Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 14-08-2017:

  • Cập nhật : 14/08/2017

Chuyên gia: Trung Quốc đã hết cách kiềm chế Triều Tiên

Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump hôm 12-8 đã hối thúc nhà lãnh đạo Mỹ tránh “những lời nói và hành động” gây leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

“Các bên liên quan phải kiềm chế, tránh những lời nói và hành động làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên" -  ông Tập Cận Bình nói trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, CNN cho biết.

Chuyên gia: Trung Quốc đã hết cách kiềm chế Triều Tiên - ảnh 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) kêu gọi người đồng cấp Mỹ Donald Trump kiềm chế trong vấn đề Triều Tiên. Ảnh: SCMP

Trong cuộc điện đàm với ông Trump hôm 12-8, ông Tập kêu gọi “các bên kiềm chế” và “kiên định với đường lối chung đối thoại, đàm phán và nhất quán về một cách giải quyết chính trị”. Một số nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh gần như đang cạn kệt đòn bẩy trong việc kiềm chế nước láng giềng Triều Tiên.

SCMP cho biết thoe thông cáo phát đi từ Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng Triều Tiên phải chấm dứt “các hành vi khiêu khích và gây căng thẳng tình hình”. Bắc Kinh cũng lên tiếng báo động về cuộc “đấu khẩu” giữa Bình Nhưỡng và Washington, trong đó ông Trump cảnh báo “đạn đã lên nòng” nếu Triều Tiên “hành động không khôn ngoan”.

Shi Yinhong , GS về quan hệ quốc tế  làm việc tại ĐH Renmin,  nhận định rằng giống như nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Trump đang thể hiện rõ quan điểm của mình bằng cách đe dọa các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên. Theo ông Shi, căng thẳng có thể leo thang hơn nữa khi Mỹ và Hàn Quốc tổ chức tập trận chung quy mô lớn trong tháng này.

Ông Shi nói rằng đã đến lúc Trung Quốc ngưng nói “những lời lẽ tốt đẹp” và gửi tới ông Trump một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ phản đối chiến tranh. Bắc Kinh cũng nên tuyên bố rằng nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu cầu nào vượt ngoài lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được thông qua trước đó trong tháng 8 này, ông Shi nói.

Tuy nhiên, GS Shi nói rằng Trung Quốc đang hết cách để kiềm chế các tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. “Khủng hoảng bán đảo Triều Tiên là phép thử an ninh chiến lược lớn nhất cho Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn chưa vượt qua được phép thử này. Công cụ cuối cùng mà Trung Quốc có thể sử dụng đó là cắt triệt để nguồn cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên, song việc này có gây ra tác động gì không thì vẫn chưa có câu trả lời” – ông Shi nhấn mạnh.

Căng thẳng leo thang hôm 11-8 khi Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot ở các tỉnh Đông Shimane, Hiroshima và Kochi. Đây là những khu vực mà tên lửa Triều Tiên có thể bay qua để đe dọa tấn công căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam. Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Trump đã thúc ép Trung Quốc phải làm nhiều hơn để ngăn chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, đe dọa trừng phạt thương mại Bắc Kinh nếu nước này không hành động.

Chuyên gia Zhang Tuosheng, làm việc tại Quỹ Trung Quốc về Nghiên cứu chiến lược quốc tế, cảnh báo rằng nguy cơ về một cuộc đối đầu quân sự được tính toán sai lầm đang tăng cao và Trung Quốc nên làm mọi cách có thể để đưa Mỹ và Triều Tiên ngồi lại bàn đàm phán.

“Trong kịch bản xấu nhất, Mỹ có thể cho phép Hàn Quốc và Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân, gây tổn hại cho sự cân bằng khu vực ở Đông Bắc Á, đặc biệt là cho Trung Quốc” – ông Zhang nói.

Pang Zhongying, giáo sư tại ĐH Hải dương Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh nên thay đổi chiến thuật và nắm bắt cơ hội mở rộng ảnh hưởng của mình trong vấn đề chính trị và an ninh trong khu vực.

“Trung Quốc nên sử dụng sức mạnh kinh tế và đóng vai trò lớn hơn trong việc đối mặt với thách thức từ vấn đề hạt nhân của Triều Tiên nhằm xây dựng sức mạnh trong an ninh khu vực” – ông Pang nhận định.(PLO)
------------------------------

Mỹ sẽ không đánh Triều Tiên

Trong khi CHDCND Triều Tiên và Mỹ tiếp tục khẩu chiến, các nhà phân tích đã dự báo nhiều giải pháp sẽ xảy ra đối với cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Giải pháp quân sự

Mỹ có thể tấn công phủ đầu chứ không chờ Triều Tiên nổ súng trước. Bom xuyên sẽ được sử dụng đánh vào các cơ sở sản xuất hạt nhân và kho vũ khí ngầm Triều Tiên. Máy bay ném bom tàng hình B-2 có thể cất cánh từ đảo Guam mà không bị radar phát hiện. Mỹ cũng có thể sử dụng tên lửa hành trình để hủy diệt pháo binh và dàn phóng tên lửa Triều Tiên.

Song giới phân tích ghi nhận đòn tấn công phủ đầu của Mỹ chưa chắc vô hiệu hóa được Triều Tiên vì tình báo Mỹ không nắm đủ thông tin để xác định vị trí các cơ sở quân sự Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chắn chắn sẽ ra lệnh đánh trả vào các lợi ích của Mỹ trong khu vực. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ cách biên giới Triều Tiên 55 km, tức nằm trong tầm pháo của Triều Tiên. Trong khi đó, Triều Tiên đã triển khai hàng ngàn khẩu pháo dọc biên giới hai miền.

Đối với Triều Tiên, nước này biết rằng nếu tấn công trước thì Mỹ sẽ đáp trả cứng rắn và chế độ Triều Tiên có thể sụp đổ, vì vậy Triều Tiên cũng sẽ không dại gì sa vào cuộc xung đột mà biết chắc sẽ bại trận.

Nhà phân tích Joe Bermudez làm việc cho trang web 38 North đánh giá kịch bản chiến tranh Mỹ-Triều không đáng tin cậy bởi bây giờ là mùa thu hoạch bên Triều Tiên và Triều Tiên chưa thể phát lệnh tổng động viên vào lúc này vì Triều Tiên có nguy cơ đói kém. Chuyên gia Antoine Bondaz tại Quỹ nghiên cứu chiến lược (Pháp) cho rằng Mỹ và Triều Tiên có thể khiêu khích quân sự chứ nổ súng thì không vì chiến tranh không có lợi cho ai lại tốn kém về kinh tế, con người và chính trị.

Mỹ sẽ không đánh Triều Tiên - ảnh 1
Biếm họa của Emad Hajjaj (Jordan)

Quay trở lại bàn đàm phán

Trong thập niên 1970, Tổng thống Richard Nixon đã từng áp dụng “học thuyết kẻ điên” để làm cho Liên Xô cũ tin rằng Nixon là con người điên điên khùng khùng khó dự đoán nên có thể phát lệnh tấn công bất kỳ lúc nào. Nay, Tổng thống Donald Trump cũng là con người khó dự đoán, song chuyên gia Ely Ratner thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) khẳng định các tuyên bố cứng rắn của ông Trump không phản ánh ý chí trong Nhà Trắng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tuyên bố trách nhiệm của ông là chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp quân sự nhưng ông vẫn đánh giá cao giải pháp ngoại giao. Ngày 11-8 ông đã phát biểu: “Bi kịch chiến tranh đã biết đủ rồi… Nỗ lực của Mỹ là tiến hành con đường ngoại giao”. Ông cảnh báo nếu Mỹ sử dụng giải pháp quân sự rồi sau đó Triều Tiên trả đũa, hậu quả sẽ xảy đến ở mức độ chưa từng thấy kể từ năm 1953.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đồng quan điểm với ông James Mattis. Còn thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, đã chỉ trích ông Trump đưa ra các phát biểu hiếu chiến thiếu tế nhị.

Báo Washington Post dẫn nguồn từ cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Triều Tiên đã thu nhỏ đầu đạn hạt nhân thành công để lắp vào tên lửa đạn đạo liên lục địa. Nếu thông tin là đúng thì càng không thể sử dụng giải pháp quân sự bởi sẽ rất nguy hiểm. Chuyên gia Jeffrey Lewis ở Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury nhận định: “Như vậy Mỹ chỉ còn giải pháp đàm phán với Triều Tiên… Đừng cố tước vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nữa”.

Ván bài Trung Quốc

Sau khi Nghị quyết 2371 được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua hôm 5-8 nhằm trừng phạt Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hai lần vào ngày 3-7 và 28-7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ thực hiện 100% lệnh trừng phạt”.

Mỹ khăng khăng yêu cầu Trung Quốc phải hành động hơn nữa bởi nước này là đối tác thương mại chủ chốt của Triều Tiên (chiếm 85% giao dịch thương mại).

Giữa tháng 7, hải quan Trung Quốc đã từng công bố trong nửa đầu năm nay, thương mại Trung-Triều tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt giá trị 2,55 tỉ USD. Xuất khẩu tăng 29,1% (1,67 tỉ USD), riêng nhập khẩu giảm 13,2% (880 tỉ USD) do từ ngày 18-2 Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than Triều Tiên.

Chuyên gia Antoine Bondaz lưu ý: “Trung Quốc có xung đột lợi ích. Trung Quốc muốn xưng danh là cường quốc có trách nhiệm nên bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên. Đằng khác, do lợi ích quốc gia nên Trung Quốc không thể bỏ rơi Triều Tiên”.

Chuyên gia Waheguru Pal Singh Sidhu tại Trung tâm Hợp tác quốc tế thuộc ĐH New York nhận xét: “Ông Trump chỉ còn cách quay sang Trung Quốc… Song nếu Bắc Kinh thực hiện triệt để lệnh trừng phạt của LHQ, chương trình hạt nhân Triều Tiên cũng chỉ chậm lại mà thôi”. Chuyên gia Antoine Bondaz nhận định: “Trong thời gian ngắn hạn Trung Quốc không thể làm gì hơn. Tưởng tượng Triều Tiên sẽ nghe lời Trung Quốc là điều sai lầm… Hai nước có lợi ích hỗ tương nhưng hai nước lại không tin nhau”.(PLO)
----------------------

Lãnh đạo Mỹ, Đức tranh cãi chuyện Triều Tiên

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 11-8 cho rằng không có giải pháp quân sự cho vấn đề Triều Tiên, và sự leo thang của những lời lẽ đe dọa nhau là câu trả lời sai cho cuộc khủng hoảng,

Theo bà Merkel, cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đòi hỏi nỗ lực bền bỉ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước liên quan, nhất là Mỹ và Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo Đức đưa ra nhận định trên không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục cảnh báo trên mạng xã hội Twitter rằng Washington đã "khóa mục tiêu" Bình Nhưỡng. 

Vài giờ sau, ông Donald Trump Trump phản ứng lại bà Merkel khi cho rằng nhà lãnh đạo Đức không nói thay Mỹ về vấn đề Triều Tiên. 

 

tong thong my donald trump va thu tuong duc angela merkel. anh: reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters

 

Trong khi đó, Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất của Triều Tiên, bày tỏ hy vọng tất cả các bên có thể làm nhiều hơn để giúp căng thẳng xuống thang và tăng cường lòng tin lẫn nhau, thay vì phô trương sức mạnh. 

Hôm 10-8, ông Donald Trump tiếp tục phàn nàn về tình trạng mất cân bằng thương mại của Mỹ với Trung Quốc, cũng như bày tỏ ông sẽ cảm thấy "rất khác" về vấn đề thương mại này nếu Trung Quốc giúp đỡ nhiều hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Còn tại Moscow, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm 11-8 thúc giục Bình Nhưỡng và Washington tham gia kế hoạch do Nga và Trung Quốc đề xuất. Theo kế hoạch này, Triều Tiên sẽ dừng phóng thử tên lửa còn Mỹ và Hàn Quốc ngưng tập trận chung quy mô lớn.

Cả Washington và Seoul đều chưa ủng hộ kế hoạch này. 

Cũng theo ông Lavrov, nguy cơ xung đột quân sự liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên đang ở mức rất cao và Moscow cực kỳ quan ngại về lời đe dọa được cả Washington và Bình Nhưỡng đưa ra.

Khi được hỏi Moscow sẽ làm gì trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên, ông Lavrov nói Nga sẽ làm mọi điều có thể để ngăn kịch bản tồi tệ nhất này xảy ra.

Tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra giữa lúc người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết cuộc tập trận chung thường niên Mỹ - Hàn, gọi là "Người bảo vệ tự do Ulchi", vẫn sẽ diễn ra vào ngày 21-8 tới như kế hoạch. (NLĐ)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục