Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 13-07-2017:

  • Cập nhật : 13/07/2017

Trung Quốc: đừng đổ trách nhiệm cho chúng tôi về chuyện Triều Tiên!

 Bộ ngoại giao Trung Quốc yêu cầu các bên ngừng đề cập cái mà họ gọi là “lý thuyết trách nhiệm của Trung Quốc” trong việc kiềm chế Triều Tiên.

ong cui tiankai, dai su trung quoc tai my - anh: reuters

Ông Cui Tiankai, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, trong cuộc họp báo thường kỳ, khi được hỏi về quan điểm của Trung Quốc trước những động thái kêu gọi từ Mỹ, Nhật Bản và các nước khác trong việc gia tăng áp lực với Triều Tiên, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang (Cảnh Sảng) đã có những phát ngôn được cho là mạnh mẽ khác thường.

Ông Geng cho rằng Trung Quốc không phải là nước gây leo thang căng thẳng, và giải pháp chủ chốt cho vấn đề này cũng không nằm trong tay họ.

Ông Geng nói: “Gần đây, có những người mà khi nói về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đã phóng đại quá mức hoặc nhấn mạnh cái gọi là “lý thuyết trách nhiệm Trung Quốc”. Tôi nghĩ quan điểm này hoặc là thiếu sự hiểu biết chính xác, toàn diện về vấn đề, hoặc là có những động cơ ngấm ngầm sau đó, cố tình đẩy trách nhiệm”.

Cũng theo ông Geng thì Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực và đã đóng vai trò tích cực, nhưng tất cả các bên khác lại chưa hoàn thành trách nhiệm của họ.

Ông Geng nói: “Yêu cầu những người khác hành động nhưng bản thân họ lại không làm thì thì không ổn. Bắc Kinh bị đâm sau lưng thực sự cũng là chuyện không ổn”.

Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc gây thêm căng thẳng khu vực với các cuộc tập trận quân sự của họ.

Thời gian qua Trung Quốc cũng phản ứng mạnh với việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.

Bắc Kinh cho rằng việc này đe dọa an ninh của chính họ và cũng không giúp ích gì cho việc giải tỏa các căng thẳng.

Đồng thời Bắc Kinh cũng lên án Washington đã đơn phương áp đặt trừng phạt lên các công ty Trung Quốc và những cá nhân nước này vì các quan hệ làm ăn với Triều Tiên.

Rõ ràng ông Geng đã “đá xéo” Mỹ khi chất vấn rằng thử hỏi làm sao các nỗ lực Trung Quốc có thể mang lại kết quả trong khi mà họ đang cố dập lửa thì những người khác lại đổ thêm dầu, và trong lúc họ đang thực thi các nghị quyết của LHQ thì những người khác lại gây tổn hại cho các lợi ích của họ.

Trong một diễn biến khác liên quan, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Cui Tiankai (Thôi Thiên Khải), đầu tuần này trong bài phát biểu tại một tổ chức nghiên cứu ở Washington, cũng đã lên tiếng cáo buộc những thông tin nói về tăng trưởng thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên là một sự “bóp méo thông tin”.(Tuoitre)
------------------

Nhật đề nghị Trung Quốc ngưng bán dầu cho Triều Tiên

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe muốn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “đóng vai trò xây dựng hơn” trong việc giải quyết vấn đề CHDCND Triều Tiên.

Tờ Nikkei Asian Review ngày 12.7 dẫn các nguồn tin chính phủ Nhật đưa tin Thủ tướng Shinza Abe đã kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngừng xuất khẩu dầu sang Triều Tiên.

Ông Abe đưa ra đề nghị tại cuộc họp thượng đỉnh nhóm G-20 ngày 8.7 tại Đức nhưng thông tin mới được tiết lộ hôm 11.7. Nhiều nước cho rằng Bắc Kinh có vai trò quan trọng trong việc trừng phạt Bình Nhưỡng vì nước này theo đuổi các chương trình hạt nhân và tên lửa.

“Hiện nay, điều quan trọng là cần gia tăng áp lực đối với Triều Tiên và tôi muốn ông đóng vai trò xây dựng hơn”, ông Abe nói.

Ông Tập đáp lời rằng Trung Quốc đang góp phần duy trì các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và chủ yếu đề cập đến việc dừng nhập khẩu than từ Triều Tiên.

Ông cũng khẳng định Trung Quốc tập trung vào đàm phán và phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương.

Trung Quốc xuất khẩu khoảng 500.000 tấn xăng dầu hàng năm sang Triều Tiên trong giai đoạn trước năm 2013. Theo số liệu chính thức thì việc xuất khẩu này ngưng hoàn toàn từ sau năm 2014 nhưng Trung Quốc bị nghi vẫn âm thầm bán dầu thô cho nước này.

Cũng trong ngày 12.7, Reuters dẫn lời đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho biết thông tin về thương mại giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng là “một bức tranh méo mó”.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án việc thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã tăng 40% trong quý 1. Ông Thôi cho biết việc giao thương này đã giảm từ năm 2015-2016 và giảm liên tiếp từ tháng 4 đến tháng 5 do cấm nhập khẩu than. (Thanhnien)
--------------------------

Trung Quốc tố Mỹ bóp méo số liệu về Triều Tiên

Theo New York Times, Bắc Kinh hồi tháng 4 năm nay có công bố dữ liệu cho thấy giao dịch thương mại giữa Trung Quốc với Triều Tiên tăng 37,4% vào quý đầu tiên của năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngay sau thông tin này, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5-7 đã đăng dòng trạng thái lên Twitter nói rằng: “Giao thương giữa Trung Quốc và Triều Tiên tăng gần 40% trong quý đầu tiên. Sự hợp tác giữa chúng ta và Trung Quốc không thành công nhưng chúng ta vẫn phải thử”. Ông Trump được cho là đã đặt nghi vấn về sự thật tâm của Bắc Kinh trong việc giúp Washington gây áp lực lên Triều Tiên thông qua dòng trạng thái này.

Theo Reuters ngày 12-7, bình luận về con số 37,4% này và các thông tin liên quan trong một buổi nói chuyện với nhóm chuyên gia ở Washington hôm 10-7, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói: “Đây là một bức tranh bị bóp méo”.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải. Ảnh: NHÂN DÂN NHẬT BÁO

Ông Thôi nói rằng mặc dù con số này cho thấy tăng nhưng giao dịch thương mại song phương Trung-Triều quả thật đã giảm xuống vào năm 2015 và 2016. Trong khi đó tháng 4 và 5 của năm nay cũng có sự sụt giảm, lần lượt là 41% và 32% trong giao dịch thương mại hai nước sau lệnh cấm nhập khẩu than đá của Trung Quốc.

Ông Thôi nói rằng các biện pháp trừng phạt là cần thiết nhưng chúng không đủ để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Ông kêu gọi Washington ủng hộ đề nghị “ngừng để ngừng” của Bắc Kinh. Theo đó, Mỹ-Hàn ngưng tập trận quân sự và đổi lại Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, Washington và Seoul nhấn mạnh các cuộc tập trận chung là cần thiết để đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên. Giới chức Mỹ cũng nhấn mạnh Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với áp lực về kinh tế và thương mại nếu nước này không can thiệp kiềm chế Triều Tiên.

Các nhà ngoại giao cho biết Mỹ đang đề xuất gói trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên và có thể yêu cầu bỏ phiếu trong vài tuần tới. Tuy nhiên, một số nguồn tin tiết lộ Trung Quốc và Nga, hai trong các thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, có thể sẽ bỏ phiếu chống.

Theo CNBC, Washington có thể sẽ gây áp lực về vấn đề Triều Tiên khi các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc có cuộc gặp vào ngày 19-7 tới để thảo luận về quan hệ kinh tế song phương Mỹ-Trung.(PLO)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục