Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Nhật Bản cam kết cùng ASEAN bảo vệ biển
- Cập nhật : 17/05/2017
Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản Yutaka Murakawa tuyên bố hôm qua 16.5 tại Singapore chủ trương hỗ trợ ASEAN bảo vệ an ninh ở Biển Đông.
Phát biểu tại diễn đàn an ninh biển quốc tế (IMSC) trong khuôn khổ triển Hội thảo và triển lãm an ninh biển (IMDEX Asia) 2017, Đô đốc Murakawa cho hay 1/3 hàng hóa xuất, nhập khẩu của nước này đi qua Biển Đông. Vì thế, “Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia khác được hưởng lợi khi vùng biển này an toàn, an ninh”.
Tuy nhiên, an ninh ở Biển Đông đang đối mặt với nhiều thách thức. Bên cạnh vấn đề tranh chấp giữa nhiều quốc gia và nguy cơ quân sự hóa, Biển Đông còn bị đe dọa bởi nạn khủng bố, cướp biển, vận chuyển trái phép vũ khí hủy diệt, buôn lậu thuốc phiện, buôn người... Năm 2015, có đến 203 sự cố và hành động toan gây rối xảy ra trên vùng biển này, nhưng nhờ sự hợp tác, chia sẻ thông tin, phối hợp tuần tra hiệu quả giữa các nước trong khu vực mà con số trên đã giảm xuống còn 87 vụ trong năm 2016, ông Murakawa chỉ ra.
Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) hoạt động trên tinh thần thượng tôn công pháp quốc tế, như Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS), và chủ trương giải quyết các tranh chấp lãnh hải bằng luật pháp, Đô đốc Murakawa nói trước gần 400 chuyên gia từ các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, công nghiệp hàng hải, học giả và nhà nghiên cứu từ gần 60 quốc gia. Vậy nên, trong tình hình hiện nay, JMSDF dưới sự lãnh đạo của ông đang chủ động đẩy mạnh hợp tác, đặc biệt với các quốc gia ASEAN, nhằm kiến tạo “một trật tự an ninh biển theo luật pháp quốc tế” theo tinh thần Tuyên bố của ngoại trưởng các nước G7 về an ninh biển tại Nhật Bản hồi tháng 4.2016 và Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN về tự do hàng hải, hàng không và giải quyết tranh chấp ở Biển Đông hồi tháng 9.2016 tại Vientiane (Lào).
Theo đó, Nhật Bản sẽ hợp tác với các nước ASEAN trên 3 phương diện: hỗ trợ phương tiện, kỹ thuật giúp nâng cao năng lực bảo vệ biển, đẩy mạnh diễn tập và tuần tra chung nhằm tăng cường an ninh, và cổ vũ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Đô đốc Murakawa nói.
Biển ngày càng chật chội
Vùng biển châu Á - Thái Bình Dương hằng năm vận tải hơn 50% hàng hóa container của cả thế giới và đóng vai trò sống còn đối với mọi nền kinh tế trong khu vực. Trước các nguy cơ mất an ninh được đề cập ở trên, “các nước ASEAN, Úc, Trung Quốc và Ấn Độ đều tăng cường sức mạnh hải quân, trong đó ngân sách cho binh chủng này dự tăng 60% tính đến năm 2020”, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói trong bài phát biểu khai mạc IMDEX sáng 16.5.
Dẫn số liệu của nghiên cứu về ngành quốc phòng AMI International, Bộ trưởng Ng cho hay vào năm 2030, vùng châu Á - Thái Bình Dương sẽ có thêm khoảng 800 chiến hạm so với hiện nay. Riêng đội tàu ngầm, vào thời điểm 2016, vùng biển Thái Bình Dương có khoảng 200 tàu hoạt động, và theo ước tính dựa trên số đơn hàng, con số này sẽ tăng lên đến 350 chiếc vào năm 2025.
Biển vì thế ngày càng chật chội và tranh lấn ngày càng tăng lên, đó là nhận định của những người đứng đầu lực lượng hải quân các quốc gia tham gia thảo luận tại IMSC. Chính vì vậy, hợp tác, đối tác, tránh cạnh tranh, đối đầu, nhằm giữ cho vùng biển ổn định và an ninh, là thông điệp không chỉ đến từ Đô đốc Murakawa của Nhật Bản, mà còn từ Tham mưu trưởng hải quân Mỹ - Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ - Đô đốc Sunil Lanba... Đô đốc Richardson cũng nhấn mạnh hợp tác, đối tác không chỉ giữa các lực lượng hải quân hay cảnh sát biển, mà còn phải mở rộng với các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp quốc phòng.
Thục Minh (từ Singapore)
Theo Thanhnien.vn