Tin Biển Đông

 
 
 

Quân cờ Trung Quốc trong bầu cử Tổng thống Mỹ

  • Cập nhật : 12/10/2016

Không có nơi nào trên thế giới mà trong chương trình tranh cử tổng thống lại đem vấn đề đối phó với Trung Quốc hay chính xác là với sự nguy hại của Trung Quốc ra làm con bài để lấy lòng cử tri như ở Mỹ...

Trung Quốc nguy hại tới cỡ nào?

Đã mấy lần tranh cử Tổng thống Mỹ, chính sách đối ngoại đều trở thành một nội dung quan trọng trong các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên. Nga từng là đối tượng để các đảng phái sử dụng hòng giành thêm phiếu bầu. Và lần này cũng không ngoại lệ, chỉ có điều yếu tố Trung Quốc trong cuộc tranh cử Tổng thống ở Mỹ năm nay có phần gay gắt hơn.

Cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Obama và Romney hôm 22/10 tập trung vào chính sách đối ngoại, bao gồm mọi vấn đề nóng trên thế giới từ Trung Quốc đến Iran, Syria và Libya. Nhưng vấn đề Trung Quốc, chính xác là tính chất nguy hại của Trung Quốc đối với kinh tế và an ninh Mỹ đã được hai ứng cử viên nêu bật để đả kích nhau.

Nhìn chung quan điểm của hai ứng cử viên đều cam kết áp dụng đường lối cứng rắn hơn với Bắc Kinh nhưng với cách thức khác nhau. Trong cuộc tranh luận, ông Romney đã nhắc lại lời cam kết, nếu đắc cử thì ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ông sẽ tố cáo Trung Quốc là nước thao túng thị trường tiền tệ. Ông cũng cáo buộc Trung Quốc giữ giá trị đồng Nhân dân tệ ở mức thấp một cách giả tạo để tràn ngập thị trường thế giới bằng việc xuất khẩu hàng hóa với giá rẻ mạt.

Ông Romney nói: “Họ cướp công ăn việc làm của chúng ta. Họ đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế, kỹ thuật của chúng ta. Họ thâm nhập vào các máy tính và làm giả mạo hàng hóa của chúng ta”.

Tuy nhiên, dù sử dụng những ngôn từ cứng rắn, ông Romney cũng tránh không đề cập tới khả năng mở ra trận chiến thương mại với Trung Quốc nếu ông thắng trong cuộc bầu cử sắp diễn ra vào ngày 6/11 này. Romney đã tố cáo Obama là đã gượng nhẹ Trung Quốc cho dù nước này là một kẻ lũng đoạn hệ thống tiền tệ, “từ năm này qua năm khác” đã cố tình gìm giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD để chiếm lĩnh các thị trường thế giới, gây hại cho kinh tế Mỹ cũng như nhiều nước khác.

Việc cả Obama và Romney đều cam kết áp dụng đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh bực bội

Lời cáo buộc của ứng cử viên đảng Cộng hòa đã bị Obama quyết liệt phản bác. Theo Tổng thống Mỹ, dưới nhiệm kỳ của ông, Trung Quốc đã phải nâng giá đồng Nhân dân tệ “vì chúng ta đã mạnh mẽ thúc đẩy họ, gây áp lực thương mại chưa từng thấy và điều đó sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm ở nước Mỹ”. Không chỉ nhấn mạnh đến việc làm của chính quyền Mỹ, ông Obama còn tố cáo ngược lại đối thủ là từng về hùa với Trung Quốc.

Ông nói: “Khi Romney nói về việc cần phải cứng rắn với Trung Quốc, ta không nên quên rằng ứng viên Romney là người đã đầu tư vào các công ty đi đầu trong việc thuê gia công tại Trung Quốc và hiện đang đầu tư vào các công ty chế tạo thiết bị giám sát cho Trung Quốc để họ do thám người dân của họ”.

Ông Obama cam kết hợp tác với Trung Quốc, cường quốc đang trỗi dậy, mặc dù có sự bất đồng về nhiều vấn đề thương mại và mặc dù Mỹ bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc - lên tới mức gần 300 tỉ USD hồi năm ngoái. Obama nói: “Trung Quốc là một đối thủ nhưng cũng là một đối tác đầy tiềm năng trong cộng đồng quốc tế nếu nước này chịu tuân thủ các luật lệ”.

Cuộc khẩu chiến giữa Obama và Romney về Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh giận dữ. Giới truyền thông Trung Quốc đả kích luận điệu chống Trung Quốc trong các cuộc tranh luận giữa các ứng viên Tổng thống Mỹ. Tân Hoa xã bình luận: “Dù muốn hay không, dù thuộc đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, tổng thống sắp tới của Mỹ cũng phải làm dịu xuống những lời lẽ khoa trương cứng rắn đối với Trung Quốc mà họ đã phát biểu trong cuộc vận động tranh cử”.

Obama bất lực với Trung Quốc?

Khi mới bắt đầu nhiệm kỳ cách đây 4 năm, Tổng thống Barack Obama tin rằng, ông có thể đạt được những bước tiến rõ rệt trong mối quan hệ với Trung Quốc. Giới chức trong chính quyền bày tỏ mong muốn mở rộng và làm sâu sắc hơn các cuộc đối thoại với Bắc Kinh, đồng thời giảm bớt những lĩnh vực còn bất đồng. Tuy nhiên, trong bài viết đăng trên Báo Realclearpolitics (Mỹ), Aaron Friedberg - Giáo sư chuyên về chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Princeton - đã chỉ ra những thất bại trong chính sách của chính quyền Obama trong nhiệm kỳ vừa qua.

Trong chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc trên cương vị Ngoại trưởng, bà Hillary Clinton đề nghị rằng, từ nay trở đi, Mỹ và Trung Quốc không nên để những tranh cãi về dân chủ, nhân quyền làm ảnh hưởng đến nỗ lực chung của hai nước nhằm tập trung “giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu và an ninh toàn cầu”.

Phía Mỹ đã tránh sử dụng thuật ngữ “bao vây, ngăn chặn”, được đưa ra dưới thời Tổng thống George W. Bush để mô tả những nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì thế cân bằng lực lượng ở Đông Á, thay vào đó khẳng định, Washington và Bắc Kinh từ nay nên theo đuổi chính sách “tái khẳng định chiến lược” với nhau.

Thế nhưng, đề nghị này đã không được Bắc Kinh đáp lại. Thay vào đó, từ năm 2009-2010, Bắc Kinh đưa ra lập trường đối ngoại ngày càng quyết đoán - thậm chí là “hung hăng” - với các nước láng giềng và cả với Mỹ. Lý do của thay đổi này là chủ đề được bàn cãi trong giới học giả. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều nhà phân tích Trung Quốc và các quan chức nước này cho rằng, sức mạnh của Mỹ đang suy giảm, thậm chí còn giảm nhanh hơn mong đợi.

Ý thức được những thách thức nội tại của mình, có thể lãnh đạo Trung Quốc nghĩ rằng, một lập trường cứng rắn và kích động tinh thần dân tộc sẽ giúp họ duy trì được sự ủng hộ của dân chúng.

Trong hơn hai năm qua, chính quyền Obama đã đáp trả hành động quyết đoán của Trung Quốc bằng việc thể hiện sự cứng rắn và đưa ra cam kết chiến lược “trở lại châu Á”. Ngoài các biện pháp khác, chính quyền Obama tuyên bố Mỹ có lợi ích chiến lược trong tự do hàng hải ở Biển Đông và đưa ra kế hoạch gửi binh sĩ tới Australia và triển khai tàu chiến ở Singapore.

Tuy nhiên, chính sách này của ông Obama đã vấp phải một số vấn đề. Dù chính quyền Mỹ đã tìm cách giảm tính nghiêm trọng của thuật ngữ “trở lại châu Á” bằng các ngôn từ khác như “tái cân bằng lực lượng ở châu Á”, song thuật ngữ này cũng gây ra những khó khăn đáng kể về ngoại giao cho Mỹ. “Trở lại Châu Á” có nghĩa là Mỹ đang trong tiến trình thoát khỏi châu Âu và Trung Đông, trong khi Trung Quốc lại chỉ trích Mỹ hành xử hung hăng, làm gia tăng căng thẳng khu vực.

Ngoài ra, chính sách này của Mỹ thiếu sức mạnh. Kế hoạch cắt giảm quy mô của hải quân, phương tiện chủ yếu để triển khai sức mạnh của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một ví dụ. Khi tới châu Á, chính quyền Obama nói thì to nhưng cầm cây “gậy” quá nhỏ. Các đồng minh, bạn bè của Mỹ trong khu vực hoan nghênh việc Mỹ quan tâm hơn nữa đến châu Á nhưng họ lại lo ngại Mỹ không đủ nguồn lực để triển khai lực lượng ở khu vực này.

Những thất bại trong chính sách này đã đem đến những kết quả đáng thất vọng trong quan hệ với Trung Quốc. Về kinh tế, Bắc Kinh tiếp tục kìm giá đồng Nhân dân tệ, trợ giá cho các ngành xuất khẩu, từ chối thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Kết quả là trong 4 năm qua, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc ngày càng tăng, làm mất nhiều việc làm của người dân Mỹ.

Về chính trị, bất chấp lời “cầu xin” từ Washington, Trung Quốc không giúp đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này. Tại Liên Hiệp quốc, Trung Quốc ngăn cản Mỹ và phương Tây thông qua các nghị quyết để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Như vậy, rõ ràng người Trung Quốc dường như không ấn tượng với chính sách “trở lại châu Á” của ông Obama. Trung Quốc tiếp tục gây áp lực với các nước láng giềng trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, tìm cách đổ lỗi căng thẳng cho Mỹ và các nước đồng minh. Những thất bại này trong chính sách đối với Trung Quốc cho thấy chính quyền mới của Mỹ cần có biện pháp tiếp cận khác.

Tân Tổng thống Mỹ sẽ làm gì với Trung Quốc?

Ông Patrick Chovanec - Giáo sư kinh tế Mỹ cho rằng, dù đảng Dân chủ tiếp tục nắm quyền hay đảng Cộng hòa đổi ngôi thành công đều phải thận trọng đối với nhiều vấn đề liên quan tới Trung Quốc. Vị Giáo sư quốc tịch Mỹ ở Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) này cảnh báo các ứng cử viên tổng thống Mỹ rằng, trong vài tháng tới và trong vòng một năm sau khi lên cầm quyền, họ nên chú ý tới 3 vấn đề liên quan tới Trung Quốc. Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc không chỉ giảm tốc độ tăng trưởng, hơn thế còn đang trải qua thời kỳ cải tạo sâu sắc.

Theo Giáo sư Chovanec, hiện nay, bong bóng đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế tốc độ cao của Trung Quốc đã vỡ và trước mắt sẽ không có biện pháp kích thích nào được chuẩn bị sẵn. Vào cuối năm 2012, tại Trung Quốc sẽ xuất hiện khủng hoảng tài chính ở một hình thức nào đó. Khả năng này rất hiện thực.

Thứ hai, Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực và trong tiến trình đó đã xuất hiện một số trắc trở. Dẫu vậy, cuối cùng việc chuyển giao quyền lực vẫn được thực hiện, nhưng những “khúc nhạc đệm” xen vào tiến trình chuyển giao quyền lực sẽ khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể dành toàn lực để ứng phó với các vấn đề kinh tế ngày một rõ ràng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, họ vẫn còn nhiều thời gian, nhưng dường như họ không biết rõ tính nghiêm trọng và tính khẩn cấp của tình hình, hơn nữa, những biện pháp vốn phát huy tác dụng nay đã mất đi sự linh nghiệm.

Thứ ba, những phiền phức mà các vấn đề kinh tế của Trung Quốc gây ra cho Mỹ. Trước tiên là việc Trung Quốc thông qua chính sách đồng Nhân dân tệ yếu để thúc đẩy xuất khẩu sẽ xung đột trực tiếp với cam kết của ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney. Bên cạnh đó phải thấy rằng, Trung Quốc đã bắt đầu bán phá giá một số sản phẩm sản xuất dư thừa như sắt thép ra thị trường thế giới. Việc này tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại quốc tế cũng như làm trầm trọng hơn sự mất cân bằng trong thương mại quốc tế.

Cuối cùng là cục diện tồi tệ nhất: Trung Quốc có thể bất chấp rủi ro, châm ngòi xung đột tại Biển Đông nhằm chuyển hướng quan tâm chú ý của người dân sang các “kẻ thù” của nước này.

Giáo sư Chovanec nhấn mạnh, những phân tích nêu trên của ông không tồn tại cách nhìn phiến diện mang tính đảng phái và thích hợp với cả ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa lẫn ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ. Giáo sư Chovanec cũng cho biết, ông không có ác ý nhằm làm dấy lên sự đả kích của người Trung Quốc, chỉ vạch ra một cách khách quan sức phá hoại cực lớn mà Trung Quốc có thể gây ra. Nếu Trung Quốc “lắc lư” khi bước trên con đường tương lai và không biết đi về đâu, đây mới là điều Mỹ đáng phải lo lắng.

Tóm lại, tổng thống mới phải xác định nhiệm vụ hàng đầu là củng cố sức mạnh trong nước cả về kinh tế, chính trị và quân sự. Mỹ sẽ không thể mạnh nếu không chấm dứt được tình trạng thâm hụt ngân sách, không giảm được khoản nợ công khổng lồ của mình.


H. Phan - S. Phương
Theo Petrotimes

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục