Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Kiến nghị cho rằng trong tình hình Triều Tiên tiến hành phát triển hạt nhân và tên lửa, Nhật Bản cần sở hữu khả năng tấn công căn cứ của kẻ thù bên ngoài, đồng thời đề xuất cần mở rộng mạng lưới phòng thủ tên lửa, thành lập lực lượng có khả năng tấn công mạng. Kiến nghị này sẽ được trình lên Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào trung tuần tháng 6/2017.
Hội nghị yêu cầu thể hiện được kiến nghị này trong “Kế hoạch chỉnh đốn Lực lượng Phòng vệ trung hạn giai đoạn 2019 - 2023 mà chính phủ Nhật Bản bắt đầu thảo luận vào nửa cuối năm. Hiện nay, Kế hoạch này đã xác định nội dung đến năm 2018.
Về vấn đề khả năng tấn công căn cứ đối phương, kiến nghị trên chỉ ra, để nâng cao khả năng ứng phó và khả năng ngăn chặn, “cần lập tức bắt đầu thảo luận”. Là biện pháp cụ thể, kiến nghị này đề cập đến việc nhập khẩu tên lửa hành trình.
Chính phủ các khóa của Nhật Bản đều cho rằng, sở hữu khả năng tấn công căn cứ kẻ thù được Hiến pháp cho phép. Tháng 2/2017, khi tiến hành trả lời trước Quốc hội, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết “cần để cho các cuộc thảo luận trở thành bình thường”. Xét tới Triều Tiên không ngừng bắn thử tên lửa, kiến nghị trên cũng đề xuất sở hữu khả năng tấn công mạng. Nhật Bản sẽ dùng tên lửa đánh chặn để ứng phó với đợt tấn công tên lửa đầu tiên của Triều Tiên. Để ngăn chặn đợt tấn công tên lửa thứ hai, cần xâm nhập mạng của đối phương, tiến hành tấn công mạng.
Kiến nghị đã đưa ra phương án phối hợp sử dụng tên lửa hành trình để nâng cao hiệu quả tấn công, đồng thời đề xuất xây dựng lực lượng mạng mới.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản có “lực lượng phòng vệ mạng” khoảng 100 người. Cùng với việc mở rộng vai trò của lực lượng mạng, kiến nghị yêu cầu thảo luận những nội dung như thúc đẩy giao lưu giữa chính phủ và tổ chức dân sự để thu hút nhân tài.
Đối với vấn đề phòng vệ tên lửa đạn đạo, kiến nghị yêu cầu nhập khẩu hệ thống đánh chặn Aegis mới phiên bản mặt đất và hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD phiên bản mặt đất. Chính phủ Nhật Bản cũng có khuynh hướng nhập khẩu hệ thống Aegis phiên bản mặt đất. Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch bố trí kinh phí nghiên cứu vào ngân sách năm tài khóa 2018.
Về vấn đề trang bị của Lực lượng Phòng vệ, kiến nghị đề xuất cần tăng cường số lượng máy bay chiến đấu tàng hình F-35A. Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch bắt đầu triển khai F-35A từ giữa năm 2018, nhập khẩu tổng cộng 42 chiếc.
Việc thực hiện các nội dung của kiến nghị sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn. Việc sở hữu khả năng tấn công căn cứ của đối phương có thể sẽ dẫn đến việc thảo luận sửa đổi các điều kiện tiền đề của đồng minh Nhật - Mỹ hiện hành. Quy định hiện nay là Mỹ thực hiện khả năng tấn công, Nhật Bản cung cấp chi viện phía sau. Vì vậy, có quan điểm cho rằng, nội bộ Mỹ lo ngại Nhật Bản tìm cách “tự lập” về quân sự sẽ gây va chạm với các nước xung quanh.(Viettimes)
------------------------------
Qatar: Người tí hon “khiêu vũ” giữa các ông lớn
Qatar không hề sẵn sàng đối phó với một cuộc tấn công vì quân đội nước này quá nhỏ. Năm 2016, Qatar chỉ sở hữu 18 máy bay có khả năng chiến đấu bao gồm 12 chiến đấu cơ Mirage 2000 do Pháp cung cấp, Warisboring cho hay.
Đã gần một tuần kể từ khi Hội đồng hợp tác vùng Vịnh do ẢRập Xê-út dẫn đầu – gần như khối NATO của Ả Rập –phong tỏa Qatar cả trên biển, trên không và trên bộ, khiến Cô-oét- nước trung gian - phải thực hiện một chuỗi các cố gắng hòa giải về mặt ngoại giao. Warisboring lo ngại rằng chiến tranh có thể sắp xảy ra và trong trường hợp đó, Qatar sẽ dễ dàng bị đánh bại.
Nếu như căng thẳng leo thang, có thể sẽ lôi kéo sự tham gia của một số nước bạn bè của Qatar như Thổ Nhĩ Kỳ (nước vừa thông qua một dự luật triển khai quân nhanh tới Qatar) và Iran (nước từ lâu đã có quan hệ kinh tế khăng khít với Qatar). Các nước trong Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh gồm Ả Rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain, cộng thêm cả Ai Cập đã buộc tội Qatar ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Dù là một quốc gia giàu tài nguyên nhưng Qatar lại đặc biệt rất dễ bị tổn thương, Warisboring nhận định. Đây là một trong số những nước giàu nhất thế giới, thực thi chính sách đối ngoại theo hướng ‘realpolitik’ (trường phái chính trị hiện thực) trong một khu vực do các nước lớn hơn thống trị. Qatar cũng ủng hộ cho Nhóm Anh em Hồi giáo - lực lượng bị Ả rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất xem thường.
Ở Qatar có khoảng hơn 2,5 triệu người sinh sống nhưng chỉ có 300.000 người là công dân Qatar, đây là bằng chứng cho việc một nước giàu phụ thuộc nặng nề vào lao động nước ngoài. Phần lớn nguồn thực phẩm của Qatar đều phải nhập khẩu, và phân nửa là từ Ả rập Xê-út.
Đồng thời, Qatar cũng chiến đấu cùng Ả rập Xê-út và UAE ở Yemen, chống lại phe nổi dậy Houthi do Iran hậu thuẫn. Tại Libya, Qatar và UAE cùng ủng hộ phe đối lập trong cuộc nội chiến Libya, và Qatar đã hỗ trợ cho nhóm Anh em Hồi giáo. Qatar cũng ủng hộ Hamas và tổ chức thánh chiến Salafist ở Syria.
Nhưng Qatar sẽ không thể giữ được nền độc lập nếu không có bạn bè và đồng minh, Warisboring khẳng định. Căn cứ không quân Al Udeid nằm ngay bên ngoài Doha, là nơi đóng quân của hàng nghìn lính và hàng chục máy bay chiến đấu Mỹ, là một trong những căn cứ chỉ huy và hậu cần chính của Mỹ ở Trung Đông.
Tuy nhiên một vấn đề lớn với Qatar hiện nay là chính sách ngoại giao nước Mỹ đang hết sức thiếu nhất quán. Trong khi Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc Mỹ nhấn mạnh sự hợp tác với Qatar, đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực thì Tổng thống Donald Trump lại đứng về phe Ả rập Xê-út và tuyên bố: “Trong chuyến thăm gần đây của tôi đến Trung Đông, tôi đã nói rằng không thể tài trợ của hệ tư tưởng cấp tiến được nữa. Hãy nhìn vào Qatar!".
Một căn cứ quân đội nhỏ hơn là căn cứ As Sayliyah có một kho chứa quan trọng để hỗ trợ nhanh chóng triển khai bộ binh trong khu vực. Có khoảng 150 lính Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar, cho dù từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã có ý định nâng con số này lên 3.000 quân.
Tuy nhiên Qatar không hề sẵn sàng đối phó với một cuộc tấn công vì quân đội nước này quá nhỏ. Năm 2016, Qatar mới chỉ sở hữu 18 máy bay có khả năng chiến đấu bao gồm 12 máy bay chiến đấu Mirage 2000 do Pháp cung cấp. Sáu chiếc Alpha Jets, loại có khả năng tiến hành các nhiệm vụ tấn công mặt đất là phương tiện chính trong lực lượng chiến đấu thường rực của Qatar.
Hải quân Qatar có khoảng 7 tàu tấn công nhanh, trong đó 4 tàu lớp Vita của Anh và 3 tàu Combattante III của Pháp. Những tàu này khá mạnh, được trang bị tám quả tên lửa chống tàu Exocet. Một khẩu đội phòng vệ bờ biển của Qatar cũng được trang bị 12 tên lửa Exocet trên ba bệ phóng .
Nhánh quân sự lớn nhất của Qatar chỉ có 8.500 lính trong tổng số 11.800 quân đang hoạt động trên khắp cả nước. Nước này chỉ có một lữ đoàn thiết giáp với 30 xe tăng AMX-30 của Pháp được thiết kế từ những năm 1960.
Cuối năm 2016, Qatar bắt đầu nhận các xe tăng Leopard 2A7 hiện đại từ Đức – trong số đó, 16 chiếc gần đây đã được quân đội Qatar đưa vào sử dụng, theo thông tin từ CNN Arabic.
Các đơn vị bộ binh cơ giới và các đơn vị hỗ trợ chiến đấu của Qatar có hơn 300 xe thiết giáp, xe chở quân và xe bọc thép của Pháp cùng với ít nhất 91 khẩu pháo nhiều kích cỡ khác nhau. Qatar cũng đang nhận 20 khẩu pháo PzH 2000 của Đức cỡ nòng 155 mm.
Đó gần như là tất cả những gì Qatar có để chống lại Ả rập Xê-út, trong khi Ả Rập Xê-út lại có quân đội lớn nhất và được trang bị vũ khí hiện đại nhất ở Trung Đông. Chỉ riêng quân đội của Ả rập Xê-út đã lớn hơn của Qatar rất nhiều vì Ả rập Xê-út đã thực hiện nhiều cuộc can thiệp và đã từng tấn công các nước láng giềng trong quá khứ.
Ả rập Xê-út hiện đang bị mắc kẹt trong vũng lầy Yemen kể từ tháng 3/2015, và quân đội Ả rập Xê-út cũng là từng tham gia Lực lượng đa quốc gia Peninsula Shield Force. Lực lượng này năm 2011 từng đưa quân vào Bahrain để dập tắt các cuộc biểu tình trong phong trào Mùa xuân Ả rập.
Năm 1995, Ả rập Xê-út và UAE đã gần như xâm lược Qatar nhưng cuối cùng lại hủy vào phút chót, sau cuộc đảo chính của thái tử Hamad Bin Khalifa Al Thani lật đổ cha mình.
Theo Warisboring, với lịch sử dày đặc các cuộc can thiệp và xâm lược như trên, chỉ có thể thầm cầu nguyện những điều tồi tệ sẽ không xảy ra với Qatar. (Viettimes)
---------------------