Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý tối 22-08-2017

  • Cập nhật : 22/08/2017

Ấn Độ đã sẵn sàng "song kiếm hợp bích" với Mỹ đối phó Trung Quốc?

Việc Ấn Độ điều động quân đội tới cao nguyên hẻo lánh Doklam để ngăn không cho Trung Quốc xây dựng một con đường ở đây cho thấy, New Delhi đã sẵn sàng trở thành một đối tác đáng giá của Mỹ trong việc duy trì trật tự thế giới.

Trong hai tháng qua, binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ vẫn ở trong trạng thái đối đầu căng thẳng ở cao nguyên Doklam, khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Buhtan. Trên thực tế, Ấn Độ đã điều động binh sĩ tới lãnh thổ của một quốc gia khác để ngăn chặn việc Trung Quốc bắt nạt một đất nước có quy mô nhỏ hơn rất nhiều là Bhutan. Hành động của Ấn Độ còn nhằm đưa Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán hòa bình về những tranh chấp biên giới giữa hai nước.

Chia sẻ với tạp chí The Diplomat, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS), ông Richard M Rossow nhận định, việc làm của Ấn Độ đã đặt một dấu mốc lớn đưa quốc gia này nổi lên thành một sức mạnh trong khu vực và gửi tín hiệu tới Mỹ rằng Ấn Độ đang trên đà trở thành một cường quốc. 

thu tuong an do narendra modi gap mat tong thong my donald trump hoi thang sau. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng Sáu. 

Mỹ đang là đối tác quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ trên cả phương diện tập trận chung và mua bán vũ khí. Thậm chí, Bộ Quốc phòng Mỹ còn thành lập các chương trình và cơ quan tại Ấn Độ mà không có quốc gia nào khác có bao gồm Sáng kiến Thương mại và Công nghiệp Quốc phòng (DTTI) và Mạng lưới Phản ứng nhanh Ấn Độ (IRRC).  

Điểm đáng nói, trong nhiều sự kiện lớn mang tính quốc tế, Ấn Độ dường như im lặng và không đưa ra bất cứ phản ứng nào như cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Georgia hay việc New Delhi không tham gia "Liên minh toàn cầu chống IS". Song gần đây, Ấn Độ đã công sẵn chỉ trích hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Quân đội Ấn Độ cũng đã đóng vai trò lớn trong hoạt động sơ tán người dân khỏi Yemen hồi tháng 4/2015 cũng như hỗ trợ tích cực cho người dân Nepal trong thảm họa động đất cùng tháng. Hải quân Ấn Độ còn tham gia các hoạt động chống hải tặc trong những năm gần đây nhưng quy mô còn khá khiêm tốn. Theo ông Rossow, trên hết, những hành động của Ấn Độ vẫn chưa thực sự gây được ấn tượng với Mỹ.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi trước hành động Ấn Độ điều quân tới ngăn Trung Quốc triển khai xây dựng một con đường mới dọc biên giới Trung Quốc và Bhutan hồi tháng Sáu. Dù trước đó, Trung Quốc và Bhutan đã đồng thuận giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua đàm phán nhưng sau hàng loạt vòng đối thoại, hai bên vẫn không thể đưa ra giải pháp cuối cùng. Do đó, dự án xây dựng một con đường mới ở Doklam cho thấy quyết tâm rõ ràng của Trung Quốc trong việc thay đổi hiện trạng khu vực tranh chấp theo ý của mình.

Vào ngày 18/6, quân đội Ấn Độ đã vượt biên và tạo thành "hàng rào người" ngăn Trung Quốc triển khai xây dựng ở Doklam. Căng thẳng leo thang khi có gần 350 lính Ấn Độ mặt đối mặt với 300 binh sĩ Trung Quốc. 

