Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
24 giờ trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn kêu gọi nhà lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Nhật Bản gây sức ép với Bình Nhưỡng, thúc đẩy họ từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Sau vài giờ phóng tên lửa lần này của Triều Tiên, cũng trong ngày 4/7, trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “khó có thể tin rằng Hàn Quốc và Nhật Bản còn có thể khoan nhượng với trường hợp này được bao lâu”.
Ông Donald Trump còn nói: “Có lẽ Trung Quốc sẽ ra mạnh tay với Triều Tiên, kết thúc toàn bộ sự phiền phức này”. Vào sáng ngày 5/7, Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bình luận gì về thông tin Triều Tiên phóng tên lửa lần này.
Trung - Nga ra tuyên bố chung
Ngày 4/7/2017, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng tên lửa Triều Tiên phóng lần này không phải là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Trong khi đó, vào tối ngày 4/7/2017, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Nga đã ra Tuyên bố chung về vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố cho hay Nga và Trung Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ, nỗ lực hết sức thúc đẩy giải quyết cả gói vấn đề bán đảo Triều Tiên, trong đó có vấn đề hạt nhân, thực hiện hòa bình và ổn định lâu dài Đông Bắc Á.
Trên cơ sở đó, Tuyên bố chung chỉ ra hai bên bày tỏ đặc biệt quan ngại đối với việc Triều Tiên ngày 4/7 tuyên bố phóng tên lửa, cho rằng hành động này đã vi phạm nghiêm trọng nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, hai bên không thể chấp nhận đối với vấn đề này, mạnh mẽ thúc giục Triều Tiên tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu trong nghị quyết của Hội đồng bảo an.
Hai bên rất quan ngại về sự phát triển của tình hình bán đảo Triều Tiên và tình hình khu vực xung quanh. Tình hình chính trị, quân sự khu vực này căng thẳng leo thang có thể dẫn tới xung đột vũ trang, cộng đồng quốc tế cần áp dụng các biện pháp tập thể, thông qua đối thoại, đàm phán để giải quyết hòa bình.
Hai bên phản đối bất cứ lời nói và hành động nào làm căng thẳng và gia tăng mâu thuẫn, kêu gọi các nước liên quan giữ kiềm chế, tránh có cách hành động khiêu khích và lời nói hiếu chiến, thể hiện ý nguyện đối thoại vô điều kiện, cùng có các nỗ lực tích cực làm dịu tình hình căng thẳng.
Hai bên lấy sáng kiến "hai tạm dừng" (Triều Tiên tạm dừng các hoạt động hạt nhân và tên lửa, Mỹ - Hàn tạm dừng các cuộc tập trận quy mô lớn) và thực hiện tư duy "kép" (phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và xây dựng cơ chế hòa bình bán đảo) của Trung Quốc cùng với ý tưởng giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên theo từng bước của Nga làm nền tảng, đưa ra sáng kiến chung.
Hai bên kiến nghị Triều Tiên đưa ra quyết đoán chính trị tự nguyện, tuyên bố tạm dừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Mỹ và Hàn Quốc cũng tạm dừng tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn.
Các bên mở ra các cuộc đàm phán đồng bộ, xác định nguyên tắc quan hệ tổng thể, bao gồm không sử dụng vũ lực, không xâm lược, chung sống hòa bình, sẵn sàng nỗ lực thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo, giải quyết cả gói tất cả các vấn đề, bao gồm vấn đề hạt nhân.
Trong tiến trình đàm phán, các bên thúc đẩy xây dựng cơ chế hòa bình, an ninh bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á mà các bên đều có thể chấp nhận được, cuối cùng thực hiện bình thường hóa quan hệ giữa các nước có liên quan.
Hai bên kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ sáng kiến trên, mở ra con đường hiện thực cho giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Hai bên kiên quyết bảo vệ hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, kiên trì thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cần được thực hiện toàn diện, hoàn chỉnh. Hai bên cùng cùng các bên liên quan tiếp tục nỗ lực thúc đẩy giải quyết mối quan tâm của các bên bằng đối thoại, đàm phán.
Hai bên tái khẳng định các mối quan tâm hợp lý của Triều Tiên cần được tôn trọng. Các nước khác cần nỗ lực cho khôi phục đàm phán, cùng tạo ra bầu không khí hòa bình, tin cậy lẫn nhau.
Hai bên kêu gọi các bên tuân thủ "Tuyên bố chung 19/9", nhanh chóng tái khởi động tiến trình đối thoại giải quyết toàn diện vấn đề bán đảo. Các biện pháp quân sự không nên trở thành phương án lựa chọn giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Hai bên ủng hộ hai miền Triều Tiên triển khai đối thoại, đàm phán, cùng tỏ thiện chí với nhau, cải thiện quan hệ, thúc đẩy hòa giải, hợp tác, phát huy vai trò cần thiết để làm dịu tình hình căng thẳng, giải quyết ổn thỏa vấn đề bán đảo.
Hai bên tái khẳng định rất coi trọng bảo vệ hòa bình và ổn định của quốc tế và khu vực, nhấn mạnh quan hệ đồng minh giữa các nước liên quan không nên gây thiệt hại cho lợi ích của bên thứ ba. Phản đối các thế lực ngoài khu vực (Mỹ) lấy cớ ứng phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, tăng cường triển khai và hiện diện quân sự ở khu vực Đông Bắc Á.
Hai bên tái khẳng định, triển khai hệ thống THAAD ở khu vực Đông Bắc Á gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích an ninh chiến lược của các nước trong khu vực trong đó có Trung Quốc và Nga, không có lợi cho thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và hòa bình, ổn định khu vực.
Hai bên phản đối triển khai hệ thống nói trên, thúc giục các nước liên quan lập tức chấm dứt và hủy bỏ việc triển khai liên quan, bàn bạc áp dụng các biện pháp cần thiết, thiết thực bảo vệ lợi ích an ninh của hai nước và cân bằng chiến lược khu vực.
Tuyên bố chung này được Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Trung Quốc và Nga ký kết ngày 4/7/2017 tại Thủ đô Moscow, Nga.(Viettimes)
---------------------------------
Ông Donald Trump tăng sức ép lên Bắc Kinh và "cơ hội cuối cùng" cho Bình Nhưỡng
Ngày 3/7 hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap News cho hay, hôm thứ Hai Triều Tiên đã tuyên bố rằng: tên lửa của họ có thể bắn trúng bất kỳ mục tiêu nào trên trái đất một cách nhanh chóng và chính xác và không thể bị theo dõi.
3/7 là ngày truyền thống của lực lượng tên lửa chiến lược Triều Tiên.
Tuy nhiên ngày 3/7 năm nay, Bình Nhưỡng không có tuyên bố nào đe dọa nhấn chìm căn cứ quân sự Mỹ trong biển lửa như năm ngoái. [1]
"Cơ hội cuối cùng" cho Bình Nhưỡng
Cùng ngày 3/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tiếp cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Xanh, nhân dịp ông sang Seoul dự một cuộc hội thảo do một tờ báo tổ chức.
Ông Moon Jae-in kêu gọi Bình Nhưỡng nhanh chóng quay trở lại bàn đàm phán, bởi rất có thể đây là cơ hội cuối cùng cho Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đối thoại.Tổng thống Hàn Quốc nói với ông Obama, ông và Tổng thống Donald Trump đã đồng ý tiếp tục sử dụng các biện pháp trừng phạt gây áp lực như công cụ để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng đồng thời vẫn tiến hành đối thoại.
"Chúng tôi đã thành công ngoài dự kiến trong cuộc gặp Tổng thống Donald Trump tuần trước, trong đó có một thỏa thuận tăng cường liên minh Mỹ - Hàn.".
Cựu Tổng thống Barack Obama bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống Moon Jae-in và chính quyền mới tại Hàn Quốc.
Ông Barack Obama lưu ý, chỉ cần dân ủng hộ thì không có gì là không thể. [2]
Trong một động thái khác có liên quan, báo The Guardian, Anh quốc ngày 4/7 cho biết, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Liu Jieyi đã cảnh báo một "thảm họa" nếu thế giới không tìm ra cách giảm bớt các cuộc xung đột với quốc gia láng giềng của họ ở Đông Bắc Á.
Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm qua, Đại sứ Trung Quốc phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hợp Quốc:
"Nếu căng thẳng (trên bán đảo Triều Tiên) chỉ tăng lên thì sớm muộn nó cũng vượt ra khỏi tầm kiểm soát và hậu quả sẽ là thảm họa.".
Ông cho rằng, khủng hoảng bán đảo Triều Tiên hiện nay là "rất, rất nghiêm trọng", các cường quốc nên chấp nhận và ủng hộ đề xuất đối thoại với Bình Nhưỡng, không nên để quá lâu. [3]
Donald Trump tăng sức ép lên Trung Nam Hải
Nikkei Asian Review, Nhật Bản ngày 4/7 cho biết, trong ngày hôm qua Tổng thống Donald Trump cũng đã lần lượt điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về thương mại và vấn đề Triều Tiên.
Tờ báo này cho hay, ông Donald Trump đã cố gắng kêu gọi ông Tập Cận Bình "trực tiếp hành động" trước cuộc gặp lần thứ 2 của họ, dự kiến sẽ diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 khai mạc cuối tuần này tại Đức.
Người Trung Quốc dường như muốn giải thích những nỗ lực của họ đối với ông Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Tuy nhiên quãng thời gian hợp tác ngắn ngủi giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ (về Triều Tiên) có vẻ như đã phải nhường chỗ cho một cái gì đó khác, Nikkei Asian Review bình luận. [4]
The New York Times ngày 3/7 dẫn lời Giáo sư Cheng Xiaohe từ Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc bình luận:
Những hành động gần đây nhất của ông Donald Trump là cho ông Tập Cận Bình "đồng ý điện đàm".
Cử chỉ này dường như cho thấy Trung Quốc đang tìm cách "duy trì sự ổn định và động lực" trong quan hệ với ông Donald Trump để ngăn chặn nhà lãnh đạo Mỹ sử dụng các biện pháp khắc nghiệt hơn, ví dụ như một phản ứng quân sự.
Báo này cũng dẫn nguồn tin Kyodo News, Nhật Bản cho biết, ông Shinzo Abe đã ca ngợi quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt 1 ngân hàng, 1 doanh nghiệp và 2 công dân Trung Quốc.
Hai nhà lãnh đạo đồng ý sẽ tổ chức đàm phán 3 bên cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về vấn đề Triều Tiên bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20. [5]
The Washington Post ngày 3/7 dẫn lời Tiến sĩ Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế nhận định:
Trung Quốc đã tỏ ra tự tin rằng họ đã đạt được nhận thức chung với Hoa Kỳ sau hội nghị thượng đỉnh ở Mar-a-Lago và đánh giá các hành động cần thiết tối thiểu để đáp ứng yêu cầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đã tính toán sai.
Rõ ràng họ đã không đáp ứng một cách đầy đủ quan ngại của Mỹ về các ngân hàng, doanh nghiệp Trung Quốc dung túng các hoạt động bất hợp pháp của Triều Tiên.
Một chuyên gia Trung Quốc về chính sách đối ngoại từ chối tiết lộ danh tính vì không được phép nói chuyện với truyền thông, nói với The Washington Post:
Bắc Kinh không muốn thấy một sự suy thoái trong quan hệ với Washington trước thêm Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm nay.
Vị chuyên gia này bình luận:
"Trước các hành động gần đây của Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã phải đáp trả công khai. Nhưng riêng phát biểu của ông Tập Cận Bình tương đối kiềm chế.
Ông Tập Cận Bình chỉ nói rằng đã có một số yếu tố tiêu cực trong quan hệ song phương (khi điện đàm với ông Donald Trump hôm qua).
Ông ấy không sử dụng những từ ngữ cường điệu hơn.". [6]
Reuters ngày 3/7 cho biết, cùng ngày ông Tập Cận Bình lên đường đi thăm Nga.
Tân Hoa Xã tường thuật, ông Tập Cận Bình nói với truyền thông Moscow rằng Trung Quốc và Nga duy trì liên lạc và phối hợp chặt chẽ, có quan điểm tương tự nhau trong việc phản đối triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.
Hai nước sẽ cùng hợp tác hoặc độc lập thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình. [7]
Tài liệu tham khảo:
[1]http://english.yonhapnews.co.kr/news/2017/07/03/0200000000AEN20170703005100315.html
[2]http://english.yonhapnews.co.kr/northkorea/2017/07/03/0401000000AEN20170703007351315.html
[3]https://www.theguardian.com/world/2017/jul/03/china-north-korea-tension-out-of-control-un
[4]http://asia.nikkei.com/Politics-Economy/International-Relations/US-China-face-growing-rift-on-North-Korea
[5]https://www.nytimes.com/2017/07/03/world/asia/trump-xi-jinping-china-north-korea.html
[6]https://www.washingtonpost.com/world/china-accuses-us-of-serious-provocation-as-warship-sails-near-disputed-island/2017/07/02/9ce7b026-5f93-11e7-a6c7-f769fa1d5691_story.html?utm_term=.a877bc4c57a0
[7]https://www.reuters.com/article/us-china-thaad-russia-idUSKBN19O0N8
Hồng Thủy (Giáo Dục Việt Nam)