Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý chiều 29-07-2017

  • Cập nhật : 29/07/2017

Anh sẽ điều tàu sân bay tới Biển Đông

Ngày 27.7, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tuyên bố London sẽ triển khai 2 tàu sân bay mới đến Biển Đông cho các sứ mệnh tuần tra duy trì quyền tự do hàng hải, theo tờ The Guardian.

tau san bay hms queen elizabeth chuan bi khoi hanh trong chuyen di dau tien sau khi xuat xuong vao thang 6.2017. reuters

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth chuẩn bị khởi hành trong chuyến đi đầu tiên sau khi xuất xưởng vào tháng 6.2017. REUTERS

“Một trong những điều đầu tiên chúng tôi làm với 2 tàu sân bay khổng lồ vừa được đóng là triển khai chúng cho hoạt động tự do hàng hải ở khu vực này”, ông Johnson phát biểu tại thành phố Sydney của Úc.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh không nói rõ khi nào nước này sẽ điều tàu sân bay tới Biển Đông.

Tàu sân bay mới nhất của Anh HMS Queen Elizabeth đang chạy thử nghiệm trên biển và sẽ được đưa vào biên chế vào cuối năm nay. Đây là tàu chiến lớn nhất từ trước tới nay của hải quân Hoàng gia Anh, với chiều dài 280 m và độ choán nước 65.000 tấn.

Hàng không mẫu hạm mới thứ 2 của Anh đang được đóng và sẽ đưa vào biên chế từ năm 2020.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon tiết lộ với Reuters rằng London có kế hoạch điều một tàu chiến tới Biển Đông để thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông vào năm tới.

Dù không nói rõ loại tàu chiến cũng như khu vực cụ thể, song ông Fallon nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không bị Trung Quốc cản trở khi đi qua Biển Đông. Chúng ta có quyền tự do hàng hải và sẽ thực hiện quyền này”.(Thanhnien)
-------------------------

Chiến hạm Mỹ sẽ mang tên lửa có trí tuệ nhân tạo

Biến thể hải quân của tên lửa LRASM có tầm bắn 370 km, có thể tự định hướng tới mục tiêu mà không cần con người giám sát.

Cơ chế hoạt động của tên lửa LRASM

Tập đoàn Lockheed Martin hôm 26/7 công bố hợp đồng chế tạo 23 tên lửa diệt hạm tầm xa AGM-158C LRASM trị giá 86,5 triệu USD cho hải quân Mỹ. Đây là biến thể trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet và oanh tạc cơ B-1B, theo Breaking Defense.

Lockheed Martin cũng tiết lộ đã bắn thử thành công phiên bản LRASM cải tiến từ bệ phóng dùng cho tàu chiến. Theo chuyên gia quân sự Sydney J. Freedberg Jr, điều này sẽ tăng cường đáng kể khả năng triển khai tên lửa của hải quân Mỹ.

LRASM là bước tiến lớn từ chương trình tên lửa không đối đất AGM-158 JASSM. Máy bay có thể triển khai tên lửa nhanh và xa hơn tàu chiến, nhưng chúng lại không thể mang theo nhiều đạn. Tàu chiến thua kém về tốc độ, nhưng được bù đắp bằng mật độ hỏa lực dày đặc và thời gian hoạt động dài hơn. Một không đoàn tàu sân bay với 44 tiêm kích chỉ có thể lắp tối đa 88 tên lửa LRASM, trong khi chỉ một khu trục hạm lớp Arleigh Burke có thể mang tới 96 quả đạn.

Trước đây, chiến hạm Mỹ chỉ sở hữu tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon lạc hậu với tầm bắn 110-195 km, ngắn hơn nhiều so với các vũ khí mới của Nga và Trung Quốc. Hồi năm 2016, Phòng Năng lực Chiến lược của Lầu Năm Góc phải cải tiến tên lửa phòng không SM-6 để bổ sung khả năng chống hạm cho các tàu chiến nước này.

chien-ham-my-se-mang-ten-lua-co-tri-tue-nhan-tao

Tiêm kích F/A-18E mang tên lửa LRASM (màu đen). Ảnh: USNI.

Mẫu SM-6 có tầm bắn trên 320 km, xa hơn tên lửa Harpoon, nhưng đầu đạn nặng 54 kg chỉ thích hợp cho việc bắn hạ máy bay và tên lửa hành trình, quá nhỏ để đánh chìm tàu chiến đối phương.

Sự ra đời của AGM-158C LRASM nhằm lấp chỗ trống của tên lửa Harpoon và điểm hạn chế của đạn SM-6. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết LRASM có tầm bắn trên 370 km, trong khi các chuyên gia ước tính con số này có thể đạt 560 km. LRASM được thiết kế để tự động né tránh khu vực phòng thủ và radar đối phương. Nhờ trang bị AI, nó có thể thay đổi đường bay mà không cần sự giám sát của con người hay dẫn đường bằng vệ tinh.

LRASM sẽ được trang bị đầu dò vô tuyến đa chức năng cùng đường truyền dữ liệu (datalink) tiên tiến. Sau khi rời khỏi bệ phóng, nó sẽ nhận dữ liệu mục tiêu từ tàu chiến hoặc máy bay, sau đó tiếp tục nhận thông tin cập nhật về mục tiêu qua kết nối với vệ tinh.

Khi tiến vào khu vực gần mục tiêu, nơi tín hiệu liên lạc vệ tinh bị gây nhiễu hoặc gián đoạn, tên lửa sẽ bay theo lộ trình được vạch sẵn. Các hệ thống cảm biến trên tên lửa sẽ xác định những khu vực bị đe dọa bởi vũ khí phòng không của đối phương, từ đó tự điều chỉnh hướng bay để vòng qua khu vực này.

Khi tiếp cận mục tiêu, tên lửa nhanh chóng hạ độ cao xuống sát mặt biển để tránh bị hệ thống radar trên tàu chiến đối phương phát hiện. Các hệ thống cảm biến trên tên lửa của liên tục rà quét các vị trí trang bị vũ khí phòng không trên mục tiêu để gia tăng khả năng sống sót của nó.

chien-ham-my-se-mang-ten-lua-co-tri-tue-nhan-tao-1

LRASM có thể tự tìm kiếm mục tiêu. Ảnh: Lockheed Martin.

Đầu nổ xuyên - phá mảnh nặng 454 kg của LRASM đủ sức tiêu diệt nhiều loại tàu chiến khác nhau. Chỉ cần hai quả đạn để phá hủy một tàu tuần dương hạng nặng tương tự tàu lớp Slava, hay một quả tên lửa để tiêu diệt tàu khu trục giống như lớp Sovremenny của Nga.(Vnexpress)
-------------------------------

Thánh địa Hồi giáo Mecca suýt bị tấn công tên lửa từ Yemen

Quân đội Ả Rập Xê Út nói đã đánh chặn tên lửa do quân nổi dậy Houthi ở Yemen nhằm vào thánh địa Mecca.

Hãng thông tấn Ả Rập cho biết các đơn vị phòng không gần Mecca đã bắn chặn thành công tên lửa nhằm vào thánh địa linh thiêng của Hồi giáo hôm 27.7.

Tên lửa tấn công bị tiêu diệt tại vùng Al-Wasliya thuộc tỉnh al-Taif, cách Mecca khoảng 69 km và vụ đánh chặn thành công mà không gây thiệt hại.

Trong khi đó, truyền thông của Houthi không đưa tin gì về vụ việc nhưng đưa tin về vụ tấn công tên lửa vào một căn cứ không quân của Ả Rập Xê Út.

Hãng thông tấn Houthi Saba đưa tin các lực lượng Houthi đã phóng nhiều tên lửa tầm trung Borkan-1 nhằm vào căn cứ không quân King Fahad gần tỉnh al-Taif của Ả Rập Xê Út và các tên lửa này đã tấn công trúng đích.

ten lua dat doi dat tam trung borkan-1 cua luc luong noi day houthi duoc cho la mot bien the ten lua scud cua lien xo cu.presstv

Tên lửa đất đối đất tầm trung Borkan-1 của lực lượng nổi dậy Houthi được cho là một biến thể tên lửa Scud của Liên Xô cũ.PRESSTV

Mâu thuẫn giữa Ả Rập Xê Út và lực lượng Houthi người Yemen đã kéo dài hơn 2 năm. Liên minh do Riyadh cầm đầu đã đánh bom lực lượng Houthi vào tháng 3.2015. Liên minh này ủng hộ tổng thống bị lật đổ Rabbu Mansour Hadi của Yemen. Ông Hadi hiện đã lánh sang Ả Rập Xê Út.

Theo Liên Hiệp Quốc, xung đột tại Yemen đã khiến hơn 8.160 người thiệt mạng và 46.300 người bị thương trong 2 năm qua. (Thanhnien)
--------------------

Hạ viện Mỹ đồng ý tăng chi quốc phòng, xây tường biên giới

Hạ viện Mỹ đã chấp thuận tăng chi quốc phòng thêm 68 tỉ USD trong năm tài khóa 2018 và cũng đồng ý trả tiền xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

chu tich ha vien my paul ryan - anh: reuters

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan - Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, dự luật chi tiêu ngân sách với tổng chi 658,1 tỉ USD cho quốc phòng trong năm tài chính tiếp theo vừa được thông qua tại Hạ viện Mỹ ngày 27-7 với tỉ lệ phiếu thuận/chống là 235/192.

Theo đó chi tiêu cho quốc phòng được các dân biểu nhất trí tăng thêm 68 tỉ USD trong bối cảnh cần phải tăng cường năng lực ứng phó của quân đội Mỹ trước các cuộc tấn công tên lửa của nước ngoài và cả nguy cơ Triều Tiên có thể phát triển thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể tấn công tới Mỹ.

Cụ thể ngân sách năm tài chính 2018 cho Bộ quốc phòng Mỹ sẽ tăng thêm 68,1 tỉ USD so với năm tài chính 2017, cũng cao hơn 18,4 tỉ USD so với bản đệ trình dự thảo ngân sách của ông Trump. Năm tài khóa 2017 ngân sách cho quốc phòng Mỹ được phê chuẩn là 618,7 tỷ USD.

Hạ viện cũng nhất trí cung cấp 1,6 tỉ USD cho việc khởi công xây dựng bức tường ở biên giới giữa Mỹ và Mexico, vấn đề trung tâm trong cương lĩnh tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump.

Các nghị sĩ Dân chủ lặp lại quan điểm cho rằng bất cứ khoản ngân sách nào chi cho việc xây bức tường đó cũng đều là “viên thuốc độc”, và chắc chắn họ sẽ chặn đứng vấn đề này tại Thượng viện.

Từ ngay cho tới 1-10 là thời hạn chót, cũng là thời điểm bắt đầu một năm tài chính mới, quốc hội Mỹ hoặc sẽ thông qua dự luật chi tiêu ngân sách, hoặc sẽ tạp thời kéo dài các mức chi tiêu của năm hiện hành để có thêm thời gian thương thảo đạt được thống nhất.

Ông Trump cho rằng một “bức tường to đẹp” là điều cần thiết dọc theo biên giới tây nam giữa Mỹ và Mexico. Ông cũng nói Mexico rốt cuộc sẽ trả tiền cho việc xây tường đó.

Tuy nhiên Mexico đã dứt khoát bác bỏ chuyện sẽ trả tiền này, và trong những tuần qua, ông Trump cũng nói có thể nhiều khu vực ở biên giới hai nước không cần phải xây tường vì lợi thế địa hình. (tuoitre)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 29-07-20172

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 29-07-2017

    Sau đòn trả đũa của Moskva, hàng trăm nhà ngoại giao Mỹ sẽ phải rời Nga; Iran phóng thành công tên lửa mang vệ tinh; Việt Nam đề nghị Indonesia khẩn trương điều tra vụ bắn tàu cá; Thủ tướng Pakistan bị phế truất vì cáo buộc tham nhũng

  • Tin thế giới đáng chú ý 29-07-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 29-07-2017

    Việt Nam lên tiếng về hoạt động dầu khí ở Biển Đông; Bất chấp Đại sứ Mỹ tại Nga giận dữ, Moskva tuyên bố hành động để Washington rõ phải trái; 7.000 phiến quân IS vẫn bám trụ ở Mosul; Đức-Nhật hợp tác quốc phòng: Mục đích cũ với đối tác mới

Bài cùng chuyên mục