Trước khi xảy ra cuộc đối đầu ở Doklam, Ấn Độ còn là một trong những nước mạnh mẽ bày tỏ ý kiến quan ngại trước "Sáng kiến Một vành đai một con đường" (BRI) của Trung Quốc cùng với hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Ngoài ra, Ấn Độ còn phản đối dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), đi qua vùng Kashmir mà Pakistan chiếm đóng. Mối quan ngại của Ấn Độ với BRI được phản ánh rõ nét trong tuyên bố chung sau cuộc họp thượng đỉnh hồi cuối tháng Sáu ở Washington D.C giữa Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Donald Trump.

Trong 20 năm qua, nhiều diễn biến trong quan hệ Mỹ - Ấn Độ đã trở thành cú hích giúp Washington thay đổi quan điểm và nhìn nhận New Delhi như một đối tác chiến lược. Điển hình, Mỹ ủng hộ quan điểm của Ấn Độ trong cuộc xung đột Kargil vào năm 1999; Ấn Độ ủng hộ kế hoạch của cựu Tổng thống George W. Bush trong việc thành lập lá chắn tên lửa và tuyên bố chung năm 2015 về việc hai nước chia sẻ công nghệ hạt nhân dân sự. Song quan trọng nhất là việc chính phủ Ấn Độ điều động quân đội can thiệp vào tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Bhutan ở Doklam. Theo ông  Rossow, hành động này đã thực sự tác động lớn tới quan điểm của Washington đối với New Delhi. 

Còn hiện tại, thế giới muốn chứng kiến hai quốc gia đông dân nhất thế giới Trung - Ấn sẽ có hành động gì để hạ nhiệt căng thẳng mà vẫn giữ được thể diện cho đôi bên. Bởi dù đối đầu căng thẳng, binh sĩ Trung - Ấn vẫn chưa bên nào nổ súng trong khi giới chức cấp cao hai nước có vô số cơ hội sắp tới để gặp gỡ cũng như đưa ra giải pháp phù hợp cho căng thẳng hiện tại. Bên cạnh đó, Trung Quốc và Bhutan cũng cần tổ chức các cuộc đối thoại để giải quyết căng thẳng tranh chấp biên giới.

Về phần mình, Washington không thể phủ nhận là Ấn Độ đã truyền đi một thông điệp rõ ràng về việc quốc gia này sẵn sàng đóng vai trò lớn trong hoạt động duy trì trật tự thế giới cũng như trở thành một đối tác an ninh mới nổi giúp Washington đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh.(Infonet)
-----------------------------

Tổng thống Syria tuyên bố chiến thắng âm mưu lật đổ

Tổng thống Bashar al-Assad khẳng định Syria đã chặn được hành động của phương Tây lật đổ mình nhưng quân đội nước này vẫn chưa thắng được phe nổi dậy để chấm dứt sáu năm nội chiến.

Quân đội Syria vẫn chưa thể giành được chiến thắng trong cuộc nội chiến kéo dài suốt sáu năm qua ở nước này, Tổng thống Syria Bashar al-Assad thừa nhận ngày 20-8.

Ông Assad nói rằng Syria đã chặn đứng được hành động của các nước phương Tây nhằm lật đổ chính quyền hợp pháp tại Damascus nhưng quân đội nước này vẫn chưa thắng được phe nổi dậy để chấm dứt sáu năm nội chiến.

Phát biểu trên truyền hình, ông Assad nói rằng dù có đã tín hiệu của chiến thắng nhưng “cuộc chiến vẫn tiếp tục và chuyện chúng ta sẽ đi tới đâu là chuyện hoàn toàn khác”.

Tổng thống Bashar al-Assad thừa nhận chưa thể thắng nội chiến Syria. Ảnh: SANA
Tổng thống Bashar al-Assad thừa nhận chưa thể thắng nội chiến Syria. Ảnh: SANA

Sau nhiều thắng lợi của quân đội vài tháng qua, chính phủ Syria bắt đầu xây dựng suy nghĩ cuộc nội chiến sắp kết thúc với chiến thắng sẽ về tay mình, nghĩ tới việc tái thiết. Tuần trước, cố vấn cấp cao của ông Assad công khai đề cập điều này.

Như để minh chứng lời của ông Assad, không lâu sau khi ông Assad phát biểu Hội chợ thương mại quốc tế Damascus - hội chợ quốc tế đầu tiên tổ chức ở Syria sau sáu năm nội chiến đã hứng nhiều quả tên lửa là bốn người chết, bốn người bị thương. Hội chợ được chính phủ Syria xem như một biểu tượng chiến thắng, cho thấy đất nước đã dần vượt qua chiến tranh. Chưa ai nhận trách nhiệm vụ tấn công này.

Hội chợ thương mại Quốc tế Damacus khai mạc ở Syria ngày 17-8. Ảnh: NYDN
Hội chợ thương mại quốc tế Damascus khai mạc ở Syria ngày 17-8. Ảnh: NYDN

Ông Assad cũng thừa nhận sự hỗ trợ của các đồng minh Nga, Trung Quốc, Iran, Hezbollah ở Lebanon đã giúp sức và giảm gánh nặng cho quân đội Syria rất nhiều trong cuộc chiến.

“Sự hỗ trợ trực tiếp - về chính trị, kinh tế, quân sự - của họ đã giúp chúng tôi có lợi thế lớn trên chiến trường, giảm thiệt hại và gánh nặng của chiến tranh” - theo ông Assad. Nga bên cạnh duy trì hỗ trợ không kích tháng trước bắt đầu triển khai quân cảnh tại các chốt quân đội ở Tây Nam Syria và ở Đông Ghouta gần Damascus giúp tăng cường an ninh.

Ông Assad bác bỏ khả năng hợp tác an ninh hay mở lại đại sứ quán các nước phương Tây ở Damascus trước khi các nước này cắt quan hệ với phe nổi dậy.

Bên cạnh bình định phe nổi dậy, ông Assad tuyên bố sẽ không từ bỏ cuộc chiến chống khủng bố. Ông Assad lên án ý tưởng lập “vùng an toàn” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn đạt được với Nga, rằng kế hoạch này chỉ có lợi cho các phần tử khủng bố.

Theo Reuters, thái độ tự tin của ông Assad là điều không thể nghĩ tới hai năm trước đây khi ông còn bị nhiều nguy hiểm bao vây, bị nhiều nước phương Tây kêu gọi từ chức. Hiện nhiều nước đã dịu dần kêu gọi này.(PLO)
-------------------------

Đoàn xe 200 quân IS tan tác dưới mưa bom của Nga

Hãng tin Sputnik ngày 21-8 trích dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết Lực lượng không gian vũ trụ nước này vừa tiêu diệt hơn 200 chiến binh IS và hơn 20 phương tiện chở vũ khí kích thước lớn, cùng với các phương tiện thiết giáp của nhóm khủng bố, trong đó có cả xe tăng.

Đoàn xe 200 quân IS tan tác dưới mưa bom của Nga - ảnh 1
Các cứ điểm của IS ở tỉnh Deir ez-Zor (Syria) bị tấn công. Ảnh: SPUTNIK

“Lực lượng không gian vũ trụ Nga đã phá hủy thêm một đoàn xe lớn của các tay súng IS đang trên đường hướng tới tỉnh Deir ez-Zor của Syria, nơi các phần tử khủng bố quốc tế đang cố tập hợp lại và trang bị cho thành trì cuối cùng của chúng ở Syria".

“Việc đánh tan IS trong khu vực tỉnh Deir ez-Zor sẽ trở thành thất bại chiến lược cho nhóm khủng bố quốc tế này ở Cộng hòa Ả Rập Syria” - thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga viết.

Hãng tin RT cho biết chỉ hơn một tuần trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho hay IS thua ở Deir ez-Zor sẽ là điềm báo chấm dứt "đế chế" thánh chiến tự xưng của IS.(PLO)
---------------------------

Ông Trump cách nguy cơ luận tội bao nhiêu phiếu?

