Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 12-07-2017

  • Cập nhật : 12/07/2017

Mỹ thử thành công THAAD chống tên lửa đạn đạo tầm trung

Mỹ hôm nay thử thành công hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD chống lại tên lửa đạn đạo tầm trung ở Thái Bình Dương.

he thong thaad cua my. anh: wikipedia.

Hệ thống THAAD của Mỹ. Ảnh: Wikipedia.

 

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được bố trí gần Kodiak, bang Alaska đã đánh chặn tên lửa đạn đạo làm mục tiêu, được phóng ở phía bắc Hawaii, Reuters dẫn cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) cho biết.

Dù cuộc thử nghiệm được lên kế hoạch từ nhiều tháng trước, nó có ý nghĩa quan trọng hơn sau khi Triều Tiên hôm 4/7 phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), làm gia tăng quan ngại về mối đe doạ từ Bình Nhưỡng. 

"Sự thể hiện thành công của THAAD trước mối đe doạ tên lửa đạn đạo tầm trung thúc đẩy năng lực phòng vệ của đất nước trước các mối đe doạ tên lửa đang gia tăng ở Triều Tiên và các nước khác trên khắp địa cầu, đóng góp cho kiến trúc ngăn chặn chiến lược rộng lớn hơn", MDA cho biết. 

Các quan chức Mỹ cho rằng cuộc thử nghiệm là lần đầu tiên hệ thống THAAD phòng vệ trước cuộc tấn công mô phỏng của một tên lửa đạn đạo tầm trung. (Vnexpress)

Phương thức hoạt động của hệ thống THAAD. Nhấn vào hình để xem chi tiết. Đồ hoạ: Tiến Thành

Phương thức hoạt động của hệ thống THAAD. 
----------------------

Tình báo Hàn Quốc chê ICBM Triều Tiên

Giới chức tình báo Hàn Quốc không tin việc Triều Tiên đã sở hữu công nghệ đưa tên lửa tái xâm nhập khí quyển.

 

trieu tien tuyen bo thu thanh cong ten lua dan dao lien luc dia. anh: reuters.

Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ảnh: Reuters.

"Triều Tiên không có bất cứ phương tiện nào để kiểm tra việc tên lửa có thể tái xâm nhập khí quyển. Tình báo Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên vẫn chưa sở hữu công nghệ này", Reuters hôm nay dẫn lời nghị sĩ Yi Wan-young, thành viên Ủy ban tình báo Quốc hội Hàn Quốc.

Một quả tên lửa được coi là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khi nó đạt tầm bắn từ 6.000 km trở lên. Sau khi bay lên quỹ đạo, tên lửa phải trải qua giai đoạn "tái xâm nhập khí quyển", trong đó đầu đạn tên lửa phải được thiết kế đặc biệt để chịu đựng được điều kiện nhiệt độ và áp suất cực cao trong quá trình cọ xát với không khí ở vận tốc rất lớn.

Theo ông Yi, cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc hiện nhận định rằng ICBM mà Triều Tiên tuyên bố thử thành công ngày 4/7, trên thực chất chỉ là phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo tầm trung KN-17.

Trong khi đó, chuyên gia về tên lửa hàng đầu của Mỹ John Schilling lại đưa ra nhận định trái ngược với các chuyên gia tình báo Hàn Quốc. Schilling cho rằng nếu được phát triển đầy đủ, tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên có thể bay xa 9.700 km, đủ sức tấn công căn cứ hải quân Mỹ ở San Diego.

Triều Tiên ngày 4/7 phóng thử tên lửa Hwasong-14 ra biển Nhật Bản. Tên lửa bay cao 2.802 km, xa 933 km, trong thời gian 39 phút, dài hơn thời gian bay của bất cứ tên lửa nào trước đó của Bình Nhưỡng.(Vnexpress)
-------------------------

Triều Tiên cáo buộc Mỹ-Hàn tăng cường chuẩn bị chiến tranh

Theo tờ nhật báo Minju Joson của Triều Tiên, Bình Nhưỡng ngày 11/7 cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc đang tăng cường công tác chuẩn bị chiến tranh sau khi nước này phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hồi đầu tháng này.

Tên lửa được phóng trong cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn ở bờ biển phía đông Hàn Quốc ngày 5/7. Ảnh: EPA/TTXVN

Tờ Minju Joson nêu rõ: “Được biết Bộ Quốc phòng Mỹ, do lo ngại Triều Tiên thử thành công ICBM Hwasong-14, nên đã vạch ra kịch bản một cuộc tấn công quân sự, ví dụ như điều chiến đấu cơ và tàu chiến tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên”. Tờ báo cũng cáo buộc Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận tên lửa đạn đạo chung với các lực lượng Mỹ “nhằm cố ý làm gia tăng căng thẳng” sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. 

Trong khi đó, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, chỉ trích các lực lượng quân sự Hàn Quốc gần đây tham gia các cuộc tập trận phòng không do Mỹ dẫn đầu tại Alaska. Tờ báo cho rằng “việc kêu gọi đối thoại” là vô nghĩa một khi Seoul không chấm dứt chính sách đối đầu với Bình Nhưỡng. 

Trước đó, Triều Tiên đã chỉ trích chuyến thăm gần đây của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Mỹ, mô tả đây là hành động “phục tùng” Washington, đồng nghĩa với hành động “phản bội” những người ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Hàn Quốc năm 2017.(TTXVN)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục