồi tháng 2/2015. Đây chính là lĩnh vực mà Washington có thể sử dụng ảnh hưởng ngoại giao của mình. Điều đó sẽ đòi hỏi biện pháp ngoại giao sáng tạo cùng các thỏa hiệp không mấy dễ chịu của cả hai bên, nhưng chúng có thể thực hiện được.

Bánh vẽ cho cả hai

Để “giúp” được Ukraine, theo Reuters, việc đầu tiên phương Tây cần làm là không nên đưa ra thảo luận khả năng Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tư cách thành viên của Ukraine trong tổ chức này vẫn là vấn đề nhức nhối đối với Điện Kremlin.

Tổng thống Nga Putin từng nói trong bài phát biểu hồi năm 2014 về vụ sáp nhập bán đảo Crimea rằng các tuyên bố của Kiev về việc Ukraine sớm gia nhập NATO sẽ không chỉ là điều viển vông mà còn tạo ra mối đe dọa thực sự với toàn bộ miền Nam nước Nga.

linh my dieu binh tai kiev nhan ngay doc lap cua ukraine hom 24/8

Lính Mỹ diễu binh tại Kiev nhân ngày Độc lập của Ukraine hôm 24/8

Việc để Ukraine đứng ngoài NATO sẽ không phải là sự hy sinh quá lớn đối với các nước thành viên. Sức mạnh quân sự áp đảo của Nga ở khu vực Biển Đen khiến NATO khó có thể bảo vệ Ukraine hiệu quả. Trong khi đó, nhiều nước NATO không ủng hộ việc kết nạp Ukraine.

Theo quy định, việc kết nạp thành viên mới cần sự phê chuẩn của tất cả 29 nước thành viên NATO, nên việc mở rộng liên minh bao gồm Ukraine là điều khó có thể xảy ra. Điều này đồng nghĩa rằng Kiev sẽ từ bỏ không nhiều khi ngừng theo đuổi tư cách thành viên NATO trong khi vẫn có thể đòi hỏi sự nhượng bộ từ Moscow trong các lĩnh vực khác.

Đổi lại sự nhượng bộ từ NATO, Moscow phải thừa nhận rằng họ không thể ngăn cản quyền lợi của Ukraine được theo đuổi tư cách thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) - một ưu tiên của Kiev. Đây sẽ là “liều thuốc đắng” đối với Nga và Washington nên nói rõ với Moscow rằng họ không có quyền ngăn cản Ukraine theo đuổi cái mà họ coi là “số mệnh phương Tây” của mình.

phuong tay co coi trong loi ich cua ukraine va nga?

Phương Tây có coi trọng lợi ích của Ukraine và Nga?

Một khi hai vấn đề địa chính trị này được giải quyết, sẽ dễ dàng hơn cho Washington trong việc giúp đỡ Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận trong các lĩnh vực khác. Một thỏa thuận cuối cùng phải đòi hỏi rằng Điện Kremlin ngừng hỗ trợ quân sự cho các tay súng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine và cho phép Kiev giành lại kiểm soát hoàn toàn ở biên giới với Nga. Đổi lại, Kiev nên từ bỏ sử dụng vũ lực để giành lại vùng lãnh thổ miền Đông và đề xuất mô hình tự trị đặc biệt cho hai nước cộng hòa tự xưng.

Vấn đề Crimea có thể sẽ là vấn đề khó khăn nhất cần giải quyết. Reuters đề xuất rằng cần có một công thức nào đó về việc chia sẻ chủ quyền hoặc Nga sẽ trả tiền cho Ukraine.

Để thúc đẩy các thỏa thuận, Mỹ có thể đưa ra “món quà hối lộ” như đề xuất giảm bớt trừng phạt với Nga trong khi đề nghị giúp đỡ Ukraine tái xây dựng vùng Donbass. (Đông Triều - ĐVO)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý sáng 10-09-20172

    Tin thế giới đáng chú ý sáng 10-09-2017

    Ông Trump sắp bị hai ông Spicer, Priebus trả đũa?; Mỹ sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phân loại dữ liệu tình báo; Syria: 43 nhóm đối lập hợp binh lập chính phủ,quân đội riêng

  • Tin thế giới đáng chú ý 10-09-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 10-09-2017

    Thái Lan khẳng định bà Yingluck bỏ trốn qua ngả Campuchia; Australia hỗ trợ Philippines chống các tay súng Hồi giáo; Lùm xùm Mỹ giúp IS trốn: Nga nói lời đanh thép

Bài cùng chuyên mục