Tin Biển Đông

 
 
 

Tranh chấp chủ quyền, tổn thất thương mại và câu hỏi về cơ hội cho Việt Nam

  • Cập nhật : 12/10/2016

Tranh chấp chủ quyền Trung – Nhật đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và những hệ luỵ của nó đã trở nên nóng bỏng. Trước những phản ứng thiếu cứng rắn từ phía nhà cầm quyền địa phương Trung Quốc, làn sóng chống Nhật trên nước này gay gắt, nhất là trên lĩnh vực thương mại.

 

Tranh chấp chủ quyền Trung – Nhật đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và những hệ luỵ của nó đã trở nên nóng bỏng.

Theo các nguồn tin từ giới doanh nghiệp Nhật Bản, hải quan Bắc Kinh đã thông báo với một số công ty vận chuyển hàng hoá Nhật Bản, rằng việc tăng cường kiểm tra hàng hoá sẽ bắt đầu áp dụng đối với các chuyến hàng vận chuyển bằng đường hàng không đến sân bay Bắc Kinh kể từ ngày 24.9. Điều này sẽ dẫn đến những tác động rất xấu đến mối quan hệ kinh tế giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo một bản thống kê gần đây, tổng giá trị trao đổi mua bán giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã lên đến con số 345 tỉ USD – một con số không hề nhỏ, thể hiện sự chặt chẽ trong hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia. Gần đây, Bắc Kinh cũng đã thông báo việc chính thức bước vào quá trình đàm phán ký kết FTA với các nền kinh tế lớn của khu vực, như Nhật Bản và Hàn Quốc trong năm 2012.

Những sự kiện bạo lực gần đây tại Trung Quốc đang làm cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đánh mất đi hình ảnh một đối tác lý tưởng của Nhật Bản. Ông Yao Haitian, một chuyên viên của viện Nghiên cứu Nhật Bản tại Trung Quốc, cho biết: “Những tranh chấp này sẽ làm tổn hại, thậm chí quyết định số phận của những cuộc đàm phán FTA”. Ước mơ về một nền kinh tế chung Đông Á của những nhà hoạch định kinh tế tại Bắc Kinh đang đối mặt với một bước lùi rất lớn. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản là một trong những thương hiệu hàng đầu tại thị Trung Quốc, đóng một vai trò rất quan trọng về kinh tế lẫn tiêu thụ nhân lực đối với quốc gia đông nhất thế giới này.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc đã tính đến việc phải rút khỏi thị trường 1,4 tỉ dân này. Gần đây, theo lời của những nhà quản lý chuỗi siêu thị Fast Retailing, Aeno và Uniqlo, công ty này đã tuyên bố “ngừng hoạt động nhiều cửa hàng tại Trung Quốc”. Tương tự, Toyota và và Sony cũng đã dừng nhiều dòng sản phẩm tại thị trường khổng lồ này. Theo một khảo sát từ Reuters, để đối phó với tình hình căng thẳng hiện nay tại Trung Quốc, gần 41% các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc đã tính đến việc rút khỏi thị trường Nhật Bản nếu cần thiết. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại buộc phải đóng cửa một số xí nghiệp, dây chuyền sản xuất và đại lý của họ tại Trung Quốc; điển hình là chuỗi bán lẻ uy tín 7-Eleven, các tập đoàn Toyota, Sony, Nissan và gã khổng lồ điện tử Panasonic.

Ông Naoto Saito, một chuyên viên kinh tế học tại học viện Nghiên cứu Daiwa, cho biết những diễn biến này sẽ “làm tổn thương những doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc”, và “những sự kiện như thế này chắc chắn sẽ tiếp diễn, đã đến lúc những doanh nghiệp Nhật nghiêm túc cân nhắc: Trung Quốc hay những thị trường tiềm năng khác?” Đây là một dấu hiệu cho thấy những nhà đầu tư Nhật Bản đang cố gắng tạo cho mình những lựa chọn phát triển khác, giảm sự lệ thuộc vào người láng giềng Trung Quốc. Khả năng Nhật Bản sẽ chuyển hướng khỏi Trung Quốc và tăng cường đầu tư vào những nền kinh tế mới nổi khác, trong đó có Thái Lan và Việt Nam, đang được nhiều người bàn đến.

Một ví dụ điển hình chính là quan hệ mua bán đất hiếm giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Theo một báo cáo của phòng nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ, vào đầu tháng 6.2012, Trung Quốc là “đại lý” lớn nhất của Nhật Bản, khi hơn 82% lượng đất hiếm nhập khẩu vào đây là từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Tuy nhiên, để tránh phải phụ thuộc vào nhà cung cấp Trung Quốc, Nhật Bản đã có những chuẩn bị từ trước, bắt đầu mở rộng thị trường cung cấp đất hiếm nhằm hạn chế sự độc quyền của Trung Quốc. Điều này càng được đẩy mạnh sau khi Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua Sách trắng về đất hiếm vào ngày 20.6.2012. Cụ thể, ngày 13.3.2012, Nhật Bản đã cùng EU và Hoa Kỳ “đệ đơn khiếu nại, yêu cầu tổ chức Thương mại thế giới xem xét làm việc với phía Trung Quốc về hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm của họ”. Gần đây, phía chính quyền Tokyo cũng đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung cấp đất hiếm mới cho mình. Bằng chứng là việc Chính phủ Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành đất hiếm vào cuối năm 2010, hay bản hợp đồng hợp tác khai thác đất hiếm tại Lai Châu ký kết vào tháng 5 vừa qua. Theo như tác giả Stuart Wiggin đăng trên tờ China Radio International, đó là những bước chuẩn bị cho tương lai.

Đối với những nền kinh tế mới nổi trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, những diễn biến ngày một phức tạp trong mối quan hệ Trung – Nhật – Hàn có thể mở ra cho nhiều cơ hội. Nói như người xưa, cờ đã đến tay, ăn thua là có phất được không...

Lê Thành
Theo InfoNet

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục