Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý 29-07-2017
- Cập nhật : 29/07/2017
Việt Nam lên tiếng về hoạt động dầu khí ở Biển Đông
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam diễn ra tại khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Chiều 28-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng về các thông tin gần đây liên quan đến hoạt động dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông.
Bà Hằng khẳng định hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam diễn ra tại khu vực biển (PV - Biển Đông) hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
"Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam và cùng nỗ lực đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và hợp tác ở Biển Đông" - bà Hằng nêu rõ khi trả lời câu hỏi của phóng viên. (Tuoitre)
------------------------
Bất chấp Đại sứ Mỹ tại Nga giận dữ, Moskva tuyên bố hành động để Washington rõ phải trái
Bất chấp việc Đại sứ Mỹ tại Nga John Tefft bày tỏ sự giận dữ trước động thái Moskva đáp trả các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nước này của Mỹ, phía Nga tiếp tục khiến tình hình căng thẳng hơn khi lên tiếng đe dọa tăng biện pháp trả đũa.
Theo đài RT của Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng Nga không loại trừ bất cứ hành động nào để “cho Mỹ thấy phải trái”.
Nga sẽ không chỉ dừng lại ở hành động giảm số lượng nhân viên ngoại giao và tịch thu tài sản ngoại giao Mỹ.
Tuyên bố của ông Sergey Ryabkov được đưa ra sau quyết định của Moskva giảm số nhân viên ngoại giao Mỹ ở Nga và đình chỉ việc sử dụng các cơ sở lưu trữ của đại sứ quán Mỹ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng cảnh báo rằng các biện pháp trả đũa của Nga sẽ không chỉ ở mức giảm số lượng nhân viên ngoại giao và tịch thu tài sản ngoại giao.
Trả lời RT, ông Sergey Ryabkov nói: “Chúng tôi không thể chịu đựng hội chứng căm ghét Nga ở Đồi Capitol, được thể hiện trong việc thông qua một dự luật chưa từng có tiền lệ ở cả hai viện… Chúng tôi tin rằng những đồng sự Mỹ sẽ có đủ thời gian để cân nhắc những hậu quả có thể xảy ra từ các hành động đó”.
Trước đó, Đài RT dẫn nguồn các cơ quan thông tấn Nga và truyền thông phương Tây cho hay Đại sứ Mỹ tại Nga John Tefft “đã bày tỏ sự thất vọng và phản đối mạnh mẽ” trước động thái trả đũa của Nga.
Ngày 28/7, Moskva đã quyết định giảm số lượng nhân viên ngoại giao Mỹ tại Nga và ngăn chặn việc sử dụng các cơ sở dự trữ của đại sứ quán.
Ngày 27/7, với số phiếu áp đảo 98/2, Thượng viện Mỹ cũng đã nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào 3 nước Nga, Triều Tiên và Iran, và giới hạn khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Moskva của Tổng thống Mỹ Donald Trump bất chấp việc Tổng thống Donald Trump phản đối dự luật này. (Baotintuc)
----------------------------
7.000 phiến quân IS vẫn bám trụ ở Mosul
Tình báo Iraq cho rằng một lượng lớn phiến quân IS chưa rút khỏi thành phố vừa được quân đội nước này giải phóng.
Ước tính có 4.000 phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cùng 3.000 kẻ ủng hộ vẫn đang ẩn náu ở thành phố Mosul, AP hôm nay dẫn tin các chỉ huy tình báo và quốc phòng Iraq cho hay.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm 10/7 tuyên bố giải phóng Mosul sau chiến dịch kéo dài 10 tháng. Tuy nhiên, tướng Stephen Townsend, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Iraq và Syria, cảnh báo chiến dịch ở Iraq chưa kết thúc và quân đội Iraq vẫn cần thời gian để đánh đuổi các tay súng IS đang bám trụ ở Mosul.
Tướng Townsend cho rằng IS có thể tái hợp trước khi quân đội chính phủ chiếm lại được những vị trí mà IS đang kiểm soát ở phía tây Iraq. IS hiện còn chiếm giữ một số khu vực của Ninawa, Anbar, Hawija thuộc Kirku và một số khu vực biệt lập khác.
Ông Townsend cho hay số lượng phiến quân IS ở Iraq và Syria hiện có từ 12.000 đến 15.000 tên, giảm mạnh so với số 20.000-31.000 tên năm 2014 và khoảng 19.000-25.000 tên hồi đầu năm ngoái.
Ông Nick Rasmussen, giám đốc Trung tâm chống khủng bố Mỹ, cảnh báo thế giới vẫn phải đối diện với các mối đe doạ từ IS, bất chấp việc chúng bị đánh đuổi khỏi nhiều khu vực ở Iraq và Syria. Các quan chức Mỹ lo ngại một nhóm nhỏ phiến quân có thể rời khỏi Trung Đông và tổ chức tấn công ở phương Tây hoặc ở quê nhà.
Tại Raqqa, thành luỹ của IS ở Syria, các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang hỗ trợ dân quân người Kurk và phe nổi dậy siết chặt vòng vây. Các quan chức ước tính hơn 2.000 tay súng IS cùng gia đình và hàng chục nghìn thường dân đang ở trung tâm Raqqa.(VNexpress)
--------------------------
Đức-Nhật hợp tác quốc phòng: Mục đích cũ với đối tác mới
Nhật Bản và Đức đạt được thỏa thuận quan trọng về hợp tác quốc phòng trong bối cảnh tình hình an ninh các khu vực có nhiều biến động.
Với thỏa thuận vừa đạt được với Đức về hợp tác cùng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ quân sự, quốc phòng hiện đại, Nhật Bản có được quan hệ hợp tác quân sự với một đối tác quan trọng nữa ở châu Âu và trên thế giới.
Công nghệ quân sự, quốc phòng hiện đại là một thế mạnh và một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Đức. Giống như Nhật Bản, Đức rất coi trọng gây dựng những mối quan hệ hợp tác như thế. Nó biểu hiện mức độ tin cậy lẫn nhau và chất lượng rất cao trong quan hệ hợp tác song phương, một nguồn thu lợi béo bở, một phương cách tiếp cận và chinh phục thị trường vũ khí và công nghệ quân sự, quốc phòng. Cả hai còn tương đồng ở mong muốn giảm bớt dần sự lệ thuộc vào Mỹ bằng những liên kết hợp tác với các đối tác khác.
Nhật Bản kiên định chủ trương đa dạng hóa đối tác hợp tác về quân sự và quốc phòng đặc biệt từ khi bắt đầu quá trình rũ bỏ dần những ràng buộc trong hiến pháp hiện hành. Nâng chi phí ngân sách quốc phòng để hiện đại hóa lực lượng, tăng cường vũ trang và cải thiện tiềm lực quân sự được các thời chính phủ Nhật Bản nhất quán thực hiện, nhưng đặc biệt mạnh mẽ ở thời Thủ tướng Shinzo Abe.
Hợp tác cùng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ quân sự, quốc phòng hiện đại giúp sử dụng hiệu quả nhất ngân sách quốc phòng, đồng thời còn có tác dụng ràng buộc đối tác vào những lợi ích chung đến mức có thể phân hóa những đối tác này với những đối thủ của Nhật Bản, đặc biệt là Trung Quốc và Triều Tiên. Mục tiêu bao trùm là bớt lệ thuộc vào Mỹ và có thêm đối tác để hai đối thủ kia không thể lôi kéo được. Cả hai sẽ còn tìm kiếm đối tác mới nữa cho mục đích lâu nay.(Thanhnien)