Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý tối 28-07-2017

  • Cập nhật : 28/07/2017

Trung Quốc thử nghiệm thiết bị lặn tự hành ở Biển Đông

Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc thử nghiệm thiết bị lặn tự hành (AUV), được cho là có thể theo dõi động thái của tàu ngầm hoạt động ở Biển Đông.

thiet bi lan tu hanh hai duc cua trung quoc vien khoa hoc trung quoc

Thiết bị lặn tự hành Hải Dực của Trung Quốc VIỆN KHOA HỌC TRUNG QUỐC

Một tàu nghiên cứu khoa học của Trung Quốc đã thả 12 chiếc AUV (với tên gọi Hải Dực) được trang bị công nghệ truyền dữ liệu trực tiếp xuống Biển Đông, nhưng Tân Hoa xã không nêu cụ thể khu vực.

Theo Viện Khoa học Trung Quốc, số thiết bị lặn tự hành này sẽ hoạt động thử nghiệm trong vòng 1 tháng, thu thập dữ liệu về nhiệt độ, lượng oxi, độ mặn và dòng chảy.

Tân Hoa xã lưu ý AUV mới có thể hoạt động với thời gian dài và dùng ít nhiên liệu hơn phiên bản trước, đồng thời có thể truyền dữ liệu trực tiếp, một công nghệ mà thậm chí Mỹ chưa đạt được.

Nếu cuộc thử nghiệm thành công thì đây là một bước tiến lớn vì AUV khó có thể truyền dữ liệu trực tiếp dưới nước, chuyên gia Ân Tinh Vệ thuộc Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, nói với tờ South China Morning Post.

“AUV của Mỹ có một nhược điểm là chỉ có thể truyền dữ liệu cho tàu mẹ hoặc vệ tinh khi trồi lên mặt nước. Điều này làm gián đoạn và hạn chế khả năng truyền dữ liệu liên tục, ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự, chẳng hạn theo dõi tàu ngầm. Trong khi đó, công nghệ mới của Trung Quốc có thể khắc phục nhược điểm này”, ông Ân lưu ý.

Giới chuyên gia nhận định AUV dù phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học nhưng có thể theo dõi, truyền dữ liệu trực tiếp về vị trí tàu ngầm hoạt động ở Biển Đông.

Truyền thông Trung Quốc đưa ra thông tin trên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn kế hoạch cho phép Hải quân Mỹ tiến hành thêm nhiều cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải thách thức tuyên bố chủ quyển phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. (Thanhnien)
-----------------------

Nga phát triển tên lửa có thể tự lựa chọn mục tiêu địch

Nga hy vọng chế tạo được tên lửa thế hệ mới có khả năng tự tính toán và lựa chọn mục tiêu ngay trong hành trình bay.

ten lua hanh trinh hai doi dat kalibr-nk cua nga. anh: sputnik.

Tên lửa hành trình hải đối đất Kalibr-NK của Nga. Ảnh: Sputnik.

 

Bộ Quốc phòng Nga đang phát triển một loại tên lửa được trang bị trí thông minh nhân tạo và có khả năng tự lựa chọn mục tiêu để tiêu diệt, Business Insider ngày 26/7 đưa tin.

"Các công việc đang được tiến hành. Đây là một lĩnh vực nghiêm túc, đòi hỏi những nghiên cứu kỹ lưỡng. Hiện chúng tôi đã có những thành công nhất định, nhưng cần làm việc thêm vài năm để đạt được kết quả cuối cùng", Boris Obnosov, tổng giám đốc tập đoàn tên lửa chiến thuật (KTRV) Nga, tuyên bố.

Ông Obnosov cũng tiết lộ Nga đang tìm cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến trên tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ lên loại tên lửa mới này, điển hình như khả năng thay đổi mục tiêu ngay lúc đang bay.

Công nghệ trí thông minh nhân tạo hiện là lĩnh vực mà các cường quốc quân sự hàng đầu đang tập trung phát triển để giành lợi thế trên chiến trường. Mỹ đang triển khai công nghệ này trong chương trình tên lửa chống hạm tầm xa, còn Trung Quốc cũng có những kế hoạch ứng dụng trong lĩnh vực máy bay chiến đấu.

Đầu năm 2017, cựu tư lệnh không quân Nga Viktor Bondarev cho biết máy bay chiến đấu thế hệ mới của Nga sẽ được trang bị tên lửa hành trình sử dụng trí thông minh nhân tạo để có thể phân tích radar, bầu trời, rồi tự chọn cao độ, tốc độ và hướng bay.(Vnexpress)
-------------------------

Quốc hội Mỹ cản ông Trump ‘dàn hòa’ với Nga

Ngày 25-7 (giờ Mỹ), dự luật trừng phạt Nga chính thức “qua ải” Quốc hội Mỹ và chỉ còn chờ Tổng thống Donald Trump ký ban hành. Dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua với số phiếu đặc biệt áp đảo, gồm nhiều biện pháp trừng phạt mới với Nga vì các cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ, vi phạm nhân quyền, hoạt động quân sự tại Ukraine và Syria.

Các lệnh trừng phạt nhắm đến một số quan chức phụ trách an ninh mạng ở Nga, các nhân vật liên quan việc Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine, vi phạm nhân quyền và phân phối vũ khí tại Syria. Mỹ hạn chế công ty Mỹ làm ăn với các đối tác Nga, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển năng lượng. Các lệnh trừng phạt này có thể gây khó khăn lớn với Nga khi kinh tế Nga mới chỉ vừa có dấu hiệu hồi phục sau nhiều năm dài chịu cảnh dầu mất giá, lạm phát, thiếu tăng trưởng.

Cản ông Trump gỡ trừng phạt

Bên cạnh các biện pháp trừng phạt, một điểm quan trọng và được chú ý nhất trong dự luật là cấm Tổng thống Mỹ Donald Trump tự ý dỡ bỏ bất kỳ trừng phạt nào với Nga khi chưa được phép của Quốc hội.

Theo đó, nếu ông Trump muốn trả lại hai khu nhà ngoại giao của Nga mà chính phủ Obama tịch thu cuối năm 2016, hay dỡ bỏ trừng phạt lên các cá nhân, công ty Nga liên quan đến việc sáp nhập Crimea… thì phải có văn bản xin ý kiến Quốc hội trước. Ngoài ra, trong dự luật này còn có một số biện pháp trừng phạt Iran về ủng hộ khủng bố và Triều Tiên về các vụ thử tên lửa đạn đạo.

Truyền thông Mỹ hoan nghênh quyết định của Quốc hội. Tuy nhiên, theo USA Today, việc Quốc hội Mỹ can thiệp trực tiếp vào tiến trình thực hiện chính sách đối ngoại không phải là quyết định “thông minh”, khi đây là lĩnh vực của riêng nhánh hành pháp. Nhưng mặt khác, thông qua dự luật trừng phạt Nga lần này, lưỡng viện đã có thể gửi một thông điệp thống nhất và rõ ràng đến ông Trump về thái độ của giới lãnh đạo Washington đối với Nga.

Kênh CNN cho rằng với sự đồng lòng này, Quốc hội muốn ông Trump hiểu được tầm quan trọng các mối đe dọa từ Nga mà Mỹ đang phải đối mặt. Và ông Trump với tư cách tổng tư lệnh quân đội Mỹ phải có nhiệm vụ bảo vệ đất nước, CNN nhận định. Trong khi đó theo The Washington Post, việc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa gạt mọi bất đồng để thống nhất đạo luật cho thấy giới lãnh đạo Washington đang không đủ tin tưởng ông Trump sẽ bảo vệ được các quyền lợi của Mỹ trước Nga.

Quốc hội Mỹ cản ông Trump ‘dàn hòa’ với Nga - ảnh 1
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan (trái) và lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy. Ảnh: Getty

Ông Trump có thể phủ quyết?

Dự luật này đã được Thượng viện thông qua từ nhiều tháng trước, cũng với tỉ lệ phiếu thống nhất áp đảo. Lưỡng viện tới đây sẽ cùng bàn bạc, thỏa hiệp một dự luật sau cùng trình ông Trump quyết định trước kỳ nghỉ họp của Quốc hội tháng 8 tới. Hãng Reuters dẫn thông tin từ Nhà Trắng cho biết ông Trump chưa quyết định thông qua hay phủ quyết dự luật.

Một khi được ban hành, chắc chắn luật này sẽ là bước cản trở lớn trong hy vọng cải thiện quan hệ với Nga của ông Trump. Bên lề hội nghị G20 ở Đức đầu tháng này, ngoài cuộc gặp chính thức đầy thân thiện, ông Trump còn có cuộc gặp không công khai với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không có phiên dịch viên phía Mỹ. Điều này vừa mở hy vọng sự nhiệt tình của ông có thể cải thiện quan hệ Nga-Mỹ và giảm nguy cơ xung đột, vừa tạo lo ngại sự thiếu chuyên nghiệp của ông Trump đe dọa lợi ích của Mỹ.

Mới đây ông Trump quyết định dừng hỗ trợ phe nổi dậy ở Syria khiến nhiều người hoài nghi liệu có phải ông đã nhượng bộ Nga ở Syria hay không. Trước đó ông Trump từng nói có ý định dỡ bỏ trừng phạt Nga mà chính phủ Obama ban hành. Về luật, tổng thống có quyền phủ quyết dự luật Quốc hội đề nghị. Dù vậy, động thái phủ quyết cũng sẽ bị vô hiệu hóa nếu 2/3 số nghị sĩ Hạ viện lẫn Thượng viện cùng bỏ phiếu bác quyết định của ông.

Ông Trump hiểu rõ hành động phủ quyết sẽ là một bước đi bất lợi về chính trị với bản thân mình, đặc biệt khi dự luật đã được thông qua với số phiếu áp đảo tại lưỡng viện. Ông Trump cũng sẽ tự đẩy mình vào thế khó và không tránh khỏi bị chỉ trích là thiên vị Nga, trong khi sức ép từ cuộc điều tra Nga liên lạc với êkíp tranh cử của ông vẫn chưa hạ nhiệt. Nếu phủ quyết, ông Trump còn có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng bị Quốc hội, đang do đảng Cộng hòa của ông kiểm soát, bỏ rơi. Theo Văn phòng Sử học Thượng viện, điều này chưa từng xảy ra ở Mỹ kể từ năm 1980, khi ông Jimmy Carter làm tổng thống.

Theo CNN, nếu ông Trump thật sự muốn giữ lợi thế chính trị và thể hiện thái độ cứng rắn với Nga, ông sẽ phải ký ban hành dự luật này để tránh khó khăn trăm bề. (PLO)
------------------------

Trung Quốc xây nhiều công trình ngầm trong căn cứ nước ngoài đầu tiên

Hình ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti lớn hơn so với những nhận định trước đây.

binh si tren tau chien trung quoc tai djibouti. anh: reuters.

Binh sĩ trên tàu chiến Trung Quốc tại Djibouti. Ảnh: Reuters.

 

Hai ảnh vệ tinh mới do Stratfor Worldview và Allsource Analysis cung cấp cho thấy căn cứ Trung Quốc ở Djibouti, nằm ở vị trí chiến lược thuộc vùng Sừng Châu Phi, có tới 23.000 m2 dưới lòng đất và được bảo vệ nghiêm ngặt bằng ba lớp hàng rào an ninh, theo CNN.

"Kiểu xây dựng này phù hợp với hoạt động truyền thống của Trung Quốc trong việc kiên cố hóa căn cứ quân sự. Các công trình ngầm sẽ giúp Bắc Kinh che giấu được mọi động thái và bảo vệ phương tiện cùng trang thiết bị quan trọng tại Djibouti", cơ quan phân tích tình báo Stratfor, Mỹ nhận định.

Đầu tháng 7, Trung Quốc triển khai quân đến căn cứ nước ngoài đầu tiên này. Mỹ, Pháp và Nhật hiện cũng duy trì các căn cứ quân sự lâu dài tại Djibouti. Tuy nhiên những căn cứ này không được bảo vệ nghiêm ngặt như của Trung Quốc.

Hiện chưa rõ căn cứ của Trung Quốc có quy mô lớn như thế nào, trong khi căn cứ quân sự của Mỹ tại đây được mở rộng vào năm 2005 với diện tích khoảng hai km2.

"Mặc dù đây chỉ là một căn cứ tương tự căn cứ của các nước khác ở Djibouti, Trung Quốc đã làm theo cách riêng của họ", nhà phân tích cao cấp của Stratfor, Sim Tack cho biết.

trung-quoc-xay-nhieu-cong-trinh-ngam-trong-can-cu-nuoc-ngoai-dau-tien-1

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây dựng nhiều đường hầm trong căn cứ tại Djibouti. Ảnh: CNN.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc quảng bá rằng căn cứ trên là cơ sở để quân đội nước này mang lại hòa bình và an ninh cho khu vực bằng cách cung cấp phương tiện cho hoạt động chống hải tặc và hỗ trợ nhân đạo. Tuy nhiên, hình ảnh chụp ngày 4/7 cho thấy Bắc Kinh vẫn chưa xây dựng các bến tàu, vốn là điều kiện quan trọng cho mục đích mà nước này tuyên bố.

Theo giới phân tích, căn cứ tại Djibouti là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa chiến lược "hải quân xanh", dựa trên việc thiết lập một lượng hải quân toàn cầu, có khả năng triển khai các hoạt động trên khắp thế giới. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc bác bỏ nhận định rằng Bắc Kinh đang muốn mở rộng và phô trương sức mạnh.(Vnexpress)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 28-07-20172

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 28-07-2017

    Không quân Ấn Độ sẵn sàng cho mọi tình huống với Trung Quốc; Trung Quốc âm thầm lập cơ quan chế vũ khí đối trọng Mỹ; Anh tính điều tàu chiến tuần tra tự do đi lại ở Biển Đông; Học tập Mỹ, Trung Quốc lập cơ quan nghiên cứu vũ khí công nghệ cao

  • Tin thế giới đáng chú ý 28-07-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 28-07-2017

    Giám đốc CIA: chỉ Trung Quốc mới đủ tầm cạnh tranh với Mỹ; Nữ bộ trưởng quốc phòng cứng rắn của Nhật sắp bị thay?; Cảnh sát Trung Quốc bắt giữ 67 người biểu tình ở Bắc Kinh; Ngoại trưởng Philippines: Không từ bỏ lãnh thổ cho TQ

Bài cùng chuyên mục