Nhật báo Phố Wall của Mỹ ngày 28/10 cho biết, cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đã bước sang tháng thứ hai và nguy hiểm hơn nhiều so với người ta tưởng.
Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Trung Á để làm gì?
- Cập nhật : 12/10/2016
Nga vừa gia hạn thời gian đồn trú quân tại Tajikistan đến năm 2042, đồng thời ký với Ucraina thỏa thuận cho phép hạm đội hải quân Nga duy trì hiện diện tại Biển Đen và cùng với Nam Osseita và Abkhazia thiết lập các căn cứ quân sự. Những sự kiện này nói nên điều gì?
Ngày 5/10, Tổng thống Nga Putin thăm Tajikistan và chứng kiến lễ ký thỏa thuận triển hạn các căn cứ quân sự của Nga tại đây
Việc khôi phục không gian hậu Xôviết là một trong những mục tiêu chính trong nhiệm kỳ thứ ba của Tổng thống Nga Vladimir Putin, được bắt đầu từ tháng 5/2012. Mátxcơva nhận thức rõ về sự hiện diện của Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại Trung Á, một khu vực luôn được Nga coi là thuộc phạm vi ảnh hưởng của mình. Giới lãnh đạo quân sự Nga không tin Mỹ sẽ hoàn toàn rút khỏi khu vực này vào năm 2014, thời điểm các lực lượng NATO dự kiến rút khỏi Afghanistan. Để chuẩn bị cho kịch bản trên, Nga đang tăng cường các căn cứ quân sự trong khu vực. Tháng 4 vừa qua, phát biểu trước các nghị sỹ Thượng viện Nga, Tổng thống Putin nói: "NATO là mô hình kế thừa giai đoạn Chiến tranh Lạnh”, đồng thời khẳng định Nga kiên quyết phản đối NATO mở rộng ảnh hưởng bởi tổ chức này có tham vọng trở thành một tổ chức có cấu trúc toàn cầu.
Ngày 5/10, tại thủ đô Dushanbe (Tajikistan), dưới sự chứng kiến của Tổng thống Nga Putin và Tổng thống nước chủ nhà Emomali Rahmon, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký kết một thỏa thuận, theo đó Tajikistan cho phép Nga duy trì các căn cứ quân sự tại nước này đến năm 2042.
Được triển khai tại Tajikistan từ năm 1989 sau khi rút quân khỏi Afghanistan, thỏa thuận Nga-Tajikistan đã được bắt đầu từ năm 1999 và kết thúc năm 2014. Theo thỏa thuận mới, thời hạn đồn trú của quân đội Nga sẽ kéo dài 30 năm và hiện diện đến ít nhất là năm 2042. Nga đã trải qua các cuộc đàm phán khó khăn để đạt được thỏa thuận với Tajikistan. Dushanbe đã không đòi tiền thuê căn cứ quân sự và các binh sỹ Nga cũng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao vì thực hiện sứ mệnh góp phần bảo đảm hòa bình và an ninh tại Tajikistan và trong khu vực Trung Á.
Tajikistan đánh giá biên giới với Afghanistan là một trong những tuyến đường chính vận chuyển thuốc phiện của Afghanistan thâm nhập không gian hậu Xôviết. Để được Tajikistan chấp thuận cho Nga hiện diện quân sự, Mátxcơva đã thông báo tài trợ 5 triệu USD cho Tajikistan trong cuộc chiến chống buôn lậu ma túy. Tajikistan có thể mua các trang thiết bị đặc biệt và đào tạo lực lượng cảnh sát ma túy. Nga cũng sẽ tạo điều kiện cho các lao động người Tajikistan tại Nga. Công nhân lao động của các nước Trung Á tại Nga hàng năm gửi về nước một lượng ngoại tệ lớn. Theo đánh giá, hơn một triệu người Tajikistan đang làm việc tại Nga và mỗi năm chuyển về nước khoảng 3 tỷ USD, chiếm gần 50% GDP của Tajikistan.
Căn cứ không quân của Nga tại Kant (Kyrgyzstan)
Trong chuyến thăm các lực lượng vũ trang Nga, Tổng thống Putin đã tuyên bố sự hiện diện của căn cứ quân sự Nga tại Tajikistan là một “nhân tố quan trọng” giúp duy trì ổn định và là căn cứ tiền đồn đảm bảo an ninh cho các nước thành viên Cộng đồng Các Quốc gia Độc lập (SNG) tại một khu vực quan trọng và rất phức tạp, trong đó một số vấn đề bắt nguồn từ tình hình Afghanistan. Tổng thống Putin cũng đánh giá căn cứ không quân tại Kant (Kyrgyzstan) và các căn cứ tại Tajikistan có nhiệm vụ “bảo vệ các lợi ích của Nga” và của khu vực Trung Á. Tổng thống Nga và Tổng thống Tajikistan cũng khẳng định sự cần thiết phải “tham gia tích cực” vào các sự kiện tại Afghanistan để thực hiện một tiến trình hợp tác khu vực.
Tại Biển Đen, Nga đã đảm bảo sự hiện diện quân sự của mình đến giữa thế kỷ 21. Năm 2010, Nga đã ký với Ucraina một thỏa thuận cho phép hạm đội hải quân Nga duy trì hiện diện tại Biển Đen đến năm 2042. Cùng thời điểm trên, Nga cũng đã ký với Nam Osseita và Abkhazia - các vùng lãnh thổ tuyên bố độc lập khỏi Grudia - về việc thiết lập các căn cứ quân sự hiện diện trong 49 năm và gia hạn thêm 15 năm. Theo giới phân tích, cuộc xung đột giữa Grudia và Nga hồi tháng 8/2008 bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất là việc Grudia muốn gia nhập NATO. Cuộc xung đột đã dẫn đến việc Nga công nhận sự độc lập của hai vùng lãnh thổ ly khai trên.
Ngày 2/10, Bidzina Ivanishvili - thủ lĩnh đảng "Ước mơ Grudia" vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội - đã tuyên bố ông sẽ nhanh chóng đưa Grudia gia nhập NATO, tức có chung đường hướng giống Tổng thống Mikhail Saakashvili. Động thái mới trên của Grudia dẫn đến việc Nga tuyên bố không có ý định thảo luận về vị thế của Nam Ossetia và Abkhazia.
S.Phương (Theo RIA Novosti, Petrotimes)