Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý 14-07-2017
- Cập nhật : 14/07/2017
Chuyên gia quân sự Nga: THAAD có thể phá vỡ sự ổn định chiến lược
Trước việc Mỹ đã thử nghiệm thành công Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) chống tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM), gây ra mối lo ngại cho Trung Quốc và Nga, giáo sư của Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga, chuyên gia quân sự Vladimir Kozin đã đưa ra nhận định rằng khả năng và số lượng của các THAAD có thể phá vỡ sự ổn định chiến lược, cho dù chúng được bố trí ở đâu.
Phát biểu với báo giới, chuyên gia Kozin nêu rõ: "Người Mỹ nếu có càng nhiều tên lửa đánh chặn các loại, và đặc biệt là những hệ thống được thiết kế để thực hiện các mục tiêu chiến lược, thì càng nguy hiểm cho Nga bởi trong trường hợp này có thể đảm bảo rằng Mỹ có khả năng đánh chặn cuộc phản công tên lửa hạt nhân và không quan trọng đâu là nơi những tên lửa này sẽ được triển khai: tại Hàn Quốc, Alaska hoặc các vùng biển".
Trước đó, ngày 11/7, Mỹ tuyên bố đã thử thành công THAAD chống tên lửa đạn đạo tầm trung ở Thái Bình Dương gần Hawaii và Alaska - khu vực quan trọng trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên đang gia tăng.(TTXVN)
--------------------------------
Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 44 người tình nghi lên kế hoạch tấn công khủng bố
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ thông báo 44 đối tượng tình nghi lên kế hoạch tấn công khủng bố có liên hệ với các tay súng người Kurd đã bị bắt giữ trong các chiến dịch của cảnh sát, trong đó có các đối tượng tình nghi gây ra 2 cuộc tấn công khác nhau ở thành phố Istanbul năm 2016.
Thống đốc Istanbul, Vasip Sahin ngày 13/7 cho biết 1 trong những đối tượng bị bắt tình nghi đã tổ chức cuộc tấn công vào tháng 12/2016 gần một sân vận động làm 46 người thiệt mạng. Tên này đã để lại chiếc xe chứa bom vào phút cuối trước khi xảy ra vụ nổ.
Một đối tượng bị bắt khác cũng bị tình nghi từng tổ chức vụ tấn công bom xe nhằm vào một chiếc xe buýt chở cảnh sát chống bạo động vào tháng 6/2016, làm 11 cảnh sát thiệt mạng.
Tổ chức "Những con chim ưng tự do người Kurd", một nhánh của đảng Công nhân Kurdistan (PKK), đã nhận trách nhiệm gây ra các cuộc tấn công này.
Ông Sahin cho rằng các chiến dịch truy quét của cảnh sát nhằm vào "các đơn vị đặc biệt" của phiến quân người Kurd tại Istanbul và 4 tỉnh khác đã giúp thành phố này tránh được các cuộc tấn công khủng khiếp.(TTXVN)
----------------------
Nghị sĩ Mỹ trình dự luật luận tội 'tổng thống nghiệp dư' Trump
Một hạ nghị sĩ Dân chủ công bố dự luật nhằm buộc tội Tổng thống Donald Trump vì ông "cản trở cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ".
Hạ nghị sĩ bang California Brad Sherman ngày 12/7 thông báo ông cùng hạ nghị sĩ Al Green, bang Texas, đã ký tên vào dự luật luận tội "tổng thống nghiệp dư của Mỹ". Họ cho rằng việc ông Donald Trump bất ngờ sa thải James Comey khỏi vị trí giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) hồi tháng 5 tương đương với cản trở công lý và "phạm nhiều tội nặng nhẹ".
"Những thông tin do Donald Trump Jr., con trai Trump, tiết lộ mới đây chỉ ra chiến dịch tranh cử của ông Trump sẵn lòng nhận hỗ trợ từ Nga. Dường như Tổng thống muốn che giấu điều gì đó khi ông tìm cách ngăn cuộc điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn", Press TV dẫn thông báo của Sherman cho biết.
Theo Sherman, Tổng thống Trump còn thể hiện "sự phớt lờ và từ chối học hỏi". Ông đưa ra dự luật luận tội để bắt đầu quá trình bảo vệ Mỹ khỏi "sự lạm quyền, cản trở công lý, thiếu năng lực", gọi đây là "bước đi đầu tiên trên một chặng đường rất dài".
"Tôi thấy đây là việc cần làm và lương tâm trong sạch khi làm đúng. Tôi nghĩ lịch sử sẽ chứng minh, bất kể Hạ viện bỏ phiếu như thế nào", Green cho biết. Cơ sở để luận tội Trump là ông sa thải Comey và đe dọa cựu giám đốc FBI trên Twitter. Với hai hành động này, Trump cần phải trả lời quốc hội.
Hiến pháp Mỹ quy định một tổng thống có thể bị luận tội vì "phạm các tội nặng nhẹ". Tuy nhiên, việc luận tội tổng thống đòi hỏi phải được đa số hạ nghị sĩ ở Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa chiếm ưu thế, thông qua. Tổng thống Mỹ sẽ bị phế truất nếu quyết định được 50% hạ nghị sĩ và 2/3 thượng nghị sĩ ủng hộ (Vnexpress)
--------------------
Dấu chấm hết cho cựu tổng thống nổi tiếng của Brazil
Ông Luiz Inacio Lula da Silva, ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới, vừa bị kết án gần 10 năm tù vì tội tham nhũng.
Theo hãng tin Reuters, phán quyết ngày 12-7 của tòa là thất bại đau đớn với ông Lula, tổng thống đầu tiên của giai cấp công nhân Brazil giai đoạn 2003-2011.
Nó cũng dập tắt hoàn toàn tham vọng trở lại chính trường của một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất quốc gia Nam Mỹ này.
Cùng với phán quyết 10 năm tù trong phiên tòa ngày 12-7, ông Lula sẽ còn phải đối mặt với 4 phiên tòa khác cũng liên quan các cáo buộc tham nhũng và hiện vẫn được cho phép tại ngoại trong thời gian kháng cáo.
Án tù tuyên với ông Lula được đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài 3 năm đã làm rung chuyển Brazil, phanh phui một hệ thống tham nhũng bao trùm, liên đới tới hàng loạt nhân vật tai to mặt lớn trong chính phủ và giới doanh nghiệp Brazil.
Theo đó, thẩm phán Sergio Moro kết luận ông Lula, 71 tuổi, đã nhận hối lộ 3,7 triệu real (1,2 triệu USD) của công ty OAS SA.
Đây là khoản tiền mà theo các công tố viên công ty OAS SA đã chi trả cho việc sửa sang căn hộ bờ biển của ông Lula để "lại quả" cho ông vì đã giúp họ ký được các hợp đồng với hãng dầu khí quốc gia Petroleo Brasileiro.
Các công tố viên buộc tội ông Lula đã chủ trì một đường dây tham nhũng kéo dài bị phanh phui trong cuộc điều tra về những khoản lót tay xung quanh tập đoàn dầu khí Petrobras.
Nhóm pháp lý của cựu tổng thống Brazil Lula vẫn cho rằng ông vô tội, chưa có những chứng cứ xác thực cáo buộc ông, rằng ông là nạn nhân của những mưu đồ chính trị, và nói họ sẽ tiếp tục kháng cáo sau phán quyết ngày 12-7 của tòa.(tuoitre)