Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý chiều 20-05-2017

  • Cập nhật : 20/05/2017

Mỹ thay đổi chiến thuật đánh IS

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vừa công bố chính thức thay đổi chiến thuật đấu tranh với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Iraq và Syria từ đẩy lùi sang bao vây đối phương.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Sự thay đổi còn thể hiện ở cách thức chuyển những lực lượng có đủ quyền và sức mạnh đến các điểm thực địa để đấu tranh với IS.

Lý do dẫn đến sự thay đổi là cần phải ngăn chặn nguy cơ các chiến binh IS đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới có thể quay trở về tiếp tục cuộc chiến tại quê nhà.

Thông báo trên được đưa ra tại cuộc họp báo diễn ra ngày 19/5 tại Washington với sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford và đại diện đặc biệt của Tổng thống về vấn đề phối hợp với các nước trong cuộc chiến chống lại IS.

Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh, Tổng thống Trump đã ra lệnh đẩy mạnh cuộc chiến chống IS và sự thay đổi chiến thuật chính là nhằm thực hiện mệnh lệnh trên.

Về quan hệ với Nga, mặc dù có những sự cố xảy ra, Washington vẫn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống IS.(Viettimes)
-------------------------------------------

Cựu cố vấn ông Trump được phía Nga xem là 'đồng minh'

Trong thời gian diễn ra bầu cử Mỹ năm 2016, nhiều quan chức Nga từng “ba hoa” trong các cuộc đối thoại rằng họ có mối quan hệ tốt với tướng Michael Flynn và có thể sử dụng ông để tạo ảnh hưởng lên ông Donald Trump và đội ngũ, hãng tin CNN cho biết.

Thông tin về các cuộc đối thoại trên khiến nhiều quan chức tình báo Mỹ đặc biệt lo ngại.

Một số quan chức đã tự chủ động hạn chế chia sẻ các thông tin nhạy cảm với tướng Flynn, nhiều quan chức Mỹ đương nhiệm và đã về hưu tiết lộ với CNN. “Cách các quan chức Nga nói về ông ấy là một thông tin đáng báo động ngay từ đầu” - một người chia sẻ với CNN. Một cựu quan chức khác thời Tổng thống Obama cũng đánh giá mối quan hệ này là một nguy cơ an ninh quốc gia tiềm năng.

Cựu cố vấn ông Trump được phía Nga xem là 'đồng minh' - ảnh 1
Nhiều quan chức Nga từng “ba hoa” trong các cuộc đối thoại rằng họ có mối quan hệ tốt với tướng Michael Flynn. Ảnh: AP

Các nguồn tin cho biết nhiều quan chức tình báo Mỹ đã ghi nhận được các cuộc đối thoại bóng gió rằng Nga xem ông Flynn là một "đồng minh". Mối quan hệ này đã được xây dựng trong suốt năm 2016, nhiều tháng trước khi tình báo Mỹ chặn được các cuộc gọi giữa ông Flynn và đại sứ Nga tại Washington, ông Sergey Kislyak. Cuộc gọi này cùng các công bố sai sự thật của ông Flynn khi bị chất vấn đã dẫn đến các áp lực trong và ngoài Nhà Trắng khiến ông phải từ chức cố vấn an ninh quốc gia Mỹ.

Nhiều quan chức dưới thời ông Obama đặc biệt lo ngại về tính chất cuộc điện thoại giữa ông Flynn và ông Kislyak, được thực hiện không lâu sau khi Tổng thống Barack Obama đưa ra các lệnh trừng phạt mới với Nga vì cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ.

Theo CNN, ông Flynn đã trấn an đại sứ Nga rằng chính quyền của tân Tổng thống Trump mong muốn Nga không đáp trả các lệnh trừng phạt này. Ngay hôm sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố không đám trả lệnh trừng phạt của Tổng thống Obama. Các nguồn tin của CNN cũng cho biết tướng Flynn đã nói trước với đại sứ Nga rằng chính phủ mới sẽ xem xét lại các lệnh trừng phạt một khi chính thức nhậm chức.

Cựu cố vấn ông Trump được phía Nga xem là 'đồng minh' - ảnh 2
Khi được Phó Tổng thống Mike Pence hỏi về cuộc điện thoại với Đại sứ Kislyak, ông Flynn đã đưa ra các khẳng định sai sự thật. Ảnh: REUTERS

Một số quan chức tình báo Mỹ cho rằng có thể phía Nga cũng đã phóng đại sức ảnh hưởng của họ đối với đội ngũ của ông Trump trong các cuộc đối thoại. Luật sư của ông Michael Flynn đã từ chối bình luận về các thông tin này khi được CNN liên hệ.

Trong khi đó, phản hồi CNN, một quan chức Nhà Trắng khẳng định: “Chúng tôi tự tin rằng một khi các cuộc điều tra được hoàn tất, sẽ không tìm thấy bất kỳ chứng cứ nào cho thấy mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử (của ông Trump) và phía Nga. Vấn đề này sẽ không làm tổng thống và chính phủ phân tâm khỏi mục tiêu mang công việc trở về cho người dân Mỹ và đảm bảo an toàn cho nước Mỹ”.(PLO)
-----------------------

Vùng trời Hoa Đông nổi gió

Chỉ trong một ngày, lần lượt xảy ra 2 vụ đối đầu giữa máy bay Trung Quốc với máy bay Mỹ và Nhật Bản trên không phận biển Hoa Đông

Đại diện quân đội Mỹ cho biết 2 chiến đấu cơ Su-30 của Trung Quốc hôm 18-5 tiếp cận "không chuyên nghiệp" máy bay dò phóng xạ WC-135 Constant Phoenix khi nó đang di chuyển trong không phận quốc tế ở biển Hoa Đông. Thậm chí, theo đài CNN, một trong hai chiếc Su-30 của Trung Quốc có lúc chỉ cách chiếc WC-135 Constant Phoenix khoảng 45 m. 

Trung tá Lori Hodge, phát ngôn viên Không lực Mỹ, cho biết Washington đã nêu vụ việc với Bắc Kinh thông qua các kênh ngoại giao và quân sự. Ông Hodge nói thêm vụ việc xảy ra trong lúc chiếc WC-135 Constant Phoenix đang thực hiện nhiệm vụ thường lệ và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từ chối bình luận về vụ việc cụ thể nói trên mà chỉ phản ứng chung chung: "Tàu và máy bay của Mỹ đã tiến hành các hoạt động giám sát gần Trung Quốc trong thời gian dài, có thể dễ dàng gây hiểu nhầm, đánh giá sai hoặc những sự cố không mong muốn trên biển và trên không. Chúng tôi hy vọng phía Mỹ tôn trọng những lo ngại an ninh hợp lý của Trung Quốc".

thiet bi bay gan tau canh sat bien trung quoc o bien hoa dong anh: kyodo

Thiết bị bay gần tàu cảnh sát biển Trung Quốc ở biển Hoa Đông Ảnh: KYODO

 

Đây không phải cuộc chạm trán đầu tiên giữa máy bay Trung Quốc và Mỹ trong năm nay. Hồi tháng 2, một chiếc máy bay do thám P-3 của Hải quân Mỹ và máy bay quân sự Trung Quốc bay chỉ cách nhau 300 m ở gần bãi cạn Scarborough trên biển Đông. Mỹ gọi hành động này của máy bay Trung Quốc là "không an toàn và thiếu thận trọng".

Cũng trong ngày 18-5, Nhật Bản triển khai 4 máy bay, trong đó có 2 chiến đấu cơ F-15, đến vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để đối phó 4 tàu cảnh sát biển và "máy bay không người lái" của Trung Quốc xuất hiện tại đó. "Tình hình đang leo thang và hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi cho rằng đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Nhật Bản" - bà Tomomi Inada, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, chỉ trích trong buổi họp báo hôm 19-5. 

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Tokyo đã phản đối mạnh mẽ vụ việc và cáo buộc Bắc Kinh đơn phương leo thang căng thẳng tại vùng biển quanh quần đảo do Nhật kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền này.

Hai vụ đối đầu trên xảy ra một ngày sau khi Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, lần đầu tiên đến thăm Trạm quan sát bờ biển Yonaguni trên quần đảo cực Nam Ryukyu. Cơ sở này được Tokyo đưa vào hoạt động vào năm ngoái, dẫn đến phản ứng giận dữ của Bắc Kinh bởi nó nằm cách Senkaku/Điếu Ngư chỉ 150 km về phía Nam. 

Các nhà hoạch định Nhật Bản nhận định cơ sở này là một phần chiến lược nhằm ngăn Trung Quốc gây rối ở Tây Thái Bình Dương giữa lúc Bắc Kinh tìm cách tăng cường kiểm soát biển Đông.

Việc Tokyo không ít lần bày tỏ lo ngại trước những hành động khiêu khích của Bắc Kinh ở biển Đông cũng khiến Trung Quốc nóng mặt. Mới nhất, Nhật Bản cùng New Zealand hôm 17-5 nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. 

Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và người đồng cấp New Zealand Bill English tại Tokyo, hai nhà lãnh đạo kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và phán quyết của PCA, cũng như sớm hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). 

"Với tất cả những việc làm này, Nhật Bản đang gây rắc rối bằng mọi cách và phóng đại những gì mà họ gọi là "tình hình căng thẳng" vốn không hề tồn tại" - bà Hoa Xuân Oánh lớn tiếng chỉ trích hôm 18-5. (NLĐ)
-----------------------------

Trung Quốc chưa hết "giận" thủ tướng Singapore?

Giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc không mời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” hồi tuần trước nêu bật mối quan hệ còn căng thẳng giữa hai nước.

Trong 10 thành viên ASEAN, chỉ có 3 nước không có nguyên thủ tham dự diễn đàn tại thủ đô Bắc Kinh là Singapore, Thái Lan và Brunei.

Dẫn đầu phái đoàn Singapore dự diễn đàn là ông Lawrence Wong, Bộ trưởng Phát triển quốc gia Singapore.

Trả lời phỏng vấn truyền thông Singapore, ông Lawrence Wong cho biết lời mời do phía Trung Quốc quyết định. Đây là sự thừa nhận chính thức đầu tiên về việc Thủ tướng Lý Hiển Long không được mời dự diễn đàn. 

Văn phòng Thủ tướng Lý Hiển Long không bình luận về vấn đề này.

 

thu tuong singapore ly hien long. anh: pmo

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: PMO

 

Thậm chí, một số nước có ít quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh hơn cũng cử nguyên thủ quốc gia đến dự hội nghị, trong đó có Fiji, Chile, Hy Lạp và Hungary.

Các chuyên gia về chính sách đối ngoại cho rằng sự vắng mặt của ông Lý Hiển Long rõ ràng cho thấy mức độ ảnh hưởng sau cuộc tranh cãi ngoại giao kéo dài giữa hai nước hồi năm ngoái.

Ông Xue Li, một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng việc Trung Quốc quyết định không mời lãnh đạo Singapore cho thấy Bắc Kinh ngày càng tin rằng quốc đảo này chỉ tìm kiếm lợi ích kinh tế từ Trung Quốc trong khi dựa vào Mỹ về an ninh.

"Trung Quốc đang dần nhận ra điều đó và không quan tâm việc thủ tướng Singapore có tham dự hay không" - ông Xue nhìn nhận.

Trong khi đó, ông Michael Tai, một nhà quan sát quan hệ Singapore-Trung Quốc tại Trường ĐH Cambridge (Anh), cho hay việc Trung Quốc không mời Thủ tướng Lý cho thấy quốc đảo sư tử vẫn chưa cải thiện quan hệ với Bắc Kinh từ vụ tranh cãi về Hội nghị thượng đỉnh Phong trào Không liên kết hồi năm ngoái. 

Ông Tai có ý nhắc đến cuộc tranh cãi giữa Đại sứ Singapore tại Bắc Kinh Stanley Loh và tờ Thời báo Hoàn cầu về bài viết nói lên quan điểm của Singapore về vấn đề tranh chấp biển Đông trong hội nghị nói trên.

Quan hệ 2 nước còn bị tác động bởi vụ 9 xe quân sự Singapore bị hải quan Hồng Kông tạm giữ hồi tháng 11-2016 khi đang trên đường về sau khi tham dự tập trận ở Đài Loan. 

Ông Chong Ja Ian, chuyên gia về chính sách ngoại giao Trung Quốc tại Trường ĐH Quốc gia Singapore, nói rằng: "Chúng ta có thể đoán được Trung Quốc tỏ thái độ không vui về các vấn đề này với người đứng đầu chính phủ Singapore".

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc gây áp lực đối với ông Lý. Vài tháng trước khi nhậm chức thủ tướng vào tháng 8-2004, ông Lý từng khiến Trung Quốc tức giận sau khi có chuyến đi đến Đài Loan và đề nghị làm trung gian cho cuộc gặp giữa lãnh đạo hòn đảo này và Bắc Kinh. 

Khi đó, Trung Quốc, vốn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, cho rằng hành động trên là sự can thiệp vào chuyện nội bộ của nước này và tạm thời đình chỉ các hoạt động trao đổi ngoại giao cấp cao.(NLĐ)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 20-05-20172

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 20-05-2017

    Hơn 1 triệu người ký đơn kiến nghị luận tội ông Trump; Mỹ, Philippines kết thúc cuộc tập trận chung 'Vai kề vai'; Phản ứng của Trung Quốc trước cuộc tập trận Ấn Độ​-Singapore; Quốc hội Đức thông qua các biện pháp cứng rắn hơn về di trú

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-05-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 20-05-2017

    Chiến dịch tranh cử của Trump bị điều tra hình sự;  Bê bối chính trị tại Hàn Quốc: Quyền Bộ trưởng Tư pháp từ chức; Tiêm kích Nhật Bản chặn UAV của Trung Quốc; Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc

Bài cùng chuyên mục