Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 13-06-2017
- Cập nhật : 13/06/2017
Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân lần 6?
Tờ The Asahi Shimbun ngày 11.6 đưa tin CHDCND Triều Tiên có thể chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6, sau khi nhiều hoạt động được nhìn thấy xung quanh một bãi thử hạt nhân ở nước này.
Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về một vụ thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên AFP
Theo tờ báo Nhật, quá trình chuẩn bị ở bãi thử Punggyeri giống với những lần Triều Tiên thử hạt nhân trước đây.
Các nguồn thạo tin về Triều Tiên cho hay các nhà khoa học quản lý nguyên liệu hạt nhân cũng như phụ trách đánh giá các vụ thử hạt nhân đã tập trung tại bãi thử Punggyeri. Ngoài ra, các nút giao thông dẫn đến địa điểm nằm ở tây bắc Triều Tiên này dường như đã được phong tỏa. Tuy vậy, ở bên trong khu vực bãi thử hoạt động của xe cộ và con người vẫn diễn ra nhộn nhịp.
Hiện chưa rõ các hoạt động tấp nập đó có phải là dấu chỉ cho một vụ thử hạt nhân hay chỉ đơn giản là cuộc diễn tập hoặc kiểm tra địa điểm.
Trong lúc cộng đồng quốc tế tiếp tục gây áp lực mạnh mẽ lên Bình Nhưỡng, một nguồn tin chính phủ Hàn Quốc nhận định khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân là không cao bởi động thái này có thể sẽ là hành động tự sát.
Theo các nguồn thạo tin về quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên, hoạt động tương tự từng được nhìn thấy ở Punggyeri vào tháng 4. Trung Quốc xem quá trình chuẩn bị đó là tín hiệu Triều Tiên sắp thử hạt nhân. Giới chức Trung Quốc giải thích cho những người đồng nhiệm bên phía Mỹ và Hàn Quốc rằng khi đó họ đã gây áp lực lên Triều Tiên dưới hình thức tạm thời ngưng các chuyến bay giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng của Hãng Air China.
Trong khi đó, Triều Tiên không hề thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ khuất phục trước sức ép của các lệnh trừng phạt.
Ngày 1.5, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ra thông báo ám chỉ vụ thử hạt nhân lần thứ 6 sắp diễn ra. Tuyên bố cho hay cá nhân nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ quyết định thời gian và địa điểm diễn ra các vụ thử.
Một nguồn thạo tin về Triều Tiên nhận định với The Asahi Shimbun: "Có khả năng giới lãnh đạo Triều Tiên xác định hoàn cảnh thích hợp để tiến hành một vụ thử hạt nhân đã hình thành".
Chẳng hạn, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản dường như chưa hoàn tất việc chuẩn bị bố trí các khí tài chiến lược. Công tác chuẩn bị sơ tán người dân Nhật ở Hàn Quốc trong trường hợp nổ ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên cũng chưa được hoàn tất.
Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện lún sâu vào vụ bê bối liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống vào năm ngoái. Mâu thuẫn cũng nảy sinh giữa Seoul và Washington liên quan đến việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.(Thanhnien)
-----------------------
Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc có thể ngăn cản Triều Tiên “trong một nốt nhạc"
Theo trang tin Business Insider, mặc dù tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên được cho là đã phai nhạt phần nào, song một chuyên gia tin rằng Bắc Kinh vẫn có thể dễ dàng khiến Bình Nhưỡng gặp khó khăn.
Chủ tịch Trung Quốc từng đảm bảo với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Trung Quốc vẫn có ảnh hưởng lớn đối với Triều Tiên, nhưng điều này đang bị đặt dấu hỏi lớn. Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Triều Tiên được cho là không vững mạnh. Ông Tập chưa từng đến thăm thủ đô Bình Nhưỡng để gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, còn ông Kim cũng chưa bao giờ đến Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Gordon Chang, một chuyên gia chính trị có uy tín người Mỹ viết rằng, hiện tại 90% hoạt động thương mại của Triều Tiên hiện nay là với Trung Quốc và 90% kim ngạch dầu mỏ của Triều Tiên đều được nhập từ Trung Quốc.
Sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa vào năm 2003, Trung Quốc ngừng cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên trong vòng ba ngày. Triều Tiên sau đó đã ngồi vào bàn đàm phán sáu bên về việc giải giáp vũ khí hạt nhân.
“Trung Quốc có thể cản trở Triều Tiên chỉ trong nháy mắt”, ông Chang viết. Theo ông, họ có thể làm vậy bằng cách đánh vào nền kinh tế của Triều Tiên, nhưng phải chấp nhận rằng người Triều Tiên sẽ bị thiệt.
Mặc dù Liên Hợp Quốc muốn có biện pháp cứng rắn đối với Triều Tiên, song nếu hình thức trừng phạt quá nặng sẽ tác động mạnh trực tiếp đối với người dân Triều Tiên. Ngoài dầu mỏ, Trung Quốc cũng xuất khẩu 1/3 kim ngạch lương thực cho Triều Tiên, nếu không có nguồn lương thực này, cuộc sống của người Triều Tiên sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Trung Quốc không muốn Triều Tiên sụp đổ do lo ngại Mỹ sẽ có sự hiện diện quân sự ngay sát biên giới của mình. Tuy nhiên, với việc Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa và thử nghiệm hạt nhân, Mỹ đang có lý do để đối phó với Triều Tiên.
Trong một cuộc phỏng vấn diễn ra vào tháng 4 năm nay, Tổng thống Trump cho biết: “Trung Quốc sẽ phải lựa chọn, hoặc là giúp Mỹ giải quyết vấn đề Triều Tiên hoặc bỏ mặc nó. Nếu họ đồng ý giúp đỡ, Trung Quốc sẽ được lợi, còn nếu không thì không một quốc gia nào sẽ hài lòng”.
Trong lúc Triều Tiên đang phát triển một loại tên lửa có thể bắn tới Mỹ, Trung Quốc phải quyết định xem họ sẽ gây sức ép đối với chính quyền lãnh đạo Kim Jong-un tới đâu trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn còn nhiều bất đồng.(Infonet)
--------------------
Vì sao Nga đẩy mạnh quan hệ với Hàn Quốc - Triều Tiên?
Vấn đề Triều Tiên đang trở thành mấu chốt khiến các nước láng giềng thay đổi chính sách đối ngoại. Trong khi Nga và Hàn Quốc đang chung tay vực dậy nền kinh tế của Triều Tiên thì Mỹ và Trung Quốc vẫn có những động thái kiềm chế Bình Nhưỡng.
Bên cạnh quyết định ngừng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), Hàn Quốc đang cùng Nga có những hành động giúp vực dậy nền kinh tế Triều Tiên. Động thái của Hàn Quốc đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới lệnh trừng phạt mà Trung Quốc áp đặt với Triều Tiên cũng như những nỗ lực kiềm chế Bình Nhưỡng của Mỹ.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), mối quan hệ hợp tác mới nổi giữa Nga và Hàn Quốc đang làm thay đổi tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Nói cách khác, Hàn Quốc đang bắt đầu tách dần khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với Triều Tiên với sự góp mặt của Nga.
Hồi tuần trước, một quan chức cấp cao thân cận của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ra thông báo ngừng triển khai THAAD. Trong khi đó, một phần của hệ thống này đã được Mỹ lắp đặt tại Seongju, nam Gyeongsang để ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm năng từ Triều Tiên. Còn ngay từ trong chiến dịch tranh cử, ông Moon cũng đã lên tiếng phản đối kế hoạch triển khai THAAD của Mỹ và giờ ông này đang yêu cầu giới chức Hàn Quốc nghiên cứu những tác động môi trường mà THAAD có thể gây ra. Nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho biết chương trình nghiên cứu này sẽ phải mất tới hai năm mới hoàn thành.
Quyết định ngừng triển khai THAAD được xem là gáo nước lạnh mới dội vào quan hệ Washington - Seoul khi mà gần đây Tổng thống Donald Trump từng lên tiếng đe dọa xóa bỏ Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn cũng như yêu cầu Seoul chi trả chi phí triển khai THAAD.
Về phần mình, Nga đang đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Triều Tiên. Hồi tháng Năm, hãng tin Sputnik cho hay: "Quan hệ thương mại song phương giữa Nga và Triều Tiên đã tăng thêm 73% trong giai đoạn từ tháng 1 – 2/2017 so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu của Nga sang Triều Tiên cũng đã tăng 149,1%".
Trái với mối quan hệ đang ngày càng thân thiết giữa Nga và Triều Tiên, hồi tháng Hai, Trung Quốc đã quyết định ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên trong toàn năm nay. Điều đáng nói, Trung Quốc chiếm tới gần 90% hoạt động thương mại nước ngoài của Triều Tiên và than đá là một trong những mặt hàng thu ngoại tệ chính của Bình Nhưỡng. Do đó, động thái của Bắc Kinh đã khẳng định việc chính quyền Trung Quốc đồng tình với lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn Triều Tiên tiếp tục theo đuổi chương trình sản xuất tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, bất chấp lệnh trừng phạt kinh tế, Triều Tiên vẫn liên tiếp cho phóng thử tên lửa và lần phóng gần nhất là hôm 8/6. Đây là vụ thử thứ 10 trong năm nay của Triều Tiên và là vụ thử thứ 5 kể từ khi ông Moon Jae-in chính thức nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc. Mặc dù sau vụ phóng của Triều Tiên hôm 8/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng phản đối hành động mang tính khiêu khích này nhưng đồng thời cũng đưa ra lời cảnh báo trước những động thái "bắt nạt" Bình Nhưỡng.
SCMP cho rằng, dù Trung Quốc đã đồng tình và tham gia vào lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với Triều Tiên thì việc Nga tăng cường hoạt động thương mại song phương với Bình Nhưỡng đã trở thành cản trở lớn nhất hiện nay trong việc thi hành các lệnh cấm vận kinh tế với Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) tới Mỹ gặp gỡ Tổng thống Donald Trump hồi tháng Năm.
Giáo sư kinh tế tại Đại học Niigata, ông Ivan Tselichtchev nhận định: "Về ngắn hạn, hành động của Nga là nhằm chứng minh Moscow thi hành chính sách đối ngoại hoàn toàn khác biệt với phương Tây. Hành động của Nga còn nhằm chứng minh sức mạnh địa chính trị. Sự khác biệt giữa Nga và phương Tây thể hiện ở nhiều lĩnh vực như ở Triều Tiên, Syria và Cuba. Song Nga không nên đánh giá quá cao việc mở rộng quy mô quan hệ với Triều Tiên bởi mối quan hệ này vẫn không thể sánh được với quan hệ Trung – Triều".
Trong thời gian qua, Nga và Triều Tiên đã cho triển khai nhiều kế hoạch chung như mở cửa tuyến phà mới từ Vladivostok tới thành phố Rajin của Triều Tiên. Giới chức Nga cũng đã tới thăm Triều Tiên hồi tháng Một để bàn thảo chương trình đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt Rajin-Hasan. Ngoài ra, hai nước còn ký kết thỏa thuận lao động nhập cư trong bối cảnh hiện có khoảng 40.000 lao động Triều Tiên đang làm việc trong ngành khai thác gỗ và xây dựng ở Nga. Tất cả những chương trình này là nhằm giúp Bình Nhưỡng khắc phục hậu quả khi bị cộng đồng quốc tế thi hành lệnh trừng phạt.
Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã nhắc tới việc thành lập các "vành đai kinh tế" với Triều Tiên và tái mở cửa khu công nghiệp chung Kaesong, khu vực từng là nguồn thu nhập lớn của Bình Nhưỡng.
Trong khi Nga và Hàn Quốc chung tay giúp đỡ vực dậy nền kinh tế của Triều Tiên thì mối quan hệ giữa Seoul và Washington lại đang phải đối mặt với nhiều trắc trở, còn quan hệ giữa Mỹ - Trung bắt đầu có những dấu hiệu cải thiện. Nói cách khác, ông Moon là người ủng hộ chiến lược tách Seoul ra khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ để tiến tới cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Triều Tiên và Nga.
Theo giáo sư Younkyoo Kim tại Đại học Hanyang, Nga đang tìm cách đối phó với mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Mỹ - Trung bằng cách cải thiện quan hệ với Triều Tiên và Hàn Quốc.
"Đây là một điều gây ngạc nhiên bởi khi ông Trump mới đắc cử, nhiều người cho rằng ông Trump sẽ hợp tác với Nga. Ngoài ra, Mỹ - Nga sẽ cùng phối hợp để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Nhưng giờ mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Trung Quốc đang giúp Mỹ còn Nga cũng đã có kế hoạch riêng", ông Kim nhận định. (Thanhnien)