Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 12-06-2017

  • Cập nhật : 12/06/2017

Mỹ “thua” Triều Tiên khi rút tàu sân bay Carl Vinson?

Chiến lược của Mỹ đã thay đổi. Mỹ thường sẽ không dễ dàng sử dụng vũ lực, phần lớp áp dụng thủ đoạn răn đe quân sự để đạt mục đích "không đánh mà thắng".

tong thong my donald trump da thay doi chien luoc doi voi trieu tien va khu vuc? anh: us news & world report

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay đổi chiến lược đối với Triều Tiên và khu vực? Ảnh: US News & World Report

Sau khi kết thúc cuộc tập trận chung với Nhật Bản, ngày 5/6, hai tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan đều rời khỏi vùng biển xung quanh bán đảo Triều Tiên. Quan chức Hải quân Mỹ còn cho biết tàu USS Carl Vinson sắp về Mỹ; còn tàu USS Ronald Reagan vẫn sẽ tiếp tục triển khai huấn luyện với Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản ở vùng biển phía đông Okinawa, Nhật Bản.
Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 9/6 dẫn đánh giá về vấn đề này của giáo sư Úc Chí Vinh, Đại học Hải dương, Chiết Giang, Trung Quốc kiêm Phó tổng thư ký Hội nghiên cứu Thái Bình Dương Trung Quốc.
Úc Chí Vinh cho rằng thông tin Mỹ rút tàu sân bay nêu trên xem ra bình thường, nhưng có ý nghĩa phi thường đối với tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay.
Thứ nhất, từ đầu năm 2017 đến nay, cuộc đối đấu kiểu marathon giữa Mỹ và Triều Tiên cuối cùng đã kết thúc. Nói một cách chính xác hơn, hiệp 1 hay giai đoạn đầu tiên của cuộc đối đầu Mỹ - Triều Tiên kể từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống đến nay đã kết thúc. Kết quả cũng rất rõ ràng, Triều Tiên giành chiến thắng, ít nhất là chính quyền Triều Tiên vẫn vững chắc.
Thứ hai, nhìn vào tình hình hiện nay, chiến lược của Mỹ đã thay đổi, hơn nữa sự thực chứng minh đang thay đổi thực sự. Mỹ thường sẽ không dễ dàng sử dụng vũ lực, phần lớn áp dụng thủ đoạn răn đe quân sự để đạt mục đích "không đánh mà thắng".
tau san bay uss carl vinson hai quan my. anh: sohu

Tàu sân bay USS Carl Vinson Hải quân Mỹ. Ảnh: Sohu

Thứ ba, mục tiêu chiến lược của Mỹ trong việc ứng phó và giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bị phân tán, hơn nữa lại có tính “đùa giỡn” lớn. Mỹ một mặt tung tin muốn giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên, từ đó mạnh mẽ thúc đẩy Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên, đồng thời tuyên bố không có ý định tiến hành đánh đòn phủ đầu đối với Triều Tiên. 
Một mặt Mỹ lại điều các máy bay và tàu chiến như tàu sân bay tiến hành tập trận quy mô lớn với Hàn Quốc và Nhật Bản ở vùng biển lân cận bán đảo Triều Tiên để gây sức ép với Triều Tiên, đồng thời còn đặc biệt yêu cầu Trung Quốc phát huy vai trò hòa giải. Nhưng đồng thời Mỹ còn tổ chức hội đàm bí mật song phương với Triều Tiên. Mỹ rốt cuộc muốn làm gì, e rằng bản thân họ cũng không biết.
Thứ tư, từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm cách phá bỏ các “di sản” của ông Barack Obama, bao gồm rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), lật lại phương án cải cách y tế, kết thúc chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương, phủ định Hiệp định hạt nhân Iran, thay đổi chính sách Trung Đông, rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu… 
Trong vấn đề Triều Tiên, ông Donald Trump hầu như không có quan điểm và cách làm khác với ông Barack Obama, vẫn sử dụng chính sách “cây gậy” và “củ cà rốt”. Điểm khác theo chuyên gia Trung Quốc là, chiêu răn đe tàu sân bay sử dụng không tốt, trái lại tự lấy đá đập chân mình.
Tuy nhiên, ông Donald Trump từng cho biết ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-ul trong “tình hình thích hợp”. Đây cũng là điểm khác giữa ông với cựu Tổng thống Barack Obama trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
tau san bay uss nimitz cvn-68 hai quan my sap hien dien trong khu vuc.

Tàu sân bay USS Nimitz CVN-68 Hải quân Mỹ sắp hiện diện trong khu vực.

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã tồn tại từ lâu, vô cùng phức tạp và xảy ra đối đầu gay gắt. Tình hình bán đảo Triều Tiên lúc căng thẳng, lúc đối chọi gay gắt, chỉ có kiên trì phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, kiên trì hòa bình, ổn định của bán đảo Triều Tiên, kiên trì thông qua đối thoại và đàm phán thì mới có thể giải quyết căn bản vấn đề này.
Bán đảo Triều Tiên xảy ra bất ổn và chiến tranh đều sẽ không phù hợp với lợi ích của bất cứ bên nào. (Viettimes)
----------------------------

Cựu tư lệnh hải quân Hàn Quốc được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng

 

Cựu tư lệnh hải quân Song Young-moo được chọn làm bộ trưởng quốc phòng nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên.

 

tong thong han quoc cong bo tan bo truong quoc phong. anh: reuters

Tổng thống Hàn Quốc công bố tân bộ trưởng quốc phòng. Ảnh: Reuters

 

Ông Song Young-moo, cựu tư lệnh hải quân, hôm nay được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chọn làm người đứng đầu Bộ Quốc phòng, Reuters cho biết.

Văn phòng Nhà Xanh cho hay ông Song khá phù hợp với vai trò đối phó với các nguy cơ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Tân bộ trưởng quốc phòng phục vụ trong hải quân Hàn Quốc trong hơn ba thập kỷ, từng là cố vấn an ninh chủ chốt của ông Moon trong chiến dịch tranh cử vừa qua và trong chiến dịch năm 2012.

Ông Song từng có mặt trong cuộc chạm trán giữa các tàu hải quân của Hàn Quốc và Triều Tiên ở bờ tây bán đảo năm 2009.

Ông Song dự kiến sẽ hợp tác với Mỹ, đồng minh quân sự chủ yếu của Hàn Quốc, nhằm phản ứng với nguy cơ tên lửa gia tăng từ Triều Tiên.

Bình Nhưỡng gần đây liên tiếp thực hiện các vụ phóng tên lửa, thể hiện nhịp độ chưa từng có trong nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, có năng lực đánh trúng Mỹ.

Việc bổ nhiệm ông Song không cần Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn, nhưng tân Bộ trưởng Quốc phòng phải tham gia buổi điều trần và trả lời các câu hỏi của các nghị sĩ.

Theo Nhà Xanh, ông Song thừa nhận trước đây đăng ký sai thông tin địa chỉ cư trú, một hành vi phạm tội hình sự ở Hàn Quốc. Nhiều vị trí bộ trưởng do Tổng thống Moon bổ nhiệm đang phải đối diện với cuộc chiến khó khăn trong Quốc hội về vấn đề này và các vấn đề đạo đức khác. Các nghị sĩ có thể chất vấn ông Song về các khía cạnh nói trên.(Vnexpress)
-----------------------------

Dân Nhật sống trong nỗi sợ tên lửa Triều Tiên

Lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, Nhật Bản tổ chức các cuộc diễn tập sơ tán đề phòng tình huống bị kẻ thù tấn công.

"Có tên lửa. Dường như một quả tên lửa vừa rời khỏi bệ phóng. Hãy sơ tán đến những tòa nhà kiên cố hoặc chỗ trú ẩn dưới lòng đất". Tiếng còi hụ báo động vang lên phá tan sự yên tĩnh và thanh bình của thành phố Sakata, phía bắc Nhật Bản. Lũ trẻ đang cười đùa ở sân trường bỗng im bặt, người dân dừng mọi hoạt động để nghe thông báo phát ra từ những chiếc loa phóng thanh công suất lớn.

Sáng 9/6, hơn 400 cư dân Sakata, đã tham gia cuộc diễn tập sơ tán, phòng trường hợp Triều Tiên tấn công tên lửa. Tất cả chỉ có chưa đầy 10 phút để đến nơi trú ẩn. Trong khi người già xếp hàng đổ vào nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng bằng bê-tông vững chãi thì lũ trẻ đang chơi ngoài trời nhanh chóng nằm rạp xuống đất và lấy tay che đầu.

Thành phố nhỏ Sakta, có dân số 100.000 người, nằm ven biển phía tây bắc Nhật Bản, cách địa điểm Triều Tiên tiến hành vụ phóng thử tên lửa gần đây nhất hơn 1.000 km.

Tháng trước, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa đạn đạo có tầm bay kỹ thuật 2.800 dặm (khoảng 4.500 km), dễ dàng biến toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản và đảo Guam của Mỹ thành mục tiêu tấn công.

"Sakata nằm sát biển Nhật Bản. Vì vậy, điều quan trọng là người dân phải biết tự bảo vệ trong trường hợp tên lửa của Triều Tiên tiến đến", thị trưởng Itaru Maruyama nói. "Chúng tôi diễn tập ứng phó với thảm họa thiên nhiên nhiều lần rồi nhưng với tên lửa thì chưa bao giờ".

Vào tháng 4, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, Nhật Bản hướng dẫn công dân sơ tán khi bị kẻ thù tấn công.

"Trước đây, tôi cảm thấy, những vụ thử tên lửa kiểu này không liên quan gì đến mình. Nhưng gần đây, Triều Tiên đẩy nhanh tần suất các vụ phóng tên lửa nên tôi không còn cảm thấy đó là vấn đề xa xôi và cuộc diễn tập như ngày hôm nay là rất cần thiết", một cư dân địa phương chia sẻ

"Nhờ cuộc diễn tập, chúng tôi sẽ được chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu", ông Mitsuharu Suzuki, 63 tuổi, nhớ lại năm 1973, chính quyền Sakata phát hiện ba gián điệp Triều Tiên vào Nhật bằng đường biển.

"Nằm đối diện với Triều Tiên vì vậy chúng tôi luôn cảm nhận thấy sự căng thẳng", ông Suzuiki nói.

Ông Shizuka Yamashina, 75 tuổi, một nông dân về hưu, cho biết căng thẳng với Triều Tiên đang ở mức tồi tệ nhất từ trước tới nay.

"Tôi nghe nói Triều Tiên muốn thiêu rụi Nhật Bản bởi vì chúng tôi là đồng minh của Mỹ", ông Yamashina vừa giãi bày vừa ngồi câu cá cùng bạn ở ngoài bến tàu, "Tôi hy vọng chúng ta có thể đối thoại với Triều Tiên và khiến tình hình bớt căng thẳng. Như thế còn hơn là dùng đến vũ lực".

"Tôi thực sự sợ bởi vì chúng ta không biết những quả tên lửa sẽ rơi trúng vào đâu?", ông Kiyoshi Sugimoto, thợ đánh bắt cá xa bờ, tỏ ra lo lắng. "Chúng tôi nên làm gì đây? Chúng tôi đâu thể chạy trốn".

"Điều tôi lo ngại là cuộc diễn tập này chưa bao gồm cách thức bảo vệ trước vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa có gắn đầu đạn vũ khí hóa học. Do vậy, chúng tôi tự hỏi sẽ làm gì nếu vũ khí hạt nhân hay hóa học được sử dụng. Hiện vẫn chưa có câu trả lời. Chúng tôi muốn nhà chức trách giải thích rõ ràng, cụ thể cần phải làm gì trong trường hợp đó", một người khác nói.(Vnexpress)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục