Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 14-09-2017
- Cập nhật : 14/09/2017
Hàn Quốc công khai kế hoạch lập "đội xử trảm" lãnh đạo Triều Tiên
Hiếm khi có chuyện một chính phủ công bố chiến lược ám sát nguyên thủ một nước, nhưng Hàn Quốc đã làm như vậy để gửi thông điệp răn đe với Bình Nhưỡng.
Theo báo New York Times (Mỹ), lần cuối cùng người ta biết về âm mưu của Hàn Quốc trong việc ám sát một nhà lãnh đạo của Triều Tiên là vào cuối những năm 1960. Tuy nhiên kế hoạch đó đã không diễn ra theo những tính toán của họ.
Cụ thể, vào thời điểm đó, sau khi lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên xông vào lục soát dinh tổng thống tại Seoul, Hàn Quốc đã bí mật đào luyện những thành phần bất hảo trong tù hoặc những kẻ lang thang để lén xâm nhập vào Triều Tiên, tìm cách ám sát nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành.
Khi âm mưu đó bất thành, những người tham gia sứ mệnh ám sát cũng đã nổi loạn. Họ giết chết những người huấn luyện mình và tìm đường về lại Seoul rồi tự sát. Trong nhiều thập kỷ, câu chuyện về cuộc nổi loạn này đã được giấu kín.
Và nay, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cháu trai của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, tăng tốc các chương trình phát triển tên lửa, một lần nữa Hàn Quốc lại đề cập câu chuyện ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Một ngày sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6, cũng là vụ thử hạt nhân lớn nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young Moo phát biểu trước quốc hội tại Seoul, cho biết một lữ đoàn đặc nhiệm mà giới quan chức quốc phòng gọi là "đội quân xử trảm" sẽ được thành lập vào cuối năm nay.
Đội quân này, đương nhiên không được giao nhiệm vụ một cách chính thức là xử trảm các nhà lãnh đạo của Triều Tiên theo đúng nghĩa đen, tuy nhiên rõ ràng nó là thông điệp đe dọa với nước láng giềng mà Hàn Quốc muốn phát đi một cách rõ ràng nhất.
Theo đó, giới chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết đội quân đặc nhiệm có thể tiến hành các cuộc vây ráp xuyên biên giới bằng trực thăng và các máy bay vận tải có khả năng xâm nhập vào Triều Tiên trong đêm.
Hiếm khi có chuyện một chính phủ công khai chiến lược ám sát nguyên thủ của một nước, nhưng Hàn Quốc muốn Triều Tiên phải thận trọng và dè dặt hơn về những hậu quả khôn lường họ có thể phải đối mặt nếu cố tình phát triển thêm nữa kho vũ khí hạt nhân.
Song song với tiến trình đó, Hàn Quốc cũng muốn gia tăng vị thế quyết liệt hơn của họ trong việc hối thúc Triều Tiên đi tới việc phải chấp nhận đề nghị đàm phán của Tổng thống Moon Jae In.
Những động thái của Chính phủ Hàn Quốc làm dấy lên những ngờ vực về chuyện phải chăng giữa Hàn Quốc và Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của họ, đã chuẩn bị những kế hoạch cơ bản để có thể ám sát hay vô hiệu hóa nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng như các trợ thủ cấp cao của ông ấy trước khi họ có thể phát động một vụ tấn công?
Mặc dù Ngoại trưởng Rex W. Tillerson từng nói nước Mỹ không cố tìm cách thay đổi chế độ ở Triều Tiên, cũng như Hàn Quốc luôn khẳng định những chiến thuật quân sự mới của họ chỉ để nhằm đối phó với nguy cơ từ Bình Nhưỡng, nhưng không ai loại trừ khả năng những năng lực tấn công mà hai lực lượng này đang xây dựng rất có thể được sử dụng theo kiểu tấn công phủ đầu.(Tuoitre)
-----------------------
Vụ thử hạt nhân Triều Tiên mạnh gấp 16 lần quả bom đã hủy diệt Hiroshima
Vụ thử hạt nhân mới nhất của CHDCND Triều Tiên mạnh đến 250 kiloton, gấp 16 lần sức nổ của quả bom mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.
Hôm 3.9, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công một bom nhiệt hạch có khả năng gắn vào tên lửa trong lần thử hạt nhân thứ 6 cua nước này. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) ước tính cường độ của trận động đất gây ra từ vụ thử là 6,3 độ Richter, còn Tổ chức Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) và Tổ chức giám sát địa chấn độc lập (NORSAR) báo cáo cường độ là 6,1 độ Richter.
Từ những số liệu này, trang tin chuyên về Triều Tiên 38 North liên kết với Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đánh giá vụ nổ có sức công phá khoảng 250 kiloton, theo AFP. Vụ nổ này mạnh hơn 16 lần so với quả bom 15 kiloton mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật trong Thế chiến 2.
Con số này cũng lớn hơn so với ước tính ban đầu của cơ quan chính phủ các nước lân cận. Hàn Quốc cho rằng vụ nổ mạnh 50 kiloton, còn Nhật Bản nói là 160 kiloton. Hiện giới chức Mỹ vẫn đang đánh giá liệu vụ nổ hôm 3.9 có phải là thử bom nhiệt hạch hay không, nhưng cũng nói rõ là đến nay không có gì mâu thuẫn về tuyên bố của Triều Tiên.(Thanhnien)
-------------------------
Triều Tiên dọa Mỹ sắp phải ‘đau đớn kinh khủng’
Ngày 12-9, tại Hội nghị giải giáp vũ khí của LHQ tại Geneva, Đại sứ Triều Tiên Han Tae Song đã kịch liệt chỉ trích các lệnh trừng phạt mới nhất mà LHQ áp đặt lên nước này.
Ông cũng cảnh báo Mỹ “sẽ sớm cảm nhận những nỗi đau đớn kinh khủng nhất” từ trước đến nay, theo hãng tin Sputnik.
“Chính quyền Washington thèm khát đối đầu kinh tế, chính trị và quân sự. Họ bị ám ảnh với canh bạc đảo ngược sự phát triển của lực lượng hạt nhân Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Công cuộc này giờ đây đã đạt đến giai đoạn hoàn tất” - ông Han Tae Song tuyên bố. Cũng theo đại sứ Triều Tiên, chính phủ Bình Nhưỡng kịch liệt chỉ trích và phản đối các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ được thông qua vào ngày 11-9 vừa qua nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân lần sáu của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một buổi chụp ảnh cùng quân nhân tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP
Nghị quyết trừng phạt mới nhất của HĐBA LHQ không chỉ nhắm vào xuất khẩu dệt may của Triều Tiên mà còn thắt chặt lượng dầu thô, dầu khí hóa lỏng và các sản phẩm lọc dầu nước này nhập khẩu. Nhiều chuyên gia đánh giá các lệnh cấm vận này sẽ tác động sâu sắc đến nguồn điện phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội, quân sự của Triều Tiên.
Ông Robert Woods, Đại sứ Mỹ tại Hội nghị giải giáp vũ khí LHQ, cho biết: “Tôi hy vọng thông điệp được truyền tải rõ ràng đến chính phủ Triều Tiên và họ sẽ chọn một con đường khác (bây giờ)”. Theo hãng tin Reuters, nghị quyết thật ra đã được giảm nhẹ hơn các mong muốn ban đầu của Mỹ: Cắt hoàn toàn nguồn dầu của Triều Tiên.
Phát biểu ngày 11-9, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley chia sẻ rằng Mỹ cũng không “vui sướng gì” khi thúc đẩy trừng phạt Triều Tiên, đồng thời khẳng định nước Mỹ không muốn chiến tranh.(PLO)