Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý 13-06-2017
- Cập nhật : 13/06/2017
Quân đội Philippines lại qua mặt tổng thống?
Sau khi Mỹ tuyên bố đã gửi lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ Manila chống phiến quân Hồi giáo, Tổng thống Philippines lại nói rằng ông chưa hề yêu cầu sự giúp đỡ.
Ông Duterte trả lời phỏng vấn khi đến thăm bệnh viện quân đội Cagayan De Oro ngày 11-6 - Ảnh: Reuters
Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Duterte nói tại cuộc họp báo ngày 11-6 rằng ông “chưa từng đặt vấn đề với Mỹ” để yêu cầu viện trợ quân sự và ông “không biết cho đến khi họ đến”.
Ngày 10-6, thông cáo từ Đại sứ quán Mỹ ở Manila cho biết quân đội Mỹ đã cử lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ hậu cần quân sự nhằm giúp quân đội Philippines trong cuộc vây ráp phiến quân Hồi giáo tại đảo Mindanao. Yêu cầu này xuất phát từ yêu cầu trong chính quyền Manila.
Cũng hôm 10-6, người phát ngôn của quân đội Philippines xác nhận rằng quân đội Mỹ đã hỗ trợ công tác hậu cầu và do thám, nhưng không “đặt chân xuống mặt đất”.
Như vậy phải chăng quân đội Philippines qua mặt tổng thống, cho phép quân đội Mỹ can dự vào cuộc chiến chống khủng bố?
Phát biểu của ông Duterte trong cuộc họp báo khi thăm bệnh viện quân đội Cagayan De Oro ngày 11-6 cũng có nhắc đến ý giảm nhẹ tình hình: "Binh sĩ chúng tôi tập trận với binh sĩ Mỹ nhiều năm qua nên họ thân với người Mỹ, tôi không thể chối bỏ điều đó".
Ông Duterte đã không bình luận gì về khả năng các quan chức quân đội Philippines đã vượt quyền ông để xin hỗ trợ từ lực lượng đặc nhiệm Mỹ.
Người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Ernesto Abella, trong khi đó, phát đi thông cáo cho biết quân đội Mỹ không được phép tham chiến tại miền nam Philippines.
Theo Reuters, thông cáo đó có đoạn cũng nhằm giảm nhẹ khả năng căng thẳng: “Cuộc chiến chống khủng bố không chỉ là mối quan tâm của Philippines và Mỹ mà còn là vấn đề của tất cả các nước trên thế giới. Philippines luôn chào đón sự hỗ trợ từ các nước khác, nếu các nước có đề nghị hỗ trợ".
Sau khi các tay súng Hồi giáo thuộc nhóm Maute có liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm đóng một phần thành phố Mindanao, ông Duterte đã tuyên bố thiết quân luật tại đây. Trong tình trạng thiết quân luật, tổng thống có quyền kiểm soát quân đội.
Tính đến nay, khoảng 300 người đã thiệt mạng, bao gồm cả binh sĩ Philippines, dân thường và phiến quân, đồng thời có khoảng 250.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi cuộc chiến nổ ra tại thành phố Marawi vào ngày 23-5.
Trong cuộc họp báo ngày 11-6, Tổng thống Duterte cho biết chính thủ lĩnh của IS là Abu Bakr al-Baghdadi đã ra lệnh tấn công thành phố Marawi.
Tổng thống Duterte nêu rõ rằng tên thủ lĩnh al-Baghdadi đã “đích thân ra lệnh tiến hành các hành động khủng bố tại Philippines”.
Trước đó, Tổng thống Duterte từng cáo buộc nhóm phiến quân Maute có liên hệ với IS và ông dùng từ "xâm lăng" để nói về cuộc tấn công của lực lượng phiến quân Hồi giáo.
Ông cho biết đối tượng khủng bố bị truy nã Isnilon Hapilon được chỉ định làm thủ lĩnh IS tại Philippines và âm mưu thành lập một nhà nước Hồi giáo tại quốc gia Đông Nam Á này.
Cũng trong ngày 11-6, các thượng nghị sĩ Philippines đã yêu cầu cơ quan chức năng tịch thu hoặc đóng băng tài sản của các thủ lĩnh và người thân của các phiến quân Maute, nhằm ngăn chặn dòng tiền được cho là để hỗ trợ các chiến dịch của nhóm khủng bố này tại Mindanao. (Tuoitre)
------------------------------
Phá âm mưu chân rết IS chiếm thêm 3 thành phố ở Philippines
Philippines tuyên bố vừa phá âm mưu của nhóm vũ trang Maute tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhằm chiếm thêm 3 thành phố miền nam nước này sau Marawi.
Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm Ngày Độc lập 12.6, Ngoại trưởng Philippines Allan Peter Cayetano cho biết nhóm Maute lên kế hoạch chiếm thêm ít nhất từ 2 đến 3 thành phố khác ở đảo Mindanao.
Tuy nhiên, quân đội Philippines đập tan âm mưu này nhờ cuộc tấn công phủ đầu ở Marawi nhằm mục tiêu bắt giữ Isnilon Hapilon, thủ lĩnh nhóm Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf - thủ lĩnh IS ở Đông Nam Á, theo ông Cayetano.
Cùng ngày, lực lượng an ninh Philippines tiếp tục các đợt không kích, ném bom nhằm vào các tay súng Maute đang cố thủ ở Marawi , theo Reuters.
Đáng chú ý là bất chấp tình hình chiến sự nguy hiểm, một nhóm binh sĩ, quan chức cùng nhân viên cứu hộ vẫn tập trung tại một tòa nhà chính quyền ở Marawi để làm lễ chào cờ nhân Ngày Độc lập.
Đến nay, giao tranh tại Marawi đã kéo dài 3 tuần, khiến 58 binh sĩ, 20 dân thường và hơn 100 tay súng thiệt mạng. Ngoài ra, còn 500 - 1.000 dân thường còn mắc kẹt tại thành phố, trong đó có nhiều người bị đưa ra làm lá chắn sống cho các tay súng.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trung tâm) cùng Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana (trái) và tướng Eduardo Ano phát biểu trong buổi họp báo tại thành phố Cagayan De Oro ngày 11.6 sau khi đến thăm binh sĩ bị thương do vì giao tranh ở MarawiREUTERS
Trước đó, Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết các nguồn tin tình báo và an ninh khẳng định chính thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al-Baghdadi “đã ra lệnh tiến hành những hoạt động khủng bố tại Philippines”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo không tiết lộ rõ chi tiết về thông tin này.
Ngoài ra, Tổng thống Duterte tuyên bố ông “không biết gì” về việc chính phủ Mỹ đang hỗ trợ quân đội nước này chống lại nhóm Maute tại Marawi và nhấn mạnh “chưa bao giờ nhờ Washington giúp đỡ”.
Tuy nhiên, máy bay tuần tra P-3 Orion của Mỹ được nhìn thấy trên bầu trời Marawi hôm 9.6. Lầu Năm Góc, vốn vẫn luân chuyển 50 - 100 lính đặc nhiệm ở miền nam Philippines, xác nhận đang hỗ trợ chiến dịch chống Maute, còn quân đội Philippines tuyên bố lực lượng quân sự Mỹ chỉ hỗ trợ kỹ thuật và không tham chiến.(Thanhnien)
--------------------------
Được lợi riêng, gây khó chung
Tại hội nghị cấp cao năm nay ở Astana (Kazakhstan), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) kết nạp thêm 2 thành viên là Ấn Độ và Pakistan.
Mở rộng tổ chức đánh dấu bước phát triển mới của SCO, tạo tiền lệ để cả những nước khác hiện là quan sát viên cũng sẽ được kết nạp trong tương lai. Trong khi đó, Ấn Độ và Pakistan có được những cái lợi riêng rất quan trọng nhưng đồng thời cũng gây khó khăn mới cho tổ chức.
SCO giúp 2 thành viên mới này có thêm sân chơi về chính trị khu vực, tiếp cận những cơ hội phát triển và hợp tác mới từ tiến trình liên kết và hội nhập. Họ có thêm kênh quan hệ hợp tác mới với 2 thành viên chủ chốt nhất là Nga và Trung Quốc, đồng thời có điều kiện thuận lợi để gia tăng ảnh hưởng riêng ở Trung Á.
Tuy nhiên, 2 nước láng giềng này mang cả khúc mắc riêng vào tổ chức. Tranh chấp Kashmir, chạy đua vũ trang và hạt nhân, chuyện đối phó và lợi dụng những lực lượng Hồi giáo cực đoan vốn đầu độc quan hệ song phương từ nay sẽ ảnh hưởng tới cả SCO. Họ sẽ làm khó SCO nhưng đồng thời cũng sẽ phải chấp nhận áp lực nhất định từ tổ chức để nhanh chóng giải quyết ổn thỏa bất hòa riêng hoặc ít nhất cũng không gây tổn hại uy danh và hoạt động chung.
Có thêm 2 thành viên mới này, SCO tăng thêm được trọng lực khi chiếm 40% dân số thế giới và bao hàm 3/5 thành viên của nhóm BRICS. Từ một tổ chức an ninh, SCO thật sự trở thành thể chế hợp tác và liên kết khu vực với việc định hướng lại hoạt động theo hướng mở rộng, hoàn thiện thể chế và kết nạp thêm thành viên.(Thanhnien)
----------------------------------------
Nhóm tay súng Indonesia tham chiến ở Philippines
Theo The Straits Times ngày 12.6, lực lượng Jemaah Ansharut Daulah (JAD) bị Indonesia xem là khủng bố có tham gia vào cuộc dấy loạn ở Marawi cùng với nhóm nổi dậy Maute. Cụ thể, ít nhất 40 tay súng JAD đang cố thủ ở thành phố miền nam Philippines. Cả JAD và Maute đều đã tuyên bố ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Giới chức an ninh Philippines cho hay trong số các tay súng đang tham chiến ở Marawi còn có công dân Chechnya, Morocco và Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên nhóm tay súng nước ngoài lớn nhất là của Indonesia và Malaysia, vốn là hai nước láng giềng với Philippines. Tờ Malay Mail dẫn lời một quan chức tình báo cho biết 28 công dân Malaysia đã tham gia dấy loạn ở Marawi.
Nhiều nhà phân tích lo ngại mạng lưới này sẽ củng cố cho sự bành trướng của các nhóm ủng hộ IS ở Đông Nam Á, không loại trừ khả năng IS muốn lập thành trì mới ở khu vực khi vùng lãnh thổ chiếm đóng ở Trung Đông bị thu hẹp.
Giới chức an ninh Indonesia cũng lo ngại các tay súng nước này ở Philippines sẽ về nước và tiến hành các vụ tấn công. Cảnh sát tỉnh Riau, Indonesia mới đây cho biết đã tăng cường an ninh tại các cảng biển để ngăn chặn các tay súng này trở về nước.
Truyền thông Úc hôm 10.6 dẫn lời một người Indonesia từng tham gia huấn luyện tại một trại nổi dậy ở Mindanao cho hay vụ tấn công ở Marawi đã làm "hồi sinh" các phần tử Hồi giáo cực đoan Indonesia. Trong khi đó, Iqbal Hussaini - một tay buôn lậu vũ khí từ miền nam Philippines sang cho các nhóm nổi dậy ở Indonesia nói rằng ngày càng có nhiều tay súng Indonesia muốn tham gia nhóm Maute. Ông Hussaini còn nhấn mạnh nguy cơ Marawi biến thành căn cứ mới của IS là rất lớn.
Những lo ngại này ngày càng gia tăng trong khi cuộc khủng hoảng an ninh ở miền nam Philippines đến nay vẫn chưa có hồi kết. Mặc dù quân đội Philippines đã tiến hành nhiều chiến dịch nhưng vẫn chưa thể giải phóng hoàn toàn thành phố Marawi.(Thanhnien)