Tin Biển Đông

 
 
 

Trung Quốc một thập kỷ tới sẽ như thế nào?

  • Cập nhật : 12/10/2016

Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 17 đang họp kỳ cuối cùng để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 18 sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 15-11-2012 tới. Đây là một trong những sự kiện được dư luận quốc tế chú ý.

Ông Tập Cận Bình (trái) người được dự đoán sẽ thay ông Hồ Cẩm Đào (bên phải)
Ông Tập Cận Bình (trái) người được dự đoán sẽ thay ông Hồ Cẩm Đào (bên phải)


Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức năm năm một lần. Nhưng nhân sự lãnh đạo cao cấp nhất của đảng này thường được bố trí theo hướng đảm đương hai nhiệm kỳ, tức là 10 năm. Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc trở thành sự kiện quan trọng vì ở đó sẽ diễn ra tiến trình chuyển giao quyền lực lãnh đạo cho một thập kỷ mới ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Về nhân sự, gương mặt nổi bật nhất, được dư luận cho là sẽ trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trong một thập kỷ tới là ông Tập Cận Bình (59 tuổi), hiện là Phó Chủ tịch nước Trung Quốc. Tại Đại hội 18, Tập Cận Bình sẽ lên thay thế ông Hồ Cẩm Đào làm Tổng Bí thư mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đến tháng 3-2013 sẽ đảm nhận chức Chủ tịch nước CHND Trung Hoa. Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường (57 tuổi) có thể sẽ được đưa lên để thay thế Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Họ thuộc lớp lãnh đạo “thế hệ thứ năm” của Trung Quốc kể từ khi thành lập nước CHND Trung Hoa vào năm 1949.

Những quyết định về nhân sự và các vấn đề chính sách sẽ đặt ra phương hướng cho Trung Quốc trong thập kỷ tới sẽ là trọng tâm chi phối Đại hội lần thứ 18. Thường thì mỗi kỳ đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc có những quan điểm mới, tiếng nói mới được đưa ra. Đường lối phát triển mới của Trung Quốc trong thời kỳ mới sẽ như thế nào cũng là mối quan tâm của dư luận. Trong mười năm qua, Trung Quốc xây dựng và phát triển một xã hội “hài hòa”, còn mười năm tới, theo kế hoạch của Trung Quốc đặt ra mục tiêu sẽ xây dựng một xã hội “khá giả”. Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ đề ra con đường đi tới mục tiêu này.

Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh về kinh tế và đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Cùng với sự phát triển về kinh tế, Trung Quốc cũng tăng cường sức mạnh quân sự và điều chỉnh chiến lược toàn cầu theo hướng muốn ngang tầm với vị thế kinh tế. Đã qua giai đoạn “giấu mình chờ thời” trong sách lược của Đặng Tiểu Bình, giờ đây Trung Quốc đã trỗi dậy trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới. Sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc và những triển khai chiến lược nhằm khẳng định và nâng cao vị thế mới của nước này vô hình trung đặt ra những thách thức cho nhiều nước trên thế giới. Các nước lớn như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản... đã điều chỉnh chiến lược, tính toán cho phù hợp với sự phát triển của Trung Quốc trên cơ sở bảo vệ lợi ích của mình.

    NGUYỄN KHẮC ĐỨC
Theo Công An

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục