Đông Nam Á đang trở thành một đấu trường lớn cho cạnh tranh và hợp tác quân sự giữa các cường quốc, thường ít hoặc không có sự tham gia của các nước khu vực. Đây rõ ràng là điều rất đáng để lo ngại.
Những thiệt hại kinh tế đầu tiên từ xung đột Trung-Nhật
- Cập nhật : 12/10/2016
Những thiệt hại vật chất từ các cuộc biểu tình chống Nhật của người Trung Quốc, làn sóng tẩy chay hàng Nhật, sản xuất bị đình trệ…nền kinh tế Nhật vốn đang xấu đi, cuộc xung đột chủ quyền biển đảo với Trung Quốc đã khiến tình hình càng thêm trầm trọng. Các công ty Nhật đang chuyển hướng tìm kiếm cơ hội làm ăn ở các nước Đông Nam Á.
Những căng thẳng ngoại giao Trung – Nhật do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chưa hạ nhiệt, cuộc chiến tranh thương mại tuy chưa thực sự hình thành nhưng nền kinh tế Nhật Bản đã phải đối mặt với những cảnh báo căng thẳng.
Ngày 28/9, Nhật Bản đã công bố những số liệu đáng lo ngại cho thấy nền kinh tế nước này đã xấu đi từ trước khi xảy ra cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và sắp tới, tình hình kinh tế sẽ còn tồi tệ hơn nữa.
Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp, sản lượng của các nhà máy tại Nhật Bản trong tháng 8 đã giảm 1,3% so với tháng trước, mức giảm mạnh hơn dự báo trước đó. Bộ này thừa nhận rằng hoạt động sản xuất công nghiệp đang ngày một yếu đi. Trước đó, các chuyên gia nghiên cứu thị trường dự báo sản lượng này chỉ giảm 0,4%.
Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Nhật Bản đang vừa phải vật lộn để phục hồi sau thảm họa động đất gây sóng thần hồi tháng 3/2011, vừa phải chống chọi với những hậu quả từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Trong khi đó, mức cầu từ Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản - suy giảm và đồng yên mạnh lên.
Công nghiệp ôtô là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất từ cuộc xung đột Trung - Nhật
Hàng trăm triệu USD bị “bốc hơi”
Các doanh nghiệp Nhật Bản bị thiệt hại nặng nề từ cuộc xung đột này. Phần lớn công ty Nhật Bản buộc phải tạm đóng cửa các nhà máy. Hôm 26/9, hai tập đoàn ô tô khổng lồ của Nhật Bản là Nissan và Toyota cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng ở Trung Quốc do nhu cầu mua ô tô Nhật Bản đã giảm. Toyota đã ngừng hoạt động tại phần lớn các cơ sở sản xuất lắp ráp xe tại Trung Quốc trong 4 ngày (kể từ ngày 26/9). Ngày 27/9, một số nhà máy của Nissan tại Trung Quốc cũng đóng cửa cho đến hết tuần này.
Trong khi đó, theo thống kê ban đầu, những cuộc biểu tình chống Nhật kèm theo đập phá, hôi của tại hàng chục đô thị lớn nhỏ ở Trung Quốc khiến các hãng bảo hiểm bị thiệt hại gần 130 triệu USD.
Con số này chưa tính thua lỗ của các hang xe hơi Nhật ở Trung Quốc. Chỉ tính từ ngày 5/9, ngày nổ ra xung đột ngoại giao Nhật - Trung ở Senkaku/Điếu Ngư, đến ngày 20/9, các đại lý của 3 hãng xe Toyota, Nissan và Honda ở Trung Quốc bị thiệt hại khoảng 250 triệu USD, tương đương 14.000 chiếc (giá trung bình 18.000 USD/chiếc), do phải tạm thời ngưng dây chuyền sản xuất và đóng các cửa hàng đại lý. Mức độ thiệt hại đang tiếp tục tăng lên bởi chưa có dấu hiệu người tiêu dùng Trung Quốc thôi tẩy chay xe hơi Nhật.
Nhiều lĩnh vực chiến lược khác của Nhật ở Trung Quốc cũng bị thiệt hại khá nặng. Kể từ ngày 21/9, các hãng Sony, Canon và Panasonic cũng ngưng hoạt động ở Trung Quốc. Nhiều cửa hàng bán lẻ hàng hóa Nhật đóng cửa vì lo sợ bị tấn công đập phá và hôi của. Chuỗi cửa hàng Fast Retailing, chủ sở hữu nhãn hiệu quần áo Uniqlo, đã đóng cửa 42/145 cửa hàng khiến 200 nhân viên Nhật thất nghiệp; hai chuỗi cửa hàng Seven & I và Jusco của Nhật cũng đóng cửa.
Nhiều hành khách đã mua vé trên các chuyến bay đến Trung Quốc của các hãng hàng không Nhật Bản cũng hủy chỗ.
Hãng máy bay Japan Airlines của Nhật hôm 21-9 cũng thông báo giảm các chuyến bay giữa Nhật và Trung Quốc từ giữa tháng 10 này do đã nhận được 6.000 cuộc hủy vé khứ hồi từ tháng 9 đến tháng 11. All Nippon Airways, một hãng máy bay lớn khác của Nhật, cũng cho biết khách hàng Nhật đã hủy 4.000 vé và khách hàng Trung Quốc hủy 15.000 vé.
Về phần mình, hãng máy bay China Eastern Airlines, một trong 3 hãng máy bay lớn nhất của Trung Quốc, cho biết đã hoãn chuyến bay khai trương đường bay mới Thượng Hải - Sendai vào ngày 18/10 do “không có khách”.
Bình luận về những sự cố trên, một quan chức cao cấp Nhật thừa nhận: “Trung Quốc là đối tác số 1 của Nhật Bản. Cuộc xung đột này có thể khiến chúng tôi trả giá đắt”. Liền sau đó, nhân vật này nói thêm: “Nên nhớ, chúng tôi cũng là nhà đầu tư hàng đầu ở Trung Quốc”. Đây được xem là một lời đe dọa. Nó có nghĩa là nếu không làm ăn yên ổn ở Trung Quốc, họ sẽ rút nhà máy và vốn sang các nước khác ở Đông Nam Á.
Tâm lý tẩy chay hàng Nhật Bản của người tiêu dùng Trung Quốc cũng đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mất ăn mất ngủ.
Trước tình hình đó, dẫn một khảo sát về dự báo sản lượng của các công ty sản xuất, Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho rằng sản lượng của các nhà máy sẽ giảm thêm 2,9% trong tháng 9 và sẽ không tăng trong tháng 10.
Ông Norio Miyagawa, nhà kinh tế cấp cao thuộc bộ phận tư vấn và nghiên cứu của công ty chứng khoán Mizuho, nhận định trên mạng tin Dow Jones rằng: "Sản lượng công nghiệp có thể giảm ít nhất cho đến tháng 10, đặc biệt là trong ngành sản xuất ô tô. Nếu cuộc tranh chấp hiện nay với Trung Quốc kéo dài, nó sẽ làm sản lượng và kinh tế Nhật Bản bị thiệt hại".
Ông Kengo Suzuki, chiến lược gia tiền tệ thuộc công ty chứng khoán Mizuho, cũng cho rằng suy giảm mức cầu từ thị trường nước ngoài có thể gây thêm áp lực cho kinh tế Nhật Bản. Ngoài ra, nó còn có thể khiến thị trường đồn đoán rằng sẽ có biện pháp nới lỏng tiền tệ về lâu dài.
Tìm hướng đi mới
Trước các rủi ro kinh tế-chính trị này, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hướng sang khu vực Đông Nam Á. Một số nước Đông Nam Á cho rằng đây là một cơ hội tốt. Philippines đang nhắm tới khoảng 15 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản. Ngày 26/9, Philippines đã cam kết ưu đãi thuế dành cho các doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc sang Philippines.
Chuyên gia Yukio Suzuki thuộc viện nghiên cứu Bell Investment, khẳng định Mianma là điểm đến trong tương lai khi hãng hàng không All Nipon Airways sắp khai trương tuyến bay Tokyo - Yangon. Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã cử một phái đoàn quan trọng sang Myanmar để xây dựng các quan hệ, tiếp xúc với giới doanh nhân địa phương và các quan chức chính phủ. Nhật Bản còn dự tính tổ chức một cuộc gặp quốc tế hỗ trợ tài chính cho Myanmar vào tháng tới ở Tokyo, bên lề cuộc họp thường niên của Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Tháng 4 vừa qua, Nhật Bản đã xóa nợ 3,7 tỷ USD và chuẩn bị nối lại tài trợ cho Myanmar./.
V.V (Tổng hợp)
Theo Tổ Quốc