Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý trưa 16-09-2017

  • Cập nhật : 16/09/2017

Đông Nam Á: Bàn đạp mới cho IS

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã phát hành một bộ phim kêu gọi hô hào những người ủng hộ trên khắp thế giới hãy lên đường, nhưng không phải là tới Syria và Iraq như trước đây, mà là đến Philippines.

binh si philippines tuan tra tai thanh pho marawi ngay 30/8. anh: epa/ttxvn

Binh sĩ Philippines tuần tra tại thành phố Marawi ngày 30/8. Ảnh: EPA/TTXVN

 

Theo quan điểm của chuyên gia Natalia Rogozhina, nhà nghiên cứu từ Viện kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế thuộc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế, bộ phim này là bằng chứng mới cho thấy IS đang dần đánh mất các địa bàn chiến lược và không tránh khỏi sụp đổ ở Trung Đông. Nhưng đồng thời, theo bà, bộ phim này cho thấy IS đã chọn địa bàn mới cho các hoạt động khủng bố của chúng, không chỉ giới hạn ở Philippines, mà còn cả phần lớn khu vực Đông Nam Á.

Ngay từ 3 năm trước, IS đã thành lập đơn vị đặc nhiệm, chuyên trách phát tán chủ nghĩa khủng bố. Và khi vị thế của IS ở Trung Đông càng suy yếu, trước hết bởi những đòn tấn công của quân đội Chính phủ Syria với sự yểm trợ của không quân Nga, thì các đầu sỏ IS càng ráo riết tìm kiếm địa bàn mới cho hoạt động khủng bố của chúng. Và không phải ngẫu nhiên mà sự lựa chọn của IS rơi vào Philippines.

Ở miền Nam Philippines, các tổ chức khủng bố Hồi giáo kiểu như Abu Sayyaf đã hoành hành nhiều năm nay. Khu vực miền Nam Philipinnes sát gần Malaysia và Indonesia, có ranh giới biển rõ ràng, thông qua đó dễ dàng vận chuyển chiến binh, vũ khí và tiền bạc. Philippines, Indonesia và Malaysia đã thỏa thuận cùng nhau tuần tra biên giới biển, nhưng hiện chưa thấy kết quả rõ rệt từ hoạt động phối hợp này. Trong khi đó tuyến đường bờ biển khá dài, đặc biệt có rất nhiều đảo nhỏ, và chính Tổng thống Rodrigo Duterte cũng phải thừa nhận rằng quân đội và lực lượng an ninh rất khó kiểm soát tuyến bờ biển như vậy. 

Ngoài ra ở miền Nam quốc gia Đông Nam Á này, còn xuất hiện các trại huấn luyện cho các chiến binh khủng bố tới từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Singapore. Các đối tượng cực đoan xuất thân từ Đông Nam Á từng tham gia chiến đấu ở Trung Đông được gửi tới đó huấn luyện và trở về quê hương. Điều đáng chú ý là bất chấp sự hỗ trợ không quân mà máy bay quân sự Mỹ và Australia dành cho quân đội chính phủ Philippines, cuộc chiến giải phóng thành phố Marawi khỏi tay các phần tử khủng bố từ cuối tháng 5 vẫn đang tiếp diễn chưa có hồi kết.

Chuyên gia Rogozhina nhận định việc di chuyển của những đối tượng mới ủng hộ IS đến khu vực miền Nam Philippines càng làm nóng thêm bối cảnh ở đây. Các chiến binh vốn đã tích lũy kinh nghiệm hoạt động khủng bố ở Trung Đông và ở Marawi hoàn toàn có thể trở thành những thủ lĩnh mới của những tổ chức khủng bố do chính chúng lập ra ở những nước khác tại Đông Nam Á.(TTXVN)
-------------------------

Tổng thống Mỹ ký ban hành nghị quyết lên án phân biệt chủng tộc

Ngày 14/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành thành luật đối với một nghị quyết của Quốc hội lên án phong trào Người da trắng thượng đẳng, sau khi nhiều nghị sĩ chỉ trích phản ứng mập mờ của ông đối với vụ bạo lực xảy ra trong một cuộc tuần hành của người da trắng tại Charlottesville, bang Virginia hồi đầu tháng 8 vừa qua.

 

tong thong my donald trump tai cuoc hop bao o washington. anh: afp/ttxvn

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Washington. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trong một thông cáo, Tổng thống Trump bày tỏ "hài lòng" khi ký ban hành nghị quyết trên, đồng thời nhấn mạnh "người Mỹ lên án vụ bạo động gần đây xảy ra tại thành phố Charlottesville cũng như phản đối sự hận thù, cố chấp và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức”.
         
Nghị quyết được Quốc hội Mỹ thông qua hồi đầu tuần này, theo đó phản đối những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, phong trào Người da trắng thượng đẳng, những người ủng hộ việc dùng vũ lực đe dọa người da màu, nhóm KKK và các nhóm phân biệt sắc tộc khác.

Hôm 12/8 vừa qua, bạo lực đã nổ ra tại thành phố Charlottesville trong cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc. Nhóm biểu tình đã đụng độ với những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, nhóm KKK cũng như các nhóm cực đoan và ủng hộ phát xít mới. Hậu quả là 3 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Phản ứng sau vụ bạo lực trên, Tổng thống Trump - khác với phong cách quyết liệt thường thấy - đã đưa ra một bài phát biểu chung chung vào ngày 12/8, cho rằng “nhiều bên phải chịu trách nhiệm về làn sóng bạo lực”. Nhà Trắng sau đó đã lên tiếng biện hộ, cho rằng phát biểu của Tổng thống "rõ ràng đã lên án những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, nhóm KKK hay các nhóm ủng hộ phát xít và cực đoan”. Cách xử lý của Tổng thống Trump đối với vụ việc ở Charlottesville không những vấp phải sự chỉ trích của chính giới mà còn của công chúng Mỹ. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống đương nhiệm tuột dốc khi chỉ có 35% số người được hỏi cho biết ủng hộ ông, trong khi có tới 59% người không hài lòng với cách điều hành đất nước của ông.(Baotintuc)
-------------------------------

Brazil: Thêm cáo buộc mới đối với Tổng thống Temer

Trưởng công tố Brazil Rodrigo Janot đã cáo buộc Tổng thống đương nhiệm Michel Temer cản trở luật pháp và đứng đầu một nhóm quan chức nhận hối lộ, trong bối cảnh bê bối tham nhũng tại quốc gia Nam Mỹ này diễn biến phức tạp chưa từng có.

 

tong thong brazil michel temer tai mot hoi nghi o ha mon, phuc kien (trung quoc) ngay 4/9. anh: afp/ttxvn

Tổng thống Brazil Michel Temer tại một hội nghị ở Hạ Môn, Phúc Kiến (Trung Quốc) ngày 4/9. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trong tuyên bố ngày 14/9, Văn phòng Trưởng công tố Janot cáo buộc ông Temer hoạt động với vai trò "cầm đầu" một nhóm gồm các quan chức cấp cao trong đảng trung hữu Phong trào dân chủ Brazil (PMDB), theo đó nhóm này đã nhận các khoản tiền "lại quả" lên tới 190 triệu USD cho những hợp đồng đấu thầu tại các công ty nhà nước, chẳng hạn như Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras. Theo cáo buộc, nhóm này bắt đầu hoạt động từ tháng 5/2016, trùng với thời điểm ông Temer nhậm chức Tổng thống, thay thế người tiền nhiệm Dilma Rousseff (Đin-ma Rút-xép) bị phế truất do cáo buộc tham nhũng.

Cũng theo thông báo từ Văn phòng Trưởng công tố Janot, Tổng thống Temer còn bị cáo buộc cản trở luật pháp bằng việc tìm cách đưa hối lộ để doanh nhân Lucio Funaro - người bị cáo buộc làm môi giới trung gian trong vụ hối lộ trên - không ra làm chứng chống lại ông Temer theo lệnh triệu tập của cơ quan công tố.          

Tuy nhiên, Tổng thống Temer đã bác bỏ mọi cáo buộc, cho đó là "vô lý", đồng thời cho rằng Trưởng công tố Janot đang hành xử một cách "vô trách nhiệm" để che giấu những sai sót cá nhân.

Theo luật pháp Brazil, trước khi được đưa ra xem xét tại Hạ viện, các cáo buộc trên phải được Tòa án tối cao nước này chấp thuận. Nếu Hạ viện bỏ phiếu cho phép tiến hành xét xử tổng thống, ông Temer sẽ tạm thời bị đình chỉ chức vụ trong vòng 180 ngày cho tới khi có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định ông Temer hiện nhận được đủ sự ủng hộ cao trong Quốc hội Brazil để có thể tránh phải ra hầu tòa, cũng như để có thể kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào cuối năm 2018.

Vụ bê bối tham nhũng kéo dài suốt 3 năm qua tại Petrobras được biết đến với tên gọi "Car Wash", trong đó các nhà điều tra phát hiện các công ty lớn đã đưa hối lộ có hệ thống lên tới 4 tỷ USD cho nhiều chính trị gia và quan chức lãnh đạo của tập đoàn này. Hiện cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva cũng bị buộc tội tham nhũng và sẽ phải đối mặt với 5 phiên xét xử khác. Ngoài ra, cảnh sát cũng đang điều tra khoảng 1/3 thành viên trong nội các Brazil. Vụ bê bối làm rung chuyển chính trường Brazil và đã khiến nhiều quan chức của Petrobras cũng như nhiều chính trị gia chủ chốt của nước này bị truy tố. Đến nay, hơn 100 cá nhân đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng nhóm, trong đó có hàng chục lãnh đạo các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có các hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ và thống đốc bang, thuộc diện bị điều tra.

Hôm 14/9, cảnh sát cũng đã lục soát nhà riêng của Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Blairo Maggi với cáo buộc cản trở luật pháp. Hoạt động này được tiến hành một ngày sau khi nhà chức trách bắt giữ Wesley Batista, Giám đốc điều hành của Tập đoàn sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới JBS.(TTXVN)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý sáng 16-09-20172

    Tin thế giới đáng chú ý sáng 16-09-2017

    Iran khẳng định 'không thể đàm phán lại' thỏa thuận hạt nhân; Thổ Nhĩ Kỳ xoay trục; Đức đề xuất cử lực lượng Liên hợp quốc tới Đông Ukraine; Thiết bị quân sự Mỹ bị đánh cắp khi vừa được chuyển ồ ạt tới Ba Lan

  • Tin thế giới đáng chú ý 16-09-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 16-09-2017

    Tấn công khủng bố tại ga tàu London; Đức ủng hộ các nỗ lực hòa giải ngoại giao ở vùng Vịnh; Tàu ngầm Nga phóng 7 tên lửa hành trình vào IS ở Syria; Lực lượng quốc tế bị tấn công ở Afghanistan

Bài cùng chuyên mục