Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sáng 16-09-2017
- Cập nhật : 16/09/2017
Nga, EU lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
Nga lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, bởi những hành động khiêu khích như vậy của Bình Nhưỡng sẽ làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Đây là tuyên bố của người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov ngày 15/9.
Ông Peskov nhấn mạnh Nga quan ngại sâu sắc các vụ phóng tên lửa đang làm gia tăng thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nga mạnh mẽ lên án các hành động khiêu khích như vậy. Theo ông Peskov, có thể khẳng định rằng đây là lập trường thống nhất của tất cả các nước thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) không chấp nhận những hành động khiêu khích như vậy.
Cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đã lên án vụ thử tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên, coi đây là hành động "khiêu khích trắng trợn", đồng thời cam kết gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Trong tuyên bố, bà Mogherini cho biết EU sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt mới nhất của LHQ nhằm vào các cá nhân và tổ chức của Triều Tiên, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực để mở rộng các lệnh trừng phạt riêng của khối này nhằm vào Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết nhà lãnh đạo Anh rất phẫn nộ trước vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và sẽ tiếp tục gây sức ép để Trung Quốc gia tăng áp lực đối với Bình Nhưỡng.
Phản ứng trước vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc điện đàm ngày 15/9 đã nhất trí cùng hợp tác tăng cường gây áp lực đối với Triều Tiên.
Theo Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura, hai nhà lãnh đạo đã cam kết hợp tác chặt chẽ với nhau và với Mỹ và qua HĐBA LHQ nhằm tăng sức ép đối với Triều Tiên. Hai bên cũng nhất trí duy trì liên lạc với nhau về vấn đề Triều Tiên, và tổ chức cuộc gặp ba bên với Tổng thống Mỹ Donald Trump thảo luận về vấn đề này bên lề khóa họp của Đại hội đồng LHQ tại New York vào tuần tới.
Theo ông Nishimura, các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh sự cần thiết thực thi đầy đủ các nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ đối với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào ngày 3/9 vừa qua.
Triều Tiên ngày 15/9 đã phóng tên lửa đạn đạo bay ngang qua đảo Hokkaido của Nhật Bản về phía Thái Bình Dương và rơi xuống địa điểm cách nũi Erimo 2.000 km trên đảo Hokkaido về phía Đông.Theo số liệu của quân đội Hàn Quốc, vụ phóng được thực hiện từ khu vực Bình Nhưỡng. Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên kể từ khi HĐBA LHQ thông qua nghị quyết mới siết chặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.(TTXVN)
-----------------------------
Phái đoàn Hàn Quốc sang Mỹ yêu cầu vũ khí hạt nhân
Một phái đoàn Hàn Quốc đã tới Mỹ hôm 14-9 để yêu cầu nước này tái triển khai vũ khí hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Báo The Washington Post hôm 14-9 dẫn lời người đứng đầu Ủy ban Tình báo của Quốc hội Hàn Quốc Lee Cheol-woo cho biết: "Chúng tôi đang ở đây để yêu cầu (Mỹ) tái triển khai đầu đạn hạt nhân chiến thuật tại Hàn Quốc".
Phái đoàn do ông Lee dẫn đầu bao gồm các thành viên của Đảng Hàn Quốc Tự do (LKP) đối lập. Ông Lee cũng là Chủ tịch Ủy ban Phản ứng hạt nhân đặc biệt của Quốc hội Hàn Quốc.
Cách đó 1 ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói với đài CNN rằng ông không đồng ý việc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại nước này cũng như bác bỏ ý định tự phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, phái đoàn của ông Lee cho hay một khi cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đang trở nên tồi tệ hơn, sự thúc đẩy của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hoặc Quốc hội có thể giúp thuyết phục Seoul thay đổi quan điểm.
"Đảng cầm quyền lên nắm quyền nhờ họ phản đối kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ và vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Hàn Quốc. Nhưng nếu chính phủ Mỹ yêu cầu, họ sẽ phải lắng nghe những đề xuất triển khai thêm đầu đạn hạt nhân" - ông Lee nói.
Chủ tịch Uỷ ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain cho biết "đề xuất cần được xem xét một cách nghiêm túc".
Phái đoàn Hàn Quốc sẽ gặp đặc phái viên về chính sách Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ, Joe Yun, cùng với các nghị sĩ đặc trách vấn đề châu Á như các thượng nghị sĩ Cory Gardner và Dan Sullivan (đảng Dân chủ).
Trước vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng hôm 3-9, các cuộc thăm dò tại Hàn Quốc cho thấy 68% số người tham gia khảo sát ủng hộ việc tái triển khai vũ khí hạt nhân và 60% ủng hộ Seoul tự phát triển vũ khí hạt nhân.
Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc trong phần lớn thời gian diễn ra Chiến tranh Lạnh nhưng sau đó bị cựu Tổng thống George H.W. Bush loại bỏ vào năm 1991.
Nếu tái triển khai vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc, có vẻ như Mỹ sẽ đi ngược lại mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Song những người đề xuất ý tưởng này đưa ra 3 lý do để Washington làm như vậy: Thứ nhất, Triều Tiên đã gần đạt được khả năng phóng vũ khí hạt nhân thông qua tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa phóng từ tàu ngầm.
Thứ hai, việc Hàn Quốc tăng cường khả năng hạt nhân sẽ buộc Trung Quốc phải làm nhiều hơn để kiềm chế người hàng xóm của mình. Cuối cùng, hạt nhân có thể được Seoul sử dụng làm chiêu bài mặc cả với Bình Nhưỡng trong tương lai.(NLĐ)
---------------------------
Tổng thống Hàn Quốc: 'Không thể đối thoại' với Triều Tiên
Ngày 15/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã lên án vụ phóng tên lửa sáng cùng ngày của Triều Tiên, khẳng định rằng đối thoại với Bình Nhưỡng trong tình hình hiện nay là “điều không thể", đồng thời cảnh báo Seoul sẽ có hành động đáp trả mạnh.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đưa ra tuyên bố trên tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia do ông chủ trì, được tổ chức chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản.
Tại cuộc họp, Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ Hàn Quốc sẽ tăng cường năng lực phòng thủ hơn nữa để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa, đồng thời nỗ lực tối đa để đảm bảo các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt với Triều Tiên được thực thi đầy đủ. Ông cũng cam đoan với người dân rằng Hàn Quốc đủ khả năng tự vệ.
Những người tham dự cuộc họp cũng lên án mạnh mẽ hành động của Triều Tiên và cảnh báo rằng các hành động khiêu khích như vậy sẽ chỉ làm cho Bình Nhưỡng bị cô lập hơn nữa về ngoại giao và kinh tế.
Trong khi đó, giới chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cùng ngày tái khẳng định lập trường tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên bất kể diễn biến chính trị.
Phát biểu tại một buổi họp báo diễn ra chỉ vài giờ sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, phó phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Eugene nêu rõ "lập trường cơ bản của chính phủ là viện trợ nhân đạo cho trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai ở Triều Tiên cần được duy trì bất kể tình hình chính trị".
Trước đó, ngày 14/9, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết nước này đang xem xét cung cấp viện trợ trị giá 8 triệu USD cho Triều Tiên thông qua các tổ chức quốc tế. Dự kiến chính phủ sẽ đưa ra quyết định về kế hoạch trên vào ngày 21/5 tới.
Nếu được thông qua, kế hoạch này sẽ đánh dấu sự nối lại hoạt động viện trợ của Seoul cho Triều Tiên thông qua các tổ chức quốc tế vốn bị đình chỉ từ tháng 12/2015. Tuy nhiên, hiện giới quan sát đang hoài nghi về quyết định trên sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo lần thứ hai trong chưa đầy 1 tháng qua.
Nhiều nhà phân tích cho rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã "giội một gáo nước lạnh" vào các nỗ lực của Hàn Quốc trong vấn đề viện trợ.
* Cũng trong ngày 15/9, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ đang thúc đẩy một dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt tiếp theo nhằm vào các ngân hàng nước ngoài làm ăn với Triều Tiên.
Theo nguồn tin trên, Tiểu ban về Chính sách tiền tệ và thương mại Mỹ trước đó một ngày đã tổ chức một phiên họp và soạn thảo một dự thảo luật có tiêu đề: "Đạo luật ngăn cản Triều Tiên tiếp cận tài chính năm 2017".
Theo văn kiện được công bố trên trang web của Ủy ban trên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ được yêu cầu soạn thảo các quy định để cấm việc mở hoặc duy trì các tài khoản của các thể chế tài chính nước ngoài tại Mỹ nếu phát hiện những tổ chức này có các giao dịch tài chính với Bình Nhưỡng.
Đối tượng vi phạm những quy định này sẽ bị phạt lên tới 250.000 USD. Thêm vào đó, những cá nhân cố ý vi phạm cũng sẽ chịu mức phạt lên tới 1 triệu USD, hoặc bị phạt tù lên tới 20 năm, hoặc chịu cả hai mức phạt trên.(TTXVN)