Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sáng 15-09-2017
- Cập nhật : 15/09/2017
Triều Tiên sắp thử bom hạt nhân, phóng tên lửa cực mạnh?
Triều Tiên dường như đang chuẩn bị cho một vụ thử bom hạt nhân mới, bất chấp lệnh cấm vận và sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Theo Telegraph, kể từ sau vụ thử bom nhiệt hạch ngày 3.9, bãi thử hạt nhân Punggye-ri lại trở nên nhộn nhịp với xe tải và và các công nhân mang thiết chuyên dụng để khoan một hố sâu ở phía nam.
Đây là những dấu hiệu bất thường tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri dựa trên ảnh chụp vệ tinh.
"Những hoạt động này diễn ra ngay sau vụ thử bom nhiệt hạch ngày 3.9, cho thấy họ có thể đang tập trung chuẩn bị các cổng trong hệ thống đường hầm để phục vụ các vụ thử hạt nhân trong tương lai", các nhà phân tích quốc phòng Frank V. Pabian, Joseph S. Bermudez Jr. và Jack Liu nói trên trang 38 North.
Giới chuyên gia nhận định, Triều Tiên cần phải chuẩn bị hầm ngầm thử hạt nhân mới vì khu vực thử nghiệm truyền thống bên dưới ngọn núi Mantap đã bị tàn phá nặng nề, không thể mạo hiểm được chọn làm nơi kích nổ thêm bom hạt nhân.
Những thông tin tình báo thu thập được gần đây của Hàn Quốc cũng đề cập đến khả năng Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 tại cơ sở ngầm dưới lòng đất ở Samjiyon.
Giới chức Hàn Quốc đang theo sát các hoạt động quân sự của Triều Tiên để thảo luận các biện pháp đáp trả phù hợp.
Hoạt động tại bãi thử hạt nhân và căn cứ phóng tên lửa đạn đạo diễn ra chỉ vài ngày trước khi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt thứ 9 nhằm vào Triều Tiên.
Bình Nhưỡng bị giới hạn lượng dầu mỏ nhập khẩu từ nước ngoài và bị cấm xuất khẩu nhiều mặt hàng có giá trị.
Triều Tiên bác bỏ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và tuyên bố sẵn sàng giáng đòn “tàn khốc nhất” vào những kẻ thù đã giật dây để Liên Hợp Quốc ra nghị quyết cấm vận. (DanViet)
------------------------------
Nga bán dầu cho Triều Tiên bất chấp Mỹ cấm đoán
Việc ngừng xuất khẩu dầu sang Bình Nhưỡng sẽ chỉ làm tổn thương người dân nước này khi làm hủy hoại các cơ sở y tế và cơ sở dân dụng khác.
Dù công khai ủng hộ toàn bộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp quốc đối với Bình Nhưỡng nhưng Nga cũng vẫn tiếp tục hỗ trợ Triều Tiên trong các lĩnh vực khác.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây tuyên bố sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu cho Triều Tiên bất chấp nỗ lực áp đặt từ phía Mỹ.
Theo ông Putin, Mỹ và các quốc gia đồng minh của họ muốn gia tăng trừng phạt Triều Tiên bằng cách đề xuất với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một lệnh cấm xuất khẩu dầu cho Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên Nga có quyền phủ quyết mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên đề xuất này của Washington khó có thể thông qua.
Nhà lãnh đạo Nga lập luận, 40.000 tấn dầu mà Nga xuất khẩu cho Triều Tiên mỗi năm là con số nhỏ so với nhu cầu thực sự mà Bình Nhưỡng có thể sử dụng để phát triển công nghệ hạt nhân như Mỹ cáo buộc.
Hơn nữa, việc ngừng xuất khẩu dầu sang Bình Nhưỡng sẽ chỉ làm tổn thương người dân nước này khi làm hủy hoại các cơ sở y tế và cơ sở dân dụng khác.
Dẫu Tổng thống Putin đã lập luận hết sức thuyết phục và nhân văn, giới chức Mỹ vẫn không từ bỏ nỗ lực vừa triệt tiêu con đường tồn tại của Bình Nhưỡng, vừa kiềm chế khả năng thích ứng trong cấm vận của Nga.
Bằng chứng là các quan chức Mỹ đã tung ra các biểu hiện bất thường cho thấy doanh nghiệp Nga xuất khẩu lậu dầu cho Bình Nhưỡng.
Theo đó, các tàu chở dầu giữa cảng Triều Tiên và Thành phố Vladivostok phía Đông Nga từ mùa xuân năm nay có dấu hiệu gia tăng.
Tình trạng này diễn ra khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện việc cắt giảm dầu cho Bình Nhưỡng dưới sức ép của Mỹ.
Tờ Straits Times trích dẫn các tài liệu của quan chức thực thi pháp luật Mỹ, trong đó đề cập tới công ty Nga có tên là Velmur có nhiều dấu hiệu khả nghi và có thể là một công ty của Nga lập nên để giao dịch lậu với Bình Nhưỡng.
Công ty quản lý bất động sản do Nga thành lập tại Singapore vào năm 2014 này đã có giao dịch lên tới hàng triệu USD với Triều Tiên trong lĩnh vực mua bán dầu thô nhưng không có trụ sở chính thức, không văn phòng cụ thể, thậm chí không có cả website để liên hệ.
Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây đã đặt nghi vấn, công ty này nằm trong đường dây rửa tiền cho Triều Tiên khi giao dịch với Triều Tiên bằng tiền mặt và mang khoản tiền này thanh toán cho 1 công ty dầu khí của Nga.
Đặt giả thuyết các lập luận và bằng chứng của Mỹ là khả thi, việc Nga hợp tác với Triều Tiên cũng không quá khó hiểu.
Trong bối cảnh Nga đang chịu cấm vận kinh tế từ các nước phương Tây và áp dụng đáp trả trừng phạt trong một số sản phẩm xuất khẩu của mình, việc tìm kiếm bất cứ một quốc gia nào mang lại khả năng có thể hợp tác là điều đương nhiên.
Điều đáng nói, Triều Tiên là quốc gia cũng đang chịu các biện pháp trừng phạt không riêng của Mỹ, phương Tây mà còn của cả người hàng xóm là đồng minh lâu năm - Trung Quốc và của cả Liên Hiệp quốc.
Nga và Triều Tiên trong tình huống này rất dễ "thuận mua vừa bán" trong nhiều lĩnh vực và "lách luật" để hợp tác đôi bên cùng có lợi là điều thường thấy không chỉ ở riêng hai quốc gia này.
Chưa kể, tuy Triều Tiên không có tiềm lực kinh tế lớn mạnh nhưng đặt trong tình trạng cấm vận, nước này có xu hướng sẽ thúc đẩy tiến trình thực hiện các thỏa thuận hợp tác với Nga nhanh hơn với những quốc gia "đỏng đảnh" như Trung Quốc.
Thực tế đã cho thấy Nga nhận nhiều miếng "bánh vẽ" của Bắc Kinh và việc hợp tác với Triều Tiên sẽ mang lại cho Moscow sự an tâm trước mắt.
Trong quan hệ hợp tác này, phía Nga sẽ có phần hưởng được ít lợi ích hơn so với Triều Tiên. Song với một quốc gia không e ngại bất cứ đất nước nào khác trên thế giới- kể cả Mỹ- như Triều Tiên thì Nga hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự hợp tác lâu dài - và không e sợ một ngày bị phản bội.(Baodatviet)
-------------------------
Triều Tiên dọa 'nhấn chìm' Nhật, biến Mỹ 'thành tro'
Một cơ quan chính phủ Triều Tiên mới đây đe dọa sẽ dùng vũ khí hạt nhân “nhấn chìm” Nhật Bản và biến lục địa Mỹ “thành tro tàn và bóng tối”, sau lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc về vụ thử nghiệm hạt nhân.
“Chuỗi 4 đảo của Nhật Bản sẽ bị bom hạt nhân của Triều Tiên nhấn chìm xuống biển. Nhật Bản không còn cần thiết phải tồn tại gần chúng tôi” – tuyên bố của Ủy ban hòa bình châu Á-Thái Bình Dương, cơ quan chuyên xử lý công tác đối ngoại và tuyên truyền của Triều Tiên, đăng tải trên Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA).
Bình Nhưỡng cũng chỉ trích Nhật Bản là chỉ đang “nhảy múa theo điệu nhạc của Mỹ”, đồng thời đe dọa sẽ dùng vũ khí hạt nhân biến lục địa Mỹ thành “tro tàn và bóng tối”.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong buổi lễ tuyên dương các nhà khoa học và kỹ sư sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 của nước này. Ảnh: REUTERS.
Ủy ban hòa bình châu Á-Thái Bình Dương của Triều Tiên hôm nay cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên giải thể. Ủy ban này chỉ trích Hội đồng Bảo an là một “công cụ của cái ác” do các quốc gia “bị tiền hối lộ” điều khiển theo lệnh của Mỹ.
Đáp lại những lời đe dọa này, chính phủ Nhật Bản hôm nay đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố của Triều Tiên là "vô cùng khiêu khích và quá đáng". "Nó đã làm tăng căng thẳng khu vực và hoàn toàn không thể chấp nhận được” - Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm nay.
Những căng thẳng trong khu vực leo thang nhanh chóng sau khi Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ 6 hôm 3-9. Đây là vụ thử hạt nhân được đánh giá là mạnh nhất của nước này từ trước tới nay.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 11-9 nhất trí thông qua lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng để đáp trả vụ thử hạt nhân này. Lệnh trừng phạt do Mỹ soạn thảo bao gồm việc cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, cấm các nước sử dụng lao động Triều Tiên.
Bình Nhưỡng đã bác bỏ những lệnh trừng phạt này, tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa.(PLO)