43 năm trước, thượng nghị sĩ (TNS) đảng Cộng hòa Barry Goldwater đã bước vào phòng Bầu dục tại Nhà Trắng và nói với Tổng thống Richard Nixon rằng phe Cộng hòa không có đủ phiếu trong Thượng viện để ông Nixon tiếp tục nhiệm kỳ tổng thống. Không loại trừ khả năng viễn cảnh này tái lập dưới nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump, đặc biệt khi số TNS đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump đang giảm dần.

Tiến trình luận tội một tổng thống Mỹ sẽ bắt đầu tại Hạ viện và sau đó đến Thượng viện. Tổng thống bị luận tội khi nhận được 2/3 số phiếu của Thượng viện. Điều I của hiến pháp Mỹ quy định Thượng viện có quyền cuối cùng quyết định số phận của tổng thống. Và thay vì kết thân với Thượng viện thì ông Trump lại làm điều hoàn toàn trái ngược. Sau khi Thượng viện không thông qua dự luật thay thế Obamacare, ông Trump đã viết trên Twitter chỉ trích các TNS là “những kẻ ngốc” và “hèn nhát”.

Đã có ba TNS đảng Cộng hòa là Susan Collins, John McCain và Dean Heller thẳng tay bỏ phiếu phản đối thông qua dự luật thay thế Obamacare và lên tiếng phản đối ông Trump trong nhiều vấn đề lớn. Trong bài phát biểu ngay sau cuộc phẫu thuật ung thư, ông McCain còn kêu gọi các TNS cần ý thức bản thân không phải “thuộc cấp” của tổng thống Mỹ mà có quyền lực “ngang hàng”.

Tờ Newsweek nhận định thất bại lớn thứ hai đối với ông Trump tại Thượng viện là việc ông phải miễn cưỡng thông qua đạo luật trừng phạt Nga. Đây là dấu hiệu cho thấy ông Trump không có toàn quyền quyết định các chính sách và nhiều TNS không tin tưởng ông về vấn đề của Nga. Trước đó, nghị sĩ Lindsay Graham cũng cảnh báo ông Trump sẽ “kết thúc” nhiệm kỳ nếu sa thải công tố viên đặc biệt giám sát điều tra Nga Robert Mueller.

TNS Rand Paul liên tục đặt câu hỏi về chính sách đối ngoại của ông Trump và cho biết: “Dù tổng thống là ai hay thuộc đảng nào, tôi cho rằng tổng thống cần phải xin phép Quốc hội cho hành động quân sự theo quy định của hiến pháp”. TNS Jeff Flake đã viết hẳn một cuốn sách cáo buộc ông Trump từ bỏ các nguyên tắc của đảng Cộng hòa. Trong sách ông viết: “Chưa từng có đảng nào lại từ bỏ những nguyên tắc cốt lõi nhanh chóng và dễ dàng như đảng tôi trong chiến dịch tranh cử năm 2016”.

Theo Newsweek, hiện đã có 12 TNS đảng Cộng hòa không còn e sợ tổng thống. Nếu thêm vào 48 nghị sĩ đảng Dân chủ đối lập trong Thượng viện, viễn cảnh ông Trump bị luận tội chỉ cách thực tế vỏn vẹn sáu lá phiếu nữa.(PLO)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 22-08-20172

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 22-08-2017

    Hơn 100 lãnh đạo công nghệ cảnh báo nguy cơ vũ khí tự động; Phi trường New Delhi hỗn loạn vì vật thể bay; Syria tố cáo Mỹ cung cấp hóa chất cấm cho khủng bố; ​Khủng bố trữ 120 bình ga trước vụ tấn công Barcelona

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 22-08-20173

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 22-08-2017

    Khủng hoảng quốc tịch lan rộng trên chính trường Úc; Thuyền viên Việt Nam được Philippines giải cứu; Ukraine kỳ vọng gì ở chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ?; Hàn Quốc quyết liệt cải cách quân đội, tăng quân số

Bài cùng chuyên mục