Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Trung Quốc tập tấn công phủ đầu căn cứ hải quân Mỹ?
- Cập nhật : 23/03/2017
Các bãi phóng thử tên lửa của Trung Quốc ở sa mạc Gobi được mô phỏng y hệt với cách bố trí của căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu cảng, Hawaii và Nhật Bản.
Đó là kết luận của ông Thomas Shugart, sĩ quan vũ khí tàu ngầm thuộc Hải quân Mỹ, trong một bài viết trên trang War on the rocks sau khi so sánh các hình ảnh vệ tinh từ Google Earth.
Ông Ralph Cossa, cựu sĩ quan cấp cao không quân Mỹ, cho rằng cách đây vài năm chỉ có những quan chức an ninh cao cấp mới có thể thấy rõ những hình ảnh như vậy.
Cụ thể, một góc nhỏ của bãi thử tên lửa được Trung Quốc mô phỏng giống với căn cứ hải quân Yokosuka (Nhật Bản), nơi đặt tổng hành dinh Hạm đội 7 của Mỹ.
Các mục tiêu trong bãi thử này được cho là mô tả các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ.
Thậm chí, nó còn có cả các mục tiêu mô phỏng tàu sân bay, máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không, kho nhiên liệu và đạn được, các nhà máy điện,… trong căn cứ không quân Kadena và Misawa.
Bên trái là tàu sân bay của Mỹ tại Yokosuka. Bên phải là mục tiêu mô phỏng tàu chiến Mỹ tại bãi tập phóng thử tên lửa của Trung Quốc - Ảnh: Google Earth
Cùng với việc phát triển các tên lửa hành trình thế hệ mới, trong đó có loại DF-21 được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”, Trung Quốc đang quyết tâm đẩy tầm phòng thủ càng xa nước này càng tốt.
Lực lượng pháo và tên lửa chiến lược (Nhị pháo) của Trung Quốc không ngừng được hiện đại hóa và tăng cường năng lực chiến đấu.
Điển hình như việc bất chấp Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang trong đợt cải tổ toàn diện và cắt giảm hơn 300.000 quân số, Nhị pháo vẫn được bổ sung thêm lực lượng dự bị cùng với không quân và hải quân.
Góc trái phía trên là so sánh kích thước giữa một tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ và mô hình mục tiêu của Trung Quốc. Bãi phóng thử tên lửa của Trung Quốc có tới vài mô hình như như vậy - Ảnh: Google Earth
Hồi năm 2012, chuyên gia Toshi Yoshihara thuộc Đại học hải chiến Mỹ đã từng cảnh báo Bắc Kinh đang cố gắng “hạ nốc ao” lực lượng hải quân Mỹ tại Tây Thái Bình Dương bằng lực lượng Nhị pháo.
“Chưa có căn cứ quân sự nào của Mỹ bị Trung Quốc thu thập hình ảnh nhiều như Yokosuka. Cuộc tấn công bất ngờ của phát xít Nhật vào Trân Châu cảng đến nay vẫn là một minh chứng cho việc không chuẩn bị trước. Tiếc thay, khả năng các căn cứ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có thể lại một lần nữa bị tổn thương như vậy vẫn ít được công luận chú ý hay tranh luận”, chuyên gia Toshi nhấn mạnh.
“Thời gian từ khi các cảm biến không gian cảnh báo tên lửa của Mỹ phát hiện một quả tên lửa được phóng đi và đánh giá được mối nguy hiểm của nó là từ 10 đến 15 phút”, ông Shugart viết.
Nếu điều đó xảy ra, các máy bay và tàu chiến của Mỹ ở Nhật Bản sẽ phải di tản trong vòng vài phút. Giới chuyên gia quân sự nhận định có rất ít khả năng một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ trong tương lai gần. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn về năng lực tên lửa của Trung Quốc và khoảng cách của các căn cứ quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, sĩ quan Shugart khẳng định người Mỹ sẽ không trở tay kịp khi Trung Quốc phóng tên lửa.
Đó là lý do vì sao khi Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, Trung Quốc đã kịch liệt phản đối.
ắc Kinh lo ngại các radar cực mạnh của hệ thống này sẽ khiến họ mất lợi thế trước Mỹ nếu bùng nổ chiến tranh giữa hai nước.
Một báo cáo hồi năm 2015 của Tổ chức nghiên cứu và phát triển (RAND) của Mỹ đã từng dự đoán đến cuối năm 2017, Trung Quốc sẽ có đủ tên lửa có thể ngăn chặn các máy bay chiến đấu của Mỹ tại căn cứ Kadena, Okinawa cất cánh trong vòng 43 ngày nếu có biến ở Đài Loan.
DF-21, loại tên lửa được mệnh danh là "sát thủ diệt tàu sân bay" do Trung Quốc tự phát triển - Ảnh: AFP
DUY LINH
theo tuoitre.vn