Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 16-09-2017
- Cập nhật : 16/09/2017
Nga, Pháp kêu gọi giải pháp ngoại giao giải quyết tình hình Triều Tiên
Trong cuộc điện đàm ngày 15/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích vụ phóng tên lửa mới nhất cùng ngày của Triều Tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Ảnh: EPA/TTXVN
Điện Kremlin cho biết 2 nhà lãnh đạo nhất trí rằng việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với Triều Tiên là giải pháp duy nhất để giải quyết những căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Hai ông nêu rõ không thể để căng thẳng leo thang, và cuộc khủng hoảng này cần được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao và chính trị. Ngoài ra, 2 tổng thống cũng cảnh báo tình hình trên Bán đảo Triều Tiên tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới hậu quả không thể bù đắp được.
Cùng ngày, Đại sứ Mỹ phụ trách vấn đề giải trừ quân bị tại Liên hợp quốc Robert Wood cho biết Mỹ muốn tận dụng hết các biện pháp ngoại giao trong xử lý hồ sơ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời mong muốn "lấp đầy" các lỗ hổng trong quy chế trừng phạt Bình Nhưỡng.
Trả lời báo giới về khả năng xảy ra chiến tranh hoặc một cuộc tấn công quân sự, ông Wood nêu rõ Mỹ không loại bỏ bất kỳ lựa chọn nào nhưng hiện Washington sẽ theo đuổi con đường ngoại giao.
Trong khiđó, Triều Tiên cùng ngày 15/9 cáo buộc Mỹ lên kế hoạch tái triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc.
Một người phát ngôn của Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thông qua truyền thông, đã công khai "khả năng tái triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật" tới Hàn Quốc và phát triển một quả bom hạt nhân thu nhỏ mới nhất.
Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn này nhấn mạnh gần đây, kênh truyền hình NBC và báo chí Mỹ đưa tin chính quyền Tổng thống Trump hiện đang nghiên cứu nhiều kế hoạch phát triển một quả bom hạt nhân thu nhỏ mới nhất với cường độ thấp, nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ bên ngoài.
Ngoài ra, người phát ngôn này cũng cho rằng việc rò rỉ có chủ ý thông tin về các vũ khí hạt nhân chiến thuật của chính quyền Trump trùng với các động thái của Washington nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt, gia tăng sức ép và mối đe dọa quân sự đối với Triều Tiên. Người phát ngôn này cũng cho hay Bình Nhưỡng đã “nâng mức cảnh báo về ý định của Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân thực tế trên bán đảo Triều Tiên”.(Baotintuc)
-----------------------
Hàn Quốc phóng 2 tên lửa đạn đạo đáp trả Triều Tiên
Ngày 15.9, quân đội Hàn Quốc phóng 2 quả tên lửa đạn đạo vào mục tiêu giả định trên biển ngay sau vụ thử tên lửa sáng cùng ngày của CHDCND Triều Tiên.
Hai tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2 được phóng lên từ khu vực phía đông Hàn Quốc sát biên giới liên Triều. Vụ việc diễn ra 6 phút sau khi Triều Tiên thử nghiệm tên lửa bay qua Nhật Bản, theo Yonhap.
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết 1 trong 2 tên lửa bắn trúng mục tiêu trên vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, cách bãi phóng 250 km. Cự ly trên bằng với khoảng cách từ bãi phóng đến sân bay Sunan tại Bình Nhưỡng, nơi Triều Tiên phóng tên lửa sáng 15.9.
Quả tên lửa còn lại của Hàn Quốc rơi xuống biển ngay trong pha đầu tiên của hành trình. Giới hữu trách đang kiểm tra nguyên nhân.
Một quan chức quốc phòng Hàn Quốc giấu tên tiết lộ việc đáp trả của nước này được thực hiện trong khi quả tên lửa của Triều Tiên vẫn còn đang bay. Người này còn khẳng định rằng quân đội đã đáp trả nhanh chóng sau khi phát hiện dấu hiệu thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Dữ liệu được gửi đến Tổng thống Moon Jae-in và ông đã yêu cầu phóng Hyunmoo-2 đáp trả.
Theo Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, tên lửa Triều Tiên phóng vào sáng 15.9 là tên lửa đạn đạo tầm trung. Quả tên lửa này không gây mối đe dọa cho lục địa Mỹ và đảo Guam. Tuy nhiên, tên lửa đã bay qua Nhật Bản, kích hoạt hệ thống cảnh báo và khiến người dân nước này phải tìm nơi ẩn náu.(Thanhnien)
-----------------------------
Tên lửa Triều Tiên bay xa 3.700 km, đủ sức đến Guam
Tên lửa Triều Tiên vừa phóng sáng 15.9 có thể đã đạt độ cao 800 km và bay được 3.700 km, xa hơn đáng kể so với đợt phóng có đường bay tương tự hồi tháng trước
Theo Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, dựa trên tầm bắn thì tên lửa mà CHDCND Triều Tiên phóng bay qua vùng trời Nhật Bản sáng 15.9 có thể là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), Đài NHK cho biết.
Giới chức Nhật nói tên lửa mới được phóng vào khoảng 6 giờ 57 phút từ huyện Sunan gần thủ đô Bình Nhưỡng và rơi xuống Thái Bình Dương tại khu vực cách đảo Hokkaido của Nhật khoảng 2.200 km. Tên lửa này có thể đã đạt độ cao 800 km và bay được 3.700 km, xa hơn đáng kể so với đợt phóng có đường bay tương tự hồi tháng trước, theo NHK.
Nếu nhận định của ông Kono chính xác, đây là lần thứ 3 Bình Nhưỡng phóng ICBM trong hơn 2 tháng qua. Nước này từng phóng ICBM Hawsong-14, với tầm bắn có thể vươn tới lục địa Mỹ, vào ngày 4 và 28.7.
Chuyên gia Nhật Hajime Ozu thì cho rằng tên lửa Bình Nhưỡng vừa phóng có thể là tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12, dựa trên đánh giá khoảng cách bay và tầm cao. Ông Ozu nhận định tầm bay 3.700 km tương tự với khoảng cách 3.400 km từ Triều Tiên đến đảo Guam của Mỹ, nên thông qua đợt phóng tên lửa lần này, Bình Nhưỡng dường như muốn đe dọa Washington, theo NHK.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cũng đánh giá tên lửa Triều Tiên vừa phóng là tên lửa đạn đạo tầm trung và khẳng định loại hỏa tiễn này không gây ra mối đe dọa cho Guam, theo AFP. Bình Nhưỡng từng tuyên bố sẽ phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua Nhật Bản trước khi rơi xuống vùng biển ở Thái Bình Dương cách Guam 30-40 km.(Thanhnien)