Tuyến đường hàng hải Biển Đông là huyết mạch kinh tế của Nhật Bản, do đó Nhật Bản là nước ngoài khu vực can dự mạnh mẽ nhất vào vấn đề Biển Đông, phối hợp chặt chẽ với Mỹ triển khai chiến lược kiềm chế Trung Quốc.
Ngày 22/3/2017, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản biên chế tàu sân bay trực thăng Kaga lớp Izumo. Ảnh: Japan Times
Ngày 22/3/2017, tàu sân bay trực thăng lớp Izumo thứ hai mang tên Kaga đã bắt đầu đi vào hoạt động, dự kiến bố trí cho cụm đội hộ vệ 4 ở cảng Kure, thành phố Kure, tỉnh Hiroshima, phía tây Nhật Bản.
Tàu Kaga có lượng giãn nước tiêu chuẩn là 19.500 tấn, dài 248 m, rộng 38 m, có thể đồng thời cất hạ cánh 5 máy bay trực thăng. Đây chính là tàu sân bay hạng nhẹ, có thể chở máy bay vận tải MV-22 Osrpey, khi được cải tạo có thể chở máy bay chiến đấu tàng hình F-35B.
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cho biết chi phí chế tạo tàu sân bay Kaga khoảng 120 tỷ yên.
Ở Nhật Bản, tàu sân bay trực thăng lớp Izumo hiện đã có 2 chiếc, được đặt tên lần lượt là tàu Izumo và Kaga. Sở dĩ Nhật Bản gọi tên loại tàu chiến này là tàu khu trục chở trực thăng, vì Hiến pháp Nhật Bản cấm Nhật Bản sở hữu các vũ khí mang tính tấn công.
Được biết, căn cứ triển khai tàu Kaga là cảng Kure – đây từng là cảng chính của tàu sân bay nổi tiếng Yamato của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong khi đó, căn cứ Yokosuka triển khai tàu Izumo lân cận Tokyo, cũng là căn cứ của tàu sân bay USS Ronald Reagan, Hạm đội 7 Mỹ.
Nhật Bản đã có 4 biên đội tàu sân bay trực thăng
Sau khi biên chế tàu sân bay trực thăng Kaga lớp Izumo, Nhật Bản đã có 4 biên đội tàu sân bay trực thăng: 2 tàu lớp Hyuga và 2 tàu lớp Izumo. Trong đó, nhiệm vụ chính của các tàu sân bay lớp Izumo là săn ngầm và điều động lực lượng đổ bộ, nhưng chúng là trung tâm của hạm đội tàu hộ vệ, có khả năng chỉ huy rất mạnh. Hơn nữa, chỉ cần tiến hành cải tiến, điều chỉnh đường băng là hoàn toàn có khả năng cất hạ cánh máy bay chiến đấu F-35.
Hiện nay, lực lượng cốt lõi của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tổng cộng có 4 cụm đội hộ vệ. Cụm đội hộ vệ số 1 có địa vị cao nhất, trang bị thường rất mới, thực hiện các hoạt động ngoại giao nhiều nhất, là bộ mặt của Lực lượng Phòng vệ; tàu sân bay trực thăng DDH-183 Izumo đã biên chế cho cụm này.
Dưới Cụm đội hộ vệ số 1 có Đội hộ vệ 1 và 5; bộ tư lệnh của Cụm đội hộ vệ và Đội hộ vệ 1 đều ở Yokosuka, bộ tư lệnh Đội hộ vệ 5 ở Sasebo. Trong đó Đội hộ vệ 1 gồm tàu sân bay trực thăng Izumo, 3 tàu hộ vệ; Đội hộ vệ 5 gồm 4 tàu khu trục. DDG-173 của Đội hộ vệ 5 là tàu Aegis.
Cụm Đội hộ vệ 2 gồm có Đội hộ vệ 2 và 6, bộ tư lệnh đều ở Sasebo. Cụm đội hộ vệ này được bố trí ở vùng biển giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc, trình độ huấn luyện rất cao. Cụm đội hộ vệ 2 là cụm đội hộ vệ duy nhất của Lực lượng Phòng vệ chưa trang bị tàu sân bay trực thăng.
Tàu DDH-144 Kurama của cụm này có sàn tàu cất hạ cánh trực thăng rất lớn. Ngoài ra, cụm này còn có 2 tàu Aegis là DDG-178 và DDG-174.
Cụm Đội hộ vệ 3 được bố trí ở vùng biển giữa Nhật Bản với Triều Tiên và Nga, gồm có Đội hộ vệ 3 và 7. Bộ tư lệnh của Đội hộ vệ 3 ở Ominato, Bộ tư lệnh của Đội hộ vệ 7 và Cụm hộ vệ 3 ở Maizuru. Ngoài tàu sân bay trực thăng DDH-181 Hyuga, cụm này còn có 2 tàu Aegis gồm DDG-177 và DDG-175.
Trong khi đó, Cụm đội hộ vệ 4 có bộ tư lệnh ở thành phố Kure, tỉnh Hiroshima, là lực lượng dự bị chiến lược của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, trang bị 2 tàu sân bay trực thăng – ngoài tàu sân bay trực thăng Kaga vừa biên chế, còn có tàu sân bay trực thăng DDH-182 Ise.
Hai tàu sân bay này đều biên chế cho Đội hộ vệ 4, vì vậy Đội hộ vệ này có 5 tàu chiến. Ngoài tàu sân bay, đội hộ vệ trong cụm hộ vệ của Nhật Bản đều có 4 tàu chiến.
Trong Cụm đội hộ vệ 4, đội hộ vệ 8 có bộ tư lệnh nằm ở Sasebo, có 1 tàu Aegis DDG-176. Vì vậy, từ quy mô và chiến đấu của trang bị tổng thể, Cụm đội hộ vệ 4 là bộ phận trung tâm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Nhìn vào trang bị phần cứng của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, một khi Nhật Bản có được đầy đủ máy bay chiến đấu F-35B và phân phối 1 tàu sân bay trực thăng của Cụm đội hộ vệ 4 cho Cụm đội hộ vệ 2, thì chỉ cần tiến hành cải tạo rất đơn giản đối với đường băng, Nhật Bản sẽ có thể sở hữu 4 cụm tàu sân bay hạng nhẹ trang bị máy bay chiến đấu hạng nặng tàng hình.
Đối phó Trung Quốc
Tàu sân bay trực thăng Kaga lớp Izumo có thể chở theo 14 máy bay trực thăng trở lên, trong đó có máy bay trực thăng săn ngầm. Theo tờ Liên hợp buổi sáng Singapore ngày 22/3, Nhật Bản chế tạo tàu sân bay này là do “cân nhắc tới tính năng của tàu ngầm Trung Quốc được cải thiện, ngày càng khó trinh sát, cần thiết phải tăng cường ứng phó”.
Đường băng tàu Kaga cũng có thể cất hạ cánh máy bay vận tải cánh xoay nghiêng Osprey mà Nhật Bản có ý định mua của Mỹ. Nó có thể đóng vai trò trung tâm tác chiến, bộ tư lệnh trên biển khi tiến hành phòng vệ đảo nhỏ và cứu nạn.
Hiện nay, giữa Nhật Bản và Trung Quốc xảy ra tranh chấp chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku ở phía tây nam Nhật Bản. Nhóm đảo này đang nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Nhật Bản, nhưng Trung Quốc ngày càng gia tăng hoạt động xâm nhập vào vùng biển nhóm đảo này, gây quan ngại đặc biệt cho Nhật Bản.
Tàu Kaga sẽ giúp cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tăng cường khả năng điều động lực lượng tầm xa, giống như tàu chị em của nó là Izumo.
Đây là tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, là tượng trưng cho việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thúc đẩy Lực lượng Phòng vệ phát huy vai trò lớn hơn trong cộng đồng quốc tế.
Gần đây, có tin cho biết, Nhật Bản có kế hoạch điều tàu sân bay trực thăng Izumo đến Biển Đông tiến hành tuần tra 3 tháng. Đây là hoạt động phô diễn sức mạnh quân sự trên biển lớn nhất của Nhật Bản ở nước ngoài trong 70 năm qua.
Theo lịch trình, tàu Izumo khởi hành vào tháng 5/2017, đi qua Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka, sẽ tham gia cuộc tập trận chung Malabar với Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ Dương vào tháng 7/2017, đến tháng 8 sẽ quay về Nhật Bản.
Lần này, Nhật Bản điều động tàu Izumo ra nước ngoài nhằm kiểm nghiệm năng lực tác chiến của con tàu này, đồng thời sẽ cùng với hải quân Mỹ tiến hành huấn luyện ở Biển Đông.
Việc biên chế tàu sân bay trực thăng Kaga có nghĩa là Nhật Bản có thể đóng vai trò thường xuyên hơn trong các hành động ở nước ngoài trong tương lai.
Trung Quốc nói gì?
Tại buổi lễ bàn giao tàu Kaga, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takayuki Kobayashi cho biết, tàu Kaga đã tăng cường khả năng điều động ở nước ngoài của Nhật Bản nhằm ứng phó với vai trò ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á.
Theo ông Takayuki Kobayashi, Trung Quốc tìm cách thông qua các hành vi như xây dựng đảo nhân tạo (phi pháp) để làm thay đổi hiện trạng khu vực Biển Đông, gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Ông cho biết: “Phải tăng cường khả năng phòng vệ tự chủ của nước ta (Nhật Bản). Vì vậy, sở hữu tàu Kaga rất quan trọng”.
Đối với vấn đề này, tại cuộc họp báo ngày 23/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh cho rằng, tàu Kaga từng bị quân đội Mỹ bắn chìm trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, phía Nhật cần rút ra bài học lịch sử. Trung Quốc hy vọng sự tái hiện của tàu Kaga không phải là khởi đầu cho sự sống lại của ý đồ quân phiệt chủ nghĩa ở Nhật Bản.
Sau đó, bà Hoa Xuân Oánh cho biết, Nhật Bản không thể đại diện cho cộng đồng quốc tế. Nhưng, vừa dứt lời, bà Oánh lập tức chuyển sang “đại diện” cho ASEAN, nói: Hiện nay, dưới sự nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, tình hình khu vực Biển Đông có xu thế ổn định, tốt lên, “Nhật Bản nếu muốn gây sóng gió, Trung Quốc và các nước xung quanh đều sẽ không đáp ứng”.
Bà Hoa Xuân Oánh chuyển sang chỉ trích Nhật Bản cho rằng, những năm gần đây, Nhật Bản không ngừng “bịa đặt, tuyên truyền mối đe dọa Trung Quốc”, tìm cách tạo cớ để mở rộng quân bị.
Tiếp tục “thay mặt” cộng đồng quốc tế, bà Oánh tuyên truyền, do nguyên nhân lịch sử, cộng đồng quốc tế nhất là các nước láng giềng châu Á luôn theo dõi chặt chẽ các động thái quân sự của Nhật Bản. “Chúng tôi có lý do giữ cảnh giác cao đối với các động thái và ý đồ thực sự của phía Nhật”.
Giống như tàu Izumo, tên của tàu Kaga cũng có nguồn gốc từ tàu chiến chủ lực xâm chiếm Trung Quốc của Nhật Bản trong thế kỷ trước.
Nhìn vào phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh có thể thấy, bà này nói Nhật Bản không thể đại diện cho cộng đồng quốc tế, nhưng chính bà Oánh luôn lấy Trung Quốc ra để “đại diện” cho cộng đồng quốc tế trong các vấn đề liên quan đến Nhật Bản. Trong khi đó, trong cộng đồng quốc tế chưa có nước nào phản ứng về việc này.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn