Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 14-08-2017:
- Cập nhật : 14/08/2017
Ông Tập nói gì với ông Trump về Triều Tiên?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo tổng thống Donald Trump rằng tất cả các bên cần tránh “phát ngôn và hành động”. Trong khi đó ông Trump có được sự đồng thuận từ Pháp.
Một tuần sau khi chứng kiến màn “khẩu chiến” giữa ông Trump và phía Triều Tiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có cuộc điện đàm với ông chủ Nhà Trắng vào ngày 12-8.
Kênh CNBC dẫn một tuyên bố của Nhà Trắng về cuộc gọi trên cho biết, hai lãnh đạo nhất trí rằng “Triều Tiên phải chấm dứt hành vi khiêu khích và leo thang căng thẳng”.
Trong khi đó, truyền hình Trung Quốc cho hay ông Tập Cận Bình nói với ông Trump rằng cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều có lợi ích chung trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và bảo vệ hoà bình ổn định tại nơi này.
“Các bên liên quan lúc này phải kiềm chế, và tránh những ngôn từ cũng như hành động có thể khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trầm trọng hơn”, ông Tập nói với nhà lãnh đạo Mỹ.
Thông tin về cuộc gọi của hai lãnh đạo được đưa ra không lâu sau khi ông Trump tiếp tục có lời lẽ đe dọa Triều Tiên. Viết trên Twitter hôm 11-8, Tổng thống Mỹ cảnh báo Triều Tiên không nên hành động thiếu khôn ngoan, vì quân đội Mỹ đã ở trong trạng thái sẵn sàng cho mọi giải pháp quân sự.
Lời đe dọa ấy là biểu hiện có thể đẩy lo ngại về một cuộc chiến, thậm chí có khả năng sử dụng hạt nhân, giữa Mỹ và Triều Tiên lên cao, nhất là khi Triều Tiên công bố kế hoạch tấn công lãnh thổ Mỹ ở đảo Guam, còn Mỹ xuất hiện thông tin đã tập luyện đánh phủ đầu bằng máy bay ném bom B-1B.
Trong cuộc gọi vừa nêu, ông Tập Cận Bình lặp lại rằng việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên nhất thiết phải thực hiện thông qua đối thoại. Trung Quốc trong khi đó sẵn sàng duy trì mối liên hệ thông tin với Mỹ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, nhằm thúc đẩy giải pháp phù hợp.
Theo tường thuật của truyền hình Trung Quốc, ông Trump đáp lại lời ông Tập rằng ông hoàn toàn thấu hiểu vai trò của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.
Trong khi đó cũng trong ngày 12-8, tổng thống Trump cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, trong đó hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ: “Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về sự cần thiết của việc đối phó với tình hình ngày càng nguy hiểm liên quan tới những hành động gây bất ổn và làm leo thang căng thẳng từ phía Triều Tiên. Tổng thống Trump tái khẳng định với Tổng thống Macron về cam kết của Mỹ ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên. Tổng thống Trump nhấn mạnh Washington sẵn sàng, cùng với các đồng minh của mình, sử dụng mọi biện pháp sẵn có, từ ngoại giao, kinh tế cho đến quân sự, để đạt được mục đích này". (Tuoitre)
-------------------------------
Úc, New Zealand ủng hộ Mỹ về Triều Tiên: Thời điểm làm tăng giá trị
Gần như cùng lúc, cả Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull lẫn Thủ tướng New Zealand Bill English tuyên bố sẽ ủng hộ Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên.
Cả hai vị này đều viện dẫn trách nhiệm và cam kết trong hiệp ước thành lập liên minh quân sự Anzus năm 1951. Trong thực chất, đó là cách hai đối tác này tận dụng thời cuộc để tranh thủ Mỹ và cá nhân Tổng thống Donald Trump.
Chẳng phải như thế sao khi trong số những đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ không liên quan và ảnh hưởng trực tiếp bởi mối bất hòa giữa Mỹ và Triều Tiên, tức là không như Nhật Bản và Hàn Quốc, chỉ có hai nước này công khai ủng hộ Mỹ nếu xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên. Sự khác biệt về biểu hiện thái độ càng thêm rõ nét khi những đồng minh truyền thống khác của Mỹ đều kêu gọi kiềm chế.
Hiệp ước Anzus có quy định về trách nhiệm hậu thuẫn lẫn nhau đảm bảo an ninh, giống như điều 5 trong Hiệp ước NATO. Năm 2001, Thủ tướng Úc khi ấy là John Howard đã ủng hộ Mỹ tiến hành chiến tranh ở Afghanistan và sau đó là ở Iraq. Nhưng khi ấy Mỹ phát động chiến tranh rồi thì ông Howard mới tuyên bố. Còn hiện tại, Tổng thống Trump mới chỉ đe dọa và ông dẫu có muốn cũng không dễ dàng gây chiến với Triều Tiên.
Ông Turnbull và ông English đã chọn chính thời điểm này để làm tăng giá trị của sự ủng hộ dành cho Tổng thống Trump bằng cách nhằm trúng tâm lý của nhà lãnh đạo này là cần sự hậu thuẫn chính trị của bên ngoài. Sự khác biệt với các đồng minh quân sự chiến lược truyền thống khác của Mỹ chắc chắn sẽ giúp cho hai đối tác này được Tổng thống Trump đánh giá rất cao.(Thanhnien)
------------------------------
TQ bí mật thay người phụ trách vấn đề Triều Tiên
Trong khi nhà lãnh đạo ở Mỹ và Triều Tiên liên tục “khẩu chiến” về các hành vi khiêu khích hạt nhân của Bình Nhưỡng, Trung Quốc (TQ) đã bí mật thay người đứng đầu phụ trách vấn đề xoa dịu căng thẳng này.
Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), Wu Dawei, nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán sáu bên bị đình trệ từ lâu, đã nghỉ hưu sau hơn 13 năm đảm nhận công việc giám sát các nỗ lực kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
SCMP dẫn lời các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh cho biết vị trí của nhà ngoại giao kỳ cựu 71 tuổi này đã được ông Kong Xuanyou– nhà ngoại giao phụ trách vấn đề châu Á, đảm nhận.
Bắc Kinh vẫn chưa chính thức thông báo việc bổ nhiệm ông Kong Xuanyou làm đại diện đặc biệt về vấn đề bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Kong là người đã tham gia sâu các nỗ lực của Trung Quốc trong việc xoa dịu căng thẳng liên quan tới vấn đề Triều Tiên kể từ khi ông thăng chức làm trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc cách đây hai năm.
Ông Kong Xuanyou bắt tay với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama trong cuộc gặp hồi năm 2016. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ông Kong, một chuyên gia về Nhật Bản với kinh nghiệm hạn chế trong vấn đề liên Triều, giờ đây đang được giao nhiệm vụ gần như không thể, đó là khôi phục đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên với sự tham gia của Trung Quốc, Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nga và Nhật Bản. Ông đảm nhiệm vai trò này vào thời điểm khi cuộc đàm phán đã sụp đổ, theo SCMP.
Kerry Brown, cựu nhà ngoại giao người Anh nhận định: “Đây là một công việc “khó xơi” với các thách thức gần như không thể vượt qua vào lúc này, khi mà không một ai có cùng chí hướng và nguy cơ thất bại lại rất cao”.
Mặc dù Bắc Kinh nhiều lần nỗ lực tái khởi động đối thoại sáu bên nhưng không có dấu hiệu đối thoại sẽ được nối lại. Bắc Kinh khởi xướng đối thoại vào năm 2003 nhưng đã bị đình chỉ kể từ năm 2008 tới nay sau khi Bình Nhưỡng tẩy chay đổi thoại.
Các chuyên gia đánh giá, so với Ngoại trưởng Vương Nghị - nhà đàm phán chủ chốt đầu tiên trong đối thoại sáu bên hay ông người tiền nhiệm Wu, cựu đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản và Hàn Quốc này không được nhiều người biết đến.
Ông Kong Xuanyou, 58 tuổi, là người gốc Triều Tiên sinh ra ở Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ông Khổng thông thạo tiếng Nhật, tốt nghiệp ĐH Nghiên cứu đối ngoại Thượng Hải sau cuộc Cách mạng Văn hóa.
Theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Kong nằm trong hàng ngũ Bộ Ngoại giao với vai trò phần lớn giải quyết các vấn đề Nhật Bản và nắm giữ các vị trí trong phái bộ ngoại giao Trung Quốc ở Nhật Bản hơn 10 năm kể từ giữa thập niên 1980.
Ông Kong làm công sứ tại đại sứ quán Trung Quốc ở Nhật Bản trong thời gian từ năm 2006-2011. Năm 2014, ông Kong làm đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam rồi sau làm người đứng đầu bộ phận về vấn đề châu Á.
Seong-Hyon Lee, một nghiên cứu sinh tại Viện Sejong, nói rằng mặc dù ông Kong nói thông thạo tiếng Hàn nhưng chưa bao giờ nói chuyện với cộng đồng người Hàn Quốc. “Bây giờ, với công việc mới này đòi hỏi ông ấy phải tiếp xúc nhiều với người Hàn Quốc” – ông Lee nói.
Truyền thông Hàn Quốc lưu ý rằng đây là lần đầu tiên các phái viên hàng đầu về vấn đề Triều Tiên đến từ Trung Quốc và Washington có thể nói tiếng Hàn. Joseph Yun, một nhà kinh tế sinh ra ở Seoul, hồi tháng 10 năm ngoái đã được chỉ định làm đại diện mới của Washington về chính sách Triều Tiên.
Giới quan sát tin rằng ông Kong sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn và một bán đảo Triều Tiên nhiều bất ổn hơn so với người tiền nhiệm Wu Dawei.(PLO)