Tin Biển Đông

 
 
 

Bài học lịch sử: TQ có thể dùng vũ lực giải quyết tranh chấp Senkaku

  • Cập nhật : 12/10/2016

Trong 6 cuộc tranh chấp lãnh thổ gần đây, Trung Quốc đều đã sử dụng đến vũ lực. Và những vụ tranh chấp này đều rất giống với những gì đang diễn ra hiện nay trên nhóm đảo Senkaku.
 

Tình hình căng thẳng tranh chấp chủ quyền trên nhóm đảo Senkaku giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã bước sang tháng thứ 2 mà không hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, cuộc đối đầu giữa hai nước hiện nay ẩn chứa nhiều nguy hiểm hơn nhiều người vẫn tưởng.

Tờ Wall Street Journal ngày 28/10 đăng bài phân tích về cách hành xử của Trung Quốc trong quá khứ đối với các vấn đề tranh chấp lãnh thổ như một minh chứng cho thấy căng thẳng trên Senkaku sẽ có nhiều khả năng bùng nổ thành một cuộc xung đột lớn.

Căng thẳng trên Senkaku có nhiều khả năng bùng nổ thành một cuộc xung đột lớn.


Kể từ năm 1949, Trung Quốc đã tham gia vào 23 cuộc tranh chấp lãnh thổ cả trên đất liền và trên biển với các quốc gia láng giềng. 17 cuộc tranh chấp lãnh thổ đã được dàn xếp thông qua con đường thỏa hiệp. Tuy nhiên trong 6 cuộc tranh chấp còn lại, Trung Quốc đều đã sử dụng đến vũ lực. Và những vụ tranh chấp này đều rất giống với những gì đang diễn ra hiện nay trên nhóm đảo Senkaku.

Trung Quốc thường chỉ sử dụng vũ lực trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng có tiềm lực quân sự mạnh. Trong đó phải kể đến những cuộc chiến tranh hoặc đụng độ lớn với Nhật Bản, Nga cũng như những cuộc khủng hoảng với Đài Loan. Những quốc gia này đều có khả năng và tiềm lực ngăn chặn được tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong các cuộc tranh chấp với các nước yếu hơn, chẳng hạn như Mông Cổ hoặc Nepal, Bắc Kinh tránh không dùng đến vũ lực vì họ có thể tiến hành đàm phán trên vị thế của kẻ mạnh. Còn Nhật Bản hiện nay lại là quốc gia láng giềng trên biển hùng mạnh nhất của Trung Quốc với lực lượng hải quân hiện đại và Cảnh sát biển quy mô lớn.

Tàu khu trục hạm đội Nam Hải diễn tập bắn đạn thật thời gian gần đây


Trung Quốc thường sử dụng vũ lực nhiều nhất trong các cuộc tranh chấp trên các hòn đảo ngoài khơi giống như Senkaku. Trên tuyến biên giới đất liền, Trung Quốc chỉ sử dụng vũ lực trong 1/5 số cuộc tranh chấp. Còn trong các cuộc tranh chấp biển đảo, Trung Quốc sử dụng vũ lực trong 50% số vụ tranh chấp. Các hòn đảo được coi là có giá trị lớn hơn về mặt chiến lược, quân sự và kinh tế vì chúng có ảnh hưởng tới an ninh hàng hải và có thể chứa đựng nguồn tài nguyên khổng lồ về dầu khí và hải sản.

Ngoài ra, Trung Quốc thường sử dụng vũ lực để củng cố vị trí trong các cuộc tranh chấp khi nước này chiếm được rất ít hoặc không chiếm được phần lãnh thổ tranh chấp nào. Chẳng hạn như năm 1988, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền (phi pháp, vô lý – PV) trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng không kiểm soát được bất cứ phần lãnh thổ nào ở đây trước khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép một số bãi đá trong quần đảo này.

Trong trường hợp Trung Quốc đã chiếm được một phần lãnh thổ tranh chấp, chẳng hạn như trong vụ tranh chấp biên giới với Kazakhstan, Trung Quốc có lợi thế “mặc cả” và có ít lý do để sử dụng vũ lực. Nhưng trên biển Hoa Đông hiện nay, Trung Quốc không nắm được bất cứ hòn đảo nào trên nhóm đảo Senkaku vốn đang thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản.

Cảnh sát biển Nhật Bản trên nhóm đảo Senkaku. Hiện Nhật Bản là nước kiểm soát thực tế nhóm đảo này.


Điều quan trọng nhất là Trung Quốc thường sử dụng vũ lực giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong các thời kỳ “nhạy cảm”, khi các nhà lãnh đạo nước này cho rằng các thế lực thù địch bên ngoài tìm cách lợi dụng các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và rằng cách phản ứng yếu ớt có thể làm gia tăng sự bất mãn trong dân chúng.

Trong con mắt của người Trung Quốc những động thái của Nhật Bản trên nhóm đảo Senkaku giống như những nỗ lực nhằm lợi dụng những khó khăn mà Trung Quốc đang gặp phải. Căng thẳng giữa hai nước bắt đầu vào hồi tháng 4 khi Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara thông báo kế hoạch mua ba hòn đảo trong nhóm đảo Senkaku. Kế hoạch này của ông Ishihara được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh tước bỏ hết mọi chức vụ của Ủy viên Bộ chính trị Bạc Hy Lai trong vụ bê bối được coi là lớn nhất trong chính giới Trung Quốc trong hơn hai thập kỷ qua.

Kế hoạch mua đảo của ông Ishihara được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bạc Hy Lai bị tước hết mọi chức vụ.


Lập trường ngoại giao của Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn khi nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp hơn dự kiến khiến cho giới lãnh đạo Bắc Kinh ngày càng lo lắng. Thế rồi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda bất ngờ tuyên bố quyết định mua nhóm đảo Senkaku vào tháng 7, tháng kỷ niệm sự kiện Lư Cầu (Marco Polo Bridge incident) đánh dấu sự xâm lược của Nhật Bản đối với Trung Quốc diễn ra vào ngày 07/7/1937. Cuối cùng, thương vụ mua đảo này được tiến hành vào tháng 9, chỉ vài ngày trước khi kỷ niệm cuộc xâm lược Mãn Châu năm 1931 của Nhật Bản.

Nhân tố gây bất ổn cuối cùng trong tranh chấp Senkaku là thực tế rằng cả hai nước đều đang tham gia vào các cuộc tranh chấp biển đảo khác. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak gần đây đã phá lệ và trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên tới thăm nhóm đảo Takeshima/Dokdo hiện đang tranh chấp với Nhật Bản.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang tuyên bố chủ quyền (phi lý và phi pháp -PV) đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV) trên Biển Đông. Cả Tokyo và Bắc Kinh có lẽ đều đi đến kết luận rằng ai giành được ưu thế trên Senkaku sẽ có nhiều cơ hội giành thắng lợi hơn trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ khác.

Hạm đội Đông Hải phối hợp với Hải giám, Ngư chính Trung Quốc tổ chức diễn tập trên vùng biển gần nhóm đảo Senkaku.


Lịch sử không phải lúc nào cũng lặp lại. Trung Quốc đã không dùng đến vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ suốt hơn 20 năm qua. Tình hình leo thang tranh chấp trên Senkaku có thể tránh được. Tuy nhiên, tình hình hiện nay trên nhóm đảo này vẫn ẩn chứa đầy nguy cơ.

Chỉ cần một sự cố nhỏ xảy ra giữa tàu công vụ của hai nước vốn đang dàn ra “gầm gừ” với nhau hàng ngày trên vùng biển này, một cuộc xung đột thật sự có thể nổ ra mà không ai dám chắc rồi nó sẽ đi đến đâu.

 

Bảo Thành (Nguồn: Wall Street Journal)
Theo báo Giáo dục Việt Nam


 

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục