Ngoài những đường chồng lấn trên bản đồ, tình thế đối đầu đã xuất hiện tại các khu vực tranh chấp lãnh thổ Biển Đông.
Thấy gì từ Sách trắng 'Australia trong Thế kỷ châu Á'?
- Cập nhật : 12/10/2016
Chính phủ Australia ngày 28/10 đã công bố Sách trắng "Australia trong thế kỷ châu Á", trong đó vạch ra một lộ trình đưa Australia đến thành công trong bối cảnh châu Á đang trỗi dậy.
Thủ tướng Julia Gillard muốn Australia "nối vòng tay lớn" với châu Á
Tài liệu về chính sách này liệt kê 25 mục tiêu để giúp Australia nắm bắt được thời cơ khi châu Á đột tiến vào khoảng năm 2025. Các mục tiêu này được xếp vào 5 lãnh vực chính: kinh tế, giáo dục, kỹ năng, thương mại, an ninh vùng và văn hóa.
Theo Andrew MacIntyre, Hiệu trưởng Đại học châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Australia, Sách trắng là nguồn động lực mạnh mẽ, bao trùm nhiều lĩnh vực cho giai đoạn tiếp theo của quá trình Australia hội nhập sâu hơn vào khu vực. Những thông điệp và sáng kiến trong Sách trắng là hoàn toàn đúng đắn. Thử nghiệm tiếp theo là nhằm vào sự nỗ lực của chính phủ và quan trọng hơn là phản ứng của cộng đồng Australia trong giai đoạn thay đổi tư duy.
Trước hết, Sách trắng đã đánh giá quy mô thay đổi đang diễn ra tại châu Á và đưa ra nhận định về ảnh hưởng tiềm ẩn trong tương lai. Điều này không chỉ nằm ở sự thay đổi ở một vài nước cụ thể hay thậm chí toàn bộ khu vực châu Á mà là ở quy mô toàn cầu. Sự thay đổi lớn lao và nhanh chóng này đòi hỏi Australia phải điều chỉnh lợi ích quốc gia cho phù hợp.
Thứ hai, Sách trắng nhấn mạnh yếu tố quyết định chủ yếu đối với thịnh vượng của Australia là duy trì nền kinh tế ổn định. Trọng tâm cho việc này là tăng năng suất theo hướng bền vững trong thời gian dài. Năng suất kinh tế không chỉ thúc đẩy cơ hội cải thiện tiêu chuẩn sống mà còn cả khả năng cải cách các thể chế và nâng cao lợi ích quốc gia trên trường quốc tế.
Thứ ba, cũng là điểm chứa nhiều lợi ích nhất, Sách trắng đưa ra một loạt vấn đề cần chuẩn bị cũng như sáng kiến xây dựng quan hệ tầm quốc gia hướng vào châu Á. Danh sách này hết sức ấn tượng, bao trùm tất cả các khu vực của cộng đồng-chính phủ, giới kinh doanh, giáo dục cũng như các khu vực sáng tạo. Vấn đề quan trọng nhất trong đó là đạt được mục tiêu 1/3 lãnh đạo cơ quan chính phủ, các công ty và dịch vụ công cộng của Australia có kiến thức cũng như kinh nghiệm sâu rộng về châu Á.
Trong lĩnh vực giáo dục, Australia mong muốn học sinh được học tập đáng kể về châu Á và được tiếp cận với ít nhất một ngôn ngữ châu Á ưu tiên. Ở cấp đại học, chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ đẩy mạnh số lượng sinh viên được tiếp cận với tài liệu về châu Á, kể cả bằng ngôn ngữ châu Á, đồng thời nâng cao tích lũy kinh nghiệm giao lưu học tập. Các trường học ở các cấp được khuyến khích thiết lập quan hệ công tác với châu Á nhằm tăng cường trao đổi ý tưởng hai chiều.
Liên kết nhân dân sẽ được đẩy mạnh thông qua 12.000 danh hiệu phần thưởng của Australia trong vòng 5 năm nhằm trao tặng cho các cá nhân có triển vọng để họ có điều kiện học tập tốt hơn cũng như tăng cường xây dựng quan hệ. Các thỏa thuận lao động và du lịch với các nước châu Á cũng sẽ được mở rộng.
Hơn nữa, Chính phủ Australia cũng cam kết tăng gấp đôi nỗ lực loại bỏ các rào cản đối với sự hội nhập kinh tế của Australia vào châu Á, cả trong nước và khu vực, đồng thời tăng cường quan hệ ngoại giao, kể cả thông qua củng cố ngoại giao kinh tế và doanh nghiệp.
Các sáng kiến chiến lược bao gồm việc Australia khuyến khích đại diện nhiều hơn của các nước châu Á trong các tổ chức quốc tế như ủng hộ sự đóng góp toàn diện của Trung Quốc vào phát triển khu vực cũng như ủng hộ Mỹ tiếp tục là nhân tố giúp duy trì ổn định tại đây. Quan hệ với ba cường quốc đang trỗi dậy (Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia) là ưu tiên đặc biệt trong chính sách của Australia.
Câu hỏi được đặt ra là chính phủ hiện nay cũng như các chính phủ tiếp theo sẽ thực sự làm gì. Đa phần các thành viên chủ chốt của Quốc hội Australia hiểu rõ thách thức của thế kỷ châu Á. Vấn đề xuyên suốt là Australia sẽ đặt ưu tiên cho các sáng kiến này như thế nào trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Một vấn đề khác không kém tầm quan trọng là khả năng sắp xếp phối hợp với các đối tác ở cấp nhà nước.
Khả năng trỗi dậy của Australia trước những cơ hội và thách thức mà sự thay đổi của châu Á mang lại phụ thuộc vào lựa chọn và hành động của toàn xã hội. Các nhà lãnh đạo chính trị có thể vạch ra phương hướng, điều phối nguồn lực và khuyến khích hành động. Tuy nhiên, quyết định của các nhà lãnh đạo kinh tế ở cả các doanh nghiệp lớn và nhỏ, lãnh đạo các nhà trường cũng như các tổ chức thông tin đại chúng, cộng đồng, các thể chế văn hóa… mới là yếu tố quyết định tốc độ và hiệu quả của quá trình thay đổi.
Sách trắng "Australia trong thế kỷ châu Á" đã đưa ra lộ trình tốt và nhờ tập trung nỗ lực, Australia hoàn toàn có thể đóng góp mạnh mẽ vào thế kỷ châu Á và trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình thay đổi của khu vực này.
Tuy nhiên những gì mà chính phủ Thủ tướng Julia Gillard nêu ra trong Sách trắng lại không được phe đối lập ở nước này đồng tình. Lãnh đạo đối lập Tony Abbott tuyên bố đảng ông ủng hộ đường lối cải thiện quan hệ với châu Á nhưng ông chỉ trích rằng Sách trắng "Thế kỷ châu Á" không nêu ra những chi tiết chính yếu. “Nội dung toàn là những điều mà ai cũng biết và không có gì mới. Những mục tiêu được đề ra là đáng hoan nghênh nhưng bạch thư không nêu rõ những hoạt động cụ thể và chắc chắn là chính phủ chưa biểu lộ sự quyết tâm của họ bằng cắt đặt ngân sách cho các chương trình”, ông Abbott nhận xét. Ông cũng lập lại lời chỉ trích cố hữu là chính phủ Gillard yếu kém trong việc quản lý nền kinh tế.
Thượng nghị sĩ Đảng Xanh Richard Di Natale cho rằng dù bạch thư "Thế kỷ châu Á" nhận định vấn đề đúng đắn, chính phủ cần phải hành động như lời nói. “Chúng ta đã nghe những lời hùng biện tuyệt vời. Lộ trình nhìn chung cũng khá, nhưng cho tới nay thì đó chỉ là hoài bão. Cái mà chúng ta thực sự cần bây giờ là hành động, và Australia chỉ có thể cạnh tranh nếu chúng ta đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu…”-ông nhận xét.
H.Phan (Theo AFP)
Theo Petrotimes