Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý chiều 11-07-2017
- Cập nhật : 11/07/2017
Đại sứ Mỹ: "Chúng tôi không thể tin và sẽ không bao giờ tin Nga"
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cáo buộc, "mọi người" đều biết Nga không chỉ can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 mà còn làm như vậy "ở nhiều lục địa" và "Mỹ sẽ không bao giờ tin Nga".
"Mọi người đều biết Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Mọi người cũng biết Nga không chỉ làm như vậy với bầu cử Mỹ. Họ làm như vậy ở nhiều lục địa và họ đang làm theo cách này để gây rối loạn cho các quốc gia", bà Haley chia sẻ trong buổi phỏng vấn với hãng tin CNN.
Theo RT, lời bình luận của bà Haley được đưa ra đúng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ trên Twitter rằng: "Đã đến lúc tiến tới hợp tác với Nga". Trước đó, sau cuộc gặp mặt đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức hôm 8/7, ông Trump cũng nhấn mạnh: "Tôi đã có một cuộc gặp tuyệt vời với Tổng thống Putin".
Khi được hỏi về chuyện gì đã xảy ra sau các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga tại G20, bà Haley cho rằng: "Tổng thống Putin đã làm chính xác như những gì chúng tôi nghĩ. Ông ấy đã phủ nhận cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ".
Trước câu hỏi tại sao ông Trump sẽ không công khai nói Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016, bà Haley cho biết: "lời nói là một chuyện còn hành động là chuyện khác". Bà Haley cũng nhấn mạnh, ông Trump đã đưa chủ đề cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ làm "nội dung đầu tiên" trong cuộc thảo luận với Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Mỹ làm chuyện này là có lý do.
Cũng theo bà Haley: "Chúng tôi không thể tin Nga và sẽ không bao giờ tin Nga".
Liên quan tới sáng kiến hợp tác an ninh mạng được Tổng thống Nga – Mỹ đưa ra trong cuộc họp riêng ở G20, bà Haley thừa nhận: "Lĩnh vực an ninh là chuyện chúng tôi cần phải hành động cùng Nga để có thể nói cho họ biết chuyện gì nên và không nên làm. Nếu chúng tôi có thể thảo luận về chuyện này, chúng tôi sẽ ngăn được việc làm của họ".
Về phần mình, hôm 8/7, Tổng thống Putin xác nhận những cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp với Tổng thống Trump. Ông Putin cũng nhấn mạnh, không có lý do gì để tin Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Trong chuyến thăm tới Ukraine hôm 9/7, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chia sẻ Mỹ cũng đã tính được chuyện Tổng thống Putin sẽ phủ nhận mọi cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ trong cuộc gặp với Tổng thống Trump.
"Vẫn tồn tại những trở ngại cho tiến trình cải thiện quan hệ Nga – Mỹ. Cần làm rõ với người dân Mỹ rằng Nga và không có bất cứ quốc gia nào can thiệp vào các cuộc bầu cử tại Mỹ", ông Tillerson nói. (Infonet)
--------------------
Đến lượt TQ và Triều Tiên bị nghi can thiệp bầu cử Mỹ
Theo tờ NY Daily News, trong một cuộc phỏng vấn của chương trình “Fox News Sunday” ngày 9-7, Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus đã được yêu cầu làm rõ những gì thật sự đã diễn ra liên quan tới cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua.
Trong khi điện Kremlin nói rằng ông Trump đã chấp nhận lời bác bỏ can thiệp của ông Putin thì các quan chức Mỹ cho biết nhà lãnh đạo Mỹ đã nhấn mạnh yêu cầu ông Putin đưa ra câu trả lời. Liên quan tới vấn đề này trong cuộc phỏng vấn, ông Priebus nhấn mạnh dù thế nào đi nữa thì ông Trump vẫn còn tin rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử hồi năm ngoái.
“Họ (Nga) đã can thiệp cuộc bầu cử. Một điều khác mà ông Trump cũng nói là các nước khác cũng có can thiệp. Đúng vậy! Trung Quốc và Triều Tiên nhiều năm qua đã liên tục can thiệp. Do đó, ông Trump tin rằng Nga có khả năng thực hiện tất cả hành động mà chúng ta đã được biết tới nhưng ông ấy cũng tin rằng các quốc gia khác cũng có tham gia” - ông Priebus nói.
Rõ ràng câu trả lời của ông Priebus đã làm nảy sinh một tình tiết mới. Đây là lần đầu tiên một quan chức trong chính quyền ông Trump chính thức cáo buộc Trung Quốc và Triều Tiên can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ. Động thái này càng làm đậm nét các tuyên bố mơ hồ trước đây của ông Trump rằng “các quốc gia khác” đã cùng Nga tiến hành can thiệp.
Vị quan chức Nhà Trắng không trích dẫn bất kỳ bằng chứng nào để củng cố cho tuyên bố của mình về việc Trung Quốc và Triều Tiên có can thiệp bầu cử. Hiện không rõ liệu ông Priebus đang nói đến cuộc bầu cử năm 2016 hay ông cho rằng Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã nhúng tay vào các cuộc bầu cử Mỹ trước đó.
Khi được tờ NY Daily News đặt câu hỏi về vấn đề này, Nhà Trắng trong một tuyên bố cho biết ông Priebus “đang nói về việc tấn công mạng nói chung chứ không phải là thao túng bầu cử”. “Trung Quốc và Triều Tiên có một lịch sử lâu dài về các hoạt động tấn công mạng nhằm vào các cơ quan của Mỹ, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, trường học” - theo tuyên bố của Nhà Trắng.
Ít nhất bốn cơ quan tình báo của Nhà Trắng đã kết luận rằng Nga đã dẫn đầu một loạt cuộc tấn công mạng nhằm vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016. Tuy nhiên, không báo cáo tình báo nào chính thức tuyên bố Trung Quốc và Triều Tiên cũng có nhúng tay.
Điều này làm dấy lên nghi vấn liệu phát ngôn của ông Priebus có thể được diễn giải ra sao. Và nếu đúng như vậy thì vị quan chức Nhà Trắng lấy được thông tin này từ đâu.(PLO)
----------------------
Nga cảnh báo về việc cho Ukraine gia nhập NATO
Điện Kremlin hôm nay cảnh báo việc cấp tư cách thành viên NATO cho Ukraine sẽ không giúp tăng cường ổn định và an ninh ở châu Âu.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm nay tuyên bố Ukraine và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ bắt đầu thảo luận về lộ trình đưa nước này gia nhập NATO. Kiev cam kết có những cải cách cần thiết vào năm 2020.
Tư cách thành viên NATO của Ukraine không giúp tăng cường ổn định và an ninh ở châu Âu, Reuters dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Ông Peskov còn bình luận về tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, cho rằng Nga phải "rút hàng nghìn binh sĩ ở Ukraine về nước". Nga không có bất cứ binh sĩ nào ở Ukraine, ông Peskov khẳng định.
Ukraine bày tỏ ý muốn được gia nhập NATO nhanh chóng vào năm 2014, không lâu sau khi cuộc khủng hoảng ở miền đông nước này xảy ra. Tổng thống Poroshenko coi việc trở thành thành viên của NATO là một trong những chính sách ngoại giao ưu tiên kể từ khi lên nắm quyền cuối tháng 5/2014.
NATO từng thảo luận cấp tư cách thành viên cho Ukraine vào năm 2008, khi Nga giao tranh với Gruzia. Tuy nhiên, liên minh này chưa bao giờ vạch ra các mốc thời gian cụ thể về việc cấp tư cách thành viên cho cả Ukraine cũng như Gruzia.(Vnexpress)
-----------------------------
Vận tải cơ 'Ngựa thồ' Mỹ lần đầu trình diễn bay thấp
Vận tải cơ hạng nặng Mỹ tạo ra những đám hơi nước màu trắng đẹp mắt khi lần đầu trình diễn bay thấp qua thung lũng ở Anh.
Chiếc máy bay vận tải hạng nặng C-17 Globemaster III thuộc không đoàn Không vận 315, không quân Mỹ ngày 7/7 lần đầu tiên thực hiện màn trình diễn bay thấp tại thung lũng Mach Loop thuộc miền trung xứ Wales, theo Aviationist.
Video do không quân Mỹ đăng tải cho thấy chiếc vận tải cơ có trọng lượng hơn 128 tấn biểu diễn bay ở độ cao thấp giữa những dãy núi cao gần 1.000 m của thung lũng xứ Wales.
Khi chiếc C-17 lướt ngang qua mặt, khán giả có thể quan sát thấy những đám hơi nước ngưng tụ bao quanh thân máy bay, tạo ra cảnh tượng đẹp mắt.
C-17 Globemaster III là máy bay vận tải quân sự cỡ lớn được hãng McDonnell Douglas phát triển trong những năm 1980 trên cơ sở thiết kế của mẫu máy bay vận tải chiến thuật YC-15, với phạm vi hoạt động được tăng lên để phù hợp với nhu cầu, nhiệm vụ của không quân Mỹ trong giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh Lạnh.
C-17 Globemaster III được phát triển nhằm mục đích vận chuyển, cung cấp trang thiết bị vũ khí và lực lượng trực tiếp đến chiến trường, đồng thời có thể đảm nhận các nhiệm vụ như sơ tán y tế và các sứ mạng đặc biệt khác.
Máy bay có chiều dài thân 53 m, sải cánh rộng 51,75 m. Với chiều rộng khoang hàng 5,5 m, cao tối đa 4,6 m, Globemaster III có khả năng mang đến 78 tấn hàng hóa hoặc 102 lính dù tinh nhuệ.
Ngoài ra, máy bay có khả năng vận chuyển hầu hết các thiết bị chiến đấu di động của quân đội Mỹ gồm xe tăng chiến đấu M1 Abrams, xe bọc thép M2/M3 Bradley. Đặc biệt máy bay còn có khả năng chuyên chở 4 máy bay trực thăng vận tải UH-60 Blackhawk, hai máy bay trực thăng tấn công AH-64 Apache.(Vnexpresss)