Tin Biển Đông

 
 
 

Myanmar trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung

  • Cập nhật : 12/10/2016

Vị thế Trung Quốc tại Myanmar đang bị thách thức, đòi hỏi doanh nhân Trung Quốc kịp thời xây dựng văn hóa kinh doanh của một cường quốc, “cùng thắng” thay vì “ăn người”.

Mới đây, trên tờ Tín báo (Hồng Công), một chuyên gia phân tích chiến lược của Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Hoa đưa ra đánh giá về di sản ngoại giao của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, cho rằng Ngoại trưởng Mỹ đã biết tiếp nhận khái niệm “sức mạnh thông minh”. Trong bối cảnh sức mạnh tổng thể của nước Mỹ đang suy yếu, lấy “sức mạnh thông minh” làm hạt nhân hướng đạo, từng bước thúc đẩy sự chuyển đổi hình thái bá quyền của Mỹ trên toàn cầu.

Không nói thì cũng biết, sức mạnh thông minh này gây cho Trung Quốc những lúng túng chiến lược nhất định. Ở mức độ đáng kể, bà Clinton đã chuyển nền ngoại giao cũng như tư thế quốc tế của nước Mỹ từ bị động sang chủ động trong nhiều lĩnh vực của cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Một thành công của ngoại giao Mỹ là phát hiện, khai thác chủ nghĩa dân tộc của người Myanmar, kể cả trong giới tướng lĩnh nước này, cũng như thúc đẩy sự thành công của nhân vật đối lập một lúc nào đó sẽ thành huyền thoại của Myanmar - bà Aung San Suu Kyi.

Người Myanmar chống chủ nghĩa thực dân kinh tế kiểu mới của Trung Quốc

Trong tháng 9 vừa rồi, dân làng  ở Monywa vùng Sagaing thuộc miền Trung Myanmar đã biểu tình phản đối dự án khai thác mỏ đồng của Trung Quốc và khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh cho dù nhiều người đã bị chính quyền bắt giữ. Dân làng đã tố cáo việc tịch thu đất đai và nguy cơ ô nhiễm từ mỏ đồng này. Nguyện vọng của người dân là hủy bỏ dự án mỏ đồng tại núi Latbadaung. Có từ 300 đến 600 người đã biểu tình từ lúc mới bắt đầu phong trào. Mỏ đồng tại đây do một công ty liên doanh giữa tập đoàn Trung Quốc Wanbao và một công ty của quân đội Myanmar quản lý. Trong những tháng gần đây báo chí địa phương đã tố cáo những hành động tham nhũng trong dự án này.


Bắc Kinh đầu tư xây dựng đường ống dẫn dầu Myanmar - Trung Quốc

Do vị trí địa lý và tài nguyên năng lượng, Myanmar trở thành ván cá cược địa chính trị lớn của Trung Quốc. Nhưng trên tạp chí Focus, tướng Pháp Jean-Bernard, chuyên gia địa chính trị và tình báo kinh tế, cho rằng Trung Quốc đã nhận được những bài học đầu tiên vì đánh giá thấp trào lưu dân tộc chủ nghĩa trong ban lãnh đạo Myanmar. Theo tướng Jean-Bernard, tiến trình dân chủ hóa đang diễn ra ở Myanmar là câu trả lời của phái dân tộc chủ nghĩa trong giới cầm quyền quân sự Myanmar chống lại “ý đồ thực dân hóa dần dần” của Trung Quốc.

Trung Quốc phụ thuộc vào việc vận chuyển bằng đường biển một phần lớn năng lượng của mình từ Trung Đông về. Tuyến đường biển đó buộc phải đi qua các eo Hormuz và Malacca, dễ dàng bị các cường quốc hàng hải, trong đó có Mỹ, phong tỏa nếu xẩy ra chiến sự. Vận chuyển dầu mỏ và khí đốt qua lãnh thổ Myanmar sẽ giúp Trung Quốc khắc phục được sự lệ thuộc bắt buộc đó.

Trữ lượng khí đốt ở Myanmar tương đương với khoảng ba năm tiêu thụ của Trung Quốc với mức như của năm 2009. Một tuyến đường ôtô đang được hoàn thành giữa Trung Quốc và Kengtung, ở phía Đông bang Shan. Một đường ống dẫn dầu và một đường ống dẫn khí đốt sắp tới sẽ nối Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, với cảng Sittwe của Myanmar và Kyaukpyu, trên đảo Ramsee, cách cảng Sittwe khoảng năm chục cây số về phía Nam. Đường ống dẫn dầu này sẽ vận chuyển 400.000 thùng/ngày từ Trung Đông về.

Đồng thời, đường ống dẫn khí đốt được Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đầu tư hơn một tỷ USD, được dùng để vận chuyển 25 tỷ mét khối khí trong 30 năm từ mỏ Shwe ở ngoài khơi Myanmar, cách Sittwe khoảng ba chục cây số. Các đường ống này có tổng chiều dài 1.200 km, cộng với 45 km thuộc đường ống Yadana chạy trên đất liền được một tổ hợp do Total làm chủ thực hiện.

Theo tướng Jean-Bernard, do tầm quan trọng của tuyến đường vận chuyển năng lượng này, từ hai chục năm nay, Trung Quốc tiến hành thực dân hóa dần dần vùng đất mà hai đường ống này chạy qua. Tỉnh Mandalay của Myanmar, vốn là thành lũy bộ tộc và văn hóa truyền thống ở Myanmar, nằm trên đường đi của các đường ống này, gần như bị người Trung Quốc “thôn tính”. Hiện người Trung Quốc chiếm khoảng 30-40% số dân ở thành phố Mandalay. Tiếng Myanmar vẫn là ngôn ngữ chính ở Mandalay, nhưng tiếng Quan thổ ngày càng được sử dụng nhiều ở đây.

Hiện tượng “bài Trung Quốc” lan rộng

Trung Quốc hiện diện ở Myanmar nhiều đến mức gây ra tâm lý chống nước này rất mạnh trong dân chúng ở miền Bắc vì họ cho đó là một hình thức thực dân hóa kinh tế mới. Trong hai tháng 5 và 6/2010, một loạt các vụ đánh bom nhằm vào các công trường và cơ sở khí đốt và dầu mỏ của Trung Quốc ở Myanmar. Một số nhà quan sát nhấn mạnh rằng tâm lý bực tức, được một số nguồn tin gọi là hiện tượng “bài Trung Quốc”, ngày càng lan rộng ở Myanmar, đặc biệt là trước làn sóng di cư mới đây vào miền Bắc nước này. Dân chúng địa phương nhận thấy hoạt động của cộng đồng người Trung Quốc ở Myanmar không có lợi cho mình và than phiền những người mới di cư đến không hề có nỗ lực hòa nhập nào. Trong con mắt của dân địa phương Myanmar, các thế hệ người di cư Trung Quốc trước đây hòa nhập tốt hơn vào môi trường địa phương vì họ cũng theo đạo Phật và nói tiếng Myanmar, trong khi số người di cư mới dường như vì động cơ kinh doanh là chính nên không nỗ lực hòa nhập và tôn trọng luật lệ địa phương.

Tâm lý chống Trung Quốc đó thể hiện trong các vụ tấn công vũ trang vào các dự án xây đập nước trên sông Irrawaddy để cung cấp điện cho tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đập nước lớn nhất là Myitsone trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh vì các thiểu số sắc tộc sống ở vùng này. Các tổ chức Quân đội độc lập Kachin (KIA) và Quân đội Nhà nước Shan tổ chức phong tỏa việc vận chuyển trang thiết bị từ Trung Quốc đến, gây thiệt hại cho quân đội chính phủ được điều đến để bảo vệ người lao động Trung Quốc, nhưng các tổ chức vũ trang lại được dân chúng ủng hộ. Đến mức ngày 30/9/2011, Tổng thống Thein Sein thông báo trước Quốc hội ngừng việc xây đập Myitsone để “tôn trọng ý nguyện của dân chúng”.

Bước khởi đầu dân chủ hóa ở Myanmar giúp các nhà lãnh đạo theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa có được chỗ dựa là dân chúng để chống lại áp lực từ Bắc Kinh và vĩnh viễn loại trừ các viên sĩ quan nô dịch Bắc Kinh trong Bộ chỉ huy quân sự cấp cao.

Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc giữa tháng 9 thăm Myanmar nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng. Ông Ngô ca ngợi quan hệ Trung Quốc - Myanmar đã bước sang trang mới, đồng thời bày tỏ tin tưởng hai nước củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác sâu sắc đôi bên cùng có lợi và thúc đẩy phát triển chung giữa hai quốc gia.

Những thông điệp ngoại giao chỉ có tác dụng khi được chứng minh bằng hành động cụ thế. Các doanh nhân Trung Quốc cần có văn hóa kinh doanh phù hợp với thời đại và vị thế cường quốc của Trung Quốc, phải làm sao hai bên “cùng thắng” chứ không chỉ “ăn người”./.

Nguyễn Nguyên
Theo Tổ Quốc

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 10-08-20171

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 10-08-2017

    Nhật Bản đề xuất “xem xét lại” quy chế quân đội Mỹ; Lầu Năm Góc: Tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam vào năm tới; Thủ tướng Nga Medvedev: Hy vọng cải thiện quan hệ Nga-Mỹ đã chấm hết; Chuyên gia Nga nói NASA giấu thông tin về người ngoài hành tinh

  • Mỹ có quyền hỗ trợ 3 bên đang tranh chấp với Trung Quốc?2

    Mỹ có quyền hỗ trợ 3 bên đang tranh chấp với Trung Quốc?

    Theo dõi cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo đang diễn ra căng thẳng ở biển Đông và biển Hoa Đông, người ta đặc biệt quan tâm đến “nhân tố” Mỹ. Ngoài mục đích đảm bảo tự do hàng hải trên các vùng biển, Mỹ cho biết họ có lý do để can dự sâu vào một số tranh chấp. Đó là vì Mỹ đã ký hiệp ước an ninh với 3 trong số các bên đang tranh chấp với Trung Quốc.

  • Mỹ - Hàn khiến Đông Bắc Á đối mặt nguy cơ chạy đua vũ trang3

    Mỹ - Hàn khiến Đông Bắc Á đối mặt nguy cơ chạy đua vũ trang

    Giới chuyên gia nhận định, tầm bắn tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc được nâng lên 800 km có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới tại Đông Bắc Á.

Bài cùng chuyên mục