Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 05-07-2017
- Cập nhật : 05/07/2017
Nga và Trung Quốc nhất trí cần phải đóng băng chương trình hạt nhân Triều Tiên
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga và Trung Quốc đã nhất trí cần phải đóng băng chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên cũng như các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Theo RT, trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moskva ngày 4/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: “Chúng tôi đã nhất trí thúc đẩy sáng kiến chung dựa trên kế hoạch từng bước ổn định bán đảo Triều Tiên của Nga và các ý kiến của Trung Quốc nhằm đóng băng các hoạt động tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, cũng như các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc”.
Moskva và Bắc Kinh nhấn mạnh rằng cần phải quan tâm tới những quan ngại về an toàn của Triều Tiên và nhận định rằng những quan ngại của Triều Tiên là “điều hợp lý”.
“Hai bên nhấn mạnh rằng những lo ngại hợp lý của Triều Tiên cần được tôn trọng. Các nước khác cần có bước đi nhất định để nối lại đàm phán, tạo ra xu hướng hòa bình và tin tưởng lẫn nhau”, tuyên bố chung của các bộ trưởng ngoại giao Nga và Trung Quốc cho biết.
Ngoài ra, tuyên bố chung nhấn mạnh: "Phải loại bỏ khả năng sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên".
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên vừa thông báo thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên. Vụ việc khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng kêu gọi Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, có những bước đi mạnh mẽ đối với Bình Nhưỡng nhằm chấm dứt hẳn vấn đề này.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu với báo giới tại Tokyo rằng, vụ phóng mới nhất của Triều Tiên rõ ràng cho thấy mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng gia tăng. Ông khẳng định, Nhật Bản sẽ phối hợp với Hàn Quốc và Mỹ để gây thêm sức ép lên Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đóng vai trò "xây dựng" trong việc giải quyết vụ việc. (Baotintuc)
------------------------------
Bất ngờ với số liệu về lượng đầu đạn hạt nhân Triều Tiên đang sở hữu
Trong bối cảnh Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên được cho là có thể bắn tới Alaska (Mỹ), thông tin về số lượng đầu đạn hạt nhân mà Bình Nhưỡng sở hữu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) công bố có thể khiến không ít người giật mình.
Triều Tiên công bố cảnh thử nghiệm tên lửa ICBM đầu tiên ngày 4/7. Ảnh cắt từ clip truyền hình Triều Tiên
Nếu cộng thêm số vũ khí hạt nhân bị niêm phong, chờ giải trừ thì thế giới có 14.935 đơn vị vũ khí hạt nhân, giảm 460 đơn vị, tương đương 3%, so với con số thống kê đầu năm 2016.
Dẫn thống kê của SIPRI, hãng tin Bloomberg cho hay, hiện nay, Mỹ có tổng cộng 6.800 đầu đạn hạt nhân, con số này của Nga là 7.000 và hai cường quốc hạt nhân này chiếm tới 93% tổng số đầu đạn hạt nhân của thế giới.
Trong 7 quốc gia còn lại, Pháp có 300 đầu đạn hạt nhân. Số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc là 270; Anh là 215; Pakistan từ 130-140; Ấn Độ từ 120-130; Israel là 80 và Triều Tiên từ 10-20.
Thông tin của SIPRI được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vào hôm 22/6 vừa qua, quan chức Mỹ cho hay Triều Tiên đã thử nghiệm động cơ tên lửa được cho là một phần của chương trình phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng bắn tới Mỹ.
Tiếp đó vào ngày 4/7, Đài Truyền hình Quốc gia Triều Tiên đưa tin nước này đã phóng thành công quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên vào sáng cùng ngày. Theo giới chuyên gia, quỹ đạo bay như vậy cho phép quả tên lửa đánh trúng bang Alaska của Mỹ.(Baotintuc)
-------------------------
Đánh giá toàn cảnh các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên năm 2017
Dường như mục tiêu tối thượng của Triều Tiên sắp thành hiện thực khi nước này đã phóng thử thành công một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được cho là có thể mang đầu đạn hạt nhân và vươn tầm bắn tới Mỹ.
Theo kênh CNN (Mỹ), Bình Nhưỡng ngày 4/7 đã đạt tiến bộ lớn trong đạt được mục tiêu tối thượng nói trên. Nước này đã thông báo phóng thử thành công một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa có tên Hwasong-14.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết quả tên lửa đã bay được hơn 2.500 km, đủ xa để chạm tới Alaska của Mỹ.
Triều Tiên liên tục phóng tên lửa từ đầu năm tới nay. Ảnh: AP
Đây là một trong nhiều vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong năm nay và là vụ thử cho thấy Triều Tiên có khả năng tấn công một bang của Mỹ.
Sau mỗi lần thử tên lửa, Triều Tiên đã tích lũy được kinh nghiệm cho các lần tiếp theo.
Ông David Wright, đồng giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu, một chuyên gia Mỹ về kiểm soát vũ khí và không phổ biến tên lửa, đã “mổ xẻ” những thông tin về các vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong năm nay.
Vụ thử quan trọng nhất trước vụ thử ngày 4/7
Tính toán cho thấy quả tên lửa được sử dụng trong vụ thử ngày 14/5 đạt tầm 4.800 km, đủ xa để trúng mục tiêu là các căn cứ Mỹ ở đảo Guam cách Triều Tiên 3.400 km.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như sắp đạt được mục tiêu bắn tên lửa tới Mỹ. Ảnh: AP
Quả tên lửa này dường như sử dụng một động cơ chưa từng thấy trong các vụ phóng thử trước đó và có thể do chính Triều Tiên thiết kế.
Có thể Triều Tiên sẽ cần một động cơ mạnh hơn để chế tạo một quả tên lửa to hơn, có tầm bắn liên lục địa. Tuy nhiên, vụ thử thành công ngày 14/5 này cho thấy Triều Tiên đang đi đúng hướng về mặt kỹ thuật. Vụ thử cũng cho thấy các kỹ sư tên lửa đang ngày càng trở nên có tay nghề hơn.
Đầu tháng 6, một quan chức Mỹ cho biết ba vụ thử tên lửa thất bại của Triều Tiên trong tháng 4 thực ra là nỗ lực phóng loại tên lửa này. Khi đó, Triều Tiên gặp vấn đề kỹ thuật với thiết kế.
Các vụ thử có chung đặc điểm gì?
Trừ vụ phóng thử ngắn nhất ngày 29/5, trong toàn bộ các vụ phóng còn lại, tên lửa đều bay theo phương võng. Lý do được phỏng đoán là vì để tên lửa có tầm ngắn hơn và rơi xuống vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên thay vì bay qua Nhật Bản. Nếu tên lửa bay qua Nhật Bản, Triều Tiên sẽ gây ra vấn đề quốc tế lớn như trước đây.
Tên lửa Pukguksong-2 là tên lửa thế nào?
Ngày 12/2 và 21/5, Triều Tiên thử tên lửa Pukguksong-2. Đây là một phiên bản trên mặt đất của tên lửa Pukguksong-1 mà Triều Tiên phóng từ tàu ngầm vào năm 2016.
Từ vụ phóng, ta có thể thấy quả tên lửa này di chuyển khoảng 1.250 km. Tầm bắn này có thể so sánh với tên lửa Nodong và có thể chạm tới phần lớn hoặc toàn bộ Nhật Bản.
Đây là một bước tiến quan trọng với Triều Tiên vì các tên lửa Pukguksong sử dụng nhiên liệu rắn, chứ không phải lỏng như Nodong. Điều đó có nghĩa là tên lửa có thể được di chuyển tới khu vực phóng và được phóng nhanh chóng.
Trong khi đó, tên lửa Nodong phải được tiếp liệu khi tới khu vực phóng. Quá trình tiếp liệu có thể mất chừng một tiếng.
Lịch sử các nước khác cho thấy họ có thể mất cả chục năm hoặc hơn để phát triển tên lửa nhiên liệu rắn tầm xa. Tới nay, Triều Tiên đã phóng thử ba lần loại tên lửa này, một lần từ tàu ngầm và hai lần từ mặt đất sau khi thất bại trong một loạt vụ thử.
Thấy gì qua lần thử một lúc nhiều tên lửa đạn đạo?
Ngày 3/6, Triều Tiên đã phóng cùng lúc 4 quả tên lửa Scud tầm trung từ các bệ phóng di động.
Một loại tên lửa Triều Tiên trong lễ diễu hành ngày 15/4. Ảnh: KCNA
Đây là loại tên lửa nhiên liệu lỏng, tầm bắn chừng 1.000 km, lượng thuốc nổ là 500 kg.
Vụ thử này không thể hiện năng lực mới về tên lửa của Triều Tiên song dường như nó cho thấy họ đang thực hành sử dụng tên lửa để áp dụng khi chiến đấu.
Vụ thử ngày 29/5 khác với các vụ thử tên lửa tầm ngắn trước đó ra sao?
Vụ thử này dùng một quả tên lửa Scud, tầm bắn vài trăm km. Điều khác biệt là tên lửa có mặt trước mới lạ, gắn thêm các “vây” nhỏ mà Triều Tiên tuyên bố là giúp định hướng tên lửa quay trở lại với độ chính xác cao.
Triều Tiên đã khoe một số tên lửa gắn “vây” ngày 15/4. Các tên lửa này có thể sẽ được sử dụng như tên lửa chống hạm. Định hướng chính xác tên lửa là điều khó thực hiện và sẽ đòi hỏi nỗ lực đáng kể mới phát triển được.
Triều Tiên phóng gì vào ngày 8/6?
Vụ phóng ngày 8/6 là tên lửa hành trình, bay trong không trung như máy bay nhỏ chứ không như tên lửa đạn đạo. Tên lửa hành trình được nạp năng lượng vào đầu chuyến bay và sau đó bay theo đường vòng cung hướng tới mục tiêu như một quả bóng chày.
Các tên lửa đã phóng ngày 8/6 bay xa 200 km.
Các vụ phóng tên lửa thất bại
Ngoài ba vụ phóng thất bại hồi tháng 4, Triều Tiên còn có một vụ thất bại hồi tháng 3. Không có nhiều thông tin về các vụ phóng này và lý do thất bại. Thậm chí không biết loại tên lửa được phóng hồi tháng 3 là gì. Triều Tiên chỉ tung ảnh và các thông tin chi tiết sau khi phóng thành công.(Baotintuc)