Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý 09-11-2017

  • Cập nhật : 09/11/2017

NATO nói gì về vai trò của Nga và Trung Quốc trong giải quyết vấn đề Triều Tiên?

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng với vị thế là hai quốc gia láng giềng, đồng thời là thành viên của Liên Hiệp Quốc, cả Nga và Trung Quốc đều mang trách nhiệm đặc biệt trong giải quyết vấn đề Triều Tiên.

tong thu ky nato jens stoltenberg

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã một lần nữa tuyên bố, rằng Nga và Trung Quốc đều có trách nhiệm đặc biệt trong việc giải quyết vấn đề xung quanh tình hình bán đảo Triều Tiên.

Trả lời phỏng vấn của các phóng viên, ông Stoltenberg cho biết: "Cần phải gây áp lực lên Triều Tiên để đạt được một giải pháp hòa bình thông qua con đường thương lượng. Áp lực-chính là con đường dẫn tới hòa bình. Chúng ta cần gây áp lực chính trị, áp lực ngoại giao, nhưng đặc biệt, là chúng ta cần phải gây áp lực kinh tế".

Ông lấy làm mừng, rằng "trên thực tế các biện pháp trừng phạt đang được áp dụng cẩn thận hơn so với trước đây".

Tổng thư ký NATO nói: "Nga và Trung Quốc mang một trách nhiệm đặc biệt, bởi vì cả Nga và Trung Quốc đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cũng như là hai nước láng giềng của Triều Tiên".

Trước đó, phát biểu tại một cuộc họp báo tại Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lưu ý, rằng ông không hài lòng khi Nga đang phải chịu trách nhiệm giải quyết tất cả xung đột, bao gồm cả tình hình ở Triều Tiên, Syria, Iran, Ukraine và các nước khác.

Nga và Trung Quốc nằm trong số ít các quốc gia có quan hệ kinh tế với Triều Tiên, và có chung mối quan ngại với việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Moscow và Bắc Kinh nhiều lần kêu gọi các bên kiên nhẫn trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Trước đó, Trung Quốc và Nga đã đề xuất một kế hoạch "đóng băng kép", theo đó Triều Tiên sẽ đóng băng chương trình hạt nhân để đổi lấy việc Hoa Kỳ và Hàn Quốc dừng tập trận chung. Tuy đề xuất này bị Mỹ từ chối, nhưng có thể thấy cả Trung Quốc và Nga có cùng mục tiêu dài hạn, đó là bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân.

Được biết, trong chuyến công du châu Á lần này của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thì vấn đề Triều Tiên được xem là điểm nóng. Các cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo Hoa Kỳ với người đồng cấp Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là mang nhiều hy vọng giải quyết được vấn đề xung quanh chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.(Infonet)
---------------------------

Ukraine hủy hiệp định cung cấp vũ khí và kỹ thuật quân sự với Nga

Mối quan hệ giữa Nga và Ukraine vẫn chưa được cải thiện sau sự kiện bán đảo Crimea năm 2014. Điện Kremlin cùng ngày cũng đã lên tiếng.

 

dan xe boc thep cua quan doi ukraine - anh chup man hinh ap

Dàn xe bọc thép của quân đội Ukraine - Ảnh chụp màn hình AP

 

Chính phủ Ukraine ngày 8-11 đã thông qua quyết định hủy bỏ hiệp định cung cấp vũ khí và kỹ thuật quân sự với Nga, chấm dứt hơn 20 năm có hiệu lực.

Hiệp định này được ký kết giữa Nga và Ukraine vào tháng 2-1995, quy định cụ thể về thủ tục cung cấp vũ khí và kỹ thuật quân sự, linh kiện và phụ tùng thay thế, tổ chức sửa chữa và cung cấp dịch vụ quân sự giữa hai nước.

Trước đó Kiev cũng đã đơn phương chấm dứt hiệu lực hiệp định liên chính phủ Ukraine và Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật – quân sự về duy trì chuyên môn hóa các doanh nghiệp và tổ chức tham gia sản xuất các sản phẩm quân sự, ký năm 2000. 

Trên thực tế, Ukraine đã ngừng hợp tác hoàn toàn với Nga trong lĩnh vực vũ khí và kỹ thuật quân sự vào tháng 3-2014, đến ngày 16-6 cùng năm.

 

Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko khi đó đã ra lệnh cấm hoàn toàn hợp tác với Nga trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Các hiệp định về hợp tác kỹ thuật - quân sự và hợp tác các doanh nghiệp quốc phòng và về trình tự phối hợp hành động giữa Nga-Ukraine khi tiến hành xuất khẩu sản phẩm quân sự sang nước thứ ba đã bị hủy bỏ.

Quy định này đã khiến một số khí tài quân sự có hàm lượng chất xám của cả hai nước gặp khó khăn trong việc xuất khẩu, chuyển giao tới các nước thứ ba sau đó.

Ngày 8-11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả nếu Ukraine cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga, theo hãng thông tấn Tass.

Theo ông Peskov, nếu điều đó xảy ra, chỉ có người dân Ukraine và Nga mới là người chịu thiệt hại nhiều nhất.

Ukraine và Nga đã từng là một phần của Liên Xô (cũ). Sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, theo một thỏa thuận về phân chia khí tài quân sự, Ukraine là nước được thừa hưởng các thành tựu kỹ thuật quân sự nhiều thứ hai trong Liên Xô, sau Nga.

Nhiều nhà máy và tổ hợp công nghiệp quân sự ngày nay của Ukraine là sự kế thừa từ Liên Xô trước đó. Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, thực chất là tàu sân bay Varyag được chuyển giao cho Ukraine sau khi Liên Xô tan rã trước khi được Bắc Kinh mua lại thông qua một doanh nhân Trung Quốc.(Tuoitre)
-------------------------------

Mỹ dàn quân xung quanh bán đảo Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố 3 tàu sân bay cùng một tàu ngầm đã vào vị trí và nhấn mạnh “đã đến lúc hành động khẩn cấp” về vấn đề Triều Tiên.

Ngày 7.11, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt chân đến Hàn Quốc, 3 nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này cùng một số khu trục hạm và tàu ngầm đã hiện diện ở Tây Thái Bình Dương. Trong vài ngày tới, các tàu này sẽ tập trận chung nhằm thị uy sức mạnh trước CHDCND Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng vẫn đang leo thang, theo CNN. Đây sẽ là lần đầu tiên trong 10 năm qua, hải quân Mỹ triển khai 3 hàng không mẫu hạm diễn tập cùng lúc tại Thái Bình Dương. “Chúng tôi đã gửi 3 trong số những tàu sân bay lớn nhất trên thế giới đến khu vực và một tàu ngầm hạt nhân cũng đã được bố trí”, Tổng thống Trump phát biểu tại cuộc họp báo cùng người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in sau cuộc hội đàm tại Seoul hôm qua.

CNN dẫn lời chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh: “Mỹ đã chuẩn bị bảo vệ chính mình và các đồng minh bằng cách dùng khả năng quân sự vượt trội nếu cần thiết”, đồng thời khẳng định thêm “đã đến lúc hành động khẩn cấp với quyết tâm lớn” để ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng cho biết ông muốn sử dụng những công cụ sẵn có hơn là giải pháp quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên và Bình Nhưỡng nên chấp nhận đàm phán để có được một thỏa thuận có lợi cho người dân Triều Tiên lẫn cộng đồng quốc tế. Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thống Trump cho hay Hàn Quốc đồng ý sẽ mua số lượng lớn vũ khí Mỹ với trị giá hàng tỉ USD. Ngoài ra, theo Reuters, trước khi đến Hàn Quốc, Tổng thống Trump đã yêu cầu quốc hội Mỹ phê chuẩn khoản chi 4 tỉ USD để tăng cường khả năng phòng thủ ứng phó Triều Tiên.

Phía Hàn Quốc, Tổng thống Moon khẳng định việc mua vũ khí Mỹ là “cần thiết” và nhấn mạnh Seoul đã nhất trí bắt đầu đàm phán về trang bị thêm khí tài chiến lược từ Mỹ để nâng cao khả năng phòng thủ, theo AFP. “Chúng tôi đồng ý bắt đầu ngay các cuộc thương lượng về việc Hàn Quốc phát triển và mua những thiết bị giám sát quân sự tiên tiến nhất”, ông nói. Tổng thống Moon cho biết thêm hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc dỡ bỏ giới hạn khối lượng đầu đạn, lâu nay là không quá 500 kg, cho tên lửa đạn đạo Hàn Quốc. Cũng theo vị tổng thống này, hai bên còn nhất trí mở rộng triển khai luân phiên khí tài chiến lược Mỹ đến Hàn Quốc và những khu vực xung quanh.

Hàn Quốc là điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du 5 nước châu Á lần này của Tổng thống Trump, sau Nhật Bản. Theo lịch trình, Tổng thống Trump sẽ phát biểu tại quốc hội Hàn Quốc vào hôm nay 8.11 trước khi lên đường vào cùng ngày để đến Trung Quốc, VN và Philippines. Hôm qua, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Trump sẽ thảo luận về vấn đề Triều Tiên bên lề đợt Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng.(Thanhnien)
--------------------------

Hải quân Mỹ lần đầu thử vũ khí Tấn công Chớp nhoáng Toàn cầu

Vũ khí siêu vượt âm do hải quân Mỹ thử nghiệm được cho là đủ sức tấn công mọi mục tiêu trên Trái Đất trong vòng một giờ.

hai-quan-my-lan-dau-thu-vu-khi-tan-cong-chop-nhoang-toan-cau

Thiết kế đầu đạn siêu vượt âm trong dự án PGS. Ảnh minh họa: DARPA.

Hải quân Mỹ hôm 7/11 cho biết đã thử nghiệm hệ thống vũ khí siêu vượt âm trong đòn Tấn công chớp nhoáng toàn cầu (PGS) hồi cuối tuần trước. Đây là công nghệ vũ khí cho phép Washington tấn công bất cứ nơi nào trên Trái Đất trong vòng một giờ, hạn chế tối đa khả năng phát hiện và chống trả của đối phương, Popular Mechanic đưa tin.

Mỹ bắt đầu quan tâm về vũ khí dẫn đường chính xác tầm siêu xa từ năm 2001, khi chính quyền cựu tổng thống George W. Bush muốn đưa đầu đạn phi hạt nhân vào một tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình siêu tốc tầm xa. Bằng cách này, Mỹ có thể tấn công mọi mục tiêu trong thời gian ngắn, khi các vũ khí chiến lược khác như tàu sân bay và oanh tạc cơ không kịp phản ứng.

Khái niệm PGS được phát triển mạnh sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Chúng được coi là vũ khí hiệu quả để tấn công mục tiêu xuất hiện trong thời gian ngắn và khó phát hiện như các cuộc họp của lực lượng khủng bố. Trên thực tế, Mỹ từng dùng cách này để tấn công nơi ở của cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein trước chiến dịch quân sự vào năm 2003, nhưng ông Hussein không có mặt ở địa điểm đó.

Các quan chức quân sự Mỹ cho rằng PGS có thể được dùng để phá hủy tên lửa hạt nhân trên bệ phóng ở Triều Tiên hoặc Iran, tấn công kho vũ khí hủy diệt hàng loạt trong tay các nhóm khủng bố, thậm chí đánh phủ đầu chớp nhoáng nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc hoặc Nga.Ban đầu, Mỹ triển khai nhiều loại vũ khí trong PGS, gồm cả biến thể mang đầu đạn thông thường của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident D-5. Tuy nhiên, các đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân rất khó phân biệt được quả tên lửa Trident D-5 vừa phóng lên là biến thể mang đầu đạn hạt nhân hay không. Điều này có thể buộc họ phải kích hoạt đòn tấn công trả đũa mang tính hủy diệt.

co cau hoat dong cua ten lua trident mang dau dan thong thuong. anh: darpa.

Cơ cấu hoạt động của tên lửa Trident mang đầu đạn thông thường. Ảnh: DARPA.

Hải quân Mỹ đang thử nghiệm công nghệ vũ khí siêu vượt âm có tốc độ 6.175-12.350 km/h, nhanh gấp 5-10 lần vận tốc âm thanh. Đầu đạn đặt trên một tên lửa đạn đạo, quả đạn sẽ lấy độ cao và tốc độ lớn trước khi tách đầu đạn, cho phép nó tự tăng tốc và lượn về mục tiêu. Vũ khí siêu vượt âm có quỹ đạo bay khác với tên lửa đạn đạo nên dễ phân biệt hơn trên màn hình radar.

Vụ thử cuối tuần trước là lần đầu tiên hải quân Mỹ thử tên lửa trong chương trình PGS. Tàu ngầm là nền tảng lý tưởng cho đòn đánh chớp nhoáng này, do chúng có thể ẩn mình gần mục tiêu, rút ngắn thời gian phản ứng khi đánh phủ đầu.

Tuy nhiên, Washington vẫn gặp khó khăn trong quá trình phát triển vũ khí siêu vượt âm, do chúng trở nên rất khó điều khiển và mất độ chính xác khi tốc độ tăng cao. Nhiệt độ vỏ đầu đạn có thể lên tới gần 1.000 độ C ở tốc độ tối đa, đòi hỏi sử dụng công nghệ và vật liệu tiên tiến. Đây là những thách thức công nghệ lớn, nhưng không hẳn là không thể khắc phục.

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đang nghiên cứu vũ khí siêu vượt âm. Trung Quốc từng thử nghiệm vũ khí mang tên mã DF-ZF, trong khi Nga cũng phát triển vũ khí lượn siêu thanh Yu-71 có tính năng tương tự.(Vnexpress)
---------------------

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý sáng 08-11-20172

    Tin thế giới đáng chú ý sáng 08-11-2017

    Mỹ tham vọng chế tạo vũ khí laser cho tiêm kích; Nhật Bản muốn cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam; Iran và Saudi, UAE chuẩn bị chiến tranh vùng Vịnh?; Lá chắn tên lửa Mỹ chỉ đứng nhìn RS-28 xâm nhập?

  • Tin thế giới đáng chú ý 08-11-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 08-11-2017

    Tổng thống Trump muốn Mỹ chi thêm 4 tỷ USD đối phó tên lửa Triều Tiên; Ba tàu sân bay Mỹ sắp tập trận tại châu Á; Mỹ - Hàn tăng cường răn đe Triều Tiên; Philippines lo ngại tàu nạo vét Trung Quốc

Bài cùng chuyên mục