Nhật Bản đề xuất “xem xét lại” quy chế quân đội Mỹ; Lầu Năm Góc: Tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam vào năm tới; Thủ tướng Nga Medvedev: Hy vọng cải thiện quan hệ Nga-Mỹ đã chấm hết; Chuyên gia Nga nói NASA giấu thông tin về người ngoài hành tinh
Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc tại Biển Đông
- Cập nhật : 12/10/2016
Sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông là điều đang diễn ra và chắc chắn sẽ ngày một mạnh mẽ hơn, các nước tại khu vực sẽ cần có những bước đi hợp lý để tránh rơi vào tình trạng “nhất biên đảo”, nghĩa là không dựa vào một bên để chống một bên.
Về mặt địa lý, Biển Đông là điểm kết nối của những con đường hàng hải huyết mạch vận chuyển năng lượng, dầu thô và khí đốt tự nhiên đi từ bán đảo Ảrập và cao nguyên Iran qua Ấn Độ Dương sang khu vực kinh tế đầy sôi động Đông Á. Có thể thấy rằng, ngày nay con người đang sống trong kỷ nguyên thông tin và hàng không nhưng vẫn có tới 90% hàng hóa thương mại được vận chuyển giữa các lục địa là bằng các tàu chở container, trong đó có 1/3 lượng hàng hóa tính theo giá trị được vận chuyển qua Biển Đông, con đường hàng hải kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thêm vào đó, Biển Đông được đánh giá là có trữ lượng dầu khí khổng lồ, cửa ngõ của thương mại thế giới, nơi tập trung những tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng. Vì vậy, nó thu hút được sự quan tâm chú ý của nhiều nước và dĩ nhiên không loại trừ các cường quốc trong khu vực và trên thế giới.
Biển Đông là khu vực tập trung nhiều tuyến hàng hải tấp nập nhất trên thế giới
Sự chuyển dịch trọng tâm chiến lược an ninh sang khu vực Thái Bình Dương của Mỹ được Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố chính thức vào tháng 11 năm ngoái và tái khẳng định nhiều lần trong thời gian gần đây bởi chính Tổng thống Obama cũng như Ngoại trưởng Hilarry Clinton. Khẳng định của Mỹ diễn ra đồng thời với thời điểm Washington cần tập trung nhiều hơn vào việc đối phó với những khó khăn của nền kinh tế nội địa. Nhưng thực tế, sự chuyển dịch trọng tâm này là điều không thể tránh khỏi trong chiến lược lâu dài của Mỹ. Khẳng định việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương càng làm cho những tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trở nên nóng bỏng hơn.
Vai trò của Mỹ đối với sự ổn định trên Biển Đông
Hải quân Mỹ đã duy trì sự hiện diện trên Biển Đông từ nhiều thập kỷ qua kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Hải quân và Không quân Mỹ đóng vai trò khá quan trọng trong việc đảm bảo an ninh hàng hải tại Biển Đông, điều này cho phép vận tải hàng hóa qua Biển Đông an toàn và đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa kể từ sau Chiến tranh lạnh. Đây là đóng góp có tính tích cực thực sự mà Mỹ đem lại cho thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ: "Châu Á là động lực chính của chính trị toàn cầu và rất quan trọng với Mỹ"
Sự thờ ơ của Mỹ với khu vực Biển Đông trong một thời gian dài đã tạo khoảng trống cho Trung Quốc củng cố và mở rộng ảnh hưởng tại đây. Nhưng sự trỗi dậy của bất kỳ cường quốc mới nổi nào cần được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là khi trỗi dậy này kéo theo cuộc chạy đua quân sự và xung đột tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Thậm chí với cả Nhật Bản và Hàn Quốc, những đồng minh thân cận của Mỹ tại Đông Á, cũng đang ra sức hiện đại hóa các hạm đội không quân và hải quân với những trang thiết bị tối tân nhất. Một điều hiển nhiên, các nước nằm ở vị trí quanh Biển Đông đang rơi vào cuộc chạy đua vũ trang, điều này làm phức tạp thêm tình hình an ninh hàng hải khu vực. Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông đã tạo nên sự cân bằng, tương quan lực lượng giữa các nước lớn-nhỏ trong khu vực và kiềm chế khả năng Trung Quốc dùng sức mạnh của mình để lấn át các nước nhỏ hơn.
Nếu Mỹ không quay trở lại khu vực Thái Bình Dương sẽ gây ra nguy hại cho trật tự quân sự đa cực trên Biển Đông do những căng thẳng chính trị và kinh tế trước đó. Hệ thống quân sự đa cực càng trở nên bất ổn hơn lưỡng cực và đơn cực vì có nhiều sự tương tác hơn giữa các cực với nhau và phát sinh nhiều toan tính sai lầm hơn bởi mỗi quốc gia đơn lẻ đều tự điều chỉnh cân bằng quyền lực để có lợi hơn cho mình. Sức mạnh quân sự Mỹ tại Biển Đông không chỉ tạo ra sự điều chỉnh phù hợp với sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc mà còn để ổn định khu vực với sự gia tăng tiềm lực quân sự của các nước. Nếu sức mạnh của Mỹ bị suy yếu thì quan hệ giữa Trung Quốc, Ấn Độ và các cường quốc khác có thể trở nên hiếu chiến hơn bởi vì trong thời điểm hiện tại, lợi ích của tất cả các nước về lưu thông tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đều do sự đảm bảo an ninh của Hải quân và Không quân Mỹ.
Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc
Biển Đông liên quan với Trung Quốc dưới nhiều góc độ: địa lý, lịch sử, tài nguyên và nhất là việc đảm bảo các tuyến đường vận tải biển. Các tuyến đường hàng hải qua eo Malacca có ý nghĩa sống còn với nước này vì đây là tuyến đường huyết mạch cung cấp năng lượng cho nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc. Nếu như đường biển này bị phong tỏa chỉ một ngày thì xã hội Trung Quốc ngay lập tức sẽ rơi vào tình trạng bất ổn.
Theo đó, chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông là tránh đụng độ, dùng “sức mạnh mềm” để kiểm soát các lợi ích của Trung Quốc liên quan tới Biển Đông. Trong khi nền kinh tế Mỹ đang gặp phải khủng hoảng trầm trọng thì tiềm lực kinh tế dồi dào của Trung Quốc vào thời điểm hiện tại đang là vũ khí lợi hại để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng với các nước ven Biển Đông. Thông qua con đường tăng cường sự ràng buộc về kinh tế, Trung Quốc tìm cách dịch chuyển cán cân lực lượng nghiêng theo phía mình để dần đẩy Mỹ ra xa khu vực Biển Đông. Điều này nhằm thiết lập ảnh hưởng lên các nước khác trong khu vực, khiến các nước này phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và loại trừ khả năng liên kết với Mỹ để đối phó với Trung Quốc.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Không chỉ tăng cường vai trò ảnh hưởng ở khu vực xung quanh Biển Đông mà Trung Quốc còn mở rộng tầm ảnh hưởng ra xa hơn, lan tới khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi được cho là khu vực mà Mỹ đang nỗ lực thiết lập một vành đai để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Với việc giúp đỡ các nước khu vực duyên hải Ấn Độ Dương xây dựng các cảng biển hiện đại nhất, từ Myanmar, Sri Lanka, Bangladesh, Pakistan tới Kenya, Trung Quốc ngày càng tạo ra sự gắn bó lợi ích chặt chẽ hơn với các nước này. Tất cả các dự án này được đưa ra là để phục vụ cho các mục đích thương mại đơn thuần và được tài trợ bởi chính các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp việc tài trợ xây dựng các cảng không thực sự phục vụ cho mục đích thương mại. Ví dụ như cảng Gwadar tại Pakistan, được xây dựng ở khu vực đang bất ổn chính trị khiến cho việc đưa vào sử dụng gặp phải phiền toái. Có thể nhận thấy, bước đi của Trung Quốc cũng giống như tất cả các cường quốc trước đây, trước tiên là mở rộng phạm vi ảnh hưởng, sẵn sàng thông qua đầu tư mạo hiểm để thiếp lập quan hệ sau đó tăng cường ảnh hưởng về kinh tế, chính trị và quân sự.
Những vấn đề xảy ra trong nội tại xã hội Trung Quốc do sự phát triển kinh tế quá nóng có thể làm hạn chế chính sách bành trướng của Trung Quốc. Nhưng điều này chưa hẳn đã kìm bước Trung Quốc trên con đường tiếp tục hiện đại hóa quân sự và hải quân để củng cố ý đồ vươn ra Biển Đông. Vì vậy, Mỹ bị đẩy vào tình huống bị ép buộc phải đối phó với sự gia tăng nhanh chóng về tiềm lực kinh tế và thương mại của Trung Quốc.
Áp lực với Mỹ
Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 phát đi tín hiệu về sự sụp đổ của mô hình Chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, khi đó các chuyên gia an ninh đã đưa ra nhận định về sự chuyển hướng trong chính sách ngoại giao và sức mạnh quân sự tại Thái Bình Dương. Nhưng cuộc chiến xâm lược Kuwait của Saddam Hussein năm 1990 đã khiến mối bận tâm của Mỹ với khu vực Trung Đông kéo dài hàng thập kỷ. Quân đội Mỹ phải triển khai chiến dịch trên mặt đất chống lại Iraq trong năm 1991 và lực lượng Hải Quân và Không quân Mỹ phải duy trì để áp dụng vùng cấm bay những năm tiếp sau đó. Tiếp đến, sự kiện 11/9 đẩy chính quyền Bush lao vào cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq như một động thái đáp trả. Sau một thập kỷ bị sa lầy ở Trung Đông, cuộc chiến cũng đi đến hồi kết và hậu quả là Mỹ trở nên “tương đối cô lập” và quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh thân cận cũng bị rạn nứt. Vai trò của Mỹ ở nhiều khu vực bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là tại các khu vực được cho là lợi ích chiến lược của Mỹ như khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong 8 năm dưới sự điều hành của chính quyền Tổng thống Bush, Mỹ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội cho sựu quay trở lại khu vực và việc gần đây Mỹ bày tỏ quyết tâm dành nhiều nỗ lực tập trung vào trung tâm của kinh tế toàn cầu - khu vực châu Á -Thái Bình Dương đòi hỏi Mỹ cần có nhiều động thái chứng tỏ cam kết của mình.
Trung Quốc đang ra sức bành trướng trên Biển Đông
Nhưng hiện tại, vai trò của Mỹ tại Biển Đông đang đối mặt với nhiều thách thức: sự trỗi dậy của Trung Quốc với sức mạnh tổng lực – có vị trí tiếp giáp với Biển Đông và các nước ven bờ khác; sức mạnh kinh tế khiến Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của hầu hết các nước quanh Biển Đông; và hạm đội tàu ngầm Trung Quốc ngày càng được hiện đại hóa. Bắc Kinh đang đầu tư vào tàu ngầm, tên lửa hành trình và không gian vũ trụ và chiến tranh điện tử như một phần của kế hoạch xây dựng quốc phòng.
Có thể nói, Trung Quốc không hề có ý định tiến hành một cuộc chiến với Mỹ nhưng sự đầu tư này của Trung Quốc đang gây nhiều trở ngại cho Mỹ tại thời điểm khủng hoảng kinh tế. Với chính sách “bành trướng” của Trung Quốc tại Biển Đông, đang gây ảnh hưởng tới quyền chủ quyền của các nước như Việt Nam, Malaysia, Phillipines và Singapore, tất cả các nước này đều là đồng minh chính thức hoặc đối tác quan trọng với Mỹ. Đường “lưỡi bò” của Trung Quốc gần như “liếm” hết diện tích Biển Đông, không chỉ xâm lấn tới chủ quyền của các nước ven Biển Đông mà còn ảnh hưởng tới lưu thông hàng hải quốc tế, đặc biệt là các hoạt động hằng hải truyền thống của Mỹ tại vùng biển này.
Tất nhiên, chính sách ngoại giao của Mỹ đã để mắt nhiều hơn tới các động thái này của Trung Quốc trong những năm qua, nhưng các nhà ngoại giao Mỹ có thể bị coi là thiếu sự tin cậy nếu họ không được hỗ trợ bởi sự tăng cường hiện diện quân sự trong tương lai. Chính vì thế, trọng tâm chiến lược được đưa ra là: Mỹ không có ý định rời bỏ hải quân tại châu Á trong thời điểm họ cần đến. Bởi vậy, một quan chức ngoại giao cấp cao của một nước Biển Đông đã nói rằng nếu Mỹ có ý định rút một tiểu đoàn máy bay chiến đấu khỏi khu vực thì sẽ có sự thay đổi về người làm chủ trong cuộc chơi tại đây, đẩy các nước nhỏ trong khu vực tới chỗ bị bức bách.
Bước đi đối phó của Mỹ với Trung Quốc
Ý đồ đưa châu Á trở thành trọng tâm trong chiến lược của Mỹ đã có cách đây hàng thập kỷ - điều này thể hiện rõ trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon từ năm 1972. Một khi Mỹ giảm bớt những bận tâm vào cuộc chiến ở Trung Đông sẽ cho phép giới quan chức Mỹ rảnh rang hơn để thực hiện các mục đích ở nơi khác và Biển Đông sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ Mỹ.
Những động thái gần đây của Mỹ đã chứng tỏ rõ điều này. Những đề nghị và hứa hẹn mà Washington đưa ra với Myanmar và các kế hoạch hỗ trợ quân sự cho Australia hay Philippines là một động thái chính trị và quân sự khẳng định sự quay trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Ngoại trưởng Clinton sẽ không tiếp tục chấp nhận quan niệm coi Myanmar đơn giản chỉ là một vệ tinh của Bắc Kinh. Còn Australia, một quốc gia nằm ở vị trí giao thoa giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương chỉ có 23 triệu dân nhưng sẽ nâng chi tiêu quân sự lên mức 279 tỷ USD trong 2 thập kỷ tới cho trang thiết bị và hiện đại hóa tàu ngầm, máy bay chiến đấu và các trang thiết bị hạng nặng khác. Australia có thể trở thành đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong thế kỷ 21, hơn cả Anh, nước đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong thế kỷ 20.
Nhà lãnh đạo dân chủ Myanmar Aung San Suu Kyi tại cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Barack Obama ở Nhà Trắng
Báo cáo của Trung tâm An ninh Mới của Mỹ (CNAS) đưa ra nhận xét: “Mỹ cần xây dựng một mạng lưới các nước đối tác trong khu vực làm đối trọng với sức mạnh hải quân của Trung Quốc trong khu vực. Việt Nam, Philippines là các nhân tố chính. Nếu Việt Nam không dám đương đầu với Trung Quốc thì các nước yếu hơn như Philippines sẽ không thể nào dám đương đầu với Trung Quốc. Nếu sức mạnh của Mỹ suy giảm, Việt Nam không có lựa chọn nào khác là phải sống chung với Trung Quốc”. Mỹ đánh giá Việt Nam có vai trò quan trọng hàng đầu với Trung Quốc tại Đông Nam Á vì Việt Nam án ngữ ở bờ Tây của Biển Đông và có nền kinh tế phát triển nhanh chóng, với dân số 87 triệu người, với tiềm lực ngày càng lớn mạnh. Quan hệ quân sự Việt - Mỹ từ chỗ là kẻ thù trong chiến tranh, hiện đang ấm dần lên, với việc hải quân hai nước thường xuyên có các hoạt động giao lưu thường kỳ để tăng cường hiểu biết và phía Việt Nam tạo điều kiện cho phép tàu hải quân Mỹ tiến hành việc tìm kiếm quân nhân mất tích trong vùng lãnh hải Việt Nam tại Biển Đông.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, sự thay đổi trọng tâm chiến lược của Mỹ không hoàn toàn là để ngăn chặn Trung Quốc. “Chính sách ngăn chặn” là một khái niệm đặc trưng trong thời kỳ Chiến tranh lạnh chỉ các chính sách thù địch Mỹ đưa ra để đối phó với Liên Xô. Quan hệ Mỹ - Trung Quốc thời điểm hiện tại lại hoàn toàn khác biệt, đang có hàng chục nghìn sinh viên và nhân viên điều hành các tập đoàn Mỹ có mặt tại Trung Quốc chứng kiến sự đa dạng và sâu rộng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông buộc Mỹ phải xích lại gần hơn với các láng giềng của Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của chính Mỹ trên Biển Đông.
Kinh tế Mỹ đang đối mặt với nhiều khó khăn trong khi các nền kinh tế có sức sống nhất thế giới nằm ở châu Á-Thái Bình Dương và thực lực kinh tế đang dần chuyển dịch từ phương Tây sang phương Đông nên Mỹ sẽ làm hết sức để bảo vệ lợi ích của mình. Cùng với đó, Mỹ cũng được các nước trong khu vực chào đón vì sự xuất hiện với vai trò gìn giữ hòa bình và ổn định cũng như có vai trò trong sự phát triển về kinh tế, xã hội và chính trị của các nước trong khu vực, làm giảm bớt các lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc với Biển Đông. Sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông là điều đang diễn ra và chắc chắn sẽ ngày một mạnh mẽ hơn, các nước tại khu vực sẽ cần có những bước đi hợp lý để tránh rơi vào tình trạng “nhất biên đảo”, nghĩa là không dựa vào một bên để chống một bên.
Khôi Nguyên
Theo Petrotimes