Sự phát triển nhanh của xã hội hiện đại có thể vượt tầm kiểm soát truyền thống của Đảng Cộng sản và đây là thách thức lớn nhất đối với giới cầm quyền Trung Quốc.
Trung - Nhật: Hệ lụy của tranh chấp lãnh thổ dai dẳng
- Cập nhật : 12/10/2016
Tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang gây đe dọa đến ổn định tài chính tại Đông Á, và cùng với nó là cả nền kinh tế toàn cầu.
Đâu là mối đe dọa ngắn hạn lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới? Hai câu trả lời rõ ràng nhất là cuộc khủng hoảng nợ công chưa hồi kết tại châu Âu và thời kỳ khắc khổ đang tới gần tại "hòn đá tảng tài chính" Mỹ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng trên hết các nguy cơ ấy chính là tình thế nan giải xung quanh các tranh chấp lãnh thổ đối với một số hòn đảo nhỏ tại Đông Á.
Tâm điểm của các cuộc tranh chấp này nằm ở ba nền kinh tế lớn trong khu vực: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Bắc Kinh và Tokyo mâu thuẫn về chủ quyền quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) và quan trọng hơn là trữ lượng dầu khí tiềm năng xung quanh vùng biển này. Trong khi đó, Nhật Bản cũng có tranh chấp tương tự với Hàn Quốc xung quanh quần đảo Takeshima (hay Dokdo theo tiếng Hàn Quốc), nơi cũng có trữ lượng năng lượng lớn.
Mặc dù tranh chấp đối với các vùng lãnh thổ này đã tồn tại từ mấy chục năm nay, nhưng căng thẳng trong khu vực gần đây mới tăng nhiệt khi tất cả các bên cùng ra sức thực thi các tuyên bố sở hữu và các nhà lãnh đạo lợi dụng cuộc tranh chấp để tạo đòn bẩy cho mình trong hoạt động chính trị. Điều này đặt ra mối quan ngại về triển vọng ổn định chiến lược - và kinh tế - trong khu vực.
Nguy cơ bất ổn tại Đông Á không phải mới mẻ gì. Từ đầu những năm 1990, khi chiến tranh lạnh bắt đầu lui vào sử sách, một số chuyên gia quan hệ quốc tế đã bày tỏ lo ngại rằng Đông Á sẽ trở nên giống với châu Âu của đầu thế kỷ 20 - một khu vực đa cực với một cường quốc trỗi dậy gây đe dọa (trong trường hợp này là Trung Quốc,) và các thể chế khu vực yếu.
Tuy nhiên, đến cuối thập niên đó, triển vọng ổn định và hợp tác khu vực vẫn đang còn cao. Hầu hết các tiến bộ đạt được diễn ra trên mặt trận tài chính. Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính 1997 quét qua toàn bộ khu vực, cả ba quốc gia lớn và khối 10 quốc gia nhỏ hơn tại Đông Nam Á đều có chung nhận thức là Đông Á cần một mạng lưới an toàn tài chính.
Năm 2010, hệ thống kênh tín dụng khẩn cấp giữa các ngân hàng trung ương được khai sinh và từ đó đã phát triển thành một quỹ ngoại hối khu vực với quy mô 240 tỷ USD. Thương mại giữa các quốc gia trong khu vực tăng lên đáng kể.
Gần đây hơn, ngay sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nâng cấp các kênh tín dụng khẩn cấp hiện có giữa các ngân hàng trung ương với nhau. Và chỉ vừa năm ngoái, Trung Quốc và Nhật bản đã thống nhất bắt đầu thực hiện các giao dịch thương mại bằng nội tệ của nhau nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nền kinh tế.
Các tranh chấp biển đảo đang đe dọa cản trở tất cả những thành tựu đạt được. Ba sự kiện gần đây thể hiện rõ các căng thẳng lãnh thổ đang lan sang lĩnh vực kinh tế.
Đầu tiên, sự cuồng nhiệt của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đã dẫn tới cuộc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản, khiến cho doanh số xe hơi Nhật Bản tại Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 9. Các hãng xe hơi lớn của Nhật cho biết họ sẽ rút các hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Tính chung xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc đã giảm 14% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước, theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính Nhật Bản.
Vụ việc thứ hai gây căng thẳng diễn ra đầu tháng này khi Nhật Bản và Hàn Quốc chấm dứt hiệu lực 57 tỷ USD mở rộng của một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa hai ngân hàng trung ương - mà thực chất là một kênh tín dụng khẩn cấp. Hai nước phủ nhận những vấn đề lãnh thổ đã dẫn tới việc chấm dứt hiệu lực này, nhưng lý do đưa ra rất thiếu thuyết phục. Nguy cơ đối với ổn định tài chính toàn cầu cũng đang lớn dần, mang đến một bầu không khí mà những thỏa thỏa thuận như trên có giá trị hết sức quan trọng.
Thứ ba, Trung Quốc quyết định không cử đại diện tham gia hội nghị thương niên của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào đầu tháng này. Lý do? Tokyo là chủ nhà đăng cai tổ chức sự kiện.
Những dấu hiệu khác cũng đáng lo ngại. Sản lượng xe hơi của Nhật Bản bán sang Hàn Quốc cũng đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, nhiều khách du lịch Trung Quốc trước đây từng dự định tới tham quan Nhật Bản thì nay chuyển sang lựa chọn những điểm đến mới.
Thời điểm xảy ra cả ba sự kiện này không thể tồi tệ hơn cho nền kinh tế toàn cầu.
Trong báo cáo tháng 10 về Triển vọng kinh tế thế giới, IMF đã cảnh báo, nguy cơ suy giảm nghiêm trọng trên toàn cầu đang ở mức đáng báo động". Đông Á vẫn là khu vực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu kể từ năm 2008. Khi mà những khó khăn kinh tế tại Mỹ và châu Âu nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn cho tới năm sau, thì hoạt động kinh tế của Đông Á càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu hơn bao giờ hết.
Cho tới nay, Mỹ chủ yếu vẫn tỏ thái độ trung lập cho dù khi tranh chấp gia tăng. Chính quyền Mỹ tới đây - dù là thuộc đảng nào - cũng nên giải quyết các vấn đề kinh tế và lãnh thổ bằng cách công khai thúc và quyết liệt thúc đẩy một giải pháp quốc tế cho các cuộc khủng hoảng.
Các sự kiện gần đây, đặc biệt là việc Trung Quốc tập trận quân sự trên biển Hoa Đông, rõ ràng cho thấy rằng chính phủ Mỹ không thể coi đó đơn thuần là một vấn đề khu vực. Trong khi các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo chưa có dấu hiệu kết thúc sớm, sự can dự của Mỹ có thể tạo cơ hội cho cả ba nước có những bước đi cần thiết nhằm hạ nhiệt tình hình và sưởi ấm nền kinh tế toàn cầu đang trong cơn lạnh cóng.
Tác giả: Đình Ngân theo csmonitor
Nguồn: Tuần Việt Nam