Những phát biểu cứng rắn từ phía chính quyền sắp tới của Mỹ đối với Trung Quốc đang là bước dạo đầu chuẩn bị cho những cuộc đấu về mọi mặt từ an ninh cho tới thương mại và không gian mạng. Tuy nhiên chưa rõ Tổng thống Donald Trump sẵn sàng đi bao xa trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Sau Biển Đông, Trung Quốc “nhòm ngó” cả Ấn Độ Dương?
- Cập nhật : 12/10/2016
Cả thế giới đang dõi theo các cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng hiện nay giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, có lẽ Ấn Độ là một trong những nước theo dõi sát sao nhất bởi họ có một mối lo ngại sâu sa. New Delhi sợ rằng, sau Hoa Đông và Biển Đông, Trung Quốc sẽ “nhòm ngó” đến Ấn Độ Dương.
Vì sao Ấn Độ sợ Trung Quốc “nhòm ngó” Ấn Độ Dương?
Ấn Độ có lý do để quan ngại về tham vọng của Trung Quốc. Theo dõi các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông, Biển Hoa Đông trong thời gian vừa qua, New Delhi đã nhìn thấy rõ tham vọng rất lớn trên biển của Trung Quốc cũng như sự quyết liệt của nước này trong việc thực hiện tham vọng mà họ đã đặt ra.
Trung Quốc đã không tiếc tiền đầu tư vào các dự án phát triển vũ khí và lực lượng với mục tiêu xây dựng một hải quân mạnh để có thể giúp họ thực hiện các tham vọng trên biển. Hoạt động này đã được họ chuẩn bị từ vài thập kỷ nay.
Những động thái khiến New Delhi phải “giật mình” là trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục tăng cường quan hệ với những nước ở khu vực sân sau của Ấn Độ.
Hồi đầu tháng này, Trung Quốc vừa mới thông báo gói viện trợ kinh tế 500 triệu USD cho Maldives. New Delhi vốn coi Maldives là trung tâm của bức tranh chiến lược ở Ấn Độ Dương. Quốc đảo này là một dãy đảo nằm trải dài trên những tuyến đường biển quan trọng nối giữa Đông Á và Trung Đông. Vì tầm quan trọng của Maldives, Ấn Độ không thể ngồi yên để Bắc Kinh “ve vãn” quốc đảo này.
Nếu Trung Quốc chỉ mở rộng “dấu chân” đến Maldives thì riêng động thái đó đã đủ để New Delhi lo ngại. Tuy nhiên, trên thực tế, những gì đang xảy ra thực sự gây nguy cơ cho Ấn Độ bởi Trung Quốc đang tăng cường quan hệ gắn bó chặt chẽ với một loạt quốc đảo được cho là đang nằm trong phạm vị ảnh hưởng của Ấn Độ. Bắc Kinh đã thiết lập quan hệ mạnh mẽ với Sri Lanka, Seychelles và Mauritius trong vài năm qua. Đây vốn là những nước về mặt lịch sử luôn nhận được sự bảo vệ lớn của Ấn Độ.
Bắc Kinh bắt đầu "ve vãn" Sri Lanka từ năm 2009 bằng những dự án cơ sở hạ tầng và nhiều dự án khác như xây dựng cảng nước sâu gọi là Hambatota ở phía nam quốc đảo này. Mới đây, hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã đến thăm Sri Lanka mang theo đề nghị về các dự án phúc lợi xã hội lên tới 100 triệu USD ở phía đông và bắc đất nước – những vùng bị tàn phá nặng nề sau một phần tư thế kỷ chìm trong nội chiến.
Trung Quốc cũng đã tiếp cận với Seychelles từ năm 2007 bằng chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Điều khiến New Delhi choáng váng là Bắc Kinh hiện giờ đang giúp đào tạo lực lượng quốc phòng cho Seychelles và cung cấp vũ khí hạng nặng cho quốc đảo này.
Tất cả những động thái trên của Bắc Kinh trong thời gian qua khiến New Delhi thực sự cảm thấy lo ngại. Ấn Độ tin rằng, Trung Quốc đang nhóm ngó Ấn Độ Dương.
Ấn Độ đối phó Trung Quốc
Ấn Độ tất nhiên là đã nhanh chóng triển khai các biện pháp đối phó với tham vọng của Trung Quốc. New Delhi đã tìm cách củng cố thêm mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ giữa họ với các quốc đảo ở Ấn Độ Dương.
Tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony đã có chuyến thăm đến Maldives để thúc đẩy mối quan hệ với nền dân chủ trẻ này. Trong chuyến thăm đó, Bộ trưởng Antony đã đưa ra nhiều thông báo quan trọng liên quan đến hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và Maldives. Theo đó, New Delhi sẽ giúp đào tạo lực lượng không quân cho Maldives và đưa một nhóm hải quân đến quốc đảo này để đào tạo cho lực lượng hải quân Maldives. Ấn Độ cũng sẽ cử một tùy viên quân sự đến Maldives, kéo dài thời gian triển khai phi đội trực thăng ở Maldives thêm 2 năm đồng thời giúp chính phủ Maldives giám sát Vùng Đặc Quyền Kinh tế của quốc đảo này.
Ngoài việc tăng cường quan hệ với các quốc đảo ở sân sau của mình, Ấn Độ cũng đẩy mạnh nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để có thể bảo vệ mình trước Trung Quốc. New Delhi đã mạnh tay đầu tư cho quân đội. Ấn Độ là nước mua sắm vũ khí nhiều nhất thế giới trong 5 năm qua. Nước này mới đây cũng đã trang bị một tàu sân bay mới cho mình và đã chế tạo thành công một loại tên lửa có thể tấn công đến tận lãnh thổ của Trung Quốc.
Nằm trong chiến lược đối phó với Trung Quốc, Ấn Độ đang tăng cường mối quan hệ hợp tác với cường quốc quân sự số 1 thế giới – Mỹ. Mặc dù New Delhi luôn miệng tuyên bố về chính sách “không liên kết” nhưng các nhà lập chính sách ở nước này thừa hiểu, hợp tác với Washington có thể là cách tốt nhất để họ ngăn chặn một Trung Quốc đang nổi lên.
Với sự lo lắng có sẵn của Ấn Độ đối với Trung Quốc, người ta không thấy có gì là lạ khi gần đây New Delhi can dự và các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Ấn Độ được cho là sẽ tham gia vào các nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông.
Ấn Độ bắt đầu thể hiện sự quan tâm của họ đến Biển Đông bằng việc điều một loạt tàu hải quân tới Biển Đông hồi tháng 5 vừa qua. 4 tàu của Lực lượng Hải quân Ấn Độ gồm INS Rana, Shakti, Shivalik và Kurmak đã thực hiện một hải trình dài một tuần trên Biển Đông. Chưa dừng lại ở đó, trong những ngày cuối cùng của tháng 5, một quan chức cấp cao của Ấn Độ đã thẳng thừng tuyên bố sẽ đáp trả bằng vũ lực trước bất kỳ hành động “hiếu chiến” nào của Trung Quốc ở Biển Đông.
Lý do thúc đẩy Ấn Độ can thiệp vào tình hình Biển Đông chính là sự quan ngại của nước này trước tham vọng cũng như sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc. New Delhi tin rằng, nếu để Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông thành công thì nước này sẽ có thêm động lực, sự táo bạo để tiến tới các khu vực xung quanh, trong đó có Ấn Độ Dương.
Kiệt Linh
Theo VNmedia