Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 18-04-2017
- Cập nhật : 18/04/2017
‘8 ngày tới Triều Tiên thử hạt nhân lớn chưa từng có'
Theo tờ Express (Anh), các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân trong vòng tám ngày tới, bất chấp vụ phóng tên lửa thất bại hôm 16-4. Đây được dự đoán sẽ là vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay của Bình Nhưỡng.
“Chúng ta đều biết rằng đối với Triều Tiên, nếu họ không thành công trong giai đoạn đầu thì họ sẽ thử đi thử lại nhiều lần. Ông Kim Jong-un từng tuyên bố rằng thất bại sẽ không bao giờ có thể cản bước ông ấy cũng như các nhà khoa học tên lửa của Triều Tiên. Do đó, câu hỏi đặt ra sẽ là khi nào vụ phóng tiếp theo diễn ra chứ không phải liệu vụ phóng đó có diễn ra hay không” - PV Will Ripley của đài CNN nói.
PV Ripley cho biết: “Các chuyên gia tin rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên sẽ diễn ra vào thời điểm Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đang thăm khu vực hoặc nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Triều Tiên 25-4”.
Bản tin về vụ Triều Tiên phóng tên lửa hôm 16-4 được chiếu tại một nhà ga ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS
“Điều này vẫn chưa được xác nhận nhưng chúng ta đều biết rằng bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên đã trong trạng thái sẵn sàng cho vụ thử hạt nhân lần sáu” - ông Ripley nói. Ông Ripley là một trong số ít PV phương Tây thường xuyên có các chuyến đi tới Triều Tiên. Ông là người Mỹ duy nhất tường thuật trực tiếp từ Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 1 của Triều Tiên.
Trước đó, sáng 16-4, một ngày sau khi Triều Tiên tổ chức lễ diễu binh quy mô lớn để đánh dấu lễ kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng đã phóng một tên lửa tầm trung gần TP cảng Sinpo. Tuy nhiên, tên lửa này được cho là đã phát nổ ngay lập tức sau khi rời bệ phóng.
Theo sau động thái này, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ McMaster tiết lộ rằng Mỹ và Trung Quốc đang hợp tác để đưa ra “một loạt lựa chọn” nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên. “Tổng thống nói rõ rằng ông sẽ không cho phép Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực bị đe dọa bởi chế độ được trang bị vũ khí hạt nhân này”.
Phó Tổng thống Mike Pence ngày 16-4 cũng đã đáp chuyến bay tới Hàn Quốc để thảo luận vấn đề Triều Tiên. Nguồn tin từ Nhà Trắng tiết lộ nếu Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân thì Mỹ sẽ đáp trả cứng rắn bằng biện pháp quân sự.(PLO)
-------------------------------
Triều Tiên muốn thắt chặt quan hệ với Nga
Theo Sputnik, trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Nga hôm 16-4, Phó Vụ trưởng Vụ Châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Yong-ho nói rằng Triều Tiên có ý định phát triển quan hệ với Nga trong bối cảnh cả hai quốc gia đang đối mặt với các biện pháp trừng phạt do Mỹ và các nước phương Tây áp đặt.
Trước đó, trả lời hãng tin Sputnik hôm 15-4, Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora cho biết Moscow và Bắc Kinh không muốn gây ra tình trạng bất ổn kinh tế và xã hội ở Triều Tiên bằng các biện pháp mới do Mỹ đưa ra nhằm mục đích ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên khai trương khu phức hợp nhà ở, mua sắm với một loạt tòa nhà chọc trời hiện đại trên đường Ryomyong ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: SPUTNIK
“Nga, cũng như đất nước chúng tôi, hiện bị các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Chúng ta phải phát triển quan hệ hữu hảo. Điều đó nằm trong lợi ích của cả hai quốc gia” - Phó Vụ trưởng Vụ Châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Yong-ho nói.
Vị quan chức ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) đã ba lần tới thăm Nga và đạt được những bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương.
“Cuộc gặp cấp cao và các tài liệu trao đổi giữa hai nước là nền tảng cho việc phát triển quan hệ hữu hảo giữa hai quốc gia trong tương lai. Năm 2015 là một năm hữu nghị giữa Nga và Triều Tiên khi việc trao đổi các phái đoàn đại diện giúp tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa hai nước” - ông Kim nói.
Hiện Triều Tiên đang chịu các biện pháp trừng phạt từ Liên Hiệp Quốc và Mỹ vì tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong thời gian gần đây. Các biện pháp này nhằm tác động vào thương mại, xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, buôn bán vũ khí và lĩnh vực ngân hàng của Triều Tiên. Trong khi đó, Nga đang bị Mỹ và các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea và cáo buộc can dự vào các bất ổn chính trị tại Ukraine.(PLO)
-------------------------------------------
Nga cảnh báo Mỹ nếu đơn phương tấn công Triều Tiên
Hôm 17-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định nếu Mỹ đơn phương mở cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên, đó sẽ là một hành động nguy hiểm.
Cảnh báo trên được ông Lavrov đưa ra sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố “kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược của Washington đối với Bình Nhưỡng đã kết thúc”.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã nhấn mạnh Washington sẽ cân nhắc tất cả lựa chọn nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. “Sau hơn 2 thập kỷ, kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược của Mỹ dành cho Triều Tiên đã kết thúc. Mỹ muốn hòa bình thông qua các cuộc đàm phán nhưng sẵn sàng cân nhắc các lựa chọn khác” – ông Pence nói khi đến thăm biên giới liên Triều hôm 17-4.
Tại cuộc họp báo ở thủ đô Moscow, ngoại trưởng Nga cho biết: “Chúng tôi không chấp nhận các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân liều lĩnh của Bình Nhưỡng do vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhưng điều đó không có nghĩa là (Mỹ) có thể vi phạm luật pháp quốc tế. Tôi hy vọng chúng ta sẽ không chứng kiến những hành động quân sự đơn phương như ở Syria thời gian gần đây”.
Ông Lavrov nhắc tới vụ không kích bằng 59 tên lửa hành trình Tomahawk của hải quân Mỹ vào một căn cứ không quân ở Syria hôm 7-4.
Nga vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với người hàng xóm Triều Tiên nhưng không tới mức thân mật như đồng minh Trung Quốc của Bình Nhưỡng.
Trong một diễn biến khác, người phát ngôn truyền hình hàng đầu của Điện Kremlin, ông Dmitry Kiselyov, hôm 16-4 tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump “nguy hiểm hơn” so với người đồng cấp Triều Tiên Kim Jong-un.
Dù thừa nhận Tổng thống Trump cam kết sẽ “làm nóng mối quan hệ với Nga” nhưng ông Kiselyov cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ khó đoán hơn người đồng cấp Triều Tiên.
Ông Kiselyov cũng lưu ý ông Kim Jong-un “không đưa con gái 4 tuổi vào chính trường”, trong khi Tổng thống Trump đã cất nhắc con gái Ivanka, 35 tuổi, vào một vị trí trong Nhà Trắng.
Một cuộc thăm dò được Công ty VTsIOM (Nga) thực hiện và công bố kết quả hôm 17-4 cho thấy 39% người Nga có những suy nghĩ tiêu cực về ông Trump so với chỉ 7% hồi tháng 3.
Trong một dấu hiệu của sự gia tăng căng thẳng, ông Lavrov nói rằng Moscow sẽ không để ý tới phát biểu của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster. Ông McMaster hôm 16-4 nhấn mạnh đã đến lúc Mỹ "cứng rắn với Nga" về sự hỗ trợ của nước này dành cho Syria cũng như các hành động “phá hoại, lật đổ” ở châu Âu.(NLĐ)
-------------------------------------
Dọa tấn công Triều Tiên, Trump có thể tự dồn mình vào ngõ cụt
Donald Trump có thể tự đặt mình vào thế khó khi liên tục đe dọa hành động quân sự với Triều Tiên, vì Mỹ chưa thật sự kiên quyết làm vậy và động thái đó tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Triều Tiên tuần trước khoe thứ được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới trong cuộc duyệt binh quy mô, chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ đối phó thích đáng với Bình Nhưỡng. Một ngày sau đó, Triều Tiên phóng tên lửa ở bờ biển phía đông nhưng thất bại.
Ông Trump đã ra lệnh điều ba tàu sân bay đến gần bán đảo Triều Tiên nhưng các tàu này vẫn đang ở khoảng cách khá xa.
John Nilsson-Wright, một nhà nghiên cứu cấp cao về khu vực Đông Bắc Á tại trung tâm nghiên cứu Chatham House có trụ sở tại Anh, cho rằng việc triển khai đặt ông Trump vào vị trí khó khăn.
Ông nói với Independent rằng tổng thống Mỹ có thể "tự dồn mình vào ngõ cụt" với việc thề không làm ngơ nếu Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa hoặc hạt nhân.
"Nếu Triều Tiên thực sự thử nghiệm nhiều hơn, ông ấy sẽ giải thích thế nào với người dân của mình?", ông Nilsson-Wright đặt câu hỏi và nói rằng ông Trump có thể đã quá tự tin vì nhận được nhiều sự ủng hộ sau các đòn tấn công ở Afghanistan và Syria.
"Một sự phô diễn uy lực phải có tính thuyết phục và với tình hình rất bấp bênh trên bán đảo Triều Tiên thì điều đó khó xảy ra".
Nếu xung đột nổ ra thì không chỉ quân đội Mỹ và Triều Tiên mà cả Hàn Quốc, Nhật Bản đối mặt với nguy cơ hủy diệt trong một cuộc chiến hạt nhân.
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên chưa thực hiện được tuyên bố của mình là chế tạo một tên lửa hạt nhân có thể tấn công vào đất liền Mỹ nhưng sự xuất hiện của ICBM và tên lửa phóng từ tàu ngầm tại cuộc duyệt binh cho thấy việc phát triển đang được tiếp tục.
Ông Nilsson-Wright nói rằng mặc dù Triều Tiên nhận thức được đòn thể hiện sức mạnh của Mỹ tại Afghanistan, khi Washington ngày 14/4 bất ngờ tấn công IS ở đây bằng loại bom được mệnh danh "mẹ của các loại bom" ngay sau vụ phóng tên lửa vào căn cứ Syria hôm 7/4, ông Kim có thể vẫn muốn tiếp tục các cuộc thử nghiệm vũ khí để trêu chọc ông Trump.
"Ông Trump có thể đã đi quá xa - bạn vẫn cần ngoại giao, cần một Bộ Ngoại giao hiệu quả với đội ngũ lý tưởng biết họ đang làm gì", tiến sĩ Nilsson-Wright nói thêm.
Quá cứng rắn "có lẽ không phải là cách hiệu quả nhất để đối phó với Triều Tiên", ông nhận xét.
Mặc dù ông Trump dùng các từ ngữ mạnh, các quan chức Mỹ nói với AP rằng chính quyền Trump vẫn đang tập trung vào việc tăng áp lực đối với Bình Nhưỡng qua sự giúp đỡ của Trung Quốc, thay vì lựa chọn quân sự hoặc cố gắng lật đổ ông Kim.
Shannon Kile, chuyên gia hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho rằng cuộc duyệt binh của Triều Tiên dường như cho thấy một số tiến bộ kỹ thuật đối với các hệ thống, chúng có thể được vận chuyển và che giấu tốt hơn trước các cuộc tấn công tiềm năng.
"Triều Tiên đang dùng điều đó như cú vỗ vào mặt ông Trump", ông đánh giá. "Họ có một chương trình kéo dài và đã được tiếp tục trong nhiều thập kỷ".
Chính quyền Kim Jong-un vẫn mở cửa đối thoại trực tiếp với Mỹ, ông Kile nói, nhưng những căng thẳng đang ngày càng xấu đi.
"Triều Tiên dường như đang chuyển vũ khí hạt nhân từ mục đích răn đe sang vai trò chiến đấu", ông nói thêm.
"Nguy cơ là có thể xảy ra leo thang vô ý do sự cố hoặc tính toán sai lầm". (VNexpress)