Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý 06-07-2017

  • Cập nhật : 06/07/2017

Trung Quốc ra yêu sách với Ấn Độ về căng thẳng Himalaya

Trung Quốc đòi Ấn Độ rút quân khỏi lãnh thổ tranh chấp và xem đây là "điều kiện tiên quyết nếu muốn hòa bình" liên quan đến khu vực tranh chấp đang do Bhutan quản lý.

Căng thẳng đang dâng cao tại khu vực cao nguyên Doklam do Bhutan quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Động Lãng. Ấn Độ và Bhutan tố Trung Quốc xây một con đường từ thung lũng Chumbi (bên phía Tây Tạng) sang Doklam.

Bhutan đã gửi công hàm yêu cầu Trung Quốc trả lại hiện trạng với lý do sự tồn tại của con đường “vi phạm thỏa thuận bằng văn bản giữa hai bên”. “Bhutan hy vọng rằng hiện trạng tại Doklam sẽ được duy trì như trước ngày 16.6.2017”, AFP dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Bhutan viết.

Ấn Độ cũng cực kỳ lo ngại vì nếu kiểm soát được cao nguyên Doklam, Trung Quốc có thể uy hiếp hành lang Siliguri, dải đất hẹp nối liền các bang đông bắc của Ấn Độ với phần còn lại của lãnh thổ, trong trường hợp nổ ra xung đột. Nếu hành lang này bị chặt đứt, toàn bộ các bang đông bắc của Ấn Độ, bao gồm khu vực Arunachal Pradesh đang tranh chấp với Trung Quốc, sẽ rơi vào tình thế cô lập.

New Delhi khẳng định hành động xây đường của Bắc Kinh là đơn phương thay đổi điểm giao biên giới giữa ba bên và cho biết thêm binh sĩ Ấn Độ đang phối hợp với quân đội Bhutan để ngăn cản Trung Quốc xây đường.

Theo tờ The Times of India, Ấn Độ và Trung Quốc mỗi nước đã triển khai khoảng 3.000 binh sĩ đến khu vực.

Trong cuộc phỏng vấn vào chiều 5.7, đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ La Triệu Huy nhấn mạnh: "Quân Ấn Độ phải rút về địa phận của mình một cách vô điều kiện”, theo hãng thông tấn Press Trust of India (PTI). Ông này cho rằng đây là điều kiện tiên quyết trước khi muốn tiến tới giải pháp hòa bình.

PTI dẫn lời các nhà phân tích đánh giá việc phía Trung Quốc sử dụng những từ ngữ như "điều kiện tiên quyết" và "hòa bình" đánh dấu một bước leo thang căng thẳng mới trong tình hình hiện nay. Trước đó, Bộ Ngoại giao nước này tung ra một tấm bản đồ thể hiện yêu sách chủ quyền đối với khu vực Doklam. Một số dòng chú thích trên bản đồ còn cáo buộc quân đội Ấn Độ “đóng trú phi pháp” trong khu vực.

Ấn Độ và Bhutan chưa có phản ứng về những diễn biến mới nói trên.(thanhnien)
----------------------------

Các nghị sĩ châu Âu bị mắng 'lố bịch' và thiếu nghiêm túc

Bực mình do khán phòng quá vắng vẻ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã chê trách các nghị sĩ không nghiêm túc, ông “mắng” cơ quan này là “hết sức lố bịch”.

chu tich uy ban chau au jean-claude juncker trong phong nghi su vang ve cua quoc hoi chau au - anh: afp

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong phòng nghị sự vắng vẻ của Quốc hội châu Âu - Ảnh: AFP

Theo đài BBC, đứng trước phòng nghị sự gần như vắng tanh của Quốc hội châu Âu ở Strasbourg (Pháp) ngày 4-7, ông Jean-Claude Juncker đã bực dọc ra mặt và chê trách nghị viện này là "lố bịch, hết sức lố bịch".

Ước tính số nghị sĩ có mặt chỉ khoảng 30 người, ông chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) cho rằng điều này chứng tỏ nghị viện "không nghiêm túc".

Trước chê trách của ông Juncker, chủ tịch Quốc hội châu Âu, ông Antonio Tajani, phản ứng gay gắt, nói ông Juncker thiếu tôn trọng cơ quan này.

Ông Antonio Tajani đáp trả: "Ông có thể chỉ trích Nghị viện, nhưng việc của EC không phải là kiểm soát Nghị viện, chính Nghị viện mới là cơ quan quản lý EC".

Tuy nhiên những xích mích tiếp tục khi ông Juncker giận dữ khiển trách các nghị sĩ không tham gia phiên họp đánh giá về quãng thời gian 6 tháng nắm quyền chủ tịch của Cộng hòa Malta, quốc gia thành viên nhỏ bé nhất của Liên minh châu Âu (EU).

Đây là một trong những cuộc tranh cãi gay gắt nhất công khai giữa các quan chức cấp cao của EU trong những năm qua.

Theo lời một phát ngôn viên nghị viện, sau đó hai ông Juncker và Tajani đã nói chuyện với nhau và ông Juncker tỏ ý xin lỗi vì cách dùng lời lẽ hơi quá của mình.

Theo quan sát của phóng viên đài BBC chỉ có gần 100 người có mặt tại nghị viện sáng hôm đó, trong đó đã bao gồm cả những quan chức tháp tùng ông Juncker và thủ tướng Malta. Nghị viện châu Âu có tổng cộng 751 ghế.

Một nghị sĩ Anh cho biết một số người đã bắt đầu kỳ nghỉ 7 tuần của họ.

Thủ tướng Malta, ông Joseph Muscat chỉ biết cười trừ khi chứng kiến cuộc cãi vã giữa hai quan chức cấp cao.

Cuộc thảo luận tại nghị viện hôm đó chủ yếu tập trung vào các giải pháp di dời 160.000 người tị nạn đã tới Ý và Hi Lạp sang các quốc gia khác trong liên minh.(Tuoitre)
---------------

Philippines nhận thêm đạn Mỹ để chống phiến quân Maute

Chiếc máy bay vận tải C-130 mà quân đội Philippines điều sang Mỹ hồi tháng trước đã về nước với đạn dược, vũ khí sẽ được dùng trong cuộc chiến chống phiến quân ở Marawi.

Tờ The Philippine Star dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana ngày 4.7 nói rằng số vũ khí này sẽ được sử dụng cho các máy bay tấn công.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho biết số vũ khí này đã được đồng ý giao cho Philippines từ trước cuộc khủng hoảng Marawi và nhằm bổ sung cho kho đạn của nước này.

Theo ông Lorenzana, đạn dược dùng cho máy bay tấn công FA-50 và một số máy bay khác đã bị giảm nhiều trong thời gian diễn ra chiến sự ở Marawi.

Hiện nay, quân đội sử dụng các loại máy bay cánh bằng FA-50, OV-10, SF-260, và trực thăng tấn công AW-109, MG-520 để tấn công các tay súng của lực lượng Maute.

Người đứng đầu quân đội Philippines tiết lộ nước này dự kiến nhận thêm một số máy bay trinh sát không người lái (UAV) Scan Eagle của Mỹ vào tháng 9 hoặc tháng 10.

Hiện tại, Úc cũng hỗ trợ Philippines trong cuộc chiến ở Marawi bằng cách điều 2 máy bay do thám P3 hỗ trợ quan sát cho lực lượng mặt đất. Phi công và kỹ thuật viên của Philippines cũng được lên máy bay để học hỏi và thay phiên cầm lái.

Bộ trưởng Lorenzana nói rằng trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, các nước cần chung tay hành động và Philippines hoan nghênh sự hỗ trợ của đối tác, đồng minh.(Thanhnien)
-------------------------

Jakarta nhận đe dọa sẽ bị 'biến thành Marawi'

Cảnh sát Indonesia đang truy tìm kẻ gửi thư đe dọa sẽ biến thủ đô nước này thành chiến trường như tại nước láng giềng Philippines.

Cảnh sát quận Kebayoran Lama ở nam Jakarta ngày 4.7 nhận được bức thư nặc danh đe dọa biến thủ đô của Indonesia thành Marawi, nơi đang xảy ra chiến sự giữa quân đội Philippines và phiến quân trung thành với tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) .

Theo Channel NewsAsia, bức thư viết tay được một người không rõ danh tính để lại trước trụ sở cảnh sát ghi nơi nhận là cảnh sát, quân đội và nhiều cơ quan khác. Lá thư được đặt trong một chai nước khoáng rỗng bên cạnh một lá cờ IS được treo ngay cổng.

Thư tuyên bố chiến tranh đã bắt đầu và đe dọa sẽ lật đổ chính phủ Indonesia để thay bằng IS.

Cảnh sát đang kiểm tra hình ảnh trên camera an ninh và thu thập thông tin từ nhân chứng nhằm truy tìm thủ phạm. “Cảnh sát đang là mục tiêu của khủng bố. Tất cả chúng tôi đang phải cảnh giác hơn”, người phát ngôn cảnh sát Jakarta Argo Yuwono nói.

Indonesia là quốc gia có số người theo đạo Hồi đông nhất thế giới và đang đối mặt với nguy cơ cực đoan hóa. Giới quan sát cảnh báo nguy cơ tấn công khủng bố khi nhiều tay súng từng tham gia thánh chiến với IS đang về nước do địa bàn ở Trung Đông đang bị thu hẹp.

Trước đó vào ngày 30.6, hai cảnh sát bị một kẻ khủng bố đâm khi đang cầu nguyện tại một thánh đường Hồi giáo gần trụ sở cảnh sát ở nam Jakarta. Chưa đầy 1 tuần trước đó, một số kẻ khủng bố tấn công 1 đồn cảnh sát ở Medan và đâm chết 1 cảnh sát.

Cảnh sát Indonesia mới đây cũng đã phát hiện hàng trăm quyển sách tuyên truyền về IS nhằm vào trẻ em nước này.(Thanhnien)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý tối 05-07-20172

    Tin thế giới đáng chú ý tối 05-07-2017

    Hơn 1.000 cảnh sát Italy tham gia chiến dịch truy quyét mafia; Phương Tây sẽ chao đảo vì thương vụ S-400 của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ; Trên đường tới Hong Kong, hơn 100 vũ khí Trung Quốc rầm rộ tập trận gần Đài Loan; Đối thủ của Thủ tướng Abe

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 05-07-20173

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 05-07-2017

    Quan hệ Mỹ - Trung bị ảnh hưởng bởi “nhân tố tiêu cực”; Nga tuyên bố hết kiên nhẫn với Mỹ; Nga-Trung tuyên bố 'mạnh tay' với hệ thống phòng thủ của Mỹ; Indonesia lên kế hoạch chuyển thủ đô khỏi Jakarta

Bài cùng chuyên mục