Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý trưa 13-07-2017
- Cập nhật : 13/07/2017
Trung Quốc đưa quân ra căn cứ đầu tiên ở hải ngoại
Bắc Kinh giải thích căn cứ ở Djibouti chỉ là căn cứ hậu cần trong khi các nước xem đó là căn cứ hải quân đầu tiên của Bắc Kinh ở nước ngoài.
Djibouti nằm ở cạnh tây bắc Ấn Độ Dương. Việc Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự tại quốc gia châu Phi này khiến Ấn Độ lo lắng Djibouti sẽ trở thành một "chuỗi ngọc trai" khác trong các đồng minh quân sự và các tiền đồn quân sự của Trung Quốc vòng quanh Ấn Độ, bao gồm Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka.
Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng căn cứ hậu cần quân sự tại Djibouti hồi năm ngoái. Căn cứ này được giới thiệu nhằm giúp Bắc Kinh tiếp nhiên liệu và các hỗ trợ cần thiết cho các con tàu tham gia vào các hoạt động nhân đạo và gìn giữ hòa bình ngoài khơi Yemen và Somalia.
Hãng tin Reuters cho biết đây là căn cứ hải quân đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài mặc dù Bắc Kinh gọi tên chính thức cho nơi này là căn cứ hậu cần.
Cuối ngày 11-7, Tân Hoa xã đưa tin các con tàu chở binh sĩ Trung Quốc đã rời cảng ở thành phố Trạm Giang thuộc bán đảo Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông "để đưa vào hoạt động một căn cứ hậu cần tại Djibouti".
Tân Hoa xã không cho biết khi nào căn cứ này sẽ chính thức đi vào hoạt động nhưng khẳng định việc xây dựng căn cứ là quyết định của cả hai quốc gia sau "các cuộc đàm phán thân thiện và thống nhất các lợi ích chung của người dân cả hai nước".
"Căn cứ sẽ đảm bảo cho các nhiệm vụ của Trung Quốc như hộ tống, gìn giữ hòa bình và hỗ trợ nhân đạo tại châu Phi và tây Á. Căn cứ cũng tạo điều kiện cho các nhiệm vụ nước ngoài như hợp tác quân sự, tập trận chung, sơ tán và bảo vệ những người Trung Quốc ở nước ngoài và các hoạt động cứu hộ khẩn cấp cũng như tham gia duy trì an ninh chung cho các tuyến đường biển chiến lược quốc tế" - Tân Hoa xã thông tin.
Trong khi đó tờ nhật báo của quân đội Trung Quốc đăng tải trên trang nhất rằng việc cử quân đến Djibouti là một động thái mang tính bước ngoặt giúp tăng cường khả năng gìn giữ hòa bình thế giới của Trung Quốc, đặc biệt là khi có nhiều nhân viên gìn giữ hòa bình của LHQ tại châu Phi cũng như liên quan đến việc tuần tra chống cướp biển.
Tờ này khẳng định Trung Quốc không tìm cách bành trướng quân sự hay chạy đua vũ trang. "Những cam kết này sẽ không bao giờ thay đổi vì đó là một căn cứ hậu cần ở nước ngoài" - tờ báo của Trung Quốc viết.
Mạnh miệng hơn, Thời báo Hoàn cầu sáng nay thông tin trong một bài xã luận rằng không thể nhầm lẫn đây thực chất là một căn cứ quân sự. Tuy nhiên tờ báo này khẳng định sự phát triển quân sự của Trung Quốc nhằm bảo vệ an ninh của chính nước này. "Đây không phải là việc tìm cách kiểm soát thế giới" - Thời báo Hoàn cầu khẳng định.
Djibouti nằm ở phía nam đường dẫn vào biển Đỏ, trên tuyến đường đến kênh đào Suez. Quốc gia cằn cỗi và nhỏ bé này nằm lọt thỏm giữa Ethiopia, Eritrea và Somalia - nơi có các căn cứ quân sự của Mỹ, Nhật và Pháp.(Tuoitre)
-----------------------------------
Nga cảnh báo châu Âu về hậu quả việc Ukraine xích lại gần NATO
Trước nguy cơ Ukraine sẽ được cấp kế hoạch gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO, phía Nga cho rằng đây có thể là một bước tiến song nó lại không giúp ích gì cho an ninh và ổn định của Châu Âu.
Theo Ria Novosti, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Ukraine gia nhập NATO đồng nghĩa với việc cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang tiến sát gần biên giới Nga, và điều đó sẽ không góp phần vào việc tăng cường sự ổn định ở châu Âu.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên liên quan đến phản ứng của Moscow trong trường hợp các cuộc thảo luận về việc cấp kế hoạch hành động gia nhập NATO cho Ukraine sẽ được tiến hành, ông Peskov cho biết: "Trong nhiều năm qua Nga rất lo ngại về cách các cơ sở hạ tầng quân sự của NATO tiếp cận với biên giới của chúng tôi. Đây là một bước tiến xa, có khả năng nó có thể là một bước đi xa hơn theo chiều hướng này, nhưng tất nhiên, nó sẽ không góp phần vào việc tăng cường sự ổn định và an ninh châu Âu".
Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã tuyên bố đã đề xuất với NATO để bắt đầu cuộc tranh luận về việc cấp quy chế (kế hoạch hành động) trở thành thành viên của liên minh cho nước này, và đề nghị của ông đã được chấp nhận.
Ông Peskov nhấn mạnh rằng vấn đề Ukraine trở thành thành viên của NATO không trực tiếp liên quan đến Nga. "Mặc dù thế, về mặt gián tiếp nó cũng ảnh hưởng ở mức độ khá lớn đối với Nga", thư ký báo chí của nhà lãnh đạo Nga cho biết.
Mối quan hệ Nga-NATO xưa nay vốn luôn ở trong tình trạng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Điện Kremlin kịch liệt bác bỏ những phán quyết của phương Tây về chính sách của Nga ở Crimea và Ukraine vốn được xem như là nguyên nhân căn bản khiến NATO mong muốn cải tổ.
Nga coi hành động mở rộng các cơ sở hạ tầng của NATO về phía khu vực thuộc Khối Hiệp ước Warszawa trước đây và lãnh thổ Liên Xô, hay thay thế các căn cứ quân sự Xôviết như là một cách gây sức ép chính trị đối với Moscow, và thách thức không gian an ninh của Nga.
Trước đó ngày 10/7, báo Izvestia đưa tin Nga đang cân nhắc khả năng giảm cấp độ đại diện ngoại giao tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xuống đại biện lâm thời, sau khi Đại diện thường trực của Nga tại NATO Alexander Grushko rời khỏi cương vị.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết quyết định trên được đưa ra do NATO không muốn tham gia các cuộc đối thoại mang tính xây dựng và luôn biến mọi cuộc thảo luận trở thành những cáo buộc chống lại Moscow.
Vào ngày 13/7 tới, một cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO ở cấp đại sứ sẽ được tổ chức tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng cuộc họp này sẽ không đạt được kết quả, do NATO “không muốn lắng nghe” lập trường của Nga mà chỉ muốn tăng cường cáo buộc Moscow là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine.(Infonet)
-----------------------
Thái Lan mua máy bay siêu thanh Hàn Quốc
Chính phủ Thái Lan vừa thông qua thỏa thuận trị giá 8,8 tỉ baht, khoảng 257 triệu USD, mua thêm tám máy bay đào tạo tối tân T-50 của Hàn Quốc, Bangkok Post đưa tin tối 11-7.
Mẫu máy bay chiến đấu hạng nhẹ KAI T-50 Golden Eagle với hai chỗ ngồi, một động cơ của Korea Aerospace - Ảnh: Bangkok Post
Thỏa thuận dự kiến được chốt với Hãng Korea Aerospace Industries của Hàn Quốc vào cuối tháng 7-2017. Đây là thỏa thuận mua bán thứ hai của Thái Lan. Bangkok hồi năm 2015 đã chi khoảng 110 triệu USD mua bốn máy bay T-50 của Hàn Quốc với chiếc đầu tiên dự kiến giao vào đầu năm 2018. Yonhap cho biết Bangkok muốn có tổng cộng 16 chiếc.
Các máy bay mới sẽ thay cho những chiếc máy bay đào tạo L-39 đã được Thái Lan sử dụng trong hai thập kỷ qua.
Máy bay T-50 là dòng máy bay siêu thanh được Hãng Korea Aerospace Industries của Hàn Quốc phát triển với sự hỗ trợ công nghệ từ công ty quốc phòng Mỹ Lockheed Martin và được trang bị súng nòng 20mm, rocket và tên lửa. Trước đó, dòng máy bay T-50 cũng đã được bán cho Indonesia và Philippines.
“Chúng ta đã mua máy bay của Hàn Quốc. Mọi người có thể thấy là chúng ta không ràng buộc với một nước nào” - Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nhấn mạnh. Trước đó, Bộ Quốc phòng Thái Lan cũng nhấn mạnh nước này không chỉ mua thiết bị từ Trung Quốc và đang là khách hàng của nhiều quốc gia khác, bao gồm đồng minh lâu đời là Mỹ.
Chính quyền Thái Lan đã tăng cường mua sắm quốc phòng hàng năm từ năm 2014, trong đó nhiều thỏa thuận gần đây đều ký kết với Trung Quốc như thỏa thuận mua ba tàu ngầm của Bắc Kinh gây nhiều tranh cãi thời gian qua.
Ngoài ra, Thái Lan tháng trước cũng mua bốn trực thăng Black Hawk của Mỹ. Trong một thập kỷ qua, Washington đã bán cho Bangkok lượng vũ khí trị giá gần 1 tỉ USD, bao gồm nhiều loại trực thăng, hệ thống tên lửa không đối không, ngư lôi...(Tuoitre)
---------------------------
Đài Loan nói tàu sân bay Liêu Ninh đi vào ADIZ
Theo thông báo của Cơ quan phòng vệ Đài Loan, khi đang trên đường trở về từ Hồng Kông, tàu sân bay Liêu Ninh ngày 12.7 đã đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Đài Bắc tuyên bố .
Reuters dẫn thông báo của cơ quan này nói tàu Liêu Ninh rời Hồng Kông vào trưa 11.7, sau đó di chuyển theo hướng bắc qua mạn phía tây của eo biển Đài Loan và đã đi vào ADIZ của Đài Bắc vào sáng 12.7.
Đài Loan đã theo dõi tình hình và nhận thấy không có dấu hiệu bất thường nên không đưa ra bất cứ báo động nào. Đây là lần thứ tư tàu sân bay Liêu Ninh đi vào khu vực gần Đài Loan.
Hồi đầu tháng, Đài Loan cũng cử máy bay theo sát tàu Liêu Ninh khi hàng không mẫu hạm này trên đường tới Hồng Kông.
Tàu Liêu Ninh được đóng từ thời Liên Xô. Trung Quốc mua lại của Ukraine để sửa chữa, tân trang và đưa vào biên chế hải quân từ năm 2012. Đây cũng là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Chuyến ghé thăm Hồng Kông vừa qua diễn ra đúng dịp kỷ niệm 20 năm đặc khu này được Anh trao trả. (Thanhnien)