Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý chiều 14-07-2017
- Cập nhật : 14/07/2017
Đưa tên lửa Patriot tới sát biên giới Nga, Mỹ và NATO muốn gửi thông điệp gì?
Việc Mỹ lần đầu tiên triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới Litva liệu có phải là một thông điệp cứng rắn mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) muốn gửi tới Nga?
Bộ Quốc phòng Litva thông báo: “Ngày 10/7, lần đầu tiên Mỹ đã cử hệ thống Patriot tới Litva. Việc điều động này cho thấy Mỹ cam kết chắc chắn với an ninh Litva và sẵn sàng đưa tiềm lực chiến lược tới khu vực”.
Theo Bộ Quốc phòng Litva, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot sẽ góp mặt trong cuộc tập trận phòng không “Tobruq Legacy 2017” diễn ra từ ngày 11-22/7. Dự kiến khoảng 500 binh sĩ và 30 hệ thống phòng không của quân đội Anh, Latvia và Ba Lan và Mỹ sẽ phô diễn tại “Tobruq Legacy 2017”.
Chuyên gia quân sự Boris Rozhin tại Trung tâm báo chí quân sự và chính trị đã đưa ra nhận định với hãng tin Sputnik (Nga) về quyết định điều động hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ.
“Patriot được điều động tại Đông Âu từ rất lâu. Ba Lan, CH Séc và Romania đã sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa này trong tập trận. Tuy nhiên, việc Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới quốc gia Baltic là động thái không thân thiện của NATO. Họ muốn chơi lá bài hoang đường về viễn cảnh Nga tấn công các quốc gia Baltic”, ông Rozhin phân tích.
Chuyên gia quân sự này đồng thời đề cập rằng “mối de dọa Nga” từ lâu đã trở thành cái cớ để NATO tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, từ binh sĩ tới chiến đấu cơ, chiến hạm và nay là hệ thống phòng thủ tên lửa.
“Nếu những hệ thống như vậy thường xuyên được điều động tới đó thì Nga sẽ buộc phải có phản ứng cân đối hoặc không đối xứng. Nhưng đến nay mục đích của hành động này là khiêu khích Nga, tương tự như trường hợp xảy ra với chiến đấu cơ Bộ Quốc phòng Nga và các máy bay quân sự khác của Nga khi bay qua Biển Baltic”.
Việc triển khai hệ thống Patriot tới Litva được đánh giá rất tốn kém, nhưng Mỹ dường như không bận tâm về điều này.
Ông Rozhin nhận định: “Vận chuyển, triển khai và bảo trì là vô cùng tốn kém. Trong khi các quốc gia châu Âu không đủ kinh phí cho việc phô trương này thì ngân sách quân đội Mỹ lại hoàn toàn có thể. Hơn thế nữa, chiến dịch quân sự quanh Đông Âu, các nước Baltic và Ukraine mang lại lợi ích cho Lầu Năm Góc và ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Sự phô trương này sẽ dẫn đến kết quả là chi tiêu quốc phòng tăng thêm vào năm sau, đặc biệt bắt nguồn từ việc triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ tại Đông Âu”.
Vào đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Ba Lan và Mỹ đã ký một thỏa thuận chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ba Lan. Thỏa thuận đã được ký kết trong chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Ba Lan.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz cho biết đến năm 2022 nước này sẽ tiếp nhận 8 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot có tổng trị giá 7,5 tỉ USD từ Mỹ. Hệ thống này dự kiến sẵn sàng đi vào hoạt động từ năm 2023.(TTXVN)
---------------------------
Nga trang bị ngư lôi tầm nhiệt cho tàu ngầm chiến lược
Tàu ngầm lớp Borei và Yasen sẽ được lắp ngư lôi Fizik-2, có tầm bắn và độ sâu phóng vượt trội so với mẫu Mk 48 Mod 7 của Mỹ.
Hạm đội tàu ngầm hạt nhân lớp Borei và Yasen của Nga sẽ được tăng cường khả năng tiến công, đủ khả năng đánh chìm chiến hạm đối phương trước khi bị phát hiện. Hải quân Nga đang triển khai ngư lôi tầm nhiệt Fizik-2 với tầm bắn 50 km và độ sâu phóng hơn 500 m, Sputnik ngày 12/7 đưa tin.
Fizik-2 là sản phẩm của Viện thiết kế Morteplotekhnika, dự kiến sẽ thay thế toàn bộ ngư lôi chạy bằng động cơ điện của Nga hiện nay. Nhà sản xuất khẳng định thông số chiến đấu của Fizik-2 vượt trội so với ngư lôi Mk 48 Mod 7 tối tân do Mỹ chế tạo.
Giáo sư Vadim Kozyulin thuộc Học viện khoa học quân sự Nga khẳng định Fizik-2 là ngư lôi cỡ 533 mm đầu tiên của Nga sử dụng động cơ đốt trong, giúp tăng tầm bắn và tốc độ hành trình so với động cơ điện kiểu cũ. Fizik-2 được lắp hệ thống đẩy phản lực dòng nước thay cho chân vịt truyền thống để giảm độ ồn.
Ngư lôi sử dụng hệ thống đầu dò đa kênh, bám theo nguồn nhiệt và luồng sóng phía sau tàu mục tiêu, khiến quả đạn rất khó bị mồi bẫy đánh lừa. Với đầu đạn nặng 300 kg, Fizik-2 có thể đánh chìm nhiều loại tàu mặt nước và tàu ngầm chủ lực của Mỹ, bao gồm cả tuần dương hạm và tàu sân bay.(Vnexpress)
-----------------------------
Ông Lưu Hiểu Ba qua đời
Nhân vật được trao giải Nobel Hòa bình năm 2010, ông Lưu Hiểu Ba đã qua đời ở tuổi 61, hơn một tháng sau khi được chuyển từ nhà tù đến bệnh viện điều trị ung thư gan giai đoạn cuối.
Trong một thông báo ngắn website chính thức ngày 13.7, cơ quan tư pháp của chính quyền TP.Thẩm Dương (Trung Quốc) cho biết ông Lưu bị suy đa tạng và mọi nỗ lực cứu sống ông không mang lại kết quả, theo AFP.
Trước khi được chuyển đến bệnh viện, ông Lưu đang thụ án tù 11 năm kể từ năm 2009 vì tội "kích động lật đổ chính quyền".
Vợ của ông Lưu bị quản thúc tại gia kể từ năm 2010, nhưng được phép đến bệnh viện gặp chồng.
Trước đó, chính phủ một số nước phương Tây bao gồm Đức và Mỹ đã đề nghị Trung Quốc cho phép ông Lưu ra nước ngoài điều trị theo nguyện vọng cá nhân.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã liên tục yêu cầu các quốc gia khác không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của nước này.
Giới chức Trung Quốc cũng khẳng định ông Lưu được điều trị bởi các bác sĩ hàng đầu ở trong nước.(thanhnien)
------------------------------
Nữ nghị sĩ Đài Loan bóp cổ nhau khi tranh luận
Hai nữ thành viên Viện lập pháp Đài Loan lao vào bóp cổ nhau tại cuộc họp bàn về một dự án hạ tầng lớn gây tranh cãi hôm 13.7.
Theo AFP, hai nữ nghị sĩ này được xác định là Hứa Thục Hoa thuộc Quốc dân đảng và Khâu Nghị Oánh thuộc đảng Dân tiến. Ngay khi sự việc xảy ra, nhiều thành viên khác lập tức lao đến tách họ ra trong tiếng la hét và xô đẩy hỗn loạn.
Cuộc họp nhằm bàn về dự án trị giá 420 tỉ Đài tệ (314,68 ngàn tỉ đồng) nhằm xây dựng các tuyến đường sắt, công trình chống lũ và năng lượng xanh.
Phía Quốc dân đảng đối lập phản đối vì cho rằng dự án này ưu đãi những khu vực ủng hộ đảng Dân tiến của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Họ cho rằng dự án nhằm tranh thủ thêm sự ủng hộ trước cuộc bầu cử khu vực vào năm tới. Nhiều ý kiến cũng thắc mắc về chi phí khổng lồ cho dự án.
Cuộc họp đã tạm hoãn sau cuộc "nói chuyện bằng tay chân" của hai nữ nghị sĩ.
Tỷ lệ ủng hộ bà Thái gần đây đã giảm xuống dưới 40% so với con số 70% khi bà nhậm chức vào tháng 5.2016, sau khi chính quyền ra quyết định trong nhiều vấn đề gây tranh cãi như hôn nhân đồng tính, lương hưu và cải cách tư pháp.(thanhnien)