Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý tối 17-05-2017
- Cập nhật : 17/05/2017
Putin thúc đẩy hiện đại hóa quân đội Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin hối thúc hiện đại hóa quân đội, dựa trên nhu cầu bảo vệ biên giới và kinh nghiệm chiến đấu ở Syria.
"Kinh nghiệm chiến đấu thu được trong chiến dịch tại Syria cùng sự cần thiết nâng cao khả năng phòng thủ tại các lãnh thổ ở Bắc cực, biên giới phía tây và tây nam đòi hỏi chúng ta đánh giá lại cách tiếp cận vấn đề tái trang bị cho binh sĩ", RT dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong cuộc họp ngày 16/5 ở thành phố Sochi với các quan chức Bộ Quốc phòng và đại diện ngành công nghiệp quốc phòng.
Theo Tổng thống Putin, lệnh phòng thủ quốc gia năm 2016 được hoàn thành 97% nhưng vẫn còn những vấn đề nhất định chưa giải quyết. Ông yêu cầu Nga tập trung vào các vấn đề hệ thống có ảnh hưởng lớn tới việc hoàn thành mục tiêu năm 2017.
"Tôi muốn nhắc lại rằng chúng ta có kế hoạch nâng tỷ lệ vũ khí, khí tài hiện đại trong quân đội Nga lên 62%", Putin nhấn mạnh.
Đầu tháng 5, chính phủ Nga công bố báo cáo hoàn thành chương trình phát triển lớn được Putin lần đầu vạch ra năm 2012. Nga hiện chuẩn bị tạo ra thế hệ vũ khí, quân đội mới trong giai đoạn 2025 - 2030.(VNexpress)
-------------------
Việc ông Trump tiết lộ thông tin mật có thể 'khiến ai đó mất mạng'
Giới chức tình báo Mỹ cho rằng việc Tổng thống Donald Trump tiết lộ thông tin mật cho quan chức Nga là một sự việc nghiêm trọng, có thể gây ảnh hưởng tính mạng nguồn tin lẫn đẩy nhanh âm mưu của khủng bố.
Đài CBS ngày 16.5 dẫn lời các quan chức tình báo Mỹ đương nhiệm và đã về hưu nhận định rằng mức độ nghiêm trọng của vụ ông Trump tiết lộ thông tin mật cao hơn những gì mà ông và các cố vấn của Nhà Trắng tuyên bố.
Một cựu quan chức lo lắng rằng "biết đâu có người phải mất mạng" vì việc rò rỉ thông tin này., trong khi một nguồn khác lại cho rằng sự việc có thể đánh động khiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đẩy nhanh những âm mưu tấn công.
Theo đó, thông tin mà nguồn tình báo của Israel thâm nhập tổ chức của IS gửi về liên quan đến âm mưu cho nổ một máy bay chở khách đến Mỹ bằng một quả bom được giấu trong máy tính và có thể qua mắt được hệ thống soi chiếu an ninh tại sân bay. Mức độ tin cậy của thông tin được khẳng định qua việc giới chức Mỹ đang cân nhắc mở rộng lệnh cấm sử dụng máy tính trên các máy bay từ châu Âu sang Mỹ.
Tin tình báo được Israel chuyển cho Mỹ với điều kiện phải giữ kín nguồn tin. Tuy nhiên sau khi nghe báo cáo về thông tin này, ông Trump đã ngay lập tức kể lại với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Sergey Kislyak trong cuộc gặp ngày 10.5, ngay cả khi "không biết nguồn tin đó đến từ đâu" như lời cố vấn an ninh quốc gia H. R. McMaster xác nhận trong cuộc họp báo cuối ngày 16.5.
Chuyên gia an ninh Michael Morell phân tích với đài CBS rằng việc tiết lộ này có thể gây nguy cơ cho nguồn tin cài cắm trong nội bộ IS theo 2 cách. Thứ nhất, Nga có thể sẽ điều tra nguồn gốc của thông tin này để tìm hiểu xem những hoạt động của nước này tại Syria có bị theo dõi hay không. Bên cạnh đó, Nga cũng có khả năng chia sẻ lại thông tin cho các đồng minh tại Trung Đông như Iran hay Syria. Thứ hai, việc truyền thông đưa tin rầm rộ về sự việc, đặt nghi vấn về địa điểm mà nguồn tin này xuất phát có thể làm bại lộ danh tính của nguồn tin.
Chính vì những hệ lụy tiềm tàng đó mà ngay sau khi ông Trump tiết lộ với giới chức Nga, cố vấn an ninh nội địa Nhà Trắng Thomas Bossert đã gọi điện cho các cơ quan tình báo gồm CIA và NSA để nhanh chóng liên lạc đưa nguồn tin rút khỏi nơi đang hoạt động.
Theo ABC News, hành động của Tổng thống Trump bị cộng đồng tình báo đánh giá là sai lầm. "Nguy cơ thật sự không chỉ cho nguồn tin này mà còn cho những nguồn khác trong tương lai. Nga không thuộc liên quân chống IS. Họ không phải đối tác của chúng ta", cựu Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ Matt Olsen cho biết.
Trong khi đó, cựu đại sứ Mỹ tại Israel Dan Shapiro coi việc làm của ông Trump và đội ngũ cố vấn là bất cẩn và thiếu hiểu biết về việc bảo vệ thông tin nhạy cảm. Ông cũng cho rằng sự cố này sẽ khiến Israel cân nhắc cẩn thận về việc chia sẻ thông tin tình báo cho Mỹ trong tương lai.(Thanhnien)
--------------------------------
Đồng minh cân nhắc giới hạn tin tình báo cho Mỹ
Việc Tổng thống Donald Trump tiết lộ thông tin có độ nhạy cảm cao cho quan chức Nga đang đặt một số cơ quan tình báo đồng minh của Mỹ vào tình trạng khó xử.
“Đây là chuyện lớn, và chúng tôi muốn đảm bảo thông tin nhạy cảm được xử lý một cách thích đáng”, Đài CNN dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu, bổ sung rằng nước này sẽ không cắt đứt quan hệ hoàn toàn với Mỹ, nhưng có thể đánh giá lại thông tin được chia sẻ thông qua kênh chính trị.
Nhà ngoại giao, từ chối tiết lộ danh tính lẫn quốc gia, cho hay các cơ quan tình báo đồng minh của Mỹ có thể tìm cách chia sẻ thông tin cụ thể thông qua các kênh liên lạc chỉ thuộc về giới quan chức tình báo và quân sự cấp cao.
Một nhà ngoại giao châu Âu khác cũng cho biết phía châu Âu đang chờ đợi phía Mỹ trao đổi trên tinh thần hợp tác về vụ việc và tránh những biện pháp đơn phương từ Nhà Trắng.
Cuộc gặp song phương về an ninh hàng không và thiết bị điện tử chuẩn bị diễn ra tại Brussels vào ngày 17.5. Đây là dịp Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ Elaine Duke chia sẻ tin tức với đồng minh châu Âu. Và ai nấy đều bất ngờ vì ông Trump đã lựa chọn thông tin sớm cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trước khi chia sẻ với cấp bộ trưởng của các nước đồng minh.
Cựu Bộ trưởng quốc phòng và Giám đốc CIA Leon Panetta nhận định vụ lùm xùm về tin tình báo mới nhất có thể khiến Mỹ phải trả giá vì đánh mất lòng tin của các đồng minh chủ chốt.
“Tin tình báo không phải từ trên trời rơi xuống, mà có được vì chúng ta tung gián điệp đi khắp nơi, vì chúng ta tung những người sẵn sàng đánh đổi mạng sống, và vì chúng ta hợp tác với các cơ quan tình báo khác trên thế giới, giúp cung cấp dạng tin tức này”, ông Panetta nói.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cảnh báo rằng đồng minh có nguồn tin bị Mỹ chia sẻ với Nga có thể chấm dứt cung cấp tin tình báo cho Washington trong tương lai.(Thanhnien)
-------------------------------
Phát hiện hàng chục ngàn lính Mỹ xuất ngũ sớm từng bị tâm thần
Một báo cáo cho thấy nhiều binh sĩ Mỹ bị cho xuất ngũ sớm vì lý do hạnh kiểm xấu thật ra từng có các vấn đề về tâm thần.
Báo cáo của Văn phòng Kiểm toán chính phủ Mỹ (GAO) cho thấy có 91.764 binh sĩ bị buộc xuất ngũ sớm từ năm 2011-2015 vì hạnh kiểm xấu. Có đến 62% trong số này được chẩn đoán mắc các vấn đề về thần kinh trong vòng 2 năm trước đó.
Số binh sĩ này bị rối loạn sau sang chấn hoặc tổn thương não do sang chấn, theo một báo cáo mới của GAO.
Theo Reuters ngày 16.5, báo cáo này làm dấy lên nghi vấn về việc liệu quân đội Mỹ có chăm sóc các binh sĩ có vấn đề về tâm thần, hay chỉ việc "phủi tay" gạt họ ra khỏi hàng ngũ.
Trong số binh sĩ bị loại ngũ do hạnh kiểm xấu, 23% xếp trong nhóm bị loại “không theo hình thức danh dự”, đồng nghĩa với việc họ không được hưởng các lợi ích theo chế độ chăm sóc sức khỏe của Bộ Cựu chiến binh.
Hiện có nhiều ý kiến chỉ trích việc Mỹ không hỗ trợ cho các cựu chiến binh không có giấy xuất ngũ danh dự. Họ cũng cho rằng Hải quân Mỹ không khám sức khỏe hoặc theo dõi tình trạng của một số binh sĩ bị cho loại ngũ vì hạnh kiểm xấu.
Bộ trưởng Cựu chiến binh David Schulkin gần đây đã thông báo sẽ xem xét vấn đề này.(TN)