Tin Biển Đông

 
 
 

Shangri-la 2017: Donald Trump và Biển Đông, muộn còn hơn không

  • Cập nhật : 03/06/2017

Mỹ nên thường xuyên khẳng định các quyền hàng hải phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 thích hợp với Biển Đông, đồng thời nên công bố rõ.

The Straits Times, Singapore ngày 2/6 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh các lực lượng vũ trang, quan chức cấp cao và học giả từ 40 quốc gia đã tập trung về Singapore tham dự kỳ Đối thoại An ninh châu Á Shangri-la sẽ khai mạc vào chiều tối nay.

Các cuộc tấn công khủng bố đang gia tăng ở Đông Nam Á, vấn đề bán đảo Triều Tiên và những căng thẳng trên Biển Đông dự kiến sẽ trở thành các vấn đề nóng bỏng được tập trung bàn thảo tại diễn đàn này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis được lên kế hoạch phát biểu trong phiên họp toàn thể đầu tiên của hội nghị vào sáng mai 3/6.

Người ta dự kiến ông sẽ phác thảo vai trò của Hoa Kỳ với an ninh châu Á - Thái Bình Dương trong bài phát biểu này.

bo truong quoc phong james mattis se la nhan vat duoc chu y nhat tai doi thoai shangri-la nam nay, anh: storm.mg

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis sẽ là nhân vật được chú ý nhất tại Đối thoại Shangri-la năm nay, ảnh: Storm.mg

Bộ trưởng Quốc phòng các nước Nhật Bản, Australia và Pháp sẽ rất được mong đợi tại phiên thảo luận về việc giữ gìn trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế. [1]

Bình luận về kỳ đối thoại năm nay, William Choong, một thành viên cao cấp Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, đơn vị đồng tổ chức Đối thoại Shangri-la ngày 2/6 có bài viết trên The Straits Times nhận định:

Không giống như các kỳ Đối thoại Shangri-la trước, nơi Trung Quốc luôn luôn là tâm điểm chú ý của các đại biểu và giới truyền thông, năm nay Hoa Kỳ sẽ ngồi vào ghế nóng.

Các nhà quan sát đang chờ đợi xem đại diện nước Mỹ nói gì về những cam kết của mình với khu vực.

Bài phát biểu trong sáng ngày mai của tướng James Mattis, một tướng lĩnh kiêm học giả về hưu được Tổng thống Donald Trump lựa chọn làm người đứng đầu Lầu Năm Góc, được hy vọng sẽ phác họa toàn cảnh chính sách quốc phòng, an ninh của chính quyền mới tại Hoa Kỳ đối với châu Á - Thái Bình Dương.

Năm nay Trung Quốc đã hạ cấp trưởng đoàn tham dự Đối thoại Shangri-la, Trung tướng Hà Lôi - Phó Giám đốc Học viện Khoa học quân sự làm trưởng đoàn, cùng cấp trưởng đoàn năm 2012.

Năm 2011 Trung Quốc phái Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt làm trưởng đoàn.

Từ 2007-2009 và 2013-2016 họ cử một Phó Tổng tham mưu trưởng làm trưởng đoàn dự Đối thoại Shangri-la. Năm ngoái đoàn Trung Quốc do Phó Đô đốc Tôn Kiến Quốc làm trưởng đoàn.

Trong những kỳ đối thoại vừa qua, đoàn Trung Quốc luôn nhận được hàng loạt câu hỏi về việc đảo hóa và quân sự hóa bất hợp pháp ở Biển Đông. [2]

Bình luận về các hoạt động mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump trên Biển Đông, Tiến sĩ Lynn Kuok, một thành viên diễn đàn Các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á tham gia Đối thoại Shangri-la ngày 2/6 viết trên The Straits Times:

Hoạt động quản lý của chính quyền Tổng thống Donald Trump trên Biển Đông: dù muộn còn hơn không.

Việc chiến hạm USS Dewey thực hiện quyền tự do hàng hải bên trong 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn hôm 24/5 lần đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức là một chỉ số quan trọng về cam kết của Mỹ đối với khu vực.

Thứ Tư tuần trước, một quan chức Mỹ giấu tên nhấn mạnh rằng, USS Dewey đã tiến hành một cuộc diễn tập vận động bên trong 12 hải lý của bãi Vành Khăn.

Đây là hoạt động tự do hàng hải chứ không phải qua lại vô hại được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 quy định, một cách để Mỹ phản đối yêu sách lãnh hải tối đa 12 hải lý mà Trung Quốc đòi hỏi một cách vô lối cho bãi Vành Khăn lúc chìm lúc nổi trong điều kiện tự nhiên.

Nếu USS Dewey chỉ đi qua vô hại mà không diễn tập vận động bên trong 12 hải lý ở Vành Khăn sẽ được xem như Mỹ ngầm thừa nhận yêu sách 12 hải lý lãnh hải cho đảo nhân tạo ở bãi cạn này.

Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 đã làm rõ hiệu lực pháp lý của các cấu trúc địa lý trên quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên do hiện nay không có cơ chế thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài nên việc Mỹ thường xuyên thực hiện các hoạt động này, trên thực tế sẽ góp phần ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc đòi kiểm soát Biển Đông trên thực tế.

Trong khi đây là một dấu hiệu mới đáng mừng, Hoa Kỳ không thể chỉ dừng lại ở đó nếu muốn duy trì ảnh hưởng chiến lược rộng lớn trong khu vực.

Mỹ nên thường xuyên khẳng định các quyền hàng hải phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 thích hợp với Biển Đông, đồng thời nên công bố rõ ràng và nhanh chóng các hoạt động này.

Điều này sẽ đảm bảo rằng các thông điệp bảo vệ tự do hàng hải được truyền đi một cách chính xác, chứ không mập mờ và lộn xộn như hoạt động tuần tra đầu tiên và cuối cùng của chính quyền Obama trên Biển Đông.

Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng nên có những nỗ lực nghiêm túc để thúc đẩy Mỹ gia nhập Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Washington lập luận rằng, Công ước này đã được hơn 160 quốc gia phê chuẩn nên các quy định của nó đã trở thành một phần của luật tập quán quốc tế mà Mỹ có nghĩa vụ tuân thủ.

Nhưng việc Mỹ không tham gia Công ước sẽ khiến nước khác chỉ trích Washington theo đuổi tiêu chuẩn kép, tệ hơn là "đạo đức giả". [3]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.straitstimes.com/singapore/asia-pacific-defence-ministers-military-chiefs-and-scholars-gather-in-singapore-for-16th

[2]http://www.straitstimes.com/opinion/waiting-for-uncle-sam

[3]http://www.straitstimes.com/opinion/better-late-than-never


Hồng Thủy
Theo Giáo Dục Việt Nam

Trở về

Xem thêm

  • Biển Đông trong đối thoại Shangri-La1

    Biển Đông trong đối thoại Shangri-La

    Một số chuyên gia tham dự Đối thoại Shangri-La vừa qua tại Singapore đã đưa chia sẻ các nhận định với Thanh Niên về vấn đề Biển Đông xung quanh thông điệp của Mỹ và Úc, cũng như diễn biến thực tế.

  • Tin thế giới đáng chú ý 03-06-20172

    Tin thế giới đáng chú ý 03-06-2017

    Mỹ tuyên bố giữ cam kết với châu Á-Thái Bình Dương tại Đối thoại Shangri-La; Nhật và Philippines diễn tập chung trên biển; Hàn Quốc sẽ sản xuất hàng loạt tên lửa chống tăng mới

  • Biển Đông, Triều Tiên sẽ 'chiếm lĩnh' Đối thoại Shangri-La3

    Biển Đông, Triều Tiên sẽ 'chiếm lĩnh' Đối thoại Shangri-La

    Cùng với vấn đề Biển Đông, tình hình bán đảo Triều Tiên với những diễn biến căng thẳng gần đây khi Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo và có thể sẽ thử hạt nhân, cũng đang đặt ra thách thức cho an ninh khu vực. Đây được cho hai hai chủ đề sẽ chiếm lĩnh Đối thoại Shangri-La năm nay.

Bài cùng chuyên mục