Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý chiều 02-06-2017
- Cập nhật : 02/06/2017
Lá chắn diệt tên lửa đạn đạo Mỹ gây ngờ vực
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng vụ đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của Mỹ không phản ánh đúng tình huống thực tế.
Hệ thống GMD phóng đạn đánh chặn hôm 30/5
Lầu Năm Góc ngày 30/5 lần đầu tiên thử nghiệm đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trên Thái Bình Dương, trong nỗ lực nhằm đối phó với nguy cơ Triều Tiên sở hữu vũ khí mang đầu đạn hạt nhân tầm xa. Quả tên lửa đánh chặn này là một phần của Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD), lá chắn cuối cùng bảo vệ Mỹ trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo đối phương.
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) cho biết cuộc thử nghiệm được tiến hành trong điều kiện chiến đấu thực tế, chống lại mục tiêu được trang bị mồi bẫy, mô phỏng mối đe dọa từ ICBM trong thập niên 2020. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ý nghi vấn về tuyên bố này, theo National Interest.
Đây là lần đánh chặn thành công thứ hai liên tiếp của GMD trong 5 lần thử nghiệm từ năm 2010 đến nay, đạt tỷ lệ diệt mục tiêu 40%. Philip E. Coyle, học giả cấp cao Trung tâm Kiểm soát và Giải trừ Vũ khí, cho rằng tỷ lệ thành công này cho thấy lá chắn tên lửa Mỹ chưa đủ khả năng đánh chặn ICBM thực sự trong điều kiện chiến tranh.
Cơ quan Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) thậm chí còn cho rằng các vụ thử nghiệm đánh chặn tên lửa của Mỹ sẽ không thể tiến hành khi trời mưa, cho thấy lá chắn này chưa thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Khi chiến tranh nổ ra, đối phương sẽ không chờ đến khi thời tiết đẹp mới phóng tên lửa, Coyle nói.
"Dự án này còn lâu mới đạt được thành công. Đây chỉ là một bước tiến rất nhỏ", ông Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình chống phổ biến vũ khí tại Đông Á (EANP), tuyên bố.
Theo Lewis, ngay cả khi MDA tiến hành thử nghiệm trong điều kiện thực tế, chương trình phòng thủ tên lửa này vẫn chỉ nằm ở giai đoạn nghiên cứu phát triển công nghệ, MDA thậm chí còn chưa phát triển chiến lược và học thuyết sử dụng GMD trong tác chiến thực tế.
"Tôi không cho rằng MDA có khả năng biến hệ thống GMD thành một lá chắn có khả năng tác chiến thực sự để bảo vệ nước Mỹ", Lewis nói. Ông chỉ ra rằng MDA hiện nay không thuộc bất cứ quân chủng nào trong quân đội, trong khi lục quân và không quân Mỹ đảm nhiệm vận hành lá chắn này.
Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên
Dù có khả năng giải quyết mọi vấn đề kỹ thuật, GMD vẫn sẽ phải đối mặt với một điểm yếu chí tử, đó là nó có thể bị áp đảo trước số lượng lớn ICBM đối phương phóng đồng loạt. Với 36 tổ hợp đang được triển khai, Mỹ không có đủ đầu đạn để đánh chặn số lượng khổng lồ tên lửa đạn đạo của các nước như Nga hay Trung Quốc.
Theo Lewis, Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới có thể xây dựng được lá chắn tên lửa đạt hiệu quả 100%. Đây được coi là lý do Bình Nhưỡng vẫn quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, nhằm sở hữu mẫu ICBM có khả năng bắn tới Bắc Mỹ.
Dù lá chắn chống ICBM sẽ có tác dụng trong trường hợp Mỹ bị tấn công phủ đầu bất ngờ, nó khó có thể gây ảnh hưởng tới tham vọng tên lửa của Triều Tiên, chuyên gia quân sự Dave Majumdar kết luận.(Vnexpress)
------------------------------
Ông Putin cảnh báo đáp trả lá chắn tên lửa Mỹ
Nga nhấn mạnh hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai ở Hàn Quốc là một thách thức an ninh khiến Moscow không thể khoanh tay đứng nhìn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RT
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) Mỹ triển khai tại Hàn Quốc là thách thức đối với an ninh Nga và Moscow chắc chắn sẽ có những phản ứng đáp trả, theo RT.
"Vấn đề này là mối quan ngại lớn với chúng tôi và chúng tôi từng nhiều lần lên tiếng trong những thập kỷ qua. Nó làm mất cân bằng cán cân chiến lược thế giới", ông Putin nói bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế ở St. Petersburg. "Nhưng cả thế giới vẫn im lặng, không ai lắng nghe chúng tôi".
Tổng thống Nga bày tỏ nghi ngờ trước tuyên bố của Mỹ nói rằng NMD không nhắm vào Moscow mà chỉ nhằm đối phó những mối đe dọa từ Iran và Triều Tiên. Theo ông, đây là một phần trong kế hoạch chạy đua vũ trang của Washington.
"Triều Tiên không phải nguyên nhân chính. Nếu Bình Nhưỡng tuyên bố ngừng thử hạt nhân và hủy bỏ chương trình tên lửa, Washington chắc chắn sẽ tìm một cái cớ khác để tiếp tục triển khai NMD", ông chủ điện Kremlin nhấn mạnh.
Cảnh báo của Tổng thống Nga được đưa ra sau khi Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Mỹ khẳng định hệ thống này chỉ nhằm đối phó với các mối đe dọa từ chương trình tên lửa Triều Tiên. Song Nga và Trung Quốc cho rằng THAAD sẽ làm gia tăng bất ổn trong khu vực.(Vnexpress)
-------------------------------------
Thị trưởng Mỹ quyết kháng lại ông Trump về thỏa thuận Paris
Một lần nữa, các quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump không nhận được sự đồng tình từ một nhân vật địa phương. Lần này là về thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris (COP 21).
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về quyết định rút khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu ở Nhà Trắng ngày 1-6 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Trump hôm 1-6 (giờ Mỹ) tuyên bố sẽ rút khỏi các thỏa thuận về biến đổi khí hậu mà Mỹ từng tham gia tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu 2015 (COP 21).
Đây là quyết định đi ngược lại với dư luận quốc tế và trong nước, với nhiều ý kiến cho rằng xét về mặt ngoại giao, Mỹ đã đánh mất hình ảnh của một cường quốc dẫn đầu trong việc ứng phó với những mối hiểm họa toàn cầu.
Trong phát biểu tại Nhà Trắng về quyết định trên, ông Trump nói rằng việc rút khỏi thỏa thuận Paris là cách để Mỹ tự bảo vệ lợi ích của mình, và cũng là điều ông làm thuận theo lời hứa khi tranh cử.
“Tôi đã được bầu lên để đại diện cho công dân của Pittsburgh, chứ không phải Paris”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Trump ngày 1-6.
Pittsburgh là thành phố nằm phía tây tiểu bang Pennsylvania, được xem là thủ đô công nghiệp của nước Mỹ đầu thế kỷ 20.
Ông Trump đã mượn cái tên Pittsburgh để khẳng định quan điểm rằng, việc giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ nhiên liệu đốt là yếu tố gây tổn hại cho ngành công nghiệp Mỹ.
Tuy nhiên bản thân thành phố Pittsburgh lại không có vẻ gì tự hào khi được là “con cưng” của Tổng thống.
Ngay sau bài phát biểu của ông Trump, thị trưởng thành phố Pittsburgh đã phản ứng tiêu cực khi bị “mượn” làm cái cớ để hợp lý hóa việc rút lui khỏi thỏa thuận về biến đổi khí hậu.
Trên Twitter, thị trưởng Bill Peduto (Đảng Dân chủ) viết: “Dưới tư cách thị trưởng của Pittsburgh, tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng chúng ta sẽ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận Paris vì người dân của mình, vì tương lai và nền kinh tế của chúng ta”.
Thị trưởng Bill Peduto của thành phố Pittsburgh bỗng nổi tiếng sau khi tuyên bố cam kết với biến đổi khí hậu, chống lại quyết định của Tổng thống - Ảnh: Twitter
Dòng tweet ấy lập tức nhận được hơn 80.000 lượt thích và gần 50.000 lượt retweet chỉ sau hơn hai tiếng đồng hồ. Dư luận quốc tế tỏ ra “hả hê” về việc ông Trump bị hớ khi mượn danh Pittsburgh.
Ngay trước đó, ông Peduto cũng khiến Tổng thống ê mặt khi nêu rõ sự thật là chẳng có nhiều người ở Pittsburgh bầu cho ông Trump. Thay vào đó, người dân thành phố này đã ủng hộ ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.
“Sự thật: Hillary Clinton nhận 80% số phiếu ở Pittsburgh. Pittsburgh sát cánh với thế giới và sẽ tuân thủ thỏa thuận Paris”, ông Peduto viết.(Tuoitre)