Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý trưa 16-06-2017

  • Cập nhật : 16/06/2017

Mỹ điều 2 chiến hạm đến Qatar tập trận giữa căng thẳng vùng Vịnh

Hãng thông tấn QNA của Qatar đưa tin 2 chiến hạm của hải quân Mỹ đã đến Doha để tập trận chung với hải quân nước này vào ngày 14.6, giữa lúc căng thẳng dâng cao ở vùng Vịnh.

tau khu truc my o vinh oman reuters

Tàu khu trục Mỹ ở vịnh Oman REUTERS

Qatar, lâu nay vẫn là đồng minh của Mỹ và nhiều nước phương Tây khác, đang đối diện khủng hoảng sau khi bị nhiều nước Ả Rập cắt quan hệ ngoại giao vì cáo buộc nước này tài trợ cho khủng bố và có liên hệ với Iran.

Cuộc diễn tập được cho là lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông với sự tham dự của 11.000 binh sĩ và hơn 100 máy bay tại căn cứ không quân Udeid.

Tuần trước, Lầu Năm Góc lên tiếng khen ngợi Qatar vì “cam kết an ninh khu vực” và vẫn cho phép Mỹ duy trì căn cứ không quân quan trọng.

Tuy nhiên, quan điểm của này dường như trái ngược với một bình luận trên Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump khen ngợi các nước cắt quan hệ ngoại giao với Doha.

Theo Reuters, vẫn chưa rõ sự hiện diện của 2 chiến hạm được hoạch định từ trước hay là dấu hiệu ủng hộ Qatar từ Lầu Năm Góc.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cử Ngoại trưởng đến Qatar nhằm giải quyết khủng hoảng tại vùng Vịnh. Láng giềng và thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) là Kuwait cũng đang nỗ lực hòa giải.

Trang Defense News ngày 14.6 đưa tin Mỹ đang hoàn tất thỏa thuận bán tiêm kích F-15QA trị giá 12 tỉ USD cho Qatar nhưng không nêu rõ số lượng. Thỏa thuận được ký tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Qatar Khalid al-Attiyah.(Thanhnien)
--------------------------------

Vì an ninh quốc gia Mỹ muốn hạn chế Trung Quốc đổ tiền vào trí tuệ nhân tạo

Theo Reuters, đây là nội dung mà nhiều quan chức Mỹ vừa tiết lộ. Việc Trung Quốc quan tâm và đổ tiền vào các lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo (AI), máy học (machine learning) đặc biệt được giới chức Mỹ chú ý. Họ lo ngại rằng nhiều công nghệ tiên tiến được phát triển ở Mỹ có thể bị Trung Quốc dùng để củng cố khả năng quân sự, có thể tiến bộ hơn trong nhiều ngành công nghiệp chiến lược.

Chính phủ Mỹ hiện tìm cách củng cố vai trò của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan xem xét các thương vụ thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp Mỹ trên cơ sở an ninh quốc gia. Một báo cáo chưa được công bố của Lầu Năm Góc cảnh báo rằng Đại lục đang lách sự kiểm soát của Mỹ, tiếp cận với công nghệ nhạy cảm thông qua các giao dịch hiện không nằm dưới sự rà soát của CFIUS. Các giao dịch kể trên bao gồm thương vụ liên quan đến liên doanh, mua bán cổ phần thiểu số và đầu tư giai đoạn đầu vào công ty khởi nghiệp.

Một quan chức cho hay: “Chúng tôi đang xem xét để CFIUS theo dõi tình hình sức khỏe và an ninh lâu dài của nền kinh tế Mỹ vì nhiều hành động ăn cắp của Trung Quốc trong mảng công nghệ”. Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis cho rằng CFIUS hiện “lỗi thời” trong một phiên điều trần trước Thượng viện. Ông Mattis đề nghị cơ quan này cần được đổi mới để phù hợp với tình hình hiện nay.

CFIUS được dẫn dắt bởi Bộ Tài chính Mỹ, gồm 9 thành viên thường trực trong đó có đại diện từ các bộ: Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ An ninh Nội địa, Bộ Thương mại, Bộ Năng lượng. Bộ máy điều khiển CFIUS rất bí mật và thường không bình luận sau khi đưa ra quyết định về các thương vụ.

Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, CFIUS từng chặn một loạt nỗ lực thâu tóm, sáp nhập (M&A) các hãng sản xuất chip Mỹ từ Trung Quốc. Thượng nghị sĩ John Cornyn thuộc đảng Cộng hòa đang soạn thảo luật cho phép CFIUS có nhiều quyền hơn để ngăn chặn một số khoản đầu tư công nghệ. Trợ lý của ông Cornyn cho biết: “Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ tiên tiến mà Trung Quốc đang tìm kiếm. Nó có tiềm năng ứng dụng trong quân sự. Công nghệ này mới mẻ và hệ thống kiểm soát xuất khẩu của chúng tôi vẫn chưa tìm ra cách để quản lý nó. Đây là lý do vì sao nó trượt qua khoảng trống trong tấm lưới bảo vệ hiện có”.

Dự thảo luật sẽ yêu cầu CFIUS tăng cường sự giám sát các khách mua đến từ những nước được xem là mối đe dọa tiềm ẩn với an ninh quốc gia Mỹ. Dù vậy, dự thảo luật của ông Cornyn chưa liệt kê cụ thể các loại công nghệ sẽ chịu sự giám sát của CFIUS.

Chuyên gia công nghệ James Lewis tại Trung tâm An ninh và Nghiên cứu Quốc tế cho hay: “Người Trung Quốc đã tìm ra cách đi vòng tránh sự bảo vệ của chúng ta để chuyển giao công nghệ qua các khoản đầu tư nước ngoài. Họ đang dùng điều này để vượt lên trước, cả về kinh tế lẫn chính trị. Tôi nghĩ đây là vấn đề lớn”.

Về phần mình, Trung Quốc cho hay các khoản đầu tư của họ không mâu thuẫn hay can thiệp chính trị. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang nói: “Chúng tôi hi vọng Mỹ có thể cung cấp môi trường tốt hơn cho các công ty Trung Quốc đầu tư vào Mỹ”.

Mỹ là điểm đến hàng đầu của đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc khi thực hiện số thương vụ M&A tổng giá trị 45,6 tỉ USD trong năm 2016. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, đầu tư Trung Quốc vào Mỹ đạt tổng cộng 22 tỉ USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái.(Thanhnien)
--------------------------------

Tổng thống Putin: Nga không coi Mỹ là kẻ thù

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga không coi Mỹ là kẻ thù vì hai quốc gia đã là đồng minh trong hai cuộc chiến tranh thế giới.

 

tong thong nga vladimir putin tra loi trong chuong trinh hoi dap thuong nien.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời trong chương trình hỏi đáp thường niên.

 

Theo kênh truyền hình RT, trong chương trình hỏi đáp trực tuyến thường niên với người dân tổ chức vào ngày 15/6, khi được một người Mỹ ủng hộ Nga hỏi làm cách nào để ông thuyết phục những người Mỹ rằng Nga không phải là kẻ thù, Tổng thống Putin trả lời hai nước đã là đồng minh trong hai cuộc chiến tranh thế giới.

Tổng thống Putin cho rằng quan điểm chống Nga tại Mỹ xuất phát từ cuộc xung đột chính trị trong nội bộ nước Mỹ.

Ông cho biết Nga có “nhiều người bạn” ở Mỹ, mặc dù chính "sự phát cuồng của truyền thông” đã phá hoại mối quan hệ song phương. Nói tóm lại, Nga tin tưởng mối quan hệ Nga – Mỹ sẽ trở lại bình thường.

Đề cập đến phiên điều trần của cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey trước Ủy ban Tình báo Thượng viện diễn ra vào tuần trước, Tổng thống Putin cho rằng việc ông Comey không buộc tội Nga can thiệp hệ thống bình chọn trong mùa bầu cử 2016 là một “điều tốt”.

Tuy nhiên, ông cho rằng những thông tin mà ông Comey tiết lộ cho truyền thông về những lần trò chuyện với Tổng thống Donald Trump sẽ đẩy cựu Giám đốc FBI vào vị trí bất lợi. 

Tổng thống Putin giải thích: “Ông Comey bỗng dưng tiết lộ ông ghi lại cuộc trò chuyện với ông Trump, và sau đó đưa nó cho truyền thông. Điều này rất kỳ lạ. Điểm khác biệt giữa ông ấy và Edward Snowden là gì? Snowden là nhà hoạt động nhân quyền, chứ không phải là một nhà lãnh đạo tình báo. Dù sao đi nữa, nếu như việc này khiến Comey bị khởi tố, chúng tôi sẵn sàng cho ông ấy tị nạn tại Nga. Ông ấy nên biết điều đó”.(baotintuc)
-----------------------------

Các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Nga mạnh lên

Ngày 15/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nước này đã thoát khỏi khủng hoảng bất chấp những lệnh trừng phạt liên tiếp của phương Tây.

Ông Putin nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt đã buộc nước Nga phải "động não" để giảm thiểu sự phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu năng lượng. 

Phát biểu tại cuộc đối thoại trực tuyến với người dân lần thứ 15, ông Putin cho rằng quyết định của Thượng viện Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Nga được xem là sự phản ánh các nỗ lực của phương Tây nhằm "kiềm chế" Nga, song khẳng định các biện pháp này sẽ chỉ khiến nước Nga mạnh lên. 

Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định dự luật mới của Washington là bằng chứng cho thấy sự chống chọi với tình hình chính trị nội bộ của nước này. Trước đó, ngày 14/6, với tỷ lệ ủng hộ áp đảo, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật trừng phạt Nga do các cáo buộc Moskva can dự vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. 

Tổng thống Putin khẳng định theo tính toán, Moskva chỉ thiệt hại khoảng 50 - 52 tỷ USD do các biện pháp trừng phạt kinh tế, trong khi những nước áp đặt trừng phạt lại bị thiệt hại khoảng 100 tỷ USD. 

Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây không gây hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế Nga, trái lại nhiều ngành như chế tạo tên lửa, chế tạo máy, dược, nông nghiệp và một số ngành khác phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Tổng thống Putin nhấn mạnh nếu phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga thì ngược lại, Moskva cũng sẵn sàng xóa bỏ các biện pháp trả đũa. 

Trong một diễn biến khác, trả lời cuộc phỏng vấn với nhà làm phim Mỹ Oliver Stone, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Washington không thể tiếp tục dùng Moskva để khắc họa hình ảnh của một kẻ thù bên ngoài, nhằm giúp tăng cường kiểm soát các quốc gia khác. 

Theo Tổng thống Putin, ngay từ khi bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Mỹ "đã muốn áp đặt thái độ đó với Nga, như là một kẻ thù, một kẻ xâm lược tiềm tàng. Tuy nhiên, mọi người sẽ sớm hiểu ra, không có mối đe dọa nào từ phía Nga, đối với cả các nước Baltic hay các quốc gia Đông Âu cũng như Tây Âu".(TTXVN)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý 16-06-20172

    Tin thế giới đáng chú ý 16-06-2017

    Mỹ “trấn” THAAD ở Hàn Quốc, Trung Quốc ngồi trên lửa; Nhật thông qua luật chống khủng bố mới dù còn gây tranh cãi; 5 nước ASEAN họp bàn cách chống IS; Quốc hội Ai Cập phê chuẩn giao đảo cho Ả Rập Xê Út

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 15-06-20173

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 15-06-2017

    Mỹ lo công nghệ quân sự lọt vào tay Trung Quốc; Nghị sĩ Philippines đề xuất đổi tên nước; EU miễn thị thực cho Ukraine: một quân cờ, hai cách đi; Pháp, Anh sẽ phạt các công ty mạng dung túng khủng bố

Bài cùng chuyên mục