Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý 17-05-2017
- Cập nhật : 17/05/2017
EU ủng hộ việc tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga
Sputnik đưa tin, sau cuộc họp Hội đồng Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels hôm 15/5, Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski cho biết các ngoại trưởng EU ủng hộ việc tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Ông Waszczykowski trả lời báo chí: "Phần lớn những người phát biểu (trong cuộc họp) đều công nhận cần tiếp tục tiến hành các biện pháp trừng phạt. Nga là một quốc gia bất hợp tác, không thực hiện thỏa thuận Minsk nên sẽ không còn gì để tranh luận."
Quan hệ giữa Moskva và phương Tây xấu đi từ năm 2014 sau khi Crimea bỏ phiếu sáp nhập với Nga và xung đột vũ trang leo thang tại miền đông Ukraine.
Cáo buộc Moskva đóng vai trò quan trọng trong xung đột tại Ukraine, EU và Mỹ đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt lên Nga. Phía Nga liên tục bác bỏ cáo buộc này.
Tháng 2/2015, các bên đối lập trong xung đột Ukraine đã ký thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm áp dụng lệnh ngừng bắn tại khu vực(Vietnam+)
------------------------------------
Australia công bố chi tiết về siêu dự án đóng tàu hải quân
Australia ngày 16/5 đã công bố chi tiết kế hoạch đóng tàu quy mô lớn, theo đó sẽ đóng mới hàng chục tàu ngầm và tàu chiến nhằm nâng cao năng lực phòng thủ của hải quân nước này.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ngày 16/5 cho biết Dự án đóng tàu Hải quân trị giá 89 tỷ AUD (tương đương 66,1 tỷ USD) của chính quyền Canberra là khoản đầu tư lớn nhất cho lực lượng hải quân thời bình của nước này.
Dự án sẽ cung cấp cho Australia những tàu ngầm hải quân hàng đầu thế giới và nhiều tàu chiến cùng 5.000 việc làm.
Phát biểu tại Xưởng đóng tàu hải quân Osborne gần thành phố Adelaide, ông Turnbull nhấn mạnh bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, kế hoạch này cũng sẽ thực hiện việc đóng 12 tàu ngầm hải quân thế hệ mới, 9 khinh hạm và 12 tàu tuần tra xa bờ, cùng 19 tàu tuần tra cho các quốc gia láng giềng khu vực Thái Bình Dương.
Theo ông Turnbull, đây là ví dụ điển hình trong việc thực hiện các cam kết của Chính phủ Australia nhằm tăng cường đầu tư kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
Tại lễ công bố dự án này, ông Turnbull nhấn mạnh mục tiêu thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp đóng tàu của Australia bằng chính sức lao động của công nhân Australia, tại các xưởng đóng tàu Australia và sử dụng các nguồn lực trong nước.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho hay kế hoạch đóng tàu được thiết kế nhằm đảm bảo năng lực, sức mạnh và sự linh hoạt tối đa cho quân đội nước này.(Vietnamplus)
----------------------------------------
Ông Duterte muốn Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ gia nhập ASEAN
Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), Tổng thống Philippines Duterte nói rằng lãnh đạo của các nước Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ bày tỏ mong muốn gia nhập ASEAN. Philippines là nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN. ASEAN hiện gồm 10 nước thành viên: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Phát biểu với báo giới trên đường trở về nước ngày 16-5 sau khi dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” tại Trung Quốc, ông Duterte cho biết ông đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Mông Cổ Jargaltulga Erdenebat. Hai nhà lãnh đạo này đã đề nghị ông hỗ trợ các nước này gia nhập ASEAN. Ông đã phản hồi tích cực đối với đề nghị của hai nhà lãnh đạo trên.
Tổng thống Philippines đã phản hồi tích cực về đề nghị gia nhập ASEAN của Mông Cổ và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: SCMP
“Họ muốn gia nhập ASEAN và vì tôi đang giữ chức chủ tịch, họ muốn tôi hỗ trợ họ gia nhập và tôi nói ‘Được, tại sao không’” – ông Duterte nói.
Tổng thống Duterte cho biết Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, đã đặt câu hỏi liệu vị trí địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ có giúp họ đủ điều kiện gia nhập ASEAN hay không. Theo Tổng thống Philippines, hai nước này có thể gia nhập và Thổ Nhĩ Kỳ dường như lưỡng lự về việc có thể là cầu nối giữa châu Âu và châu Á, hoặc chỉ thuộc về châu Á.
Là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và giáp biên Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ có lãnh thổ nằm ở cả châu Á và châu Âu. Đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của nước này dây dưa trong nhiều năm qua.
Mông Cổ đã tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn là đối tác đối thoại không chỉ với ASEAN mà còn với các nước khác như Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Hiện chưa có phản hồi tức thì từ Ban thư ký ASEAN về thông tin trên. Các quốc gia trong khu vực như Đông Timor, Papua New Guinea trong nhiều năm qua cũng có nguyện vọng xin gia nhập ASEAN nhưng đến giờ chỉ nắm giữ vị trí quan sát viên.(PLO)
-----------------------
Tàu phòng thủ tên lửa Mỹ sẽ thử nghiệm đánh chặn gần Hawaii
Một tàu chiến Mỹ neo đậu gần Hawaii sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo sắp tới.
Tàu tuần tra tên lửa MV Pacific Collector của hải quân Mỹ đang neo đậu tại cảng Aloha Tower thuộc Hawaii sẽ tham gia tích cực vào một cuộc thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo vào cuối tháng 5, theo Military.
MV Pacific Collector có chiều dài hơn 125 m, được trang bị 2 radar hình cầu cao 7 m, hiện thuộc sở hữu của Cục Quản lý hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, nhưng thường xuyên tham gia hỗ trợ các nhiệm vụ của Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA).
MV Pacific Collector được triển khai đến vùng biển phía đông bắc Hawaii vào tháng 6/2014, thường được sử dụng để phát hiện và theo dõi tên lửa ở giai đoạn giữa và cuối của hành trình bay.
Phát ngôn viên của MDA Chris Johnson cho biết cơ quan này thường không đề cập đến những khí tài và thiết bị được sử dụng trong một cuộc thử nghiệm đánh chặn tên lửa trước khi chúng dược diễn ra, nhưng xác nhận lần đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trunng sắp tới sẽ diễn ra vào tháng 5.
Đây sẽ là lần đầu tiên hệ thống đánh chặn từ mặt đất ở California thử nghiệm bắn hạ một tên lửa đạn đạo đối phương ở giai đoạn giữa của hành trình bay trên Thái Bình Dương.
Vụ thử nghiệm đánh chặn lần này sẽ được giám sát chặt chẽ để xác định liệu những cải tiến mới trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có đem lại hiệu quả trong bối cảnh Triều Tiên đang tăng tốc phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công căn cứ Mỹ ở Hawaii và lục địa.
Mỹ hiện sở hữu 36 hệ thống đánh chặn tên lửa từ mặt đất được triển khai ở Alaska và California nhằm bảo vệ đất liền và lãnh thổ Hawaii trước các cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Con số này sẽ tăng lên 44 hệ thống trước cuối năm 2017.
Tuy nhiên, báo cáo của Văn phòng Kiểm tra Vũ khí thuộc Lầu Năm Góc vào tháng 12/2016 nhận định rằng các hệ thống có giá trị lên đến 40 tỷ USD này của Mỹ vẫn chưa đạt được độ tin cậy cao trong khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. (Vnexpress)