Trung Quốc phải học hỏi cẩn thận bài học lịch sử của chính quyền nhà Thanh về việc tiến hành cải cách xã hội và chính trị toàn diện, nếu không quá trình hiện đại hóa quân sự có thể trở thành một thảm họa đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Senkaku sẽ căng thẳng hơn sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền?
- Cập nhật : 12/10/2016
Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ có nhiều khả năng sẽ gây sức ép lớn với Nhật Bản để củng cố quyền lực của mình.
Tờ China Times của Đài Loan ngày 29/10 đưa tin, Nhật Bản đang tìm cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Hoa Đông trước khi thế hệ lãnh đạo mới của đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp quản hoàn toàn quyền lực vào tháng 3 năm sau với nhận định rằng Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ có nhiều khả năng sẽ gây sức ép lớn với Nhật Bản để củng cố quyền lực của mình.
Tập Cận Bình gần như chắc chắn sẽ trở thành nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sau đại hội 18. |
Nhiều khả năng ông Tập Cận Bình sẽ kế nhiệm chức vụ Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc từ Hồ Cẩm Đào trong đại hội 18 tới đây và sẽ tiếp quản nốt chức vụ Chủ tịch nước vào năm sau.
Các nguồn thạo tin trong giới ngoại giao cho hay đã có sự hiểu lầm giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với động thái quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku của chính phủ Nhật Bản hồi tháng trước.
Theo đó Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã từng liên hệ với Bắc Kinh để thông báo rằng động thái này của chính phủ Nhật Bản nhằm ngăn chặn một động thái còn gây kích động hơn của cựu Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara.
Nhận thấy ông Ishihara đang xúc tiến việc thay mặt chính quyền địa phương Tokyo mua lại nhóm đảo này từ người chủ sở hữu tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng trên đó, chính phủ trung ương Nhật Bản đã ra tay trước để mua lại nhóm đảo này với cam kết giữ nguyên hiện trạng và hy vọng cách xử lý này sẽ ít gây náo động hơn từ phía Trung Quốc.
Thế nhưng động thái này đã dẫn tới phản ứng giận dữ từ phía Bắc Kinh và châm ngòi cho phong trào biểu tình chống Nhật rầm rộ khắp Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. |
Nội các của Thủ tướng Noda cho rằng động thái này là nhằm ổn định hóa sự quản lý của chính quyền, và họ đã nhận được phản ứng từ phía Trung Quốc rằng điều đó là “có thể hiểu được”. Thế nhưng gần đây người ta mới biết rằng hóa ra phía Nhật Bản chỉ tiếp xúc với một quan chức thân Nhật Bản trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người có quan điểm từ lâu đã bị giới lãnh đạo trung ương bác bỏ.
Đó là lý do tại sao Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã gặp gỡ Thủ tướng Noda bên lề hội nghị APEC ở Nga vào ngày 09/9, hai ngày trước khi Nhật Bản thông báo quyết định quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku, để làm rõ lập trường của Bắc Kinh đối với vấn đề này và tuyên bố Trung Quốc sẽ không tha thứ cho hành động mà nước này coi là sự vi phạm chủ quyền Trung Quốc.
Các nguồn thạo tin cho hay: “Nếu Noda biết trước rằng Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách quyết liệt hơn, có lẽ ông ấy đã chọn giải pháp khác”, đồng thời khẳng định rằng Thủ tướng Noda đã rất bất ngờ với mức độ phản đối quyết liệt từ phía Trung Quốc.
Sau động thái quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku của Nhật Bản, nhà cầm quyền Trung Quốc đã cho phép người dân bày tỏ nỗi giận dữ bằng các cuộc biểu tình chống Nhật, tấn công vào các cơ quan ngoại giao cũng như các cơ sở kinh doanh và hàng hóa của Nhật Bản ở Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình chống Nhật rầm rộ khắp Trung Quốc hồi tháng 9. |
Các nguồn tin trong giới ngoại giao Trung Quốc cho rằng ít có khả năng Nhật Bản chịu công khai thừa nhận có tồn tại tranh chấp lãnh thổ trên nhóm đảo Senkaku và chỉ chịu đàm phán về quyền kiểm soát nhóm đảo này.
Lối thoát duy nhất cho cả hai bên trong cuộc tranh chấp này là xử lý vấn đề theo quan điểm “bất đồng trong giả định” và quay trở lại với chính sách “gác tranh chấp cùng phát triển” của Đặng Tiểu Bình và mỗi bên đều duy trì cách diễn giải của mình về vấn đề tranh chấp. Đây chính là chính sách đã được áp dụng trong quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc.