Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý 01-07-2017

  • Cập nhật : 01/07/2017

Ông Tập nói chính sách 'một đất nước' gặp thách thức ở Hong Kong

Chủ tịch Trung Quốc cho rằng có nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện chính sách "một đất nước, hai chế độ" ở Hong Kong.

ong tap thi sat le duyet binh o hong kong. anh: reuters.

Ông Tập thị sát lễ duyệt binh ở Hong Kong. Ảnh: Reuters.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay nói rằng công thức "một đất nước, hai chế độ" ở Hong Kong đang đối mặt với những "thách thức mới", dù sự thành công của chính sách này "đã được cả thế giới công nhận", Reuters đưa tin.

"Trong quá trình thực hiện, chúng ta đã gặp một số tình hình mới, vấn đề mới và thách thức mới. Chúng cần được đánh giá đúng đắn và phân tích hợp lý. Các vấn đề không đáng lo ngại. Mấu chốt là tìm ra cách để giải quyết chúng", ông Tập nói khi tới Hong Kong dự lễ kỷ niệm 20 năm đặc khu hành chính này được trao trả cho Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc không đưa ra các ví dụ, chỉ nói rằng những vấn đề cần được khắc phục và không thể giải quyết bằng "cảm tính".

Ông Tập sáng nay thị sát cuộc duyệt binh của lực lượng quân đội Trung Quốc đồn trú ở Hong Kong, với hơn 3.000 binh sĩ tham gia. Quân đội Trung Quốc cho biết đây là cuộc diễu binh lớn nhất ở Hong Kong kể từ năm 1997 tới nay.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng cuộc duyệt binh quy mô lớn này là thông điệp gửi tới những nhà hoạt động trẻ đang muốn Hong Kong được hưởng quyền tự quyết lớn hơn.(Vnexpress)
------------------------

Đã lần ra manh mối giữa tướng Flynn và tin tặc Nga

Báo Mỹ vừa phanh phui chuyện tin tặc Nga thảo luận với nhau việc chuyển các email đánh cắp được của bà Hillary Clinton cho cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.

ong michael flynn, cuu co van an ninh quoc gia cua tong thong donald trump - anh: reuters

Ông Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Donald Trump - Ảnh: Reuters

Theo điều tra của báo Wall Street Journal (WSJ), trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2016, các tin tặc Nga đã thảo luận với nhau về việc làm thế nào để lấy được các email từ máy chủ cá nhân của bà Hillary Clinton, và sau đó chuyển chúng cho cố vấn chiến dịch tranh cử của ứng viên Donald Trump là ông Michael Flynn.

Trong khi đó, một thành viên của đảng Cộng hòa là Peter W. Smith đã tổ chức chiến dịch thu thập những email mà bà Clinton đã xóa khỏi máy chủ cá nhân. Đây là những email mà ông Smith tin rằng các tin tặc của Nga đã có được.

Ông Peter W. Smith cũng đã kể với nhiều bạn bè về việc ông đang làm việc với ông Flynn, người hiện đang là đối tượng cuộc điều tra về mối quan hệ giữa ông và chính quyền Nga liên quan dự án email.

Ông Flynn là cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, nhưng từng bị buộc phải từ chức sau một loạt bê bối liên quan tới những cáo buộc dính líu chính giới Nga thời gian qua.

Ông Smith bắt đầu "dự án email" từ ngày 1-5-2016 khi đứng ra tập hợp một nhóm các chuyên gia công nghệ, luật sư và các nhà điều tra nói tiếng Nga sống tại châu Âu để bàn về việc thu thập những email được cho là đã bị đánh cắp từ máy chủ email cá nhân mà bà Clinton sử dụng lúc còn làm ngoại trưởng.

Trả lời phỏng vấn của WSJ, ông Smith nói ông và các cộng sự đã tìm được 5 nhóm hacker tuyên bố có sở hữu các email bị xóa của bà Clinton, trong đó có 2 nhóm ông xác định là người Nga.

Cũng theo ông Smith, sau khi rà soát tất cả những email các nhóm hacker cung cấp, ông cũng không thể khẳng định được tính xác thực của chúng. Ông nói: "Chúng tôi đã nói với tất cả các nhóm (hacker) là hãy đưa chúng (các email) cho WikiLeaks".

Tuy nhiên cho tới nay WikiLeaks vẫn chưa thấy công bố những email đó và cũng không tuyên bố sở hữu chúng.

Mặc dù ông Smith nói ông làm việc độc lập với chiến dịch tranh cử của ông Trump và không nói ông Michael Flynn có liên quan tới dự án của ông hay không.

Tuy nhiên báo WSJ lại thu được rất nhiều bằng chứng cho thấy ở cấp độ tối thiểu thì ông Smith cũng đã khiến những người khác tin rằng ông đang làm việc cho vị cố vấn cấp cao của ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa lúc ấy.

Chẳng hạn ông Eric York, một người tự xưng cộng sự của ông Smith, cho biết ông Smith từng nói: "Tôi đang nói chuyện với ông Michael Flynn về vấn đề này. Nếu anh tìm thấy bất cứ thứ gì, anh có thể báo cho tôi biết không?".

Ông Smith, người vừa qua đời tháng trước ở tuổi 81, cũng từng nói trong các email rằng các công ty tư vấn của ông Flynn có liên quan tới những sự việc này.

Theo WSJ, các quan chức Mỹ hiện đang điều tra về sự can thiệp bầu cử Mỹ 2016 của Nga tin rằng các hacker đã thảo luận với nhau về việc làm thế nào có thể lấy được các email từ máy chủ cá nhân của bà Clinton và sau đó gửi cho ông Flynn, cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump khi đó, thông qua một đối tượng "trung gian".(Tuoitre)
---------------------------

Liên minh chống IS ở Đông Nam Á

Nguy cơ bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Đông Nam Á dẫn đến đề xuất thành lập liên minh đa quốc gia chống khủng bố.

Trước diễn biến phức tạp của cuộc xung đột giữa quân chính phủ và nhóm nổi dậy Maute tại TP.Marawi ở Philippines và các vụ tấn công khủng bố ở Indonesia, nhiều chuyên gia cho rằng việc chống khủng bố đã vượt quá khả năng đơn lẻ của mỗi nước. Các nước đang kêu gọi tăng cường hợp tác nhằm đối phó với nguy cơ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) muốn cắm rễ ở Đông Nam Á do địa bàn ở Trung Đông đang bị thu hẹp.

Lời cảnh tỉnh

Tờ The Australian ngày 29.6 dẫn lời đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ kêu gọi thành lập một liên minh đặc biệt với Úc và các nước trong khu vực. Ông cho rằng sự “hợp tác tự nhiên” giữa Philippines, Indonesia, Malaysia, Bangladesh, New Zealand, Úc và Mỹ sẽ có thể đương đầu với các tổ chức cực đoan như IS. “Trong suốt thời gian qua trên cương vị Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, tôi đã nhấn mạnh về nhu cầu tăng cường hợp tác đa quốc gia mà tôi thích gọi là hợp tác có mục đích. Chúng ta có thể đối phó các tổ chức cực đoan như IS bằng cách phối hợp với các đồng minh và đối tác có thể có phần tử ủng hộ IS ở trong nước”, ông Harris phát biểu tại Viện Chính sách chiến lược Úc hôm 28.6.

Liên minh chống IS ở Đông Nam Á - ảnh 1

Ông Harris cho rằng xung đột tại Marawi chính là lời cảnh tỉnh dành cho mỗi quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương. “Các chiến binh nước ngoài đang truyền bá tư tưởng, tài lực cũng như cách tấn công cho các thế hệ tương lai trong nước. Do đó, chúng ta phải ngăn chặn IS từ ban đầu chứ không phải khi chuyện đã rồi và mối đe dọa đã trở nên nguy hiểm”, ông cảnh báo. Ông Harris cùng giới chức nhiều nước trong khu vực từng cảnh báo các phần tử khủng bố từ Trung Đông và Bắc Phi sẽ “tái định cư” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tuyển dụng thành viên tại đây.

Nhiều nước vào cuộc

Trước nguy cơ IS lợi dụng xung đột tại Marawi để cắm rễ tại Đông Nam Á, nhiều nước đang xúc tiến hỗ trợ Philippines tiêu diệt các tay súng nổi dậy và giành lại quyền kiểm soát thành phố. Vào tuần trước, Bộ Quốc phòng Úc thông báo nước này sẽ điều 2 máy bay tuần tra AP-3C Orion đến hỗ trợ nhằm xác định vị trí các tay súng nổi dậy. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cho rằng nguy cơ khủng bố trong khu vực đe dọa trực tiếp đến Úc và lợi ích của nước này.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng hỗ trợ khí tài cho cuộc chiến chống khủng bố ở Philippines đồng thời đề xuất tổ chức hoạt động tập trận chung và chia sẻ thông tin tình báo giữa hai nước. Tờ The Philippine Star đưa tin lô hàng đầu tiên trong thỏa thuận viện trợ vũ khí từ Trung Quốc đã được bàn giao cho chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte tại căn cứ không quân Clark ở Pampanga vào ngày 28.6. Gói viện trợ trị giá 50 triệu nhân dân tệ (167,6 tỉ đồng) bao gồm khoảng 3.000 khẩu súng trường gồm 3 loại: súng bắn tỉa TY-85 cỡ nòng 7,62 li, súng trường CQ-A5 cỡ nòng 5,56 li và súng trường CS/LR4A.

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, Nga cũng đang quan tâm đến tình hình tại Marawi và vừa đề nghị Manila gửi danh sách thiết bị quốc phòng mà Manila định mua từ nước này. Trước đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã điện đàm với Tổng thống Duterte hôm 23.6 để thảo luận về việc phối hợp chống khủng bố và đảm bảo an ninh ở hai nước. Cùng ngày, các quan chức cấp cao Indonesia, Malaysia và Philippines gặp nhau tại Manila và thỏa thuận tăng cường các chính sách nhằm đối phó với khủng bố. Ba nước cũng đã bắt đầu tuần tra chung vào ngày 19.6 tại khu vực biên giới trên biển, đặc biệt là vùng biển Sulu gần đảo Mindanao thuộc miền nam Philippines, nơi tập trung các nhóm Hồi giáo cực đoan tuyên bố trung thành với IS. (Thanhnien)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý tối 30-06-20172

    Tin thế giới đáng chú ý tối 30-06-2017

    Đông Nam Á cần cảnh giác với 'vòi bạch tuộc' khủng bố; Sau khi bị coi thường, Nga ‘cười nhạo’ chiến hạm của Anh; Mỹ “quyết” bán 1,3 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan, ép Trung Quốc; Nga vẫn là một trong các quốc gia hùng mạnh, gây hấn là chuyện khó

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 30-06-20173

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 30-06-2017

    Đô đốc Mỹ: nguy cơ khủng bố IS ở Đông Nam Á là rất thật; Lô hàng radar quân sự 'bốc hơi' bí ẩn tại cảng Malaysia; Bộ trưởng Quốc phòng Nhật gặp rắc rối vì phát ngôn; Ngoại trưởng Lavrov tiết lộ gì về cuộc gặp mặt Trump-Putin tại Đức

Bài cùng chuyên